HT Thích Mãn Giác: Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát và con đường của Phật Giáo Việt Nam

Bài trích từ Tạp chí Sáng tác, Nhận định Văn nghệ | Số đặc biệt về Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát, phát hành Tháng 12 năm 1988. Ban Chủ biên gồm các nhà văn Hồ Trường An, Phạm Quốc Bảo, Quyên Di, Võ Đình, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đức Lập, Định Nguyên, Vô Ngã, Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Khởi Phong, Bùi Vĩnh Phúc, Vũ Huy Quang, Đặng Phùng Quán, Nguyễn Văn Sâm, Nhật Tiến, Tưởng Năng Tiến, Nguyễn Bá Trạc, Kiệt Tấn và Võ Thắng Tiết.


Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát là hai khuôn mặt trí thức lớn, là thành phần tinh ba của Phật Giáo Việt Nam ngày nay. Hai khuôn mặt đó đã cùng với thế hệ Tăng, Ni trí thức đem cả thân mạng của mình để thống thiết kêu đòi cho nhân quyền và Tự Do của cả dân tộc. Họ thực đã nói lên tiếng nói của Phật Giáo, đã bước đi trên con đường hành động truyền thống của Phật Giáo Việt Nam khi đối diện với bất kỳ chế độ tàn bạo nào xưa nay. Từ tiếng nói đó, từ con đường hành động đó, Sỹ, Thát và bao anh em Tăng, Ni, tất cả là những người con của Phật Giáo, đã gắn bó, đã như hòa ta vào muôn triệu con dân Việt Nam để sống cùng với nỗi khổ đau và sống cho khát vọng của cả dân tộc.

Bằng thân mạng của chính mình. Bằng cả khí phách và lòng can đảm vô bờ của người con Phật Việt Nam hôm nay. Đọc những tin tức về phiên tòa 3 ngày 28, 29 và 30 tháng 9 năm 1988 và về những lời khí phách, kiên cường của Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát trước tòa qua lá thư của một người trong cuộc gởi đến tôi từ Trại Tỵ Nạn Pulau Bidong mới ngày hôm qua, tôi như ứa lệ trong nỗi bi phẫn hòa với niềm tự hào cho Phật Giáo và Dân Tộc đã có được những người con như Sỹ, như Thát dâng lên cùng với niềm tin tưởng vào con đường của Phật Giáo Việt Nam.

Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật Giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc. Tuệ Sỹ

“Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật Giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc.” Tuệ Sỹ đã dõng dạc nói lên như thế trước tòa trong khi xác định chỗ đứng của mình. “Chúng tôi tranh đấu cho toàn dân. Trước một chính thể đi ngược lại ý nguyện của quần chúng, đem lại nghèo đói, bần cùng cho dân tộc, chúng tôi không tiếc đem thân mạng hy sinh để tranh đấu… Chúng tôi tranh đấu cho Nhân Quyền, cho tự do bình đẳng, cho cơm no áo ấm của đồng loại… Chúng tôi không cần xin lượng khoan hồng của ai. Tất cả việc chúng tôi làm để lịch sử phán xét; không có một chế độ nào có quyền phát xét chúng tôi…” Lê Mạnh Thát đã khẳng định như thế trước mặt những con người cộng sản đang nắm quyền lực trong tay để lên án tử hình mình đâu phải ai cũng làm được, đâu phải chỉ cần tiết tháo không thôi là đủ. Phải can trường lắm, phải khí phách lắm, phải với tất cả niềm tin vô bờ vào con đường quang minh của chính mình và của dân tộc, phải mang Hạnh Nguyện to lớn vì dân vì nước đến không còn mảy may nghĩ đến thân mạng của mình mới có thể nói được những lời như thế. Và đó là Tuệ Sỹ, đó là Lê Mạnh Thát, đó là những Tăng Sĩ trí thức của Phật Giáo Việt Nam ngày nay.

Tất cả việc chúng tôi làm để lịch sử phán xét; không có một chế độ nào có quyền phát xét chúng tôiLê Mạnh Thát

Mười năm trước đây, Hòa Thượng Thích Thiện Minh đã nằm xuống trong lao tù vì quyết đối kháng đến cùng chế độ CS làm khổ dân, khổ nước. Mười năm sau đó, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu đang đứng trước bản án tử hình của chế độ CS cũng duy chỉ vì hạnh phúc và tự do của dân, của nước.

Phật Giáo là Mỹ Ngụy ư? Phật Giáo là Cộng sản ư? Bất chấp nhà tù, súng đạn và cái chết, Phật Giáo đã âm thầm đem cả thân mạng của mình ra để hy hiến cho Dân Tộc, cho khát vọng Tự Do, Hạnh Phúc của con người Việt Nam. Cái giá đó, đâu phải để nói lên, Phật Giáo không là Cộng sản ngày nay; cũng đâu phải để nói lên, Phật Giáo không là Mỹ Ngụy trước đây. Những lời “Phật Giáo là Mỹ Ngụy. Phật Giáo là Cộng sản”, những lời đó thật bất xứng không chỉ trước hành động hiến thân của Phật giáo mà còn trước ước mơ thống thiết của mấy mươi triệu con dân Việt Nam đang quằn quại ngày đêm dưới ách độc tài thống trị.

Thích Mãn Giác

Bài ngẫu nhiên

Bài mới