Huỳnh Kim Quang: Cỡi Tâm vào cõi lời

Khi muốn viết hay nói điều gì đó trước tiên con người không thể không nghĩ tới điều đó trong tâm. Điều này có nghĩa là chữ nghĩa hay lời lẽ đều từ tâm mà ra, tức là người viết, người nói cỡi tâm mình để đi vào cõi ngôn ngữ, cõi lời, giống như gã mục đồng cỡi trâu đi vào đồng nội hay đi về nhà.

Nhà Phật hay trong nhà Thiền ví con trâu như tâm của con người. Cho nên việc tu tâm, điều phục tâm cũng giống như việc điều phục con trâu. Người điều phục con trâu từ lúc nó còn lung lạc nơi hoang dã đến khi nó thuần thục chịu nghe lời sai bảo để trở thành con trâu hữu dụng trong việc đồng áng. Cũng vậy, người điều phục tâm sao cho từ lúc còn bị tham, sân, si sai sử để tạo nghiệp thọ khổ đến khi nhìn rõ bản tâm của mình và chuyển hóa ba độc thành các thiện pháp để giác ngộ và giải thoát khổ đau.

Nhưng cỡi tâm đi vào cõi lời vừa có lắm thú vị mà cũng không ít hiểm nguy. Thú vị vì viết lách hay diễn thuyết là một thú vui tiêu khiển hay một đam mê của con người. Đặc biệt là trong cõi văn chương, người cầm bút có được cái môi trường tự do, ít nhất trong cõi tâm của riêng mình, để sáng tạo ra những điều hay ý lạ đôi khi là thật, đôi khi là ảo – hư cấu. Trong lúc sáng tác, người cầm bút sống trong thế giới như ảo như thật. Những ý tưởng từ trong tâm người cầm bút tuôn ra đôi khi vượt ngoài sự kiểm soát của chính tác giả mà là những điều chợt hiện, chợt biến, chợt trào ra trong khoảnh khắc bất ngờ. Đó chính là giây phút sáng tạo tuyệt vời và thú vị nhất mà người cầm bút kinh qua. Trong trạng thái bốc đồng sáng tạo tuyệt vời ấy, người cầm bút không phân biệt mình là tác giả và chữ nghĩa là tác phẩm của mình. Lúc đó chỉ có một, nhất thể.

Hiểm nguy vì cỡi tâm đi vào cõi lời là cuộc hành trình mạo hiểm đầy thách thức đối với người cầm bút. Thách thức lớn nhất là tính sáng tạo. Người cầm bút nếu không có sáng tạo thì không viết ra được những điều mới lạ, hay đẹp khác với bao nhiêu người cầm bút khác. Ngoài tính sáng tạo người cầm bút còn phải có kinh nghiệm và nghệ thuật viết lách. Nhưng những điều vừa nêu chỉ là thách thức mà không phải là hiểm nguy đối với người cầm bút. Hiểm nguy đối với người cầm bút là bị cuốn hút hay bị quay cuồng trong cõi tâm thác loạn của vọng tưởng và cõi lời quấn chặt vào danh ngôn. Lúc ấy, cõi tâm và cõi lời như cặp bài trùng làm nhân làm duyên đưa đẩy nhau càng lúc càng lao vào cõi đảo điên của pháp sinh diệt, hư ngụy mà cứ tưởng là thật.

Tuy nhiên, như người điều phục trâu thiện nghệ thì có thể biến trâu hoang dã hung hăng thành trâu thuần thục hữu ích, người cỡi tâm đi vào cõi lời cũng có thể làm chủ tâm mà đi vào cõi lời một cách ung dung tự tại và giải thoát. Giống như một thiên nữ đã thưa với ngài Xá Lợi Phất trong Phẩm Quán Chúng Sinh của Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết được Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ dịch sang tiếng Việt:

“Ngôn thuyết và văn tự đều là tướng của giải thoát. Vì sao? Vì giải thoát không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa; văn tự cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa. Vì vậy, thưa ngài Xá-lợi-phất, không có việc lìa văn tự mà diễn thuyết giải thoát. Tại sao? Tất cả pháp đều là tướng của giải thoát”.

Bản thể của ngôn ngữ là rỗng lặng, là không. Văn tự cũng như ngôn thuyết được cấu thành bởi nhiều yếu tố: chữ, lời, ý tưởng, người viết hay nói, người đọc hay nghe, v.v… Chữ hay lời cũng được cấu thành bởi nhiều yếu tố: từng chữ cái, từng phát âm, nhiều chữ hay nhiều lời nói thành câu. Khi một chữ được viết ra hay một lời được nói ra nó đi vào quá khứ, tức đã diệt, không còn tồn tại trong hiện tiền. Một câu được viết hay nói ra nếu không được liên kết lại bởi người đọc hay người nghe thì chúng biến mất vào quá khứ. Cho nên câu viết hay nói tồn tại đối với người đọc hay người nghe không phải là chân thân hiện tiền của câu của chữ mà là sản phẩm của tâm thức. Tâm trong tình trạng này cũng chỉ là tập hợp của những ý niệm, ký ức. Nhưng cái gì được cấu thành bởi nhiều yếu tố hay điều kiện mà nhà Phật gọi là duyên thì cái đó chỉ là một tập hợp giả danh, không có thật thể, không thật hữu, là không. Như vậy, tận cùng của ngôn ngữ là rỗng lặng, là giải thoát.

Chính vì vậy, ngôn ngữ đối mặt với sự thất bại trong việc diễn giải hay thông truyền thực tại, chân lý tuyệt đối. Do đó, khi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi yêu cầu trình bày sở ngộ đối với pháp môn bất nhị thì Bồ Tát Duy Ma Cật im lặng. Vậy mà ngài Văn Thù lại khen:

“Văn-thù-sư-lợi tán thán: ‘Lành thay, lành thay! Cho đến không còn văn tự và ngôn thuyết, ấy mới thật là vào cửa pháp bất nhị’.”

Nhưng điều đó không có nghĩa là đức Phật và các vị Tổ Sư vô phương để chỉ cho con người thấy chân lý, Phật tánh, niết bàn. Không thể lấy mặt trăng xuống cho con người xem trực tiếp, nhưng vẫn có thể dùng ngón tay để chỉ mặt trăng cho con người chiêm quan và liễu ngộ. Suốt 45 năm thuyết pháp đức Phật đã dùng cách này để khai thị chân đế, niết bàn cho vô số đệ tử xuất gia và tại gia. Đức Phật đã dạy cho con người cách dọn sạch cấu uế trong tâm để khi tâm được thanh tịnh thì chân như, pháp tánh, Phật tánh, niết bàn tự hiện, giống như khi hồ nước trong sạch lặng yên thì mặt trăng tự hiện ra tròn đầy.

Khi tâm tịch lặng thì cõi lời cũng tịch nhiên giải thoát vậy.

Tập sách này gồm những bài viết trong nhiều năm của tác giả đã được đăng trên các báo, các trang mạng, đa phần là trên Việt Báo. Các bài viết trong tập sách này đề cập đến các đề tài về Phật Giáo, Thiền Phật Giáo, văn học Phật Giáo, văn học người Mỹ Bản Xứ, các nhà văn nhà thơ ở Mỹ và một số ở các nước khác, âm nhạc Mỹ, Phật Giáo và âm nhạc, các bài giới thiệu sách, một số nhà hoạt động xã hội có tầm ảnh hưởng rộng khắp thế giới.

Bài mở đầu của tập sách này viết về cuộc đời của đức Phật qua lời kể của Tỳ Kheo Bodhi như là lời tri ân của người viết đối với ân đức giáo hóa to lớn không gì sánh bằng của đức Phật, mà nhờ đó kẻ phàm phu này đã được tắm gội trong biển giáo pháp thậm thâm vi diệu của Ngài trong suốt cuộc đời này và nguyện trong vô tận đời kiếp tương lai.

Bài “Khái Luận Về Văn Học Phật Giáo” được trích từ hai phần đầu của bài “Tổng Luận Về Văn Học Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại” mà đã được đăng trong bộ sách “Văn Học Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại Sưu Khảo” viết chung với nhiều tác giả được xuất bản vào năm 2010 tại Hoa Kỳ. Bài “Ảnh Hưởng Của Phật Giáo Đối Với Nền Văn Học Mỹ” đã được đăng lần đầu trong báo xuân Việt Báo năm 2019 và sau đó đã được đăng trên nhiều trang mạng khác. Bài “200 Năm Nguyễn Du Qua Đời, Đọc ‘Phân Kinh Thạch Đài’, đã được đăng lần đầu trên báo xuân Việt Báo năm 2020 và sau đó cũng đã được nhiều trang mạng đăng lại. Bài viết này để kỷ niệm 200 năm đại thi hào Nguyễn Du qua đời (1820-2020). Bài “Lưu Hiểu Ba và Tình Yên Bên Trong Bức Tường Xám” được đăng lần đầu trên báo xuân Việt Báo năm 2011, trong đó gồm bài giới thiệu về thơ tình của Khôi Nguyên Nobel Hòa Bình 2010 Lưu Hiểu Ba – đã không được chính quyền Cộng Sản Trung Quốc cho đi lãnh giải thưởng vì ông lúc đó đang bị ngồi tù – và nhiều bài thơ dịch từ các bản dịch bằng Anh ngữ thơ chữ Hán của ông.

Nói chung, đa phần các bài viết trong tập sách này giới thiệu đến độc giả một số nhà văn nhà thơ ngoại quốc và Việt Nam trong khuôn khổ của một bài báo hơn là một bài khảo luận hay nghiên cứu chuyên đề. Cũng vậy, các bài viết về Thiền và văn học Phật Giáo cũng nằm trong phạm vi giới thiệu một cách khái lược hơn là bài chuyên khảo công phu. Vì vậy, nếu tập sách này không đáp ứng được trọn vẹn mong đợi của quý độc giả thì đó chính là chỗ thiếu sót mà tác giả xin thành thật cáo lỗi trước.

Xin cảm ơn tất cả mọi duyên lành hội tụ để cho tập sách này được thành tựu.

Những ngày cuối tháng 2 năm 2022
California, Hoa Kỳ
Huỳnh Kim Quang

Bài ngẫu nhiên

Bài mới