Nguyễn Hưng Quốc: Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai | Kỳ 1. Lời Nói Đầu

Lời nói đầu

Viết cuốn sách này, tôi nhắm đến hai đối tượng chính: Một, những người hiện đang giảng dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai hoặc một ngoại ngữ ở hải ngoại và ở Việt Nam – nơi càng ngày càng có khá nhiều người ngoại quốc đến học tiếng Việt. Hai, các bậc phụ huynh, những người có con em đang học tiếng Việt ở hải ngoại. Lý do: Tôi tin là, việc dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở hải ngoại chỉ thực sự thành công nếu có sự hiểu biết và đồng cảm của phụ huynh, từ đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa họ và giáo viên. Đó là chưa kể có rất nhiều phụ huynh đang đóng vai giáo viên khi tự dạy tiếng Việt cho con cái ở nhà.

Ở trên, tôi có nhắc đến khái niệm ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ. Đối với giới nghiên cứu, hai khái niệm này khác nhau: Ngôn ngữ thứ hai (second language) là ngôn ngữ được dạy ngay trong môi trường ngôn ngữ ấy được sử dụng để học sinh, bước ra khỏi lớp, vẫn có thật nhiều cơ hội nghe, thấy và vận dụng những gì mình đã học. Ngoại ngữ (foreign language), ngược lại, là ngôn ngữ được giảng dạy ở một xứ sở có văn hoá khác, với một ngôn ngữ khác, nơi học sinh ít có cơ hội tiếp xúc và thực hành. Ví dụ, tiếng Anh, ở Việt Nam, với người Việt Nam, là một ngoại ngữ; nhưng ở Úc hoặc Anh, Mỹ, Canada, với người di dân – trong đó có người Việt Nam, ngược lại, là ngôn ngữ thứ hai.[1]

Riêng với trẻ em Việt Nam ở hải ngoại, tiếng Việt không hẳn là ngôn ngữ thứ nhất nhưng lại cũng không hẳn là ngôn ngữ thứ hai hay ngoại ngữ. Hầu hết các em học tiếng Việt và tiếng Anh (hay một thứ tiếng nào khác nơi các em sinh ra) cùng lúc. Mới ra đời, phần lớn các em được bố mẹ hoặc ông bà dạy tiếng Việt, nhưng hầu như cùng một lúc, các em lại nghe trên tivi, radio, ở nhà trẻ hoặc ngoài xã hội, một ngôn ngữ khác, cái ngôn ngữ chính thức và chính thống của cả xã hội. Các em, với những mức độ khác nhau, là những người song ngữ (bilingual).

Phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một song ngữ, một ngôn ngữ thứ hai và một ngoại ngữ, bên cạnh những điểm giống nhau, có những khác biệt khá tế nhị. Trong cuốn sách này, để cho tiện, tôi chỉ tập trung vào những điểm chung. Việc vận dụng vào từng đối tượng cụ thể, xin nhường lại cho quý thầy cô giáo, những người trực tiếp đứng lớp và hiểu rõ nhu cầu và khả năng của học trò mình hơn ai hết. Trong cuốn sách này, cũng để cho tiện, tôi chỉ gọi chung là ngôn-ngữ-thứ-hai cho cả ba trường hợp kể trên.

*

Để viết cuốn sách này, ngoài kho tài liệu phong phú ở thư viện cũng như những kinh nghiệm dạy tiếng Việt tại Đại học Victoria từ năm 1991 đến nay, tôi học được khá nhiều kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đã cộng tác với tôi trong việc tổ chức và điều hành các khoá tu nghiệp dành cho giáo viên các trường sắc tộc ở Melbourne. Với tất cả, tôi xin chân thành cám ơn. Đặc biệt, tôi xin cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu, cựu giáo sư Việt học và Đông Dương học tại trường RMIT, một trong những người có công nhất trong việc vận động thành lập và phát triển ngành Việt học ở các trường đại học tại Úc. Về phương diện cá nhân, với riêng tôi, anh cũng là người có thật nhiều ơn nghĩa.

*

Cuốn sách này được Tiền Vệ xuất bản lần đầu tại Úc năm 2012, nay được Người Việt tái bản tại Hoa Kỳ. So với ấn bản lần thứ nhất, ấn bản này có một số sửa chữa nhỏ.

Nguyễn Hưng Quốc

Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai
Methods of Teaching Vietnamese as a Second Language
Published by Người Việt Books 2014
Cover design by Trần Minh Triết
ISBN: 978-1-62988-062-4
© 2014 by Nguyễn Hưng Quốc & Người Việt. All rights reserved.


[1] Trong tiếng Anh, đối với trường hợp trên, người ta gọi là EFL –English as a Foreign Language, với trường hợp dưới, ESL – English as a Second Language. Riêng ở Anh, Ireland và New Zealand, người ta thường dùng chữ ESOL – English for Speakers of Other Languages – Tiếng Anh cho những người nói các ngôn ngữ khác – cho cả hai trường hợp, bao gồm cả ESL lẫn EFL.


Xem tiếp:

Nguyễn Hưng Quốc: Phương pháp dạy tiếng Việt | Kỳ 2: Việc dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai

Bài ngẫu nhiên

Bài mới