Làng tôi nằm giữa những cánh đồng và những rặng núi non. Gọi là núi non, vì nó chỉ như một cái chỏm nho nhỏ nếu so với các dãy núi cao lớn đồ sộ phía Tây hay Đông Bắc, bọn trẻ con chúng tôi, dễ dàng chinh phục đỉnh của nó những ngày cuối tuần, hay sau buổi tan học.
Quê tôi, làng nào cũng có một ngôi chùa nhỏ. Ngôi chùa nhỏ, mà nếu so với các ngôi chùa bây giờ không biết có bằng cái nhà bếp của mấy sãi không? (Lần mới đây về lại ngôi chùa cũ đó, tôi hết sức ngạc nhiên vì quả thực nó còn nhỏ hơn nhiều so với ký ức của tôi về nó).
Người quê tôi, hầu như ai cũng đi chùa, và ai cũng thành tâm niệm phật, nhưng hầu như chẳng ai nhận là phật tử.
Cả năm, chùa rất vắng vẻ, thậm chí hiu quạnh, chỉ có một vài cụ già (thường là các cụ bà) lên chăm nom, hương khói ngày rằm mùng một, và bọn trẻ con chúng tôi nữa (lên sân chùa đá bóng, hái trộm trái nhãn – vì vườn chùa trồng nhiều nhãn). Chùa chỉ nhộn nhịp mấy bữa dịp Tết ta, và mấy ngày hội làng vào tháng Giêng, rồi sau đó, cửa chùa lại khép, im lìm, như chưa có những ồn ào mùa lễ hội. Nhưng cho đến bây giờ, ngôi chùa nhỏ đó, với riêng tôi là một khoảng lặng bình yên thiêng liêng gắn liền với cả ký ức tuổi thơ. Và tôi nghĩ, không chỉ với riêng tôi, mà với mọi người làng tôi đều vậy, bất kể già trẻ, gái trai, bất kể người ở làng hay người xa xứ, bất kể thường ngày họ có chăm nom hương khói hay không, ngôi chùa nhỏ, vẫn là nơi họ tìm về, như tìm về một chốn linh thiêng chung cho cả cộng đồng, mỗi khi có dịp (như nói ở trên, thường là dịp lễ tết).
Cái thiêng liêng của ngôi chùa làng, tôi thấy nó thực đúng như một nhà văn đã mô tả (nhất thời tôi quên mất tên nhà văn và tác phẩm), rằng: chỉ cần một tiếng chuông chùa văng vẳng buổi chiều hôm đã có thể đánh thức lòng thiện lương của con người ta trỗi dậy, mọi ham muốn, dục vọng phù phiếm xấu xa, cứ thế lẳng lặng cuốn gói rời đi.
Trước đây, chùa chỉ có một ông cụ giữ chùa và giữ luôn cả cái đình cạnh đó nên làng tôi gọi chung là ông Từ (mà đấy là chùa làng tôi cũng được xếp hạng di tích quốc gia, vì tương truyền có gắn với một vị tướng trong hoàng tộc nhà Lý). Chỉ khoảng chục năm trở lại đây chùa mới có sư trụ trì, là “người ở đâu về ấy?” – hồi bà nội còn sống, có lần tôi hỏi thì bà trả lời vậy.
Tất cả thay đổi từ đó. Nhiều ngôi nhà đồ sộ được xây dựng (may mà chùa cũ vẫn giữ nguyên, ít nhất là cho đến lần tôi về thăm chùa mới đây), tang ma, đình đám trong làng từ đó cũng khác, thầy chùa, người nhà chùa can dự nhiều hơn vào các tiết đám, sự vụ trong làng. Không biết từ đâu, họ đột nhập vào, xâm chiếm và trở thành trung tâm của các lễ đám, cứ như thể trước đây khi không có họ thì cái phần tâm linh của làng tôi bị bỏ bê vậy.
Tôi còn nhớ, ngày trước, trong làng mỗi khi có người mất, buổi tối chỉ các cụ già trong làng đến tụng kinh, niệm phật, bây giờ thì phải có thầy, phải thỉnh thầy về với đủ lệ bộ cúng lễ hoành tráng và rườm rà… vậy mà người làng tôi thì (theo quan sát của tôi) chẳng thấy có an yên hơn chút nào… Lần ông nội tôi mất mới đây tôi hỏi mẹ, “có nhất thiết phải mời sư về cúng không?”, mẹ nói: “lệ làng là thế”. Tôi không cãi lại, nhưng lệ đó mới thôi… rất mới.
Nguyễn Ðắc Kiên
- trích Facebook Nguyễn Ðắc Kiên, tựa do Uyên Nguyên đặt