Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the complianz-gdpr domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/hoadamne/bodhimedia.org/wp-includes/functions.php on line 6114
Uyên Nguyên: Phạm Duy, về đâu cuối Con Đường Cái Quan… • Bodhi Media

Uyên Nguyên: Phạm Duy, về đâu cuối Con Đường Cái Quan…

Phạm Duy (1921 – 2013), tên tuổi lẫy lừng trong nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20, không chỉ để lại dấu ấn với hàng nghìn ca khúc mang đậm âm hưởng dân tộc, mà còn khiến biết bao thế hệ người Việt phải suy ngẫm về nhân cách, tâm tư và hành trình đầy thăng trầm của ông. Cuộc đời Phạm Duy là một trường ca mang âm hưởng của sự tự do, của khát khao được sống trọn vẹn với chính mình và với nghệ thuật. Nhân cách của ông, như một bản hòa âm phức tạp, chồng chất giữa thiên tài sáng tạo, lý tưởng cá nhân và những biến động khôn lường của thời đại.

Phạm Duy yêu âm nhạc như hơi thở và cũng chính âm nhạc là nơi trú ẩn bình yên nhất cho ông giữa bao điều đổi thay. Trong từng lời ca, nốt nhạc, Ông đã lặng lẽ ghi lại những khúc tình ca của quê hương, của nỗi buồn dân tộc và cả niềm đau thân phận con người. Ở Phạm Duy, ta thấy được sự thăng hoa của một tâm hồn nghệ sĩ không ngừng sáng tạo. Ông bước đi trên con đường của riêng mình, đôi lúc lạc lối giữa biển khơi chính trị, xã hội, nhưng âm nhạc của ông vẫn vang lên, vượt lên trên tất cả những tranh cãi và chỉ trích. Bởi lẽ, trong sâu thẳm, Phạm Duy là một người yêu tự do – tự do trong tư tưởng, tự do trong nghệ thuật và tự do trong cách ông định hình cuộc đời mình.

Cuộc đời đó không chỉ là những nốt nhạc trầm bổng, mà còn là những vết sẹo của thời gian, của những lựa chọn lắm khi gây nên sóng gió. Ông đã từng là người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng rồi ông rời bỏ hàng ngũ ấy, chọn đi một con đường khác với mục đích và lý tưởng riêng. Nhiều người đã chỉ trích ông vì sự thay đổi đó, xem ông như kẻ đãi bôi, nhưng phải chăng đó chỉ là cái giá mà người nghệ sĩ phải trả khi quyết định sống theo tiếng gọi của trái tim? Dù thế nào, không ai có thể phủ nhận rằng ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật, cho âm nhạc dân tộc.

Phạm Duy trở về Việt Nam sau nhiều năm lưu vong, khi mái tóc đã pha màu thời gian và cũng là lúc ông đối mặt với những phán xét gắt gay từ cả hai phía. Người ta trách ông vì đã rời bỏ đất nước trong thời khắc khó khăn, nhưng cũng không ít người thông cảm với nỗi niềm của một người con xa xứ, khao khát trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Đó là một cuộc hành trình hiện sinh đầy mâu thuẫn, nhưng cũng rất đỗi nhân văn. Như những nốt nhạc khi thì lặng thầm, khi thì dữ dội trong các sáng tác, cuộc đời Phạm Duy cũng là một sự phản chiếu của những biến động trong lòng dân tộc Việt Nam, của những tâm tư, và niềm đau.

Nhưng vượt lên trên tất cả, Phạm Duy luôn là một người yêu gia đình. Ông từng nói, chính gia đình là nguồn cảm hứng lớn nhất của cuộc đời ông. Người vợ Thái Hằng – người bạn đời, người đồng nghiệp – đã đồng hành cùng ông suốt nhiều năm tháng. Và các con, mỗi người đều tiếp nối con đường nghệ thuật của ông, với niềm đam mê và tài năng thừa hưởng từ cha. Dù cuộc đời ông có đôi lần bị nhuốm màu sóng gió vì những mối tình đào hoa, nhưng tình cảm gia đình vẫn là sợi dây kết nối không thể tách rời, là nơi ông trở về sau những biến cố.

Phạm Duy là một nhân cách nghệ sĩ tự do, một người mang trong mình nỗi khắc khoải của quê hương và khao khát được sống đúng với bản chất của mình. Có lẽ, với ông, không gì quan trọng hơn việc tìm thấy sự hòa hợp giữa con người và âm nhạc, giữa cá nhân và xã hội, giữa nghệ thuật và đời sống. Ông không chỉ sáng tác cho mình, mà còn sáng tác cho cả một dân tộc, một quê hương đã trải qua bao thăng trầm sử lịch.

Phạm Duy đã ra đi, nhưng âm nhạc của ông vẫn còn ở lại, vang vọng mãi trong tâm hồn người Việt. Những ca khúc của ông không chỉ là những bài hát, mà còn là những lời tâm sự, những nhắn nhủ với thế hệ mai sau về tình yêu quê hương, tình yêu con người và lòng khao khát tự do. Ông là một nghệ sĩ sống trọn vẹn với chính mình, không để bất cứ điều gì bó buộc sự sáng tạo của mình. Và có lẽ, chính điều đó đã tạo nên nhân cách Phạm Duy – một nhân cách lớn lao, dạt dào như chính những nốt nhạc ông để lại cho đời.

Nhưng rồi, sau hết, sẽ có những khoảnh khắc trong đời, khi mọi tiếng động trần thế dường như lùi xa, nhường chỗ cho một không gian thanh khiết, nơi những giai điệu vang lên như lời nguyện cầu, nhẹ nhàng lan tỏa và len lỏi vào sâu thẳm tâm hồn. Đó là những giây phút mà âm nhạc Phạm Duy không chỉ là nghệ thuật, mà trở thành cửa ngõ dẫn lối con người bước vào cõi huyền dịu tâm linh. Phạm Duy, một người nhạc sĩ với tài năng hiếm có, đã dùng âm nhạc để khắc họa không gian thiêng liêng đó qua những bản Đạo Ca, Thiền Ca nơi mà tiếng hát không chỉ là lời ca mà là cả một thế giới triết lý, nhân văn và từ bi.

Phạm Duy không phải là người sinh ra từ dòng nhạc Phật giáo, nhưng chính sự tự do trong tư duy và tâm hồn của ông đã cho phép ông sáng tạo ra một dòng nhạc Đạo riêng biệt, một dòng chảy tinh khiết từ nội tâm, mang đậm triết lý Phật học nhưng vẫn gần gũi với nhân thế. Từ đó, mỗi bài Đạo Ca như một nốt nhạc của thiên nhiên, một hơi thở của sự sống, một lời khẳng định về tình thương và lòng bao dung giữa cõi đời phù du.

Chuỗi Đạo Ca và Thiền Ca mang trong nó những thông điệp về hành trình tu tập. Hình ảnh con đường trong Phật giáo thường tượng trưng cho sự tìm kiếm giác ngộ và Phạm Duy đã biến hành trình này thành một cuộc du hành vô tận, không có điểm đến. Không phải vì người đi không tìm thấy đích đến, mà bởi chân lý chính trên hành trình ấy. Tiếng hát như những bước chân nhẹ nhàng trên cát, mỗi nốt nhạc tựa như cơn gió thoảng qua, đánh thức trong lòng người nghe ý niệm về sự vô thường.

Phạm Duy không đi theo con đường nhạc Đạo truyền thống như các nhạc sĩ khác chuyên về dòng nhạc Phật giáo. Trong khi các họ thường bám sát vào các kinh điển và nghi lễ, thì Phạm Duy lại tiếp cận từ một góc nhìn rất cá nhân và sáng tạo. Âm nhạc của ông không bị ràng buộc bởi các khuôn khổ tôn giáo, mà mở rộng thành một không gian tâm linh riêng, nơi triết lý Phật giáo gặp gỡ với những cảm xúc đời thường.

Nếu như những tác phẩm Phật giáo truyền thống thường mang tính chất tĩnh lặng, lễ nghi, thì Đạo và Thiền Ca của Phạm Duy lại sống động, đầy cảm xúc, khiến người nghe cảm giác được gần gũi hơn với cõi Đạo, nhưng đồng thời cũng rất tinh tế và sâu sắc.

Từng giai điệu trong Đạo Ca và Thiền Ca của Phạm Duy tựa như cánh chim trời bay lượn giữa khoảng không vô tận, nơi mà mỗi nhịp phách, lời ca đều hòa quyện với vũ trụ, với đất trời, với tiếng thì thầm của cõi không hình tướng. Khi khép lại hành trình lắng nghe từng bản nhạc, ta không chỉ cảm nhận được âm thanh vang lên trong đôi tai, mà còn như thấy trái tim mình nhẹ nhàng ngân lên, nhịp nhàng với hơi thở của Đạo.

Từng lời ca của Phạm Duy như khúc gió từ đỉnh núi xa xăm, vắt ngang qua những cánh rừng thăm thẳm để đưa ta vào một thế giới vừa lạ, vừa quen – nơi mà những triết lý về nhân quả, vô ngã và từ bi không còn chỉ là những khái niệm trừu tượng, mà đã thấm đẫm trong từng lời hát, âm sắc. Đạo không còn là điều xa vời ở nơi cao ngất, mà chính là từng khoảnh khắc ta sống, ánh mắt, nụ cười, phút giây hiểu rõ đời sống và chính mình.

Nhạc Phạm Duy trong Đạo Ca không chỉ là khúc ca tâm linh, mà còn là lời thủ thỉ của vạn vật, lời gọi mời của thiên nhiên. Từng nốt nhạc như giọt sương rơi đọng trên cánh lá, tự nhiên mà lung linh trong ánh sáng sương mai. Mỗi giai điệu như khơi dậy một cảm giác bình an lạ kỳ, đưa tâm hồn lơ lửng giữa không gian bao la, giữa sự mênh mông của vũ trụ. Đạo không chỉ hiện diện trong lời kinh, mà còn trong tiếng sóng biển vỗ bờ, trong hơi thở của đất mẹ, trong từng nhịp đập của sự sống.

Có lẽ, điều kỳ diệu nhất trong âm nhạc của Phạm Duy là cách ông dẫn dắt người nghe đến một trạng thái phiêu hốt bồng bềnh, nơi những điều khổ đau của đời thường dường như tan biến. Trong cái siêu nhiên của Đạo và Thiền Ca, mọi sự hiện hữu trở nên nhẹ nhàng hư ảo như mây bay. Nhạc của Phạm Duy là tiếng vọng của cõi tâm, tiếng gọi của sự thoát ra, một hành trình dài không điểm đến, mà chính hành trình ấy mới là điều thực sự đáng giá.

Những bản Đạo Ca hay Thiền Ca này là tài sản của âm nhạc Việt Nam mà còn là những di sản tinh thần để lại cho hậu thế, như dòng suối mát lành, chảy mãi không ngừng và tưới tắm cho tâm hồn những ai đang kiếm tìm sự thanh thản, giác ngộ. Nơi đó, âm nhạc không còn là sự phô diễn tài năng, mà trở thành tiếng nói của sự đồng cảm, của vô lượng từ bi.

Âm nhạc của Phạm Duy đã làm được điều mà ít ai có thể: chạm vào những góc khuất sâu thẳm nhất của trái tim, gợi lên những suy tư triết lý về sự sống, cái chết và trên hết là về sự giải thoát khỏi những ràng buộc của kiếp nhân sinh.

Trong cái khắc khoải của nhạc, ta nghe thấy hơi thở của đất trời, và khi giai điệu cuối cùng lặng lẽ tan trong hư không, là lúc ta như được đánh thức, nhận ra rằng sự sống này dù ngắn ngủi và phù du, lại mang trong nó biết bao vẻ đẹp và tiềm năng để tìm đến bình yên.

Âm nhạc của Phạm Duy – những bản Đạo Ca và Thiền Ca – không chỉ là những khúc ca về Đạo, mà là những tấm gương phản chiếu bản chất của cuộc đời, là con đường mời gọi chúng ta trở về.

Về đâu?

Tưởng niệm Phạm Duy, chúng ta không cần phải tôn vinh hay khắc ghi thêm những gì đã quá hiển nhiên trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của ông. Điều đó dường như không cần thiết, bởi âm nhạc của Phạm Duy từ lâu đã tự nói lên điều đó, như những cánh chim bay qua trời, để lại dấu ấn vĩnh cửu trong lòng người thưởng thức. Nhưng giữa những bản nhạc tình đầy sâu lắng, những giai điệu dân ca mượt mà, vẫn còn một góc nhỏ mà có lẽ chưa nhiều người đã lắng nghe đủ sâu — đó chính là những bản Đạo Ca, Thiền Ca vừa nhắc trên, nơi những trải lòng của một hành giả vừa mới chạm đến ngưỡng cửa của quê nhà tâm linh.

Không phải là một người nhạc sĩ thuần Phật giáo, nhưng Phạm Duy trong Đạo Ca đã bày tỏ những nỗi niềm, khát vọng tìm kiếm chân lý và sự giải thoát của mình. Những khúc ca không mang màu sắc của sự tôn sùng, mà là những lời thì thầm của một tâm hồn đang khao khát sự bình yên. Trong đó, ta nghe thấy tiếng vọng của một hành trình, không phải hành trình của sự hoàn tất, mà là hành trình vừa chạm đến cánh cửa của cõi Đạo – một sự tiếp xúc mong manh nhưng đủ để cảm nhận được hơi thở của sự thật, của lòng từ dung.

Bay vào thế giới Đạo Ca hoặc Thiền Ca Phạm Duy, để nghe ra những nhịp điệu, những giấc mơ của hành trình trở về nhà, nơi mà tâm hồn có thể ngừng lại, lắng đọng và tìm thấy sự bình yên giữa những cơn sóng đời xô đẩy. Mỗi bài ca là một bước chân chậm rãi, nhưng kiên định đưa mình đến gần hơn với niềm ước mơ, về lại với với cội nguồn sâu thẳm bên trong.

Bấy giờ, Phạm Duy không dạy đời, không giảng giải đạo lý, mà chỉ đơn giản là cất lên tiếng hát từ trái tim mình, để ai nghe thì nghe, ai hiểu thì hiểu. Đạo Ca trước đây, Thiền Ca sau này, trong âm hưởng của nó, không cần sự phô trương và tôn vinh, mà chỉ cần được lắng nghe với tâm hồn rộng mở – như một hành giả vừa mới tìm thấy ánh sáng đầu tiên của quê nhà tâm linh.

Trong cuộc đời nhiều thăng trầm giằng sốc của Phạm Duy, từ góc nhìn vật lý, dẫu cho chuyến trở về quê nhà năm xưa ít nhiều đã gây nên sự ồn ào, làm xao động không chỉ lòng người hâm mộ, những ai từng thương ông, từng yêu nhạc ông. Nhưng Phạm Duy không phải là người của sự dễ dàng bị chinh phục bởi ngoại cảnh, bởi các hệ tư tưởng chính trị. Ông trở về không phải vì một lý do nào ngoài, việc hòa giải với chính bản thân mình, sau hành trình dài mải miết tìm kiếm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và cảm thông được sự trở về ấy, dù đó không phải là cuộc hòa giải với một chế độ hay một ý thức hệ nào, mà là cuộc đối thoại thầm lặng và sâu sắc nhất giữa một người nghệ sĩ với chính nội tâm của mình. Sau bao nhiêu năm phiêu bạt, sau bao nhiêu cung bậc của đời sống và âm nhạc, Phạm Duy trở về như một hành giả đang tìm thấy lại “ngôi nhà” của chính mình – không phải là quê hương địa lý, mà là quê nhà của tâm hồn, nơi mà ông có thể dừng lại, lắng nghe và giải thoát khỏi những áp lực và mâu thuẫn bên trong.

Từ Đạo Ca đến Thiền Ca trong ý nghĩa này, hiện lên như những dòng nhật ký tâm linh, nơi Phạm Duy gửi gắm không chỉ là sự chiêm nghiệm về Đạo, mà còn là những khắc khoải, những tâm tư sâu kín của ông trong hành trình hòa giải với chính mình. Những bài ca ấy không phải là tiếng nói của một kẻ chiến thắng hay người thất bại, mà là của một lữ khách đã vượt qua biết bao sương gió và tìm thấy sự bình yên nội tại. Những giai điệu vang lên, nhẹ nhàng và thanh thoát, mang theo cả những điều khó nói, những nỗi niềm chưa kịp và không thể giãi bày.

Phải chăng, đó chính là khoảnh khắc Phạm Duy đã thực sự “về nhà” — một sự trở về không cần sự tôn vinh, không cần tiếng hò reo, mà chỉ là cuộc hòa giải lặng lẽ với chính bản thân ông, để rồi từ đó, từng giai điệu trong Đạo Ca và Thiền Ca mãi ngân vang như tiếng vọng của sự thanh thản tìm về sau một cuộc hành trình dài đủ để mệt nhoài và thấm thía trọn vẹn kiếp nhân sinh.

Và có lẽ, đó cũng chính là câu trả lời cho những tra vấn tại sao, ngày ngày vẫn có những người Việt về thăm hoặc quyết định quay trở về quê nhà, lặng thầm hay huyên náo. Đó không phải là sự trở về để phục vụ một chế độ chính trị nhất thời, mà đơn thuần chỉ là một hành trình của con người vượt lên mọi hàm ý, mọi ràng buộc bên ngoài, để tìm lại sự hòa giải với chính mình. Quê hương, dù đã qua bao biến đổi, vẫn là cái toàn thể, vĩnh cửu, đối với những ai từng sống trong niềm khắc khoải của những ngày tháng lưu vong.

Trong hành trình trở về ấy, âm nhạc của Phạm Duy không còn là những giai điệu thoảng qua, mà là lời thủ thỉ của lòng người, lời gọi mời của cội nguồn sâu thẳm, nơi mỗi nhịp đàn, mỗi ca từ đều chất chứa tình thương và lòng từ bi. Quê hương, cuối cùng, chính là nơi ta thực sự thuộc về, nơi không chỉ là địa lý mà còn là mái ấm của tâm hồn, nơi con người tìm thấy sự bình yên, sau tất cả những biến động của cuộc đời.

“Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi.

Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
Việt Nam đây miền xinh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời

Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời

Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời”*

Chốn Bụi, Yuma ngày 5 tháng Mười, 2024.
UYÊN NGUYÊN

_________________

* Ca khúc “Việt Nam, Việt Nam” của Phạm Duy

Bài ngẫu nhiên

Bài mới