Con trai của tôi có một bạn học mà mẹ nó là bạn của Phạm Thiên Thư nên con tôi xem ra có vẻ rành nguồn gốc của bài Ngày Xưa Hoàng Thị. Ta dễ tưởng tượng tâm hồn nhà thơ, vừa mở mắt nhìn trần gian này đã mênh mông tình yêu rồi. Nhưng đó là thứ tình yêu mông lung, yêu như nắng yêu trời, như mây yêu gió. Nên người cứ mãi thương nhớ khôn nguôi. Bởi vì thương nhiều nên nhớ… tình yêu. Mây chiều cũng làm người buồn, gió sớm cũng làm người nhớ. Rồi một hôm, ánh nắng mông lung ấy dừng lại nơi một đóa hoàng hoa, để cho hoa thêm rực rỡ và để cho cái tình mông lung ấy cô kết cụ thể nơi da thịt người, tim óc người, biến thành thú đau thương, thành dưỡng chất trần gian: thành ái tình.
Người con gái ấy tên là Hoàng Thị Ngọ. Thoạt nghe thì dân giả, nhưng lại đậm đà chất Việt Nam. Nếu nàng tên là Thu Thủy, hay Tuyết Sương gì gì, thì làm sao ta được nghe câu… Xưa tan trường về, anh theo Ngọ về… Chữ Ngọ rơi vào đây thoạt nghe như lạc điệu, hơi thô, và thực quá so với cái hồn thơ tinh tế, lãng đãng như sương như khói như mộng. Nhưng nghe cho thấm thì chính cái chữ Ngọ ấy lại là nét đặc trưng của bài thơ; nó quyện lấy với hồn thơ đầy ắp những kỷ niệm đầu đời, vốn là những gì dễ thương và mộc mạc. Gặp nhau vào năm cuối của bậc trung học, nhưng quanh nàng dập dìu lắm ong bướm hào hoa, mà nhà thơ thì vốn ít nói, lại thêm mặc cảm xí trai, nên chàng đành ôm mối tình câm, chỉ mỗi buổi tan trường, lẽo đẽo theo nàng từ xa… Thủy chung suốt năm học, cả hai chưa nói với nhau một lời. Đến buổi họp mặt cuối năm, nàng tiến tới chỗ chàng, nói với chàng — câu đầu tiên mà cũng là câu cuối cùng — sao anh nhát thế ! Và chàng ngẩn ngơ. Và bài hát Ngày Xưa Hoàng Thị ra đời. Rồi biến thành của chung. Ai cũng có thể thấy nó là của mình, mà nó lại là chẳng của ai. Cứ như là tục ngữ, ca dao. Đó là thân phận của những tác phẩm tới. Và vì thế người ta bảo nghệ sĩ lớn là những người cáng đáng cho tâm thức của cả một thế hệ, một dân tộc, và cả nhân loại. Cả bề rộng lẫn chiều sâu. Trong nỗi đau cũng như trong niềm hạnh phúc.
Và may cho chúng ta, là chính Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ. Là nhạc sĩ, ông còn là một nhà thơ. Nhà thơ lớn. Nên ông là bậc thầy trong việc phổ nhạc cho thơ. Tiếng Sáo Thiên Thai, Vần Thơ Sầu Rụng, Ngậm Ngùi… ông nắm được tứ thơ, ông bắt được tần số rung cảm của thi sĩ. Và ông chuyển hồn thơ qua nhạc. Nhạc quyện lấy thơ, thơ quyện lấy nhạc, nhuần nhuyễn như nước với sữa. Ở đâu ngôn ngữ thơ cho ta những xúc cảm mê man, ở đấy âm nhạc dẫn ta đến những đỉnh tình chất ngất. Nghe những bài thơ phổ nhạc của Phạm Duy, ta có cái may thưởng thức những tác phẩm lớn bình phương. Lắm khi, một bài thơ nhờ nhạc của ông mà trở nên bất tử.
Tiếc một điều, là HTT chưa nghe Ngày Xưa Hoàng Thị qua tiếng hát Thái Thanh, Thái Thanh của những năm trước bảy lăm. Giọng Thanh Lan cũng trong đấy, kỹ thuật hát cũng điêu luyện, nhưng nghe như vẫn thiếu một cái gì, để có thể vét cạn được hồn thơ và ý nhạc. Cái Thanh Lan thiếu chính là cái hơi hướng, cái âm hưởng dân tộc trong chất giọng. Thiếu cái âm hưởng đó thì làm sao mà lột hết được tinh thần những tác phẩm lớn của dân tộc, vốn là hoa và trái của tâm hồn dân tộc? Âm hưởng này lai láng trong chất giọng Thái Thanh. Gia dĩ, nàng rất thông minh và nhạy cảm. Nàng là một nghệ sĩ lớn, trong cái nghĩa nàng nắm bắt được rốt ráo rung cảm của nhà thơ và nhạc sĩ. Mỗi lần hát là một lần nàng sáng tạo lại tác phẩm bằng chất giọng mình. Nghe nàng hát, ta hình như không nghe giọng nàng, mà nghe cả hồn thơ và ý nhạc. Nàng không sử dụng giọng mình như một phương tiện để chuyển đến người nghe một tổng số ngôn ngữ và âm thanh. Hát về nỗi buồn chẳng hạn, nàng không dùng giọng mình để nói về nỗi buồn. Mà giọng nàng chính là nỗi buồn đang dâng khơi. Tiếng nước tôi, tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi, thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi. Cảm xúc hàng ngàn năm của dân tộc, niềm vui cũng như nỗi buồn, hình như cố kết lại nơi tiếng hát Thái Thanh.
Một nước chỉ có vài ba giọng ca như thế. Một Thái Thanh, một Duy Trác… Và trời sinh Thái Thanh ra để mà hát nhạc và lời ca của Phạm Duy. Văn Cao và Trịnh Công Sơn cũng tuyệt diệu, nhưng ở hai ông, dù là đề tài nào, cái nổi bật vẫn chỉ là cái đẹp, cái đẹp thuần túy. Và chỉ có thế. Đó là hai vị trích tiên. Còn Phạm Duy thì bắt rễ rộng hơn và sâu hơn vào dân tộc. Ông là đại diện cho tâm thức Việt Nam một cách đa diện và cho nhiều thế hệ. Ông nồng nàn, sôi nổi và tha thiết trong yêu thương cũng như trong giận hờn; trong hào khí ngút trời cũng như trong nỗi bi ai. Và chính ông đã ý thức điều đó: khóc cười theo mệnh nước nổi trôi… Ông là bồ tát…đọa!
Ít có nghệ sĩ nào toàn diện và dài hơi như ông. Ông tài hoa hơn người, ông nắm bắt cái đẹp hơn người, điều đó thì đã đành. Nhưng cái làm cho ông thành một nghệ sĩ lớn, cái đó chính là tình yêu nơi ông. Nhưng nghệ sĩ nào mà không sáng tạo từ tình yêu? Cũng như những nghệ sĩ khác, ông đã yêu thiên nhiên, ca hát tình lứa đôi, xưng tụng tình tự dân tộc… Chỉ có cái khác, là ông bắt rễ sâu hơn vào hồn dân tộc, ông đã bắt gặp, hay ít ra là đã cận kề với mạch nguồn uyên nguyên của dân tộc. Ngẫm cho cùng, hồn dân tộc cũng chính là hồn nhân loại. Nuôi nấng những chủng tử Việt Nam thành những cây đời Việt Nam trong hoàn cảnh đất đai Việt Nam thì mạch nguồn ấy gọi là hồn Việt Nam. Hồn ấy là tiếng gọi thăm thẳm, hun hút của Chân Thiện Mỹ tự thân.
Chính từ mạch nguồn ấy mà phát sinh ra văn hóa của từng dân tộc, nghĩa là phát sinh ra những giá trị tinh thần cao đẹp và hướng thượng của từng dân tộc, phả niềm tin yêu và sức sống cho dân tộc và nhân loại, mặc dầu những thăng trầm khổ đau của lịch sử. Ngày nào tôi còn yêu thương, thì tôi còn bám chặt vào mặt đất trầm trọng và đau thương này. Hay nói như Phạm Duy người đi trên dương gian, từ khi biết nhen lửa chiến, máu xương chôn lấp rồi, cỏ hoa mọc kín đồi. Mạch nguồn ấy là đời sống tâm linh của con người. Nếu lãnh vực của hầu hết văn xuôi là lý trí và tưởng tượng, thì lãnh vực của thi ca — thi ca đúng nghĩa — là tâm linh. Và người nghệ sĩ là gạch nối giữa tâm linh và quần chúng. Họ hiến dâng cho đời tiếng lòng mình, tác phẩm mình, và tác phẩm của họ là sự thể hiện của đời sống tâm linh, xuất phát từ mạch nguồn uyên nguyên. Tác phẩm của họ là sự vang vọng của cái đẹp, của lẽ thiện, của lẽ chân, của tinh chất Tình Yêu.
Phật gọi từ bi, Chúa gọi bác ái, Khổng gọi Đức hiếu sinh của trời đất.
Phạm Duy ý thức một cách rõ rệt nguồn gốc cũng như bản chất của nghệ thuật ông: Lời tôi ngoan hơn tiếng trùng kêu, lời tôi êm hơn tiếng chuông chiều, lời tôi cao hơn tiếng ngọn diều, nghệ sĩ họ ”lối” lắm, tất cả những hình tướng của cõi đời này, họ đều coi như ne pas, nhưng với tình yêu thì họ khiêm cung và nhũn nhặn lạ thường: Lời tôi sâu như tiếng tình yêu. Bằng chữ như này, Phạm Duy tuyên bố: bản chất của nghệ thuật và của sự sống nữa, là tình yêu; và bằng hai chữ sâu như, ông muốn khiêm tốn — vả chăng đó cũng là sự thật — nói rằng, nguồn cảm hứng của nghệ thuật ông, ông chỉ lấy từ mạch nguồn tâm linh sâu thẳm. Càng lặn sâu vào mạch nguồn ấy, ông càng tìm được bản chất tuyệt đẹp của lẽ đời. Tình yêu ông, tâm linh ông, thoạt tiên chỉ là con lạch, lạch tìm lối ra suối ra sông, và sông tìm lối về biển cả, về nơi đại đồng đích thực. Ra khơi, biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông, biết đời viễn vông, biết ta hãi hùng… Phiêu du khắp nẻo đây đó bỗng người say sưa thấy hoàn cầu mơ khúc đại tình ca…
Tiến trình phát triển tâm linh này, ta còn tìm thấy rõ nơi đoạn kết của trường ca Con Đường Cái Quan. Khởi đi từ ải Nam Quan, dân tộc ta, sức sống của mạch nguồn dân tộc, đã vươn mình đến đất mũi Cà Mau. Đến đây, người nghệ sĩ ý thức rõ rệt mình mang nơi lòng cả hồn dân tộc, đã cất tiếng hát: Đường đi đã tới, lòng dân đã nối, người tạm dừng bước chân vui. Người mơ ước tới, đường tan ranh giới, để người được mãi đi trong một… duyên tình… dài.
Sông đã đổ về biển cả. Tình dân tộc đã nối mạch với tình nhân loại. Không ai có thể tự cho mình có tình yêu đại đồng nếu không yêu được nơi chôn nhau cắt rốn, nếu què quặt trong tình dân tộc. Nhưng nếu ai bóp chết dân tộc trong danh từ chết cứng, biến tình tự dân tộc thành chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thì họ cũng què quặt trong lẽ đại đồng. Chỉ có nhà thơ, người bắt rễ sâu xa vào cội nguồn tâm linh của dân tộc và nhân loại mới hiểu VN sống được hồn nhiên và trọn vẹn tình tự dân tộc và nỗi niềm nhân loại. Tình yêu đó là sự sống, nó là hoạt dụng của mạch nguồn uyên nguyên thành cuộc đời, thành hơi thở, thành máu huyết luân lưu, chứ không phải thành danh từ, khái niệm chết cứng để cho bất cứ một đầu óc lạnh lùng nào cũng có thể nghĩ về nó, rồi nhân danh, nhân danh.
Cho nên ngôn ngữ thơ vốn là một thứ ngôn ngữ đặc biệt. Ta không thể chỉ hiểu thơ bằng khái niệm của ngôn ngữ, mà còn phải cảm thơ qua âm vang của ngôn ngữ. Bởi vì thơ là tiếng nói của tình yêu, hay đúng hơn, là tình yêu tự thân đang thể hiện, nên nó chỉ có thể bộc bạch mình trong âm vang ngôn ngữ. Ngôn ngữ của mỗi dân tộc có một âm vang riêng, nên thơ vốn không dịch được. Âm vang đó bắt nguồn từ kỷ niệm cá nhân, từ kỷ niệm dân tộc — lịch sử — và từ hồn dân tộc. Ai nghe được ngôn ngữ thơ vang dội nơi lòng mình, vang dội như trống tràng thành lung lay bóng nguyệt vang dội, người ấy là kẻ đồng điệu với thơ. Đề tài sáng tạo vốn muôn mặt, bởi cuộc sống là muôn mặt, và phần lớn các nghệ sĩ sáng tạo mà không biết mạch nguồn cảm hứng của mình. Họ sáng tạo như con chim ngứa cổ hát chơi, và ta bảo họ có tài, vì họ nói hộ ta một cách rõ ràng, tách bạch, những cảm xúc hỗn mang mù mờ nơi lòng ta. Ta tìm ra ta nơi tiếng lòng họ.
Nhưng hiếm có ai, như Phạm Duy, vừa sáng tạo, vừa nhận diện được nguồn cảm hứng của mình. Ông là một nghệ sĩ Triết gia, một nghệ sĩ Đạo sĩ: trong quá trình sáng tạo, trong quá trình đi tìm, dưới sự thôi thúc của tiếng gọi kỳ bí của tâm linh, ông như đồng thời tìm ra bản chất của sự sống, ông hầu như tìm ra được bản lai diện mục của chính mình. Thiên thu trong lòng này, tương lai trong bàn tay.
Ông đã cảm thấy thiên thu trong lòng ông, ông đã tìm thấy cái vĩnh cửu, ông đã nắm bắt được tiếng gọi của cái mạch nguồn bất sanh bất diệt trong lòng ông. Quá trình đi tìm và bắt gặp này thể hiện rõ nơi bài Tìm Nhau. Người nghệ sĩ đi tìm — tìm mình, tìm đời — trong mọi ngõ ngách sáng tạo, mọi ngõ ngách của cuộc đời, và cuối cùng ông mới xác định cho mình con đường đi tìm và tuyên bố ra điều ông bắt gặp: Tìm nhau trong đau khổ của cuộc đời, người ơi, tìm nhau dưới đức tin bao la phơi phới. Tìm nhau trong nhân tình đầy bác ái, nhưng rồi, gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông. Kinh cầu, hồi chuông, chỉ là một cách nói. Ông muốn nói ông đã tìm ra lẽ Đạo. Và tìm ra không có nghĩa là đã kết thúc. Tìm ra chỉ mới là bắt đầu.
Ngẫm cho cùng, con đường đưa ông đi tìm (được soi rọi bởi tình yêu, bởi niềm tin, được hướng dẫn bởi tiếng gọi nội tâm) và điều ông tìm gặp thật ra chỉ là một Tình yêu và niềm tin soi rọi ấy, tiếng gọi thiết tha ấy, đến một cường độ nào đấy, vào một thời điểm chín mùi nào đó của cuộc đời ông, thoắt đã biến thành điều ông tìm kiếm, (hình như PTT đã có nói ở đâu đó cũng kinh nghiệm này: Chợt con ngựa quý thân yêu biến thành người yêu) và kỳ diệu thay, nhận diện ra điều ấy cũng là cấu uế của trần gian. Người nghệ sĩ ấy trung thực đến tận đáy. Với lại ông làm tục ca có lẽ còn để mình gần lại với đám đông, và để cho một số người đỡ ác cảm với ông! Người ta vẫn thường không ưa những ai nói cao, và thường vẫn hay lấy lòng mình để hiểu người khác.
Sau khi ông làm tâm ca, người ta trách ông là kêu gọi tình yêu trong khi người khác đang đau khổ thì đâu có giải quyết được gì. Coi kìa. Vậy chớ người ta bảo ông làm gì đây? Và người ta đã giải quyết được gì và như thế nào? Chẳng trách nghệ sĩ họ thường đứng bên lề xã hội. Hát như Phạm Duy, hát thẳng vào trung tâm vấn đề thời sự như thế là đã tích cực lắm rồi. Với lại, phải đọc cho được chiều sâu của tiếng hát ông, nhận ra nơi nó một thông điệp của cội nguồn gửi cho nhân gian; phải xem nó như là lương tâm của dân tộc đang lên tiếng.
Nhận ra như thế mới thấy ông đâu có hát để chơi, hát cho có hát.
Tiếng hát ông trang nghiêm và cung kính biết bao!
Điều làm ta lo, là từ sau bảy lăm, suốt trên mười năm trời, ta không còn nghe được tiếng hát Phạm Duy nơi Phạm Duy nữa. Tại sao trong suốt thời gian ấy, ta không nghe ông nói lấy một lời tin yêu? Hay phải cách lìa quê hương đất nước, ông đã lạc lối luôn nẻo quê hương tinh thần? Đâu có thể thế được, bởi quê hương ấy là biến tai. Hay nỗi đau thương quá lớn lao và lâu dài vừa qua của dân tộc đã cắt đứt cuống rún nối liền dân tộc với cội nguồn thiên thu? Ngay cả đối với những tâm hồn đã bén rễ sâu xa vào cội nguồn ấy như Phạm Duy? Để lắng lòng xuống là chỉ còn nghe rã rời, trống vắng hư vô? Nếu quả như thế thì không có gì đau đớn hơn, vì như thế là sống trong nỗi chết rã rời — sống không còn ý nghĩa — là mất quê hương trên nhận diện ra chính mình, để nghệ sĩ thong dong một mình ngồi trong cái ta. Đây không còn là cái ta của chấp ngã mê vọng, mà đã là hơi hướng của Thường Lạc, Ngã, Tịnh, cái hơi hướng mà một lần hít phải, thì nghệ sĩ đã cảm được tất cả nỗi niềm vinh dự và kiêu hãnh (kiêu hãnh chứ không kiêu ngạo) được làm người. Tìm nhau trong vinh dự của cuộc đời… Niềm vinh dự này là cái cảm thức vời vợi của một tâm hồn trượng phu, sống trong cuộc đời và sống giữa mọi người, lòng đầy vơi một niềm yêu đời yêu người, mà vẫn tự tại riêng mình một góc trời bất tuyệt. Một lần nhận ra thiên thu trong lòng mình, một lần nhận diện ra mình nơi chính thiên thu ấy, Phạm Duy đã đào ra đất ướt, và ông tin chắc là có mạch nguồn, đang ở đâu đó cận kề. Và ông lên đường. Cuộc khởi hành đích thực. Ông lên đường, trong lòng tràn đầy niềm tự tin: Thiên thu trong lòng này, tương lai trong bàn tay, và đường ông đi, và cuộc đời trước mặt luôn là một mời gọi, một quyến rũ đắm say, bởi vì con đường ấy, cuộc đời ấy, chính là thiên thu thể hiện.
Được soi rọi bởi niềm tin yêu, bởi lẽ trinh chánh của ánh sáng thiên thu, cuộc đời khổ đau, đen tối, với những eo sèo nhân thế của nó, thoắt lộ nguyên hình thành một toàn ảnh trác tuyệt, một hiến dâng tuyệt diệu của đời: Đời ngon như men say, tình lên phơi phới, đẹp duyên người sống cho người. Một phút giây sống là một niềm vui xôn xao đời vui như ong bay, ngọt hương cây trái, góp chung mật sống lâu dài. Nhẹ bàn tay nhân gian ơi, nhẹ bàn chân… nhân gian… ơi. Phạm Thiên Thư cũng đã một lần thoáng nhận ra cái lẽ đời trác việt ấy, và ông đã thảng thốt kêu lên trong một niềm khiêm cung lạ lùng: Chắp tay tôi lạy Hiện Hữu tuyệt vời, đâu không là Phật, đâu chẳng là Trời. Tôi không là tôi, người không là người. Và ông kêu gọi nhân gian: Xin mở lòng ra cho Trời Đất hiện. Phạm Duy thì thiết tha mời gọi nhân gian cùng ông bước vào nẻo đời ấy: nhịp bàn tay nhân gian ơi, nhịp bàn chân nhân gian ơi. Phạm Duy thường dùng chữ mới, chữ tân kỳ để chỉ thị nỗi niềm yêu đời yêu người cao cả ấy, để diễn tả niềm tin yêu và mê say tuyệt vời ấy. Tìm nhau hãy nép trong tin yêu thương mới,… cầu hương lúc tân kỳ… Cái gì mới? Và tại sao tân kỳ?
Là bởi vì với ông, tin và yêu không còn phải là việc của lý trí lạnh lùng chấp nhận một cái gì ở bên ngoài, mà là một sức sống tuyệt vời nảy nở từ tâm linh; nó chính là sự sống, nó chính là thiên thu thể hiện thành sự sống trong từng sát-na. Nó chính là sự sáng tạo đích thực. Trong những giây phút rạt rào niềm tin yêu ấy, sự sáng tạo đã được thực hiện ở mức độ tột cùng; sáng tạo là sự thể hiện của hiện hữu nhiệm mầu trong khoảnh khắc hiện tiền, và trong chỗ tột cùng ấy, khoảnh khắc hiện tiền chợt hóa thành thiên thu, và ba ngàn thế giới thu vào một đầu kim. Sáng tạo ở đây không còn là một trạng thái tâm lý, mà đã là một thể nghiệm siêu hình. Ai đã một lần trong đời, dầu chỉ thoáng qua, nhấp môi vào ly men tân kỳ này, thì thoắt thôi, trong thoáng chốc ấy, trước mắt họ, mọi giá trị trần gian đều rơi rụng; nào danh vọng, tiền tài, nào nghệ thuật trần gian… tất cả, trong thoáng chốc ấy, đều trở thành huyễn mộng. Và suốt cuộc đời còn lại, họ chỉ còn vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương.
Đối với Phạm Duy, cái thoáng chốc ấy hình như cũng hiếm hoi và còn mong manh. Cho nên với nó, ông trân trọng và gượng nhẹ nâng niu: Nhẹ bàn tay nhân gian ơi, nhẹ bàn chân nhân gian ơi. Nó chưa miên viễn nơi ông. Song song với tiếng gọi của mầu nhiệm thiên thu trong sâu thẳm lòng ông, thể chất ông còn đón nhận sức quyến rũ mê đắm của trần gian; của dưỡng chất trần gian. Và ông sống hết mình với nó, tận hưởng nó. Trời sinh tôi ra như thế. Thương tôi cho sống say mê. Không thương xin giết tôi đi. Nhưng dưỡng chất trần gian vốn là niềm vui trần thế, và ông ca hát về nó với một tài hoa ít ai bì kịp. Nhưng dường như càng đam mê nó thì ta càng xa dần thiên thu. Nó sẽ triển chuyển ra thành chằng chịt phiền lụy khổ đau. Phải chăng về nó mà ông nói đến bàn tay ám khí u mê?
Nhưng cứ mỗi lần vấp ngã, mỗi lần ê chề khổ đau thì làm như là mỗi lần có bàn tay thơm mùi gỗ quí gỡ anh ra. Và ông lại tạ ơn đời:
…Trong trăm mùa xuân héo, tay hái biết bao niềm yêu. Dăm eo sèo nhân thế, chưa phải lòng say mê, với đôi ba lần gian dối, đời vẫn ban cho ngọt bùi… Cứ mỗi lần khổ đau, lạc lối, ông lại tìm về quê hương, đắm mình trong dòng suối quê, nghĩa là ông lắng lòng xuống, lắng nghe lại tiếng gọi nhiệm mầu của thiên thu trong cùng tâm hồn mình, và tiếng gọi nhiệm mầu ấy — tiếng thanh tâm phổ thiện trú ấy — lại réo rắt ru ông, vỗ về ông trong tình yêu bất tuyệt, phả cho ông niềm tin yêu — sức sống — để cho ông hồi phục. Để ông hồi sinh. Có một sự tranh chấp giữa vô cùng và hữu hạn trong lòng ông, trong cuộc đời ông. Điều này được ông cảm nhận một cách tuyệt vời trong Bên Cầu Biên Giới. Đứng bên cầu biên giới trong một buổi chiều xế nắng, trong cái biên giới ấy của không gian và thời gian, ông còn cảm nhận một biên giới nữa trong chính lòng mình. Như cảm thấy được sự thể hiện của thiên thu trong dòng chảy của con sông và trong sự trôi chảy của dòng đời bất tuyệt — thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ — lòng ông mênh mang một nỗi sầu nhớ bâng khuâng, nhớ về một quê hương thiên thu xa vời nhưng cũng rất gần gũi, bàng bạc khắp nơi. Và thoáng đâu đây lạc một tiếng tơ chùng, và bên ông một dáng huyền nên thơ.
Lòng ông tràn trề một mối trữ tình chất ngất. Cảm nhận cùng lúc vừa một tình cảm nhiệm mầu, vừa một cảm xúc trần gian, ông kêu lên: ôi lòng tôi sao vẫn còn biên giới, lòng tôi sao vẫn dừng nơi đây – ôi dòng tóc êm đềm, ôi bể mắt đắm chìm… Biên giới ấy trong ông, chính là biên giới giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa vô cùng và hữu hạn. Cho nên làm xong Tâm Ca và Đạo Ca, ông quay ra làm Tục Ca. Có lẽ là để cho đỡ căng sau khi ghìm mình quá lâu trong một phía của lòng mình.
Nhưng có lẽ cũng là để tự bộc bạch mình. Ông không muốn làm ngụy quân tử. Ông ca ngợi tình yêu cao cả, ông xưng tụng lẽ Đạo nhiệm mầu, nhưng ông cũng muốn nói trớt với đời là trong ông vẫn còn những nét chính quê hương, là tâm hồn đã bị tổn thương, thui chột nặng nề để không còn khả năng đón nhận tiếng gọi của thiên thu, tiếng gọi của tình yêu thương sâu thẳm. Thời gian còn quá ngắn để hồi phục, và để phục hồi, để vượt lên trên cái đám đổ nát ngổn ngang này, còn cần nhiều đến quyết tâm và cố gắng. Phải ngẩng cao đầu lên, nhưng đồng thời cũng phải lắng sâu lòng xuống, phải tu — phải tẩy sạch cái đám ngổn ngang khỏi lòng mình — để nối lại mạch nguồn đã đứt.
May mắn là gần đây, ta lại tìm thấy lại Phạm Duy trong một vài bài rong ca. Làm như ông đã nối được mạch nguồn. Nhưng trong sâu thẳm, nghe sao mà não nùng. Như một lời vĩnh biệt bi ai. Vừa cất tiếng lại, là ông đã hát tình yêu. Ông sẽ ra đi, về cõi lớn, nơi quá khứ cũng là tương lai, nơi không có ta nơi đó cũng chẳng có ta nơi này, nơi không còn có không gian thời gian. Nơi vĩnh cửu, thiên thu. Và ông phát nguyện nếu cần thì ông sẽ quay về nẻo xanh, quay lại trần gian, để cùng trần gian và vì trần gian cất tiếng hát ca ngợi tình yêu bất tuyệt.
Trong tình yêu đó, người không rời sinh tử mà vẫn tự tại giữa tử sinh. Lời phát nguyện đó, khiến mọi người cảm tưởng Phạm Duy, ông là Bồ Tát.. đọa !
Phạm Phú Lợi
Saigon-1996
(trích Tập san Phật Giáo Việt Nam, số Phật Đản 1990)