Sự phát-triển của đất nước trước hết phải là sự phát-triển của con người. Con người phá đất để mưu sinh. Đồng thời, lại sáng tạo ra những phong-cảnh cho hợp với sự sống của mình, lâu dần xây dựng nên một mĩ-quan riêng. Đó là cốt-tủy của văn-hóa. Tất cả phong-cảnh của cõi sống là văn-hóa. Tất cả các sinh-hoạt của con người, mục-đích là sinh-lí, nhưng hình-thức là văn-hóa.
Trong những nghìn năm sống trên đất nước Việt-Nam, máu, mồ-hôi và xương thịt đã thấm nhập vào đất và vào nước, biến thành vẻ đẹp Việt-Nam, tình người Việt-Nam, văn-chương, tư-tưởng và nghệ-thuật Việt-Nam. Kinh-tế ở đâu trong cái cảnh-trí này? Ở tất cả mọi nơi, vì từ lúc mà con người bỏ đời sống lang thang nhặt vặt và săn-bắn thì có sự trồng trọt, chăn nuôi, nghĩa là sản-xuất, có sự chia việc, thành nghề nghiệp, và thành có sự trao đổi, rồi sự mua bán; có sự tích-trữ, trước hết là hạt giống, con giống, và phải có sự tính-toán, học-hỏi, tức là chữ nghĩa, kĩ-thuật và khoa-học. Người ta càng đông thì đời sống càng phức-tạp, khó khăn, và phải đi vào tổ chức. Đó là kinh-tế, nhưng cũng là văn-hóa, chính-trị. Đây chỉ là những danh-từ chỉ những khía cạnh của đời sống. Nhưng đời sống là cái toàn-thể, đời sống không có khía cạnh.
Hãy thử nhìn lại đời sống Việt-Nam. Trong làng có lễ, người ta mổ và luộc một con lợn. Xong rồi cái thủ lợn đầy đủ cả tai, mắt phải bê lên chiếu các cụ tiên chỉ, còn thịt thăn, thịt mông thì thái ra để dân làng đánh chén “linh đình.” Các bà nội trợ ngày nay, sau khi đã học được một chút khôn ngoan của các quan tây, đi chợ thì mua thịt mông, thịt thăn chứ ít mua tai, mũi hay lãn (lưỡi) lợn. Đó là sự khác biệt giữa nền văn-hóa trọng lễ và nền văn-hóa vị lợi.
Trong xã-hội cổ, người ta biếu nhau (tặng). Sự biếu đi bao giờ cũng có sự biếu lại. Nhà xã hội học M. Mauss, cộng tác viên của Durkheim, đã viết một quyển sách về “Sự biếu” (le don). Biếu đi, biếu lại không phải là trao đổi hàng hóa vì ích-lợi. Biếu là trao đổi tình-cảm.
Kinh-tế-học là sự phủ-nhận toàn-diện chữ NHÂN của Khổng-tử, chữ TỪ của Phật Thích-ca, chữ ÁI của Jesus Christ. Chưa nói đến chữ VÔ VI của Lão-tử. Hèn chi mà Karl Marx chẳng nói rằng: “Tôn-giáo là thuốc phiện của quần chúng”. Tôn-giáo không chống sự biếu xén cũng như sự đổi chác, mua bán, để dành. Có tôn-giáo còn cho phép sự tín-dụng (Đạo Thiên Chúa Do-Thái). Có tôn-giáo khuyến-khích sự mua bán và cho vay, như Đạo Jaina (Đạo Kì-na ở Ấn-Độ) để tránh sự sát-sinh và bạo-động (ahimsa) cả với cỏ cây. Đạo Phật có ngũ giới và cũng không cấm sự gởi tiền và cho vay. Câu nói trên của Karl Marx chẳng qua là một lời vu-cáo phỉ-báng để tranh khách mà thôi. Tôn-giáo không cấm sự buôn bán và các dịch-vụ tài-chánh. Tôn-giáo chỉ ngăn cấm sự lường gạt, dối trá và những sự tráo trở vì lòng tham, sân, si. Tôn-giáo cũng là một khía cạnh của đời sống, khía cạnh tâm-linh mà kinh-tế hoàn-toàn không biết tới, nhưng người Việt-Nam thì phải biết.
Người Việt-Nam từ hơn mười ngàn năm nay đã vào nông-nghiệp và tự tạo ra một cõi sống riêng, cố-định, đó là văn-hóa. Lại từ hơn bốn ngàn năm lập làng, trị nước (huyền thoại Sơn Tinh và Chử Đồng Tử) phân chia ruộng đất, biệt lập công-tư (huyền thoại bánh dày bánh chưng), đi vào sự văn-hiến. Ngôn-ngữ tư-tưởng phát triển. Khoa thiên-văn cũng đã chớm nở đi đến sự khám phá thấy sao Bắc cực là ngôi định-tinh cố định của bầu trời và do đó có thể phân chia thời gian để làm lịch (huyền thoại 18 đời Hùng-vương) và có lẽ đã đặt ra chữ viết (dấu khắc trên trống đồng). Tất cả các sự-nghiệp ấy của đời Hồng Bàng đã bị xóa trắng trong sự cai-trị hà-khắc và tàn-bạo của nhà Hán mà Mã Viện là tay sai đắc lực. Những di-tích nhỏ nhoi mơ-hồ mà ta còn thấy trên những đồ đồng hoen rỉ, trong ngôn-ngữ, trong huyền-thoại, trong ca-dao, trong phong-tục, trong nếp-sống của người dân Việt ở thôn quê hay rừng núi là những bằng-chứng cao-quí của một lòng trung-dũng bền vững như nhật nguyệt của người con Việt qua những thế-kỉ điêu-linh nhất của lịch-sử. Tổ-tiên ta đã nhẫn nhục rất nhiều để học hỏi cho bằng người, cho hơn người, mà vẫn bảo trọng cái di-sản của cha ông và truyền lại cho đời sau, mãi mãi vô cùng tận.
Nay chúng ta sang một thời khác của lịch-sử. Sự sống còn một cách đàng hoàng xứng đáng nếu không phải là ngang tàng trong một thế-giới mới đang biến-động đòi hỏi rằng chúng ta một lòng nhất quyết học hỏi, tìm tòi, sáng-tạo để bước vào thời đại mới, đốt giai-đoạn để đi nhanh, nhưng không phản-bội lại lịch-sử oai-hùng của dân-tộc. Việt học là cái học để biết và hiểu những gì mà tiền-nhân đã làm và đã xây dựng, đắp điếm vào trong đời sống và tâm-linh dân Việt để có một chỗ đứng nghiêm-chỉnh dưới ánh mặt trời. Làm cho nước mạnh dân giàu là một chuyện, tạo ra một xã-hội công-bằng, yên vui, thoải mái trong đó con người được ấm no và được tự do ăn nói, làm việc để đi tìm hạnh-phúc, nhưng không quên những trách-nhiệm và bổn-phận chung (đê điều và thủy-lợi, chống thiên-tai, giữ nước, cứu đói…) là một vấn-đề khác. Việc nhỏ trước mắt phải là nỗ-lực trong vài thế-hệ để truyền lại cho những người trẻ, những người sinh ra ở nước ngoài hay bị cắt-đứt với đời sống Việt-Nam từ lúc tuổi còn quá nhỏ, một chút hiểu biết về nguồn gốc, một chút hương-vị của quê cha đất tổ, một niềm kiêu-hãnh tối-thiểu về dân-tộc. So với một nước ngoài có một Đề-đốc Nelson đánh tan hải-quân của Napoléon, thì ta cũng có Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, đánh tan cả lục-quân lẫn hải-quân của Nhà Nguyên ở Trung-quốc và đuổi hay bắt bọn Toghan (Thoát-Hoan), Sögetu (Toa Đô), Omar (Ô-Mã-Nhi). Và sau đó còn Lê Lợi, Nguyễn Trãi, còn Nguyễn Huệ. Và trước đó còn Ngô Quyền, còn Lê Hoàn, còn Lý Thường Kiệt. Nhưng sự đề cao những bậc anh-hùng chỉ là một phần công việc mà các người lớn tuổi phải làm. Khó hơn gấp trăm ngàn lần là sự gây được tình quê-hương và sự thương, sự yêu, sự kính phục đối với người dân quê, phấn đấu hàng ngày, dưới trời mưa dầm hay nắng gắt phỏng da, để có đủ gạo ăn, thêm mấy con cua đồng hay con cá rô, cá trê và vài ngọn rau muống, rau cải.
Việc lớn phải làm trong khi chờ đợi về được nước để bắt tay thực-sự vào việc xây dựng một nước Việt-Nam mới, tân tiến, tự-do, sáng sủa, bình đẳng, an-ninh, và phong-phú: Học và xét-lại tất cả các sắc-thái của đời sống Việt, từ cổ đến kim (lịch-sử), từ quê lên tỉnh, từng khu-vực (địa-lí nhân-văn khu-vực), theo mọi khía-cạnh (vật-chất và tinh-thần), trước hết là để hệ-thống-hóa theo những phương-pháp khoa-học (từ vật-lí, hóa-học lên kinh-tế-học, xã-hội-học, tôn-giáo-học, văn-chương-học, tư-tưởng-học), sau là để xét lại, nên giữ lại điều gì, cải cách điều gì, từ bỏ điều gì.
Công việc lâu-dài, đòi hỏi sự cộng-tác của nhiều học-giả thuộc nhiều chuyên-môn khác nhau, lập ra nhiều hội nghiên-cứu để tiến tới những công-trình khảo-sát mới, khách-quan, độc-lập; đó là việc chính của Việt-học, tiên-quyết cho các thảo-luận tự-do và rộng rãi trong nhân-dân, để đi tới những quyết-định lớn.
Những nước tiên-tiến, vì không thấy rõ tầm quan-trọng của vấn-đề, đã đi vào đời công-nghệ. Kết-quả ra sao? Một cuốn sách, dựa vào lịch-sử dân-sinh, với đầu đề là: “The World We Have Lost” của ông P. Laslett (Thế-Giới Mà Chúng Ta Đã Mất), xuất bản 1965, đã được bổ-túc và tái-bản hai lần (1971, 1984) với nhiều lần ấn-hành lại, nói về những biến-đổi xã-hội ở nước Anh sau khi vào cuộc Cách-mệnh Công-nghệ.
Chúng ta không muốn rằng, đem Công-nghệ tiến-bộ vào trong nước, sau vài chục năm, cũng phải nói lên điều ấy: gia-đình tan rã, làng mạc mất hết, không bao giờ con trẻ còn được nghe thấy tiếng sáo diều. Nước Việt-Nam bất-tử không còn nữa. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh nhỏ của vấn-đề. Vấn-đề lớn, quan-trọng hơn, là sự đang sống lại của đấu-tranh giai-cấp, với lớp chủ mới và một lớp tân-vô-sản với những tệ-trạng xã-hội mới (bán con gái, lao-động trẻ con, thất học, mua bằng cấp, vân vân). Vấn-đề lớn thứ hai: Chiến-tranh cục-bộ, Đông Á hay Đông-Nam Á-châu. Và vấn đề lớn thứ ba: Việt-Nam, nô-quốc của những thế-lực toàn-cầu mới. Những tai-họa này sẽ chỉ đến sau mười năm, ba mươi năm. Tức là ngày mai trong thời-gian lịch-sử.
Trần Ngọc Ninh