Chỉ có ngủ lại thì phải đăng ký tạm trú tạm vắng mà thôi. Các ông là người thi hành pháp luật mà sao không biết luật. Hay các ông dùng luật rừng xanh đối với thầy chùa”. Tức quá, các cậu không biết làm thế nào, chỉ còn biện pháp là hốt hết về Công an Tam Kỳ để cấp trên làm sáng tỏ. Tôi trả lời: “Chúng tôi không làm gì phạm pháp tất nhiên không ai có quyền bắt chúng tôi và tôi sẽ ra về, nếu các anh báo cấp trên thì nói anh ghi địa chỉ như sau: Thích Long Trí, chùa Viên Giác, 34 Huỳnh Thúc Kháng – Hội An. Giờ đây tôi bận việc phải về. Xin chào các anh”. Nói xong tôi và thầy Như Thùy xách xe ra về. Trong lúc đó lực lượng vũ trang có đến 10 người chĩa súng vào tôi và lên đạn lắc cắc. Tức mình đi giữa 2 hàng súng tôi chửi đổng: “Tao đây, thách tụi bây thằng nào ngon thì nổ súng coi chơi”. Thế rồi tôi và thầy Như Thùy ra về. Qua vấn đề trên, chúng ta rút ra một số kinh nghiệm đối với người Cộng Sản thì chỉ có: Nhất Lý, Nhì Lì mà thôi… (trích hồi ký của cố Hòa Thượng Thích Long Trí, nguyên Chánh Thư Ký VHĐ GHPTVNTN)
Năm 1992, chúng tôi, một nhóm các chuyên viên kỹ thuật trẻ sinh hoạt trong mạng lưới internet trong giai đoạn rất phôi thai, họp nhau qua mạng. Chúng tôi bàn với nhau, chúng tôi may mắn có đặc quyền kỹ thuật vì làm việc trong lãnh vực hệ thống thông tin (IT Network) nhưng nếu chỉ hoạt động trong internet thôi, nỗ lực sẽ không đem lại hiệu quả vì đa số các tôn giáo, tổ chức và cộng đồng người Việt hải ngoại chưa bước vào internet. Chúng tôi quyết định chia nhau đi các nơi để trợ giúp các tổ chức, tôn giáo và cộng đồng.
Một người bạn của tôi vừa tốt nghiệp tiến sĩ và nhận việc ở Washington DC. Chúng tôi đề nghị anh đến giúp cho Cao Trào Nhân Bản vừa do Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế thành lập trong nước năm 1990 mà đại diện là bào huynh của ông, Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân ở Washington DC. Anh bạn đồng ý. Một ngày nọ anh chàng tiến sĩ tìm ra địa chỉ nhà bác sĩ Nguyễn Quốc Quân và đến gõ cửa để tự nguyện giúp Cao Trào Nhân Bản. Dĩ nhiên lúc đầu bác sĩ Nguyễn Quốc Quân chắc là ngạc nhiên khi một anh tiến sĩ trẻ đến xin giúp cho phong trào không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Tuy nhiên, lòng yêu nước như ngọn đèn soi sáng tấm lòng và họ tin tưởng nhau từ đó đến nay đã tròn 27 năm.
Các bạn khác cũng vậy, mỗi người chia nhau đi một ngã tùy theo khả năng, tôn giáo và lãnh vực mình yêu thích, để qua đó đóng góp.
Tôi may mắn hơn các bạn tôi vì không phải đi “tìm việc”. Lúc đó tôi đã có những gắn bó với Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ (GHPGVNTNHNHK) nên tiếp tục yểm trợ cho giáo hội.
Dù sao để có công việc làm cụ thể, tôi liên lạc với các Thượng tọa Thích Viên Lý, Tổng thư ký và Thượng tọa Thích Minh Dung, Phó Tổng thư ký của giáo hội để yêu cầu các thầy giao việc. Hai thầy giao tôi việc phụ phiên dịch các bản tin, thông tư của giáo hội, các thỉnh nguyện thư gởi Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền. Phần lớn thông tin qua lại ngày đó vẫn là fax. Tôi không có máy fax ở nhà và múi giờ California cách Boston ba tiếng nên tôi thường ở lại hãng đến khuya để làm việc.
Từ đầu năm 1992, các văn bản được công bố dồn dập từ trong cũng như ngoài nước. Là dân kỹ thuật, ngôn ngữ Phật học tôi không quen dùng nên phải nhờ thêm các bạn và khi cần còn nhờ cả anh Stephen Denney ở UC Berkely giúp.
Tôi thích lặng lẽ làm việc. Dĩ nhiên tôi biết các sinh hoạt và thay đổi nhân sự đang diễn ra trong giáo hội nhưng không mấy quan tâm.
Tôi không đảm nhận một chức vụ gì của giáo hội và cũng không có ý định sau đó sẽ giữ một chức vụ gì. Giống như các bạn, tôi chỉ là những chuyên viên IT, hơn một chút tôi còn biết làm thơ và viết văn nên ngoài việc góp phần vào việc phiên dịch tôi còn viết các sinh hoạt giáo hội thành các bản tin gởi cho các báo.
Về đời sống tôi còn phải viết những “software” rất phức tạp cho hãng Sun Microsystems ở Milpitas, California, vừa giúp các phong trào trẻ vừa ra đời ở khắp nước Mỹ, làm việc cho cộng đồng và giáo hội nên suốt tuần rất ít khi có mặt ở nhà. Sở làm là nhà vì ở đó có máy Fax, điện thoại gọi xa không tốn tiền (long distance calls), giàn computer rất mạnh để viết bài và gởi đi khắp nơi. Tôi luôn để các số fax của các hãng tin lớn như UPI, Reuters và các báo lớn của Mỹ trên bàn làm việc và khi dịch xong một bản tin, tôi thường fax đến họ dù họ cần hay không.
Tôi làm việc rất hăng say và tôi rất kỳ vọng ở tương lai giáo hội. Chư tôn đức sinh hoạt rất đúng với môi trường mới ở Mỹ nhưng không phải thay đổi gì nhiều so với các lễ nghi trước 1975 tại Việt Nam. Các bậc trưởng lão hòa thượng như Hòa thượng Thích Hộ Giác, Hòa thượng Thích Mãn Giác, Hòa thượng Thích Thắng Hoan, Hòa thượng Thích Thiện Trì, Hòa thượng Thích Đức Niệm v.v… là những bậc cao tăng, thạc đức đóng vai trò chứng minh trong lúc chư tăng sĩ trẻ như quý Thượng tọa Viên Lý, Thượng tọa Minh Dung, Thượng tọa Hạnh Tuấn v. v… phụ trách điều hành công việc hàng ngày của giáo hội.
Ngay trong thời điểm đó, khoảng giữa năm 1992, tôi nhận được thư của sư phụ chúng tôi là Hòa thượng Thích Long Trí báo tin ngài đang hợp tác với Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo Thích Huyền Quang trong cố gắng phục hồi sinh hoạt của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Hai ngài quen biết nhau từ lâu trước 1975 nên sư phụ đươc Hòa thượng Huyền Quang giao trọng trách Phụ tá Viện trưởng kiêm Chánh Thư ký Viện Hóa Đạo. Sư phụ đi khắp nơi với hy vọng thành lập một Hội đồng Viện với đầy đủ các tổng vụ và các vụ trực thuộc. Công việc không dễ dàng như ý muốn.
Trong một lá thư sư phụ mô tả những khó khăn trong giai đoạn phục hồi: “Giáo hội tuy vừa hình thành lại, tuy gọi là Viện nhưng thật sự chỉ có ngài Huyền Quang và tôi, còn ngài Quảng Độ thì bị cô lập tại Sài Gòn. Mỗi người mỗi ngã do đó mọi quan hệ rất là khó khăn… Kể từ 5 tháng nay, Hòa thượng Huyền Quang phát động gởi nhà nước “Đơn Cứu Xét Nhiều Việc” và sau đó nhiều văn kiện mang nội dung phơi bày sự thật đã được các chi bộ Phật Giáo hải ngoại tích cực vận động đã ảnh hưởng quốc tế và cũng nhờ vậy mà trong nước cũng tùy theo đó mà nới tay. Bên ngoài ảnh hưởng to lớn như vậy nhưng bên trong các vị giáo phẩm của Ấn Quang trước đây vì bị thế lỡ tham gia vào giáo hội nhà nước do đó đành xoay lưng sắp mặt, vì vậy phong trào không khởi xướng được. Đa số quý thầy vì sợ mất địa vị, khó khăn nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt, từ đó quần chúng cũng không làm sao góp phần hữu hiệu”.
Thời gian theo sau là những bức thư dài về tình hình giáo hội. Một trong những lá thư là thư riêng của Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang với chữ ký và ấn tín của ngài khuyên chúng tôi nên góp sức với giáo hội trong giai đoạn khó khăn trước mắt. Hòa thượng Thích Quảng Độ vừa rời Thái Bình để vào Sài Gòn. Các văn thư gởi ra vẫn dùng địa chỉ 243 Sư Vạn Hạnh nhưng cũng có văn thư kèm theo địa chỉ tạm “Văn phòng lưu vong chùa Hội Phước, Quảng Ngãi”. Là đứa bé mồ côi lớn lên từ trong chùa nên tôi vô cùng hãnh diện được phục vụ giáo hội và chư tôn đức trong giai đoạn vô cùng khó khăn và can đảm đó.
Trách nhiệm trước mắt tôi được văn phòng “Viện Hóa Đạo Lưu Vong” giao cho là mua một máy quay roneo mới thay cho cái quá cũ xử dụng từ trước 1975 ở chùa Viên Giác. Tôi không thể gởi chiếc máy quay Roneo nặng nề và nguy hiểm về Việt Nam bằng con đường chính thức. Tôi mời Liên Đoàn Cư Sĩ Phật Tử vùng New England họp để góp ý và chúng tôi quyết định gởi tiền về các thầy mua chợ đen giùm một máy quay roneo mới. Mùa hè năm ngoái, 2018, một thầy, ngày đó còn là Sa Di, qua Mỹ ghé thăm và nhắc lại các thông tư của đức Đệ Tứ Tăng Thống được quay từ chiếc máy ở chùa Viên Giác.
Chùa Viên Giác là một trong những nơi dừng chân ý nghĩa nhất trong hành trình của tôi trong thế gian này.
Tôi vào chùa năm mười ba tuổi. Căn phòng nhỏ ở khu nhà đông của chùa Viên Giác là nơi tôi ở. Chiếc giường gần cửa sổ là giường của “Chú Điển” (Hòa thượng Thích Như Điển). “Chú Điển” rời Viên Giác khoảng giữa năm 1969. Thời gian tôi sống với “Chú” không dài nhưng là những tháng năm đầy kỷ niệm. Trong tác phẩm Hương Lúa Chùa Quê Hòa thượng Thích Như Điển có nhắc đến một cậu bé “mảnh khảnh, dáng điệu thư sinh. Hầu như ít nói, chăm lo trà nước cho thầy tiếp khách” và cậu bé đó chính là tôi. Những đêm hè nóng nực chúng tôi vác chiếu ra hiên chùa nằm ngủ. Những đêm rằm, nửa khuya tôi thức dậy nhìn trăng sáng rực cả sân chùa. Tiếng lá từ hai cây đa già bên sân rộng ru tuổi thơ khốn khó của tôi.
Trong thời gian ở chùa Viên Giác tôi có một đời sống nội tâm rất mạnh nhưng bên ngoài rất ít nói. Khi rảnh rỗi tôi xin phép sư phụ lên lầu đọc sách. Một hai năm sau tôi đọc hết sách lên lầu. Tôi thích nhất là bộ Lịch Sử Đệ Nhị Thế Chiến của Winston Churchill dày hơn cuốn tự điển chữ nhỏ li ti do Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện VNCH Trần Minh Tiết dịch. Mười ba tuổi nên nhiều phần tôi không hiểu hết. Sư phụ bảo không sao cả, cứ đọc đi, mai mốt rồi sẽ hiểu. Đúng vậy kiến thức sẽ được gạn lọc nhiều lần để trở thành nhận thức. Tôi không quan tâm nhiều đến công việc hàng ngày ở chùa với nhiều chuyện buồn xảy ra trong thời gian đó. “Chú Điển” phân công tôi những công việc rất nhẹ như quét lá, lau bàn ghế trong phòng khách và hầu trà khi khách của sư phụ đến thăm. Các Đại đức Tuyên Úy Quân Đội Đại Hàn thường đến thăm sư phụ và tôi đứng hầu xem các vị bút đàm bằng chữ Hán với nhau. Sư phụ biết tôi rất quan tâm đến chính trị thế giới cũng như Việt Nam nên sau này lớn lên hai thầy trò gần gũi nhau hơn những ngày tôi còn nhỏ.
Cuối năm 1972 tôi vào đại học nhưng mỗi khi về lại Viên Giác thầy trò chúng tôi chia sẻ nhau nhiều suy nghĩ về đạo pháp và dân tộc. Nhận thức chính trị của tôi sau 1973 thay đổi một cách căn bản so với thời mười lăm tuổi làm chủ bút Đặc san Tuổi Mây ở Hội An. Thầy cho phép tôi tranh luận những vấn đề quan trọng mà sau này trở thành những vấn nạn của dân tộc và đạo pháp. Có lần tôi làm sư phụ nóng giận khi nhắc đến những biến cố Phật giáo mà tôi không đồng ý. Nhưng rồi khi biết tôi sắp trở vô Sài Gòn sư phụ lại dịu giọng.
Nhờ thế mà sau khi liên lạc lại được với Hòa thượng Viện Trưởng VHĐ, sư phụ viết thư báo tin cho tôi biết sớm và tôi cũng có dịp cập nhật sư phụ những biến chuyển về chính trị và bang giao quốc tế trong những năm đầu thập niên 1990. Căn nhà nhỏ tôi ở Boston trở thành một trong hai địa chỉ nhận thông tin của giáo hội. Có khi nhận xong tôi phải chuyển đến các địa chỉ khác do chư tôn đức trong nước dặn.
Tôi hết lòng phục vụ giáo hội trong cũng như ngoài nước nhưng quan điểm của tôi về giáo hội cũng như tương lai của Phật Giáo Việt Nam khác khá nhiều so với quan điểm của các cư sĩ thuộc thế hệ trước chúng tôi. Tôi không sống bằng quá khứ. Việt Nam dân chủ trong tương lai sẽ là căn nhà chung của mọi tôn giáo. Các tôn giáo là những dòng suối của tình thương, những dòng sông của bác ái, hòa vào mạch sống chung của dân tộc, đem lại dòng sinh khí cho quê hương vốn đã bao năm chìm đắm trong hận thù tang tóc. Các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo trong Việt Nam tương lai sẽ là những cột kèo, mái vách gìn giữ cho căn nhà đạo đức Việt Nam mỗi ngày một thêm bền vững. Các ngài sẽ là những bậc thầy đáng kính dạy dỗ cho các thế hệ Việt Nam mai sau được lớn lên trong tình đồng bào ruột thịt, biết yêu thương nhau, bao dung và che chở cho nhau.
Trong giai đoạn hai năm 1992 và 1993 còn có rất nhiều sự kiện quan trọng diễn ra ở Huế và Sài Gòn. Tôi biết hết nhưng không có ý định viết giáo sử mà chỉ ghi lại những việc tôi có liên quan nên không viết ra đây.
Tôi ở sống ở Boston nên cũng gắn liền với các sinh hoạt Phật Giáo ở thành phố này. Một sự kiện gây xúc động mạnh không chỉ trong nội bộ Phật Giáo mà cả giới truyền thông Mỹ là sự kiện Huynh trưởng Viên Lạc Phạm Gia Bình tự thiêu. Anh thực hiện lời nguyện thiêu thân cúng dường Tam Bảo và đóng góp vào công cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do tín ngưỡng tại Việt Nam vào lúc bảy giờ sáng ngày 6 tháng 4, 1993 tại Connecticut. Chư tôn đức Hòa thượng Thích Mãn Giác, Hòa thượng Thích Nguyên Hạnh, Hòa thượng Thích Viên Lý, Pháp Sư Niên Trưởng Thích Giác Đức vân tập về để chủ trì lễ di quan hỏa táng. Đứng trước quan tài anh, tôi thầm cầu nguyện giác linh anh gia hộ cho đất nước, cho giáo hội và riêng cho Gia Đình Áo Lam chúng tôi sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Giáo hội trong nước từ Hòa thượng Viện Trưởng đến các cấp giáo hội đều xúc động trước tin Huynh Trưởng Viên Lạc tự thiêu.
Sư phụ tổ chức công khai lễ tưởng niệm dưới hình thức một buổi lễ đánh dấu “Ba Mươi Năm Pháp Nạn”. Thoạt đầu, giới cầm quyền CS tưởng sư phụ tổ chức để đánh dấu Pháp Nạn 1963 nhưng sau đó họ có ý nghi ngờ. Họ yêu cầu sư phụ nếu muốn được tổ chức thì phải thêm số 1963 vào biểu ngữ chính treo ngang trước cổng chùa. Sư phụ từ chối và vẫn tiếp tục tổ chức lễ tưởng niệm Pháp Nạn. Giới cầm quyền CS tại địa phương ra chỉ thị đồng bào Phật tử không được tham dự nhưng kết quả vẫn rất thành công và trong lễ khai mạc chỉ chào đạo kỳ Phật Giáo Việt Nam mà thôi.
Tôi gởi về sư phụ bài thơ Hoa Đạo để góp phần với chương trình. Một đoạn trong bài thơ:
Cám ơn anh
Đã để lại một niềm tin
Một con đường dẫn vào lịch sử
Mỗi tiếng nói của anh
Đã trở thành bất tử
Mỗi lời dặn dò là nguyện của đoàn sinh.
Đường các em đi sẽ chẳng cô đơn
Dẫu đất nước còn chìm trong bóng tối
Căn nhà mẹ mười tám năm mưa lũ
Áo mẹ bạc màu nghìn mảnh vá tang thương
Ai đã đem hận thù gieo rắc giữa quê hương
Các em sẽ biến chúng thành phân bón
Cho cây tình thương trổ lá đơm cành
Ai đã đem lửa bạo tàn đốt cháy tuổi xuân xanh
Các em sẽ biến chúng thành ánh sáng
Cho bình minh hừng hực cả tinh cầu
Anh em về nhìn lại mặt nhau
Quên đi những đêm dài tăm tối.
Bầy nai lạc giữa rừng già trăm lối
Đêm vẫn tìm nhau qua tiếng hú thân quen
Phải chăng từ trong mỗi con tim
Đã cưu mang chung một niềm đau
Và nỗi nhớ thương không thể nào dấu được.
Đường các em đi dù gập ghềng xuôi ngược
Nhưng mỗi lần nhắc đến tên anh
Vẫn thấy nụ cười trong đôi mắt em xanh
Thấy bóng mát chạy dài theo chân mẹ
Thấy nước chảy qua cánh đồng nứt nẻ
Thấy mặt trời thức dậy giữa đêm đông.
Cám ơn anh đã để lại một dòng sông
Dòng nước Từ Bi chẳng bao giờ tắt
Cành Hoa Đạo muôn đời không héo hắt
Hương ngạt ngào vạn kiếp chẳng phôi pha.
Ba trăm năm Nho giáo và gần một trăm Pháp thuộc, đạo Phật đã bị các thế lực trong và ngoài cố tình xóa bỏ và những lời giảng của Đức Bổn Sư bị biến thành một loại bùa mê. Nhưng rồi một ngày tiếng gậy trúc của chư tổ vang xa đánh thức cả một dân tộc đang chìm trong bóng đêm nô lệ. Các tổ Khánh Anh, Phước Huệ, Giác Tiên v.v… và các cư sĩ ưu tú cùng bước trên con đường phục hưng Phật Giáo trong những thập niên đầu của thế kỷ 20.
Đạo Phật không mai một và cũng chẳng ngủ quên. Dòng Suối Từ vẫn chảy dù rất nhiều năm chảy rất âm thầm. Thời đại ngày nay cũng thế. Phật Giáo Việt Nam đang chịu đựng rất nhiều khó khăn, nhưng một tôn giáo đã gắn liền với dòng sinh mệnh dân tộc trong suốt hai ngàn năm sẽ không vì những khó khăn trong vài chục năm mà đổi thay hay đồng hóa vào cơn lũ. Cội nguồn vẫn còn nguyên nên dòng Suối Từ sẽ chảy mãi.
Trần Trung Đạo
(Trích Báo Xuân Hoa Đàm, 2020 – Lotus Media phát hành)