GS Nguyễn Sỹ Tế (1922-2005): Vấn đề giáo dục tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại

Ở trong nước trước kia, gia đình nào có con gửi ra học ở nước ngoài, cha mẹ thường có một mối lo âu dai dẳng. Lo âu vì những cạm bẫy của đời sống quá dư thừa, những quyền tự do rộng rãi, cảnh sống xa nhà dễ khiến cho con cái họ sinh ra chơi bời hư hỏng, không còn nghĩ tới con đường trở về quê hương nữa. Và thế là họ mất con. Sự việc này không nhiều, nhưng thường xuyên xảy ra mỗi dịp, nên đã trở thành một cái lệ.

Tại hải ngoại ngày nay, điển hình là Hoa Kỳ, các gia đình đi tị nạn chính trị, các gia đình vượt biên tìm tự do đương nhiên đem con cái của họ đi theo. Tuổi trẻ hải ngoại thường sống với gia đình, cha mẹ và anh chị em. Những cộng đồng dân tị nạn đã thành từ lâu, ở khắp nơi. Gia đình đối với tuổi trẻ hải ngoại trở thành một niềm vui, một nguồn hy vọng, một vọng gác ngăn ngừa sự đào thoát của những đứa con hư. Do đó, mối lo âu của cha mẹ vẫn còn, nhưng là một thứ lo âu khác. Lo âu con cái họ không đủ lý trí để giữ gìn cái gốc gác của ông cha, không vun đắp cái kiểu mẫu con người Việt Nam như gia đình hằng mong đợi. Cũng là một sự mất mát vậy! Làm thế nào để cho sự mất mát đó khó lòng xảy ra? Điều này cốt yếu là vai trò của giáo dục, một nền giáo dục đặc thù, phức tạp mà ta phải dành cho tuổi trẻ hải ngoại.

Giáo dục tự nó đã là một giá trị. Trong hệ thống các giá trị của một nền văn hóa dân tộc nào, người ta cũng đặt giáo dục ở một thứ vị cao trọng. Bởi lẽ giáo dục là một phương thức cần thiết và hiệu nghiệm để giảng giải, phát huy, bảo tồn và chấn hưng một nền văn hóa dân tộc nơi lớp trẻ ở học đường.

Liên hệ với văn hóa như trên, ta có thể nói rõ hơn về cảnh ngộ của tuổi trẻ hải ngoại, của lớp thanh thiếu niên nam nữ Việt đã ly hương theo cha mẹ và gia đình đi tị nạn chính trị và được định cư tại một quốc gia khác ngoài tổ quốc. Do đó mang dòng máu Việt ở trong người, lớp trẻ này đã rời bỏ nền văn hóa truyền thống của dân tộc mà gia nhập một nền văn hóa của nước đã dung thân họ, một nền văn hóa khác và mới mà chính họ cũng như cha mẹ họ vẫn còn tỏ ra bỡ ngỡ. Vấn đề giáo dục tuổi trẻ hải ngoại xoáy mạnh vào cuộc đổi thay văn hóa này. Biết rằng một số trường hợp đã gây những đổ vỡ đau thương cho một số gia đình di cư tị nạn.

1- Trước hết, có vấn đề hội nhập. Lấy Hoa Kỳ làm thí dụ, nơi có đông đảo người Việt tị nạn. Giáo dục cũng như văn hóa có cái triết lý riêng bao trùm một xã hội. Vậy muốn hội nhập cho thành công, người hội nhập phải am tường cái triết lý đó. Và, như một học giả Âu Châu đã nhận xét: “Để lý hội cho thấu đáo một học thuyết , điều kiện thứ nhất là phải đi vào học thuyết đó và điều kiện thứ hai là phải ra khỏi nó – Pour bien comprendre une doctrine, la première condition est d’y entrer et la seconde condition est d’en sortir.” Nói khác đi, lời xác nhận bao hàm một lời khuyên nhắc nhở đầu óc phê bình mà một nền giáo dục nào cũng nhằm gây dựng nơi học viên. Phải biết tránh sự mù quáng, sự đam mê, sự bốc đồng. Tình yêu đậm đà nhưng cần phải trong sáng.

Hoa Kỳ là một nơi “thiên đàng” về giáo dục các môn khoa học và kỹ thuật, không chịu đầu quân vào học hành ở đây là một thiệt thòi lớn.

Hoa Kỳ là một quốc gia tương đối trẻ, mới lập quốc được hơn hai trăm năm. Được hỏi về lịch sử triết học Mỹ, một số học giả ở đây đã ngay thẳng lắc đầu trả lời : “không có”. Nói rõ hơn là họ không có một công trình tư duy độc lập, lớn lao về triết học, không có một triết lý quán thông nào về vũ trụ và nhân sinh. Những trào lưu cũ, lẻ tẻ thường chỉ là du nhập từ cựu lục địa Âu Châu . Tuy nhiên, vẫn có một tư trào nồng cốt khá quan trọng là thuyết thực dụng (pragmatism) được dân tộc Mỹ viên mãn vào hồi cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, đến nay đã được thi triển rộng rãi trên toàn quốc và gặt hái được nhiều thành công, khiến người ta có thể gọi Hoa Kỳ là quê hương của chủ nghĩa thực dụng.

Ta có thể tóm tắt chủ trương thực dụng vào hai giáo điều cơ bản: thứ nhất, một tư tưởng khoa học, thứ hai, một nếp sinh hoạt dân chủ. Hệ luận của nó là: tự do (liberté), dân chủ (démocratie), cá nhân (individual), quân bình (balanced)…Những điều đại cương vừa kể, trên phương diện tổng quát mang quy tắc tính, đều là những quy tắc tốt lành không ai phủ nhận. Nhưng rồi thuyết thực dụng cũng có nhiều điều bất thuận hợp (tiếng Anh: inadequacies) đưa đến những khủng hoảng xã hội và những tội phạm – điều mà các lý thuyết gia thực dụng cũng phải lên án, chẳng hạn J.L.Childs: We are convicted that pragmatism negates its own basic principles whenever it takes the form of a completed, closed system and that it will fail to enjoy the support it deserves if it refuses to take account of demonstrated inadequacies in its own patterns of thought and education – chúng tôi tin chắc rằng triết lý thực dụng sẽ phủ nhận ngay chính những nguyên tắc căn bản của nó mỗi khi nó mang hình thức của một hệ thống đầy đủ và đóng kín và rằng nó sẽ không còn được hưởng sự ủng hộ của người đời mà nó đã xứng đáng được hưởng, nếu nó khước từ không đếm xỉa tới những bất thuận hợp nằm ngay trong những tiêu chuẩn của nó về tư duy và giáo dục.”

Vài thí dụ về những bất thuận hợp vừa nhắc tới: coi nhẹ giá trị gia đình; coi thường những giá trị học đường, đề cao quá đáng giá trị của khoa học thực nghiệm tới mức có người nói tới một thứ chủ nghĩa khoa học (scientist); giáo dục là thúc đẩy học viên trau dồi các khả năng khéo léo của họ và quảng bá cho chung quanh những kỹ năng đó bằng cách sử dụng chúng. Điều ghi nhận cuối cùng trên đây cũng là quan niệm về cái “tri-savoir” của người thực dụng: “Biết là biết làm, biết cách sử dụng – savoir c’est savoir faire, savoir s’en servir.” Một cái tri độc nhất, gạt bỏ những giá trị nhân bản, gạt bỏ vai trò thiết yếu của những khoa học nhân văn (sciences humaines, morales)! Xác nhận là phê bình rồi!

Về đường xã hội, nước Mỹ đang làm một thí nghiệm văn hóa táo bạo, dài lâu, vô song trên trường quốc tế: kết nạp rất nhiều sắc dân vào trong quốc dân của mình để hướng tới một nền đa-văn-hóa (polyculture). Đây cũng là một thứ tự do ít tính toán, thiếu kế hoạch thi hành và kiểm soát để đưa tới chỗ bị lạm dụng và thành ra có hại!

2- Sau nữa có vấn đề gây dựng và bảo tồn bản sắc dân tộc. Bản sắc đó là gì? Ta hãy tìm ở những công trình văn hóa rực rỡ của một nền văn hóa đa dạng của dân tộc. Đứng đầu các giá trị siêu việt đó là ngôn ngữ và văn chương bằng tiếng mẹ đẻ. Đây cũng là bằng chứng của cái thiên tài sáng tạo ngôn ngữ của dân tộc. Và trải qua hơn một ngàn năm, ngôn ngữ đó đã giúp sản sinh ra rất nhiều tác phẩm văn chương kiệt tác, đủ thể loại thi ca, tiểu thuyết, sân khấu… Đỉnh cao của dòng văn học đó là những ngâm khúc, tiểu thuyết bằng thơ: Cung oán, Chinh phụ, Hoa tiên, Đoạn trường tân thanh, Bích câu kỳ ngộ hồi hậu bán thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19. Và còn nhiều kho tàng văn học khác. Một niềm vui cao cả cho cả một dân tộc đọc. Vả chăng, cứ nói là người Việt Nam mà không nói được tiếng Việt Nam thì đã là một điều đáng chê trách nếu không nói là một điều hổ nhục.

Có một ngôn ngữ phong phú là có một phương tiện sắc bén để tương thông với mọi người Việt Nam, có một chiếc chìa khóa hữu hiệu để ta đi vào các môn học khác của dân Việt Nam. Cũng chẳng cần phải đi đâu xa. Tài liệu về các môn Việt học bằng tiếng Việt không thiếu, trái lại còn đầy ắp những thư viện của người Việt ở Mỹ, và cả một phần của nhiều thư viện người Mỹ.

Điều kiện mở đầu – điều kiện ngôn ngữ – đã hội đủ, ta có thể kiểm điểm các khía cạnh khác của văn hóa và giáo dục. Bắt đầu bằng tư duy. Về triết học, ta thuộc hệ thống Đông phương là triết học suy ngẫm (philosophie contemplative) ngược lại với triết học Tây phương là triết học thuần luận (philosophie spéculative). Những tư trào lớn đóng góp vào tư duy Việt Nam cho đến nay vẫn còn ảnh hưởng và dấu vết là Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo, gọi chung là tam giáo Đông phương. Điều đáng nói hơn nữa là cái tinh thần tư duy của dân tộc ta: một mặt, ta sẵn sàng mở cửa cho du nhập những tư trào từ ngoài tới; mặt khác, ta lại biết đem những tư trào ngoại lai đó đồng hóa với tư tưởng sẵn có để tránh không cho ngoại nhân đồng hóa mình mà ngược lại để mình đồng hóa cái phần du nhập từ ngoại nhân. Kết quả xa hơn nữa là ta có cái ý chí và nghị lực để chống lại kẻ xâm lăng nước ta bất luận từ đâu tới, chẳng chóng thì chầy.

Về cá tính của dân tộc, xin ghi đôi ba nét căn bản:
– Người Việt Nam có một đời sống nội tâm rất phong phú với nhãn quan hướng vào bên trong nhiều hơn là bên ngoài. Nói khác đi, đó là thái độ trốn tránh ngoại giới khắc nghiệt để ẩn náu vào nội tâm êm đềm xoa dịu.
– Người việt Nam có một bản chất giàu tình cảm, xử sự bằng tình trước khi bằng lý. Trong mối quan hệ giữa người và người nếu đẹp về tình thì quan hệ đó sẽ phát huy thành nghĩa – thứ bổn phận thiêng liêng – và mãi mãi trường tồn.
– Người Việt Nam có đầu óc dung nạp và tổng hợp tài tình, cực kỳ uyển chuyển phá tan cái thế cách biệt giữa những cực đoan đối nghịch trong vũ trụ và nhân sinh: âm và dương, thành và bại, sống và chết… Một bằng chứng đã được kể ra trên kia khi nói về tư duy của dân tộc vừa mở ra vừa rào lại. Tương tự như thế, nhiều thái độ và hành xử của người Việt mang luôn một lúc hai tính chất đối chọi, chẳng hạn: thực tế đến chi ly, trắng trợn đồng thời mơ màng đến đắm say lãng mạn, gắn bó với hiện tại mà vẫn thiết tha với quá khứ và hướng vọng tới tương lai.

Nền văn hóa của bất luận một dân tộc nào cũng đều có cái hay pha trộn với cái dở, cái tốt lẫn với cái xấu. Nền văn hóa cũ của ta cũng thế, có cái sở trường và điều sở đoản. Đây cốt yếu là một vấn đề tu thân và nhận thức cá nhân. Hồi tiền bán thế kỷ trước – thế kỷ 20 – nhà văn kiêm nhà báo Nguyễn văn Vĩnh có ghi nhận một số những tật xấu của người Việt trong cuốn sách có nhan đề là “Xét tật mình”, chẳng hạn tật xấu gì cũng cười, tật xấu chê bai trước công việc của người khác trước khi công việc đó khởi sự hay hoàn thành.

3- Tước bỏ cái xấu, giữ lại cái đẹp của mỗi nền văn hóa Mỹ, Việt như vừa nhìn đại cương trên đây. Đối chiếu và phê phán kỹ càng hơn nữa hai phần giữ lại, xem có thể tổng hợp được không, nếu có thì tổng hợp tới mức nào và như thế nào: trong nhiều trường hợp và khía cạnh, sự gắn bó, sự tương liên giữa hai nền giáo dục khó có. Cái mà người Việt cho là đẹp, người Mỹ lại coi thường; Cái mà người Mỹ coi là xấu, người Việt có thể lại coi là tốt. Thí dụ: uy quyền của cha mẹ đối với con cái trong gia đình cũng như uy quyền của thầy giáo đối với học sinh trong học đường, trong khi bên này coi trọng thì bên kia lại coi khinh mà dẹp bỏ. Nếu có xung đột giá trị từ hai phía, thuyết bù trừ hay quân bình có thể đem ra để sử dụng. Chuyện này có thể tùy cơ ứng biến. Riêng luật pháp của đất dung thân là có tính cách trói buộc đối với mọi người, người chính quốc cũng như người tị nạn.

Bên lề một hội nghị giáo dục ở đây, một sinh viên dự thính có hỏi tôi “giá trị Việt Nam là những giá trị gì?”. Tôi đã trả lời một cách gián tiếp: “ Hãy yêu người Việt Nam bắt đầu từ cha mẹ, hãy chia sẻ những vui buồn cùng mọi người, hãy tham gia những sinh hoạt thiện nguyện với cộng đồng. Về lâu về dài, ta sẽ hiểu mọi người rõ ràng, ta sẽ khám phá ra những người những việc mà đa số trong cộng đồng yêu mến, vì nể, khâm phục thì người đó, sự việc kia là những giá trị Việt Nam.” Chẳng hạn: sự phẫn nộ của công chúng đối với một người nạt nộ một đứa bé con; cảnh rơi lệ của đám đông trước sự việc một người xót thương cúi xuống cứu giúp một người lỡ độ đường…

Vấn đề văn hóa là một vấn đề về giá trị. Giáo dục là một sự chọn lựa giá trị để quảng bá cho tuổi trẻ. Trong cái vị thế là tuổi trẻ hải ngoại, hiểu theo nghĩa là tuổi trẻ tha hương vì biến động lịch sử, người Việt phải tu thân, tập luyện nói năng và hành xử sao cho vừa tuân thủ luật pháp địa phương vừa giữ được cái gốc gác dân tộc của mình. Hãy giữ mãi một trái tim Việt, một tâm hồn Việt và một phong cách sống Việt. Đó cũng là một phương giáo dục tự thân vậy!

Bài ngẫu nhiên

Bài mới