Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the complianz-gdpr domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/hoadamne/bodhimedia.org/wp-includes/functions.php on line 6114
Quốc Bảo: Thiền, trẻ em và stress • Bodhi Media

Quốc Bảo: Thiền, trẻ em và stress

Thiền định là chìa khóa giúp cho con người có sự cân nhắc một cách chín chắn, kỹ lưỡng, tự tin hơn trong hành động, nói năng, hay suy nghĩ, nhờ nó mà con người có thể cải thiện được cuộc sống của mình, không hệ lụy, bế tắc do điều kiện xã hội, hay môi trường khách quan đưa lại. Thiền định là phương pháp hữu hiệu chữa lành tất cả tâm bệnh của thời đại, trong đó có Stress.

Stress là một trong những từ thông dụng của thập kỷ 90. Khi nói đến stress ai cũng hiểu rằng đó là một trong những triệu chứng làm cho con người căng thẳng, cáu bẳn, mệt mỏi, tinh thần không thoải mái. Hoạt dụng của nó tác động mạnh mẽ khi xã hội phát triển, con người hướng ngoại; nó cũng chính là nguyên nhân gây nên tất cả căn bệnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, huyết áp cao… Một cuộc thí nghiệm cho biết, người ta cho một người bị bệnh stress vào để kiểm tra, sau cuộc kiểm tra họ thấy rằng, khi stress, do sự căng thẳng của não bộ, tim mạch người đó bị kích thích rất mạnh, điều này dễ dàng đưa con người đến sự đột quỵ hay huyết áp cao. Một thí nghiệm tương tự, người ta khảo nghiệm trên các bà mẹ bị stress, và thấy rằng mỗi người đã uống thuốc suy nhược thần kinh để điều  trị stress. Vì vậy, stress được xem là một trong những chứng bệnh trầm kha của thiên niên kỷ như kẻ tâm thần luôn bám theo bạn. Nó không chỉ hiện hữu như khi bạn có công việc nặng nhọc, khi bạn thất nghiệp trong thời gian lâu dài, bạn bị ly hôn, hay đang chuẩn bị mua một căn hộ mới, mà thậm chí trong khi bạn đang đi du ngoạn. Stress đã khiến cho mọi người rơi vào đau khổ, nhưng trẻ em thì không bị chi phối.

Hầu hết chúng ta thích nghĩ về tuổi thơ ấu, đó là thời gian hạnh phúc và ngây thơ nhất. Tuy trẻ em cũng chịu nhiều áp lực như chúng ta, các cuộc thi cử buộc các em phải học bài và làm bài căng thẳng, phải nhồi nhét nhiều kiến thức, tri thức để đỗ đạt theo nhu cầu của cha mẹ đề ra, nhưng những điều đó lại không làm cho trẻ em bị stress. Trong lúc, áp lực lứa tuổi đang theo chiều hướng phát triển, nhiều gia đình đổ vỡ trước hôn nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, thậm chí trong thời gian gần đây, khi khoa học công nghệ thông tin phát triển, nhiều biến chuyển xảy ra, xung đột màu da, sắc tộc, những cuộc chiến vì màu da phải đổi lại biết bao tang thương mất mát, nhà tan cửa nát, huynh đệ tương tàn, cha con chồng vợ phải chia lìa bằng những tấn bom vô nghĩa, hay trẻ em tiếp cận những game thủ đầy chết chóc, tàn ác, gieo hạt giống chém giết, tàn sát bạo động, mặc dù được sinh ra trong một thế giới đầy sự ồn ào náo nhiệt như vậy, nhưng trẻ em có thể tìm lại những giây phút an bình trong giấc ngủ của mình. Dù rằng thế giới bên ngoài mà những giây phút trước đây các em đã gặp phải, dù rằng chiến tranh hay bom đạn rơi khắp nơi, nhưng giấc ngủ của em vẫn đầy thơ mộng và an vui, không có tác động nào có thể chi phối giấc ngủ của chúng.

Trong khi đó, những người lớn cố thử những phương cách đặc biệt để giảm stress, chẳng hạn như ngâm mình trong những bể nước lớn, thả hồn theo khói thuốc, tìm sự thoải mái trong các chuyến picnic, du ngoạn hay các phương pháp thể dục nhịp điệu để phục hồi tinh thần sau những công việc mệt nhọc, nhưng có lẽ, áp lực cũng không giảm được phần nào mà còn rơi vào stress trầm trọng hơn. Chẳng qua những điều người lớn thực hiện chỉ  để mong sao chóng lãng quên sự cô đơn, cực nhọc sau những giây phút làm việc của mình. Còn stress là một vấn đề khác, bản thân của nó biểu thị trên tất cả mọi phương diện, huyết áp cao, đưa đến những căn bệnh xơ cứng động mạch, sự lo lắng, sự chán nản và chứng mất ngủ. Vậy nguyên nhân đưa đến stress là gì?

Những nguyên nhân của stress

Để vượt qua vấn đề này, chúng ta có thể nói, hình thức buông xả hoàn toàn là nhu cầu cần thiết, trong đó điều quan trọng là phải biết cách  giải  tỏa những stress thân và tâm. Nghĩa là biết thả lỏng thân và tâm một cách thực sự. Khi nói ra điều này dễ gây cho chúng ta một sự kinh ngạc, tại sao vậy? Bởi vì, trong khi thực hành, tâm vị hành giả thấy rằng không có một thứ gì bên ngoài có thể thiết lập đời sống hạnh phúc  an lạc cho chính mình, chỉ khi hành giả quán sát theo dõi thân tâm của mình, biết buông xả, nhận diện ra được bản chất cấu trúc tư tưởng vọng động tồn tại trong con người thì khi ấy mới không bị nó níu kéo, buộc ràng. Thiền định đều đặn là phương pháp hiệu quả nhất giúp đạt được điều đó, con người sẽ cải thiện cuộc sống không còn bị stress. Giới y học đã tiến hành một cuộc khảo nghiệm trên cơ thể một người có thực tập thiền định. Sau cuộc thử nghiệm họ nhận ra rằng, sự biểu thị stress gây nên đau khổ và căng thẳng, chẳng hạn như bệnh nhồi máu cơ tim, áp huyết cao hay các bệnh xơ cứng động mạch, có chiều hướng giảm rõ rệt. Nguyên nhân gây nên những căn bệnh này ở độ tuổi trung niên và tuổi già, và nó đã biểu hiện đều đặn trong một thời gian dài ở thời thơ ấu. Vì vậy, nhận thức về căn bệnh stress, thấy rõ nguyên nhân gây nên căn bệnh này kéo dài trong thời gian không chỉ ở lứa tuổi trung niên và sau này mà ngay cả ở thời thơ ấu, thì chúng ta cần phải tìm hiểu ra phương pháp tận diệt nguồn gốc stress ở lứa tuổi trẻ em. Để thực thi được điều này, chúng ta cần hướng dẫn các em áp dụng thiền định, giúp các em nhận thấy lợi ích to lớn của hành thiền, nghĩa là sau khi hành thiền sẽ giúp cho các em một cơ thể mạnh khỏe, một tinh thần tươi vui, hoạt bát, sáng suốt hơn trong lúc học hành, đối xử và thương yêu nhau hơn trong tập thể.

Những tác giả viết về cách dạy thiền định cho trẻ  em, như ông David Fontana và Ingrid Slack, hai nhà tâm lý học chuyên khảo sát về các hoạt động trẻ em, tin rằng nếu các em hành thiền hằng ngày thì đời sống của chúng sẽ tốt hơn. Họ đề nghị các bậc cha mẹ nên dẫn các em đến những nơi có tổ chức tu tập thiền định để nhờ các vị thiền giả dạy thiền cho các em, bởi vì “chúng ta càng giúp cho trẻ em có sự an bình cho cơ thể thì chúng ta càng có nhiều cơ hội tốt hơn để giúp cho các em không trở thành những kẻ sát nhân sau này”. Bởi vậy, việc cho trẻ tiếp cận học hỏi thiền là một nhu cầu cấp thiết không chỉ cha mẹ khuyến khích mà các địa phương chính quyền cũng nên động viên khích lệ, tạo điều kiện môi trường giúp các em được sống an bình hạnh phúc trong hiện tại, chính sự an bình đó mà xã hội tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Thiền định có những lợi ích gì khiến cho các em thực tập theo?

Lợi ích của thiền định

Lợi ích của thiền định thì rất nhiều. Tùy theo đối tượng thực hành mà cấp độ lợi ích của nó được sanh khởi nhiều hay ít. Theo kinh Trung Bộ, thiền định là nấc thang hướng hành giả đến giải thoát. Hòa thượng Thích Minh Châu cho biết rằng: “Hành Thiền, chính là một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng”, bởi một khi thực hành thiền, hành giả sẽ không sợ bị tâm thần điên loạn, thêm ý chí nghị lực, đối trị sợ hãi rụt rè, mà trái lại, thiền còn giúp cho hành giả điều hòa thân, tâm, điều hòa hơi thở; nhờ nếp sống lành mạnh, nhờ tâm tư an lạc nên ngủ ngon, không mộng mị, thân thể luôn khỏe mạnh. Ngoài ra, nhờ tu tập thiền hành giả nhớ lâu rất lợi cho việc học hành, thiền còn làm cho hành giả tăng trưởng trí tuệ, đạt được thiền lạc, thân tâm thường được hoan hỷ, sảng khoái, phấn khởi.

Mặt khác, thiền định còn là điều kiện giúp cho trẻ em minh mẫn trong khi suy nghĩ và kiểm soát các cảm xúc, không những kiểm soát sự nóng giận của bản thân mà còn nâng cao sự tự chủ, tự quyết. Fontana và Slack cho biết rằng, thiền định như là một biện pháp mát dịu để vượt qua những vấn đề do tâm lý và cách hành xử đưa lại, chẳng hạn như sự băn khoăn lo âu, tính hiếu động thái quá trong công việc… Họ xem thiền định là thước đo chung có thể đem lại nhiều lợi ích khi hướng dẫn các trẻ em ứng dụng thực hành.

Tuy nhiên, khái niệm về hành thiền cho trẻ em đến nay vẫn chưa được nhận thức đúng và triển khai rộng rãi. Chỉ có một số nơi ở Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện… có áp dụng môn thiền học cho trẻ nhưng còn rất hạn chế. Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu qua cách tu tập thiền trong trường học Maha- rishi. Người học cho biết rằng, điều quan trọng trong khi thực hành chính là biết rõ, ghi nhận tâm của mình, không nên đặt nặng niềm tin tôn giáo, hãy thực tập thiền định một mình, còn TM (phương pháp phát triển tâm linh) không là gì cả. Và hiện nay, phương pháp TM có hơn 4 triệu người áp dụng tu học trên khắp thế giới.

Riêng người lớn, phương pháp này bắt buộc một ngày dành 20 phút để chuẩn bị cho sự tụng đọc câu thần chú mang tính chất tôn giáo. Đây là một phương pháp dễ thực hiện dù bạn bị mất trí thường xuyên hay chìm trong giấc ngủ. Bạn chỉ trở lại việc tụng niệm thần chú khi bạn nhận ra bạn không còn tình trạng như trước nữa. Đối với trẻ em thì khác, bởi vì chúng không thích hợp phải ngồi hằng giờ với việc nhắm mắt. Thay vào đó, chúng ta hướng dẫn chúng cách đi bộ đến trường trong chánh niệm, ý thức hay chơi với các đồ chơi mang tính giáo dục lành mạnh. Nên dành cho các em mỗi ngày 10 phút để “thực hiện trò chơi” và sau đó thêm một phút cho mỗi năm khi chúng lớn lên.

Áp dụng Thiền định vào học đường

Từ trước đến nay chỉ có một số trường trên thế giới áp dụng thiền định vào trong lớp học và xem nó như là một môn học chính, môn học trị liệu tâm lý. Chẳng hạn như trường Maha- rishi ở Skelmersdale, áp dụng môn thiền này vào năm 1986 dạy cho 14 trẻ em. Hiện nay có hơn 100 em. Trường phân theo từng độ tuổi, 4 tuổi học lớp sơ cấp, 16 tuổi tham dự lớp GCSE (General Certicate of Sec- ondary Education). Do hành thiền đều đặn nên kết quả học vấn được nâng cao, cụ thể là trường Maharishi đã đứng đầu liên hiệp Lancashire về những kết quả GCSE, bao gồm luôn cả việc đứng đầu các  trường tư thục tuy rằng trong kỳ tuyển sinh có đón nhận các em không có sức khỏe tốt.

Derek Cassells, hiệu trưởng cho biết rằng, thành công có được của trường chính là chìa khóa thiền định; chúng ta có chương trình giảng dạy truyền thống, nay lại áp dụng thêm TM, ngôn ngữ phát triển trí tuệ cho lớp trẻ. Ngoài ra, ông ta xem stress là nguyên nhân gây ra tất cả vấn đề nhận thức và hành xử. Để giải quyết được điều đó, chúng phải được nghỉ ngơi thật sâu, ít nhất hai lần trong ngày, như giấc ngủ sâu chẳng hạn. Bởi giấc ngủ sâu sẽ giúp con người thư giãn tất cả những cực nhọc sau một ngày làm việc và cảm thấy an vui hơn trong khi làm việc.

Stress và tình trạng căng thẳng tâm trí cần được chuyển hóa thật sự và cần điều chỉnh cân đối hệ thống thần kinh. Sự cân đối đó sẽ đem đến rất nhiều lợi ích, chẳng hạn như khả năng tập trung tốt hơn, và điều này đem lại những kết quả tốt đẹp. Đây không phải là mục đích của chúng ta, chúng chỉ là một tác động thứ yếu. Điều quan trọng là trẻ em đang ở trạng thái thoải mái, chúng tạo hứng thú trong học tập, phát huy hết khả năng của mình và làm nổi bật cái có sẵn trong bản thân của chúng”. Ông Mark Gaskell, giáo sư toán học, khuyên các giáo sư cũng nên thực tập thiền định. Ông nói rằng: ở hệ thống học đường, mỗi ngày chúng ta nên thực tập thiền định. Bởi vì tôi thấy rằng, sau khi tôi nhắm mắt lại và mở mắt ra thì tôi thấy lớp học trở nên im lặng. Sự im lặng này sẽ tạo cho các em sự tập trung, dễ tiếp thu, thông minh, lanh lợi. Đây là một lợi thế to lớn đối với giáo viên. Trong một số trường học khác, nỗ lực chỉ để có một lớp biết cách im lặng và lắng nghe đã là khó, huống chi dạy chúng mọi thứ. Nhờ đó, chúng được làm tươi mát và hạnh phúc. Cũng nên để cho chúng tự sáng tạo, lý thuyết chẳng qua chỉ là sự gắn kết tạo nên nguồn cảm hứng và tư tưởng học hỏi sáng tạo mà thôi.

Với sự thành công này, Cassells tiếp tục khuyến khích các trường học khác nên áp dụng thiền định vào trong học đường: “Mọi người đang tìm kiếm cho mình một hệ thống giáo dục tốt đẹp, nhưng lại nhồi sọ và áp đặt các em, phương pháp đó rốt cuộc dẫn đến sự tiếp thu không tốt. Giáo dục cần có sự tự nguyện để nghĩ về mọi thứ khác. Chúng ta đang nói đến các ngôi trường sẽ quan tâm việc sử dụng phương pháp của chúng ta”.

Trẻ em, khó khăn trong học tập

Keith Snape, giáo viên chuyên gia tư vấn tâm lý cho các em học sinh gặp những tình cảnh khó khăn trong học tập, ông cho biết, “vẫn còn nhiều khía cạnh mới mẻ để giới thiệu thiền định đến với một số em học sinh, bởi các giáo viên, học sinh và tất cả cha mẹ đòi đưa ra những kết quả xác thực”.

Dĩ nhiên, những ngôi trường như vậy thì ngoại lệ, trong khi sức ép đối với các em ngày càng gia tăng, David Fontana và Igrid Slack lại cho biết, “bất hạnh thay, trong môi trường quan trọng lại không được thực hiện để giúp các em học cách hiểu về chúng, để kiểm soát những lo âu, quá trình nhận thức của chúng và để khám phá ra sự bình lặng tâm hồn, sự hài hòa và giữ thăng bằng trong chính bản thân của chúng”.

Ngoài những khó khăn gặp phải trong học tập ra, các em còn gặp rất nhiều khó khăn nữa trong cuộc sống, như giao tiếp hành xử với mọi người, v.v…

Trẻ em, một số phương pháp hành trì

Để giúp cho các em có một đời sống thánh thiện, có tâm hồn trong sáng và an vui hơn trong học tập, việc tìm ra một liệu pháp là điều cần thiết nên được ứng dụng thực hành. Ở đây, chúng ta có thể tham khảo một số phương pháp sau:

Tập thở

Đây là môn học căn bản đầu tiên khi tập thiền định cho cả người lớn lẫn trẻ em, nhưng đối với người lớn thì thực tập 20 phút hay lâu hơn nữa, còn trẻ em chỉ nên thực hiện nó trong vòng thời gian khoảng hơn 5 phút và chỉ tiến hành một hay hai lần đối với các em. Điều này sẽ tạo cho các em sự bình lặng trong khi thở chậm, chúng ta thở nhanh hơn và hời hợt khi nóng giận lo lắng, thì khi áp dụng thiền định sẽ giúp cơ thể thư giãn, thở chậm có ý thức hơn.

Người lớn có thể thực hiện điều này trên một cái ghế, hai chân tiếp xúc với nền nhà, nhưng trẻ em thì thích ngồi kiết già trên nền nhà. Để tạo cho các em ngồi lâu trong tư thế đó, nên cho các em ngồi trên một cái bồ đoàn (hay nệm) và chỉnh thẳng lưng, nhắm mắt. Rồi hướng dẫn thiền định như sau:

Em nhận thấy hơi thở của em đang đi vào trên mũi. Em cảm thấy hơi mát đi vào mũi khi em thở vào và cảm thấy ấm khi em thở ra. Đừng để sự chú ý của em theo hơi thở vào trong buồng phổi. Em hãy nghĩ mình như là một người lính gác đang làm nhiệm vụ bảo vệ hoàng cung, em hãy kiểm soát cẩn thận mọi thứ vào ra qua cánh cổng, em kiểm soát hơi thở cũng như vậy. Trong lúc đang thở, nếu em thấy trong tâm sanh khởi những ý nghĩ khác thì em hãy xem chúng thật đơn giản như người đang cố thử quấy rầy em và không nên để ý đến chúng.

Cách đếm hơi thở

Bây giờ tôi sẽ hướng dẫn các em thực tập đếm hơi thở. Khi các em thở vào đếm là một, thở ra đếm là hai. Chúng ta đếm đến 10 rồi đếm trở lại một. Chú ý vào hơi thở và đếm chúng một cách rõ ràng. Nếu trong khi đang đếm có suy nghĩ khác nổi lên làm cho chúng ta không nhớ là hơi thở thứ mấy thì hãy đếm lại. Đếm đến khi nào thuần thục, cảm thấy sự an tịnh nhẹ nhàng trong hơi thở, rồi sau đó chuyển sang cách đếm khác.

Thiền đi

Đây là một phương pháp thực  tập cho các em cách đi bộ trong chánh niệm. Khi đi biết mình đang đi, đứng biết mình đang đứng, ngồi biết mình đang ngồi, nằm biết mình đang nằm. Làm sao cho các em nhận thức ra được trong từng hành động việc làm của mình. Bảo các em hãy chú ý quán sát vào những điều đó. Nhìn thấy chúng và cảm thấy thích thú với chúng. Thiền đi sẽ khiến cho các em cảm thấy thích thú, thoải mái hơn sau thời ngồi thiền. Phương pháp này hướng dẫn các em sự di chuyển chậm, đi từng bước với sự chỉ dẫn kỹ lưỡng. Hãy chọn cho các em một con đường để bước đi và chỉ dạy cho các em cách nhấc chân lên nhẹ nhàng chậm rãi, và nhận ra mỗi sớ thịt, bắp cơ được vận động trong từng bước đi cũng như sự nặng nề khi nhấc chân lên và đặt chân xuống của mình. Khi đặt chân xuống nên đặt một cách nhẹ nhàng và êm thắm, đầu nhìn thẳng về phía hướng chân sẽ bước tới. Khi bước chân thứ nhất đứng vững trên mặt đất, chúng ta hướng dẫn các em bước bước thứ hai. Trẻ em rất thích điều này, đây là một lợi thế giúp các em dễ dàng tiếp cận với môn học thiền.

Nơi an toàn

Phương pháp thiền định này dạy cho các em khi chúng đang bị stress hay lo lắng. Trước tiên, chọn cho các em một không gian mát mẻ rồi bảo các em nhắm mắt lại, thở vào thở ra một hay hai phút. Sau đó, hãy giảng cho các em biết cách buông xả các bộ phận trên cơ thể. Chỉ dẫn cho các em thấy rõ rằng các em đang ngồi đây được sự gia hộ của chư Phật, che chở hướng dẫn của thầy, thì không có gì phải căng thẳng, lo sợ, hãy bắt đầu quan sát từ đầu ngón chân cái, chân, lưng, bụng, vai, cổ, đầu và da đầu.

Sau đó, hỏi chúng bức tranh trong tâm của chúng nãy giờ nhìn thấy thế nào? Để cho các em trả lời theo cách suy nghĩ của chúng. Hỏi bức tranh đó có đẹp hay xấu, để các em miêu tả. Khi hỏi điều này, một số nơi chúng biết, chúng sẽ trả lời, thậm chí trả lời một số nơi do các em tưởng tượng ra. Chúng ta tôn trọng sự suy nghĩ của các em. Sau khi trình bày xong, hãy hướng dẫn các em đem tâm đi vào những nơi này và quán sát chúng. Hãy nhìn xung quanh chúng để xem tất cả các vật mà em thấy, em thích và có được. Rồi giải thích rằng, đây là một nơi an toàn các em có thể đến bất cứ lúc nào, hãy dẹp bỏ sự băn khoăn của mình, không nên lo lắng.

Cho các em một vài phút để cảm nhận cảm giác vừa tiếp cận rồi mang chúng trở lại phòng. Sau đó, bảo các em tập thở một hai phút. Rồi bảo chúng mở mắt và nhắc nhở rằng đây là nơi đặc biệt vì chúng luôn hiện hữu trong tâm của mỗi người, các em có thể đến đó bất kì lúc nào. Khi các em mệt hay học hành căng thẳng thì nên biết buông xả và ngồi nhắm mắt để trở về với tâm của mình, trở về với nơi an toàn của mình. Nhờ đó, có thể giúp cho các em nhiều sáng kiến trong học tập.

Thiền định chính là một trong những phương pháp quan trọng nhất có thể giúp trẻ em xây dựng cuộc sống của chúng ở cả phương diện cá nhân và học tập ngày càng tốt đẹp hơn. Thiền định còn giúp các em kiểm soát đời sống nội tâm của mình, sử dụng năng lực tâm lý trị liệu có hiệu quả thay vì làm tiêu hao trong sự lo lắng và suy nghĩ không có mục đích. Tu học thiền định, các em sẽ phát huy khả năng sáng tạo trong tâm của chúng, những điều mà trước đây chưa từng được thực hiện…

[Tập san Pháp Luân số 37]

Bài ngẫu nhiên

Bài mới