Đỗ Hoàng Diệu: Giếng Mẹ

Như bao làng Việt khác, làng tôi nằm song song với một khúc của dòng sông lớn. Khúc hạ nguồn, chỉ vài chục phút khua mái chèo là sông tan vào biển, sông đầu thai sông tái sinh giữa muôn trùng vô tận. Đôi khi đứng trên những bãi biển xa ngắt, tôi tự hỏi ngoài kia có giọt nước nào của con sông làng mình đang dập dềnh thương nhớ cố hương. Sóng trườn lên liếm ngón chân tôi, nhẹ êm như chiều hè nào gió vẩy nước mắt sông rắc lên làn da hãy còn non trẻ của bàn tay đang cầm bao nhiêu mơ ước. Ước mơ thoát khỏi bờ đê, sang sông, phi qua quốc lộ ra biển. Mà đâu đã biết lường biển sâu biển dữ. Mà đâu đã hiểu biển rộng thế nào cũng không lấp được dòng sông quê, sâu tới mấy cũng chẳng bằng giếng khơi mẹ đào.

Giếng khơi mẹ đào xuống tới tận cội nguồn, tận hồng hoang, tận rễ trái đất, tận tâm của trái tim người mẹ ngày đêm bật lên bật xuống tiếng nhịp ước ao. Ước ao nước mát cho con uống, nước mát tưới rau con ăn, dội mảng sân con nghịch, rửa bàn chân con bùn. Mẹ trồng bên giếng cây xoài cây ổi cây chanh. Chiều xuống gió nồm nam thổi nhẹ, vài chiếc lá chao xuống, đậu trên mặt giếng như những cánh hoa. Với người Việt, giếng khơi thiêng liêng không chỉ trong truyền thuyết, giếng thiêng liêng với mỗi con người. Giếng chứng kiến từng bước đi từng niềm vui nỗi buồn. Trưa nào đi học về, uống cạn nửa gầu nước rồi nguyền rủa mặt trời trâng tráo nóng, tối nào dưới trăng nhìn sâu xuống lòng nước thò bàn chân định bước khỏi dương gian khỏi nỗi giận buồn thiếu nữ, sáng nào trở về từ xa xôi nhẹ nhàng múc lên những giọt nguồn cội pha trà cho mẹ, lau bàn thờ cha…

Những giọt nước từ giếng mẹ từ sông làng tưới cây tôi lớn lên, trổ hoa, rồi gió đời cuốn hoa đi. Tôi ra sông Cả, tôi đến sông Hương, tôi ngồi bên bờ Đồng Nai, tôi ngắm sông Seine, tôi ngược sông Nile, tôi chèo thuyền trên dòng Dương Tử, tôi lội Missisipi. Lội Missisipi, tôi tìm Mark Twain gửi lời chào Tom Sawyer, lời chào của một người yêu nước ra đi từ dòng sông nhỏ bên kia bán cầu. Mississippi của Mark Twain rộng lớn và ồn ã quanh năm, sông quê tôi hiền nhỏ, dịu dàng, mỗi năm chỉ vài lần tung bọt giận gió bão. Lớn nhỏ thế nào đáy sông cũng sâu, lòng sông cũng chứa đầy bí mật. Bí mật từng con người lội xuống, bí mật từng con thuyền đi qua, bí mật từng con cá vùng vẫy, bí mật từng đám mây soi gương, bí mật những linh hồn quá khứ… bí mật của đất nước. Đất nước những ngày năm 938, Ngô Quyền hạ lệnh đóng cọc nhọn xuống sông Bạch Đằng đánh đắm tàu giặc, tiêu diệt quân Nam Hán, châm dứt một ngàn năm Bắc thuộc. Đất nước đau thương thế kỷ hai mươi, lòng Bến Hải chất chồng bao đầu đạn găm giữ triệu cắt chia triệu oán thù.

Trong giấc mơ tôi, sông tuổi thơ chưa bao giờ chảy đi. Luôn là dòng nước lặng im giữa cánh rừng thưa yên ắng, tôi không biết gọi sông hay suối. Có hề gì cái tên, suối đổ ra sông, nước hòa vào đời, hòa vào hồn người, thành máu đẩy nhịp tim. Trái tim không chỉ đập lúc nhớ nhà. Trong mỗi nhịp thường ngày, bận rộn hay nhàn nhã, vui hay buồn, lạnh hay ấm, thất vọng hay tuyệt vọng đều nhảy nhịp quê hương.

Trong giấc mơ tôi, dòng nước lặng im nhưng không ngủ, giương con ngươi thăm thẳm trong xanh lên bầu trời, nhìn hai hàng cây lá xám phủ màu ghi xuống triền cỏ xác xơ. Tôi ngồi xếp bằng trên thân cây gẫy vắt từ bờ bên này sang bờ bên kia, thò xuống chiếc thìa suy tư. Có hôm thìa múc lên chú nghé mồ côi trưa hè nào đùa giỡn cùng tôi giữa dòng sông quê, hôm múc lên chiếc cặp táp của cha đã bay mất cùng mái nhà trong trận cuồng phong, hôm múc lên giọt nước mắt thiếu nữ mười sáu lấp lánh nỗi buồn yêu đương. Đuôi sao chổi, chiếc khuy áo vỡ, bản thảo rách, áo cánh mẹ, tấm vải liệm cha, trứng Âu Cơ, khố Sơn Tinh, lông ngỗng áo Mỵ Châu… chiếc thìa thần kỳ gần như múc lên cả thân xác, linh hồn, thực tại, quá khứ và ảo ảnh tôi. Nhưng thần kỳ cách mấy thìa cũng không thể múc cạn nước giếng mẹ hay nước dòng sông quê. Dù thực tại giếng cũ đã lấp sông xưa đã rặc vườn ít cây và gió hung hơn. Giếng mẹ, giếng làng, giếng quê, giếng nguồn cội, giếng ấu thơ, giếng yêu thương không có đáy, luôn ở đó, chờ đứa trẻ ngày nào quay về. Quay về, múc lên giọt nhớ thương giọt mặn ngọt, nhấp vào bằng tim, chảy luồn máu huyết. Tôi tin, ai có giếng mẹ trong hồn, biết cách múc lên, biết cách uống, mầm thiện lương sẽ nảy tươi tốt đời.

Tất nhiên trong cái giếng mẹ giếng tuổi thơ ấy không chỉ toàn trong ngọt, êm đềm. Có buồn bã, có tức giận, có đòn roi. Có đêm trăng ngồi bên thành giếng, nhìn lên trời thấy địa ngục, nhìn xung quanh thấy địa ngục, nhìn xuống dưới thấy thiên đường giải thoát. Mặt nước đen sóng sánh vừa phát lời mời ngọt vừa dâng lên dâng lên gừ gừ dọa nạt. Thiếu nữ đau tình đến tuyệt vọng như chiếc lá kẹt cuống giữa hai vòng giếng, nửa muốn bứt ra rơi xuống hố hư không nửa muốn dứt mình bay lên phía trước mênh mang. Lần ấy chiếc lá gần đứt cuống thì vọng ra tiếng ho. Tiếng ho của mẹ tựa lời ru ốm, quãng mỏi mệt. Con ơi con à, cuộc đời như giếng, thường ngày nước trong, khi bão tố về, dâng lên ngầu đục. Con vớt rác rưởi, con đợi vài hôm, trời lại xanh êm, nước rồi trong trẻo. Thiếu nữ nhấc chân khỏi thành giếng, theo trăng trở vào nhà, uống nước. Nước đẩy cơn tuyệt vọng xuống. Mẹ thường dặn, hãy ngậm rồi nuốt từ từ từng miếng nước mỗi khi con cáu giận, hoang mang.

Những đêm trong căn phòng chật nơi phố thị ồn ã, ác mộng vần võ cô gái đang học cách trưởng thành. Ông trăn trườn ra khỏi miệng giếng hoang. Trẻ con quê tôi hồi đó không đứa nào không biết trong khuôn viên trường học có cái giếng nằm khuất giữa cây dại dây leo chằng chịt. Dưới lòng giếng có con chằn tinh dài mười mét chuyên rình bắt trẻ con hư, người lớn ác. Chúng tôi sợ tới mức suốt mấy chục năm, hàng ngàn học sinh trường làng chưa đứa nào dám lại gần miệng giếng. Rồi bão đến, trận bão năm ấy to lắm, nước tràn miệng giếng nhà nhà. Chắc chằn tinh không chết đuối cũng trôi theo gà lợn ngan ngỗng đến làng khác rồi. Tôi nói bâng quơ trước lúc lên đường. Đi kiếm xác quái vật. Bão tàn phá cây cối rậm rạp lẫn không khí yêu ma. Nước đã rút, miệng giếng hiện ra trước mắt tôi hiền hậu, thân thuộc như giếng nhà tôi nhà bà nhà bạn. Tôi tiến đến vòng tròn phủ rêu, cúi xuống không chút sợ sệt. Thật kỳ lạ, trong khi nguồn nước khắp làng trên xóm dưới còn đục ngầu bởi cơn giận của thượng đế thì nước dưới giếng hoang trong văn vắt và tỏa hương nhè nhẹ. Mùi tinh khiết, mùi tiên, mùi hoa sứ hoa nhài. Hai quả trứng màu xanh da trời nằm lặng phắc trên mặt nước, quyến rũ mời gọi kẻ ngây thơ. Tôi cúi nữa, cúi nữa, cho tới lúc cơn gió hoang quẫy ngang ngừng tôi lại, nhấc tôi lên. Bóng con trăn dài lướt qua. Mẹ bảo: làm gì có chằn tinh nào cứu con, là hồn đất hồn nước hồn làng đã đánh nhau với ma quỷ giải thoát con khỏi bùa mê. Mẹ ơi, mẹ nói dối. Mẹ ơi, mẹ sai rồi. Chằn tinh là vị thần cai quản dòng sông ngầm vĩ đại dưới lòng đất. Vị thần ấy phun nước lên giếng nhà ta, phun đầy hồ trên núi phun đầy ao dưới đồng. Những ngày con xa nhà nhớ quê, vị thần ấy trườn qua ngàn dặm, mang hơi nước nhiệt đới dịu dàng hà hơi con một sáng mai.

Ngôi làng nào cũng ra đời bằng huyền thoại. Huyền thoại Việt thường gắn với sông biển. Làng trồi lên từ sông, sinh anh hùng biển cả. Bao nhiêu giếng làng là bấy nhiêu hoang đường. Hoang đường? Người ta bảo chằn tinh là hoang đường, con gái thủy thần là hoang đường, An Dương Vương tuẫn tiết ở cửa biển Mộ Dạ cũng hoang đường. Mẹ bảo chỉ có nước là thật, không nước thời chết hết. Mẹ ơi, chỉ có mẹ là thật, mẹ là nước, nước là mẹ, một ngày không uống con đã héo khô.

Bài ngẫu nhiên

Bài mới