Nguyễn Đăng Khoa: Bút chiến thời xưa và Livestream chiến thời nay

Những năm 1930 có những cuộc “bút chiến” quyết liệt, hấp dẫn nhưng đầy tri thức, mang đậm màu sắc học thuật, có nặng lời với nhau nhưng có lý có lẽ có lập trường và cùng hướng về mục đích phát triển cái sự học chung của nước nhà.

Như cuộc bút chiến khốc liệt và thú vị những năm 1928 (từ cột mốc cụ Phan Khôi cho in bài thơ mới – Tình già và có ý chê bai Thơ cũ là sến súa, hết thời) cho đến tận những năm 1936 giữa hai phái Thơ mới-Thơ cũ thu hút mấy chục văn sĩ và ngần ấy đầu báo chờ mong từng số, dân chúng trầm trồ nghiền ngẫm, bàn luận. Thơ mới lúc ấy mạnh mẽ và duy tân với Phan Khôi, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Nhược Pháp, Lưu Trọng Lư, Nhóm Tự lực Văn đoàn, Thế Lữ, Tú Mỡ… liên tục đi bài tấn công Thơ cũ. Thơ cũ ngày đó nổi bật nhất là cụ Tản Đà (cùng với những nhà văn, nhà thơ cũ là các cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Trịnh Đình Rư…) cũng phản công quyết liệt. Qua thời gian thì sức chống cự của Thơ cũ đã có phần yếu ớt, và đến 1936 có lẽ Thơ cũ hết thời thật. Sự hết thời này – không hẳn là vì Thơ cũ kém giá trị mà là vì thời gian mang tới những làn sóng mới và bắt buộc phải có những cuộc đào thải nhất định. Những ngôi sao của Thơ mới thỏa thích với những mùa vụ sai trái trên thổ ngơi lạ lẫm, quyến rũ của mình. Tuy nhiên, hành xử nhân văn của các nhà thơ với nhau được thấy rõ: cụ Tản Đà – ngôi sao của Thơ cũ sau mất đi được chính các chủ soái Thơ mới trân trọng ghi nhận, Hoài Thanh đưa hẳn Tản Đà vào Thi nhân Việt Nam. Sau 8 năm, bút chiến kết thúc. Và Thơ mới Việt Nam có những phát triển phải nói: rực rỡ.

Cũng như cuộc Bút chiến về vấn đề Quốc học cũng vào những năm 1930s. Một phía cụ Lê Dư (bảo vệ quan điểm nước ta có Quốc học) và nhóm các cụ Trịnh Đình Rư – Phạm Quỳnh (cho là nước ta gì cũng có, nhưng nào giờ làm gì có quốc học, rất thẹn với bốn bể). Chủ yếu, tờ Phụ nữ Tân văn là nơi các cụ đi bài tranh luận, rất khoa học, đàng hoàng, thẳng thắn. Sau, cụ Phan Khôi, lúc này chưa rõ ngả về ai, nhưng đã đăng đàn phán cụ Phạm Quỳnh là học phiệt, kiêu ngạo, không dám đi xa khi cụ Lê Dư “đả động”. Tình thế náo nhiệt hơn. Cụ Phạm Quỳnh nóng mặt, lên tiếng, rủ luôn Phan Khôi làm hội nghị hàng năm để chấn hưng quốc học. Đến đây, cụ Phan Khôi bộc bạch quan điểm, thì ra ông cũng cùng quan điểm của cánh cụ Phạm Quỳnh – Trịnh Đình Rư là bác bỏ việc nước ta có Quốc học. Nhưng, dù cùng suy nghĩ, cụ Phan Khôi lại không đồng thuận với cụ Phạm Quỳnh về chấn hưng, vì đã có đâu mà chấn hưng…Cũng ở Phụ nữ tân văn, cụ Lê Dư lúc này lên tiếng, lý giải cặn kẽ, tường tận quốc học theo giải nghĩa rõ ràng về quốc sử, quốc túy…đồng thời hàm ý chửi luôn nhóm Phạm Quỳnh, Trịnh Đình Rư, cả Phan Khôi là… Dốt. Nói chung sau này có ông khác lên bài giải hòa, rồi cũng dần trôi vào quên lãng. Dù vậy, dấu ấn của những cuộc bút chiến thời xưa là rất đậm nét.

Nằm ngoài sàn đấu, ta cũng thấy rõ vai trò của báo chí và khán giả là rất quan trọng và họ toàn quyền hưởng lợi từ những tranh biện công khai trên báo chí: báo chí tăng doanh số, người dân tìm hiểu thêm những mảng miếng tri thức mới cho chính mình. Có lẽ, thời đó, cha ông ta đã sở hữu hàng chục triệu tâm hồn rất mở để đón nhận tri thức theo hướng rất trong sáng. Môi trường văn hóa đọc, nghe, nhìn là vô cùng trong sáng. Thời nay, công nghệ mới đã phần nào kéo đi tới những thú vui, và kéo đi lùi phần nào tinh thần cởi mở tiếp nhận tri thức trong sáng ấy.

Thời nay, những năm 2021, trời ơi, khán, thính giả ngóng mãi bút chiến chả thấy cuộc nào trí tuệ. Mà mở báo đài chỉ thấy những “live stream chiến”

– Chủ đề thứ nhất là cuộc chiến vạch áo giữa chị Phương Hằng và cánh các KOLs của showbiz, với những chủ đề lòng vòng quanh bóc phốt ăn chặn từ thiện, show tiền xem ai giàu hơn, đánh cược ai thắng lấy tiền tỷ…

– Chủ đề thứ hai là nạn nhân lâu lâu lên livestream đấu tố đời tư nghệ sĩ cung cấp bằng chứng này nọ, mục tiêu tiệt đường sống mày luôn nha con…Cánh đối diện thì phân trần, tạ lỗi, tố lại…

Ở đây, tôi chỉ nêu ra cái khác nhau giữa những cuộc chiến giấy bút cộng đồng. Không phê phán. Chỉ thấy, qua bao nhiêu năm, đổi thay nhiều, nhiều quá!

Nguyễn Đăng Khoa

Bài ngẫu nhiên

Bài mới