Thái Hạo: Mâm cơm người Việt…

Quan sát, thấy ngày càng đầy. Đầy ụ, đầy tràn. Đó không phải chỉ là mâm cơm ngày tết. Nay ở nông thôn, không cần những gia đình khá giả, mà chỉ “thường thường bậc trung”, thậm chí có phần vất vả nhưng những bữa ăn vẫn thường ê hề. Nhiều món thịt cá kho xào hầm luộc. Hình ảnh ấy có phần bất thường. Nhà có khoảng 4 – 5 người mà sau mỗi bữa ăn, rửa nồi niêu chén bát như nhà có đám!

Dọn cơm, mỗi món chỉ ăn một ít, hoặc có món không đụng tới, lại trút vào nồi hoặc bỏ tủ lạnh. Cái chuyện nấu nướng, ăn uống mang một cảm giác bề bộn, vất vả, ê hề trong một không khí không mấy sung sướng của việc thưởng thức bữa ăn. Nhà có khách thì lại càng rườm rà và thừa mứa hơn nữa.

Tại sao không ăn uống đơn giản, tinh tế và nhẹ nhàng hơn? Những ám ảnh và mặc cảm của quá khứ đói khổ đã sinh ra lối ứng xử này chăng? “Đói con mắt”, “thừa hơn thiếu”, “tiếc gì thì tiếc, ăn không tiếc”, “làm để ăn chứ để làm gì” v.v.. Thế là trên mâm đã có thịt kho lại thêm thịt hầm, thịt xào; rồi cá mặn, đồ nhắm… Một mâm như mâm cỗ, chỉ toàn thịt với cá.

Nhìn cách ăn của phương Tây, mỗi người một đĩa với miếng thịt nhỏ cùng dao và nĩa, chút súp, bánh mì. Họ ăn uống vui vẻ, ngon miệng. Và ăn hết phần thức ăn của mình một cách rất gọn gàng. Mọi thứ thật đơn giản, dễ chịu. Không thể và có thể không nên đòi hỏi món ăn và phong cách kiểu Tây đối với người Việt, nhưng một sự giản tiện, nhẹ nhàng và không lãng phí thì có lẽ cần được đặt thành tiêu chuẩn.

Chúng ta lẵng phí rất nhiều về cả thực phẩm lẫn thời gian, mà rốt lại vẫn ít khi có được những bữa ăn ngon miệng. Rất nhiều tiếng thở dài trong lúc ăn.

Sự hưởng thụ cũng cần phải học. Gia đình có khách hoặc không có khách, chỉ cần vài món, nhẹ nhàng mà ngon, có thời gian để ngồi thảnh thơi, vừa ăn uống vừa trò chuyện. Nhìn cái cảnh cả nhà tất bật chợ búa, lúi húi nấu nướng, uể oải dọn dẹp, khệ nệ bưng ra lại khệ nệ bưng vào, mà thời gian hàn huyên chuyện trò gần như chẳng có, thấy thật mệt mỏi và vô lý…

Thái Hạo

Bài ngẫu nhiên

Bài mới