Văn hoá văn chương Việt Nam
(Tái bản với nhiều bài mới)
Lotus Media xuất bản 2022
Tranh bìa trước: “Giấc mơ thi sĩ” (2001) của Nguyễn Hưng Trinh
Trình bày: Uyên Nguyên
Liên lạc: nguyenhungquoc2018@gmail.com
Lời nói đầu
“If a writer doesn’t generate hostility, he is dead.”
V.S. Naipaul
(The New York Times Magazine, October 28, 2001)
Ở Việt Nam, từ trước đến nay, chúng ta bàn nhiều về văn chương cũng như về văn hoá, nhưng lại ít khi đề cập đến văn hoá văn chương, cho dù, theo tôi, việc nghiên cứu văn hoá văn chương có thể giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn không những về văn hoá mà còn cả về văn chương nữa. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong hoàn cảnh Việt Nam, nơi văn chương, nói chung, vẫn còn la đà trên mặt bằng văn hoá. Lại là thứ văn hoá chưa bao giờ thực sự được chuyên nghiệp hoá.
Với thuật ngữ “văn hoá văn chương”, tôi muốn đề cập đến hệ thống biểu trưng và ý nghĩa do một cộng đồng tạo lập dần dần qua lịch sử, và ngược lại, khi đã hình thành, hệ thống ấy sẽ chi phối cách nhìn, cách nghĩ, và cách ứng xử của đại đa số trong cộng đồng, để trên cơ sở đó, mọi người ít nhiều đồng thuận với nhau về những vấn đề căn bản liên quan đến đời sống văn học. Trong các vấn đề ấy, có những vấn đề nổi bật như những cái gọi là tính văn chương, chức năng của văn chương, hình ảnh của tác giả, vai trò của người đọc, các quy phạm và điển phạm cũng như các giá trị và truyền thống trong văn học. Xuất phát từ một nền văn hoá văn chương nhất định, một số, có khi rất đông, độc giả cùng yêu một tác phẩm hay một phong cách; một số tác giả cùng theo đuổi một lý tưởng thẩm mỹ và cùng chia sẻ một quan điểm hay một phương thức thể hiện, từ đó, hình thành những trào lưu, những phong cách chung cho cả một thời đại. Chính văn hoá văn chương góp phần giải thích tại sao văn học chúng ta có diện mạo như thế này chứ không như thế kia, phát triển theo hướng này chứ không theo hướng khác. Cũng chính văn hoá văn chương sẽ giúp chúng ta thấy được phần nào những vấn đề chính yếu cần phải giải quyết trước để văn học Việt Nam thực sự được chuyển mình và đổi mới.
Nói một cách tóm tắt, theo tôi, một nền văn học chỉ có thể phát triển một cách lành mạnh trên nền tảng một văn hoá văn chương lành mạnh. Và văn hoá văn chương chỉ lành mạnh khi ở đó tinh thần sáng tạo được coi trọng cả trong việc viết lẫn việc đọc. Mà đề cao tinh thần sáng tạo cũng có nghĩa là đề cao tinh thần phê phán: không có nền văn học nào có thể khởi sắc nếu nó không tự phủ định và tự vượt qua chính nó. Nói cách khác, văn hoá văn chương là một trong những yếu tố căn bản để hình thành cộng đồng văn học nhưng để cộng đồng văn học ấy thực sự đạt được những thành tựu đáng kể, nền văn hoá văn chương ấy phải không ngừng bị đặt thành nghi vấn và không ngừng bị phê phán. Trong quan niệm của tôi, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà phê bình là đẩy những nghi vấn và những phê phán ấy đến tận cùng. Để văn hoá văn chương không bị biến thành một tín ngưỡng với những giáo điều và những khuôn sáo cũ kỹ, chật chội làm thui chột ý chí và khả năng sáng tạo của người cầm bút. Và để văn học luôn luôn là một hành trình tìm kiếm và thử nghiệm liên tục.
Phê bình văn hoá văn chương, như vậy, khác với phê bình từng tác giả hay tác phẩm cụ thể. Khi phê bình một tác giả hay một tác phẩm, điều không cần phải đào sâu là các khuyết điểm, trừ phi những khuyết điểm ấy có ý nghĩa tiêu biểu cho khuyết điểm chung của cả văn hoá văn chương. Lý do: những khuyết điểm ấy là những thất bại của cá nhân; chắc chắn chúng sẽ bị đào thải và quên lãng rất nhanh. Nhưng khi phê bình một nền văn hoá thì lại không cần tập trung vào các ưu điểm. Lý do: đó là những điều bao giờ cũng đã được nhấn mạnh, thậm chí, phóng đại một cách quá đáng trong cả hệ thống tuyên truyền lẫn hệ thống giáo dục, từ trong nhà trường đến gia đình và xã hội. Trong khi đó, đối với một nền văn hoá, khuyết điểm là cái cần và đáng để phân tích nhất: thứ nhất, chúng ít được đề cập; thứ hai, chúng khó bị phát hiện; thứ ba, chúng hay truyền nhiễm, và cuối cùng, chúng rất khó chữa trị.
Phạm vi của cái gọi là văn hoá văn chương rất rộng. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, tôi chỉ mới khai triển được một ít khía cạnh: báo Tết, truyện, người đọc, nhà văn, giới cầm bút lưu vong, các chức năng cơ bản của phê bình và phê bình phê bình, văn học Việt Nam đứng trước sự quyến rũ của chủ nghĩa hậu hiện đại, và cái tôi tạm gọi là “chủ nghĩa mình-thì-khác”. Chỉ một ít. Rất ít. Và cũng chỉ mới lướt qua. Tôi biết, còn vô vàn khía cạnh quan trọng và thú vị khác trong văn hoá văn chương Việt Nam rất cần được nghiên cứu một cách thật công phu và sâu sắc. Nhưng điều đó đòi hỏi nhiều thời gian và cảm hứng. Thời gian, tôi đã ít; cảm hứng thì cứ ngày một hiu hắt và lay lắt. Vả lại, nếu có nhiều thời gian và bừng bừng nhiệt huyết, cũng chưa chắc đã bao quát nổi những vấn đề quan yếu. Tôi tin là, dù tác giả có ý thức hay không, ở cuối bất cứ tác phẩm nào cũng thấp thoáng hai chữ “Còn tiếp”. Trong dòng vận động của văn học, ở một cá nhân hay một cộng đồng, một dân tộc, mỗi cuốn sách, may lắm, là một chương, hay phổ biến hơn, một đoạn, hay phổ biến hơn nữa, một dấu phảy, có khi lại là một dấu phảy đánh nhầm làm hụt hẫng cả một nhịp văn chung. Nhìn từ góc độ thẩm mỹ, mỗi tác phẩm là một chỉnh thể tự tại; nhưng nhìn từ góc độ lịch sử văn học và văn hoá văn học, tác phẩm nào cũng là một sự dở dang, đặc biệt những tác phẩm thuộc thể loại nghiên cứu, phê bình và lý luận.
Số phận của các tác phẩm nghiên cứu, phê bình và lý luận là một số phận dở dang. Chúng bắt đầu ở đâu đó và kết thúc ở đâu đó, ngoài bản thân chúng. Chúng luôn luôn dở dang.
Thì băn khoăn làm gì cái việc mình chưa đề cập đến một số khía cạnh mình nghĩ là cần và thích. Phải không?
2002
*
Trong lần tái bản này, cuốn sách có thêm ba chương mới: “Đọc thơ là đọc… thơ”, “Thơ hay và thơ dở”, và “Đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn”. Cả ba đều ít nhiều dính liền với văn hoá văn chương.
2022