Trong lúc chúng tôi chuẩn bị tài liệu, hành trang lên đường bay đến Ðức quốc để phó hội thì một món quà quý báu và đặc biệt của Thầy Tuệ Sỹ từ quê nhà trầm thống gởi đến và ân cần nhờ chúng tôi trao tận tay anh chị Huynh trưởng trong Ðại Hội này. Ðó là tác phẩm Thắng Man Giảng Luận do Thầy biên soạn.
Món quà pháp bảo này đã đến với chúng tôi trong lúc tất bật, thời gian ngắn ngủ, khiến chúng tôi chưa kịp chăm sóc, trình bày phần hình thức cho xứng hợp với tâm lực, trí lực và nỗ lực lẫn tấm lòng bi mẫn lân tuất của người gửi tặng. Trước hết, chúng con xin đê đầu sám hối với Thầy. Kế đến, xin chân thành tạ lỗi cùng toàn thể anh chị Huynh trưởng hôm nay. Chúng tôi xin hứa, sau Ðại hội, chúng tôi sẽ vận động ấn hành tác phẩm Thắng Man Giảng Luận này thật chu đáo và trang trọng để gửiđến tất cả chúng ta, quảng bá đến đại chúng khắp nơi.
Món quà đã thật sự đến bất ngờ và thật sự dậy lên trong mỗi chúng ta mối xúc động rạt rào, niềm cảm kích đậm đà, sự kính ngưỡng sâu sắc. Bởi vì… bởi vì nhiều lẽ, nói mấy cho vừa!
Món quà đến từ quê tổ nghìn trùng vời vợi, thường xuyên vật vã với bao Quốc nạn, cũng là nơi đang hoành hành cơn bão dữ Pháp nạn, trong đó có GÐPT nạn. Vì thế món quà càng thêm ý nghĩa thâm thiết khi đến từ một vị Thầy đã và đang sống trong kiềm tỏa, bủa vây, nhưng bao giờ cũng kiên trì phấn đấu cho nhân sinh an lạc, tuệ trí thăng hoa bằng hết tâm thức và hành hoạt cao cả vô úy, hỷ xã. Món quà tưởng như một tác phẩm dang dở, phải lãng quên trong lớp bụi phế hưng của thời thế vì người viết phải xếp lại để “đi theo định nghiệp của mình. Hay của cả dân tộc?” Tác phẩm – nay đến với chúng ta – vừa rời khỏi thân phận của “một cọng cỏ non yếu, cố vươn mình đón bắt ánh sáng cho lẽ sống, duới sức nặng tàn bạo của khối đá vô tri lầm lì” như có lần tác giả ngỡ rằng. Không, tác phẩm không yếu thế, khuất lấp, tác phẩm đã giành lại giá trị oai thần và vị trí uy dũng thực nghĩa của tên kinh: SƯ TỬ HỐNG.
Món quà Thắng Man Giảng Luận diễn bày lại âm vang bất tuyệt về Phật Tánh, sự tương hệ giữa Chúng Sanh và Bồ Tát, giữa Mê và Giác trong toàn cảnh Nhất Thừa Luận. Và những trang sách khi quảng diễn ý chỉ “Phật Tánh bình đẳng trong mỗi chúng sanh” phải chăng cũng đồng thời gọi kêu và đánh động lương tri nhân loại, cảnh giác xã hội hiện tiền hãy nghiệm chứng và sửa sai lại bước nghịch hành thành muôn vạn dạng thái bất bình đẳng, mất nhân ái, thiếu dân chủ, vừa tha thiết nhắc nhở mọi thế hệ Phật tử Việt Nam về giá trị và uy năng của Bồ Tát hạnh khi sống và thực hành giáo lý PHẬT TÁNH BÌNH ÐẲNG và lý tưởng TỊNH ÐỘ NHÂN GIAN trong mọi tình huống của đời thường và sử lịch.
Món quà là một tác phẩm kinh điển, cũng bố cục thường tình như bao tác phẩm sớ giải khác gồm hai phần giải luận và dịch thuật. Nhưng chúng ta vẫn thấy trong phong cách trình giải đậm đà nhân cách siêu việt của một luận sư uyên bác, tinh thông kinh văn, ngữ học, triết học vừa là một văn nhân có cái tài hoa văn bút khoáng đạt, hào khí, chân thiết sách tấn. Văn nghĩa thật cao thâm, áo diệu; văn khí lại gần gũi thời đại. Và trong dòng chữ cũng thấp thoáng tâm thức và lịch nghiệm của một tài năng vừa vướng mắc khổ lụy, vừa phiêu hốt an nhiên. Ðó là sự tự nguyện vướng mắc khi dấn thân và sống cùng với cái thế giới luyện ngục đầy tranh chấp, ân oán; vừa tự tại như nhất của một đạo sư mà hành trạng luôn hàm tàng năng tính DŨNG mãnh của BI và TRÍ.
Trong đôi dòng cuối cùng của lời tựa tác phẩm này. Thầy Tuệ Sỹ đã tâm sự rằng từ khi viết Thắng Man Giảng Luận “cho đến nay, một hoặc nhiều thế hệ đã ra đi, biến mất trong bóng tối của đêm dài sinh tử; nhiều thế hệ mới ra đời. Phôi bào trong Như Lai Tạng vẫn liên tục kết rồi rã, thành rồi hoại. Dòng tương tục vẫn nối tiếp không ngừng.” Phải chăng đây cũng là lời tâm huyết và nghiêm mật của Thầy nhắn gởi đến mỗi chúng ta?
Vâng, dòng tương tục của phôi bào Như Lai Tạng vẫn mãi mãi tiếp diễn hiển sinh trong bất kỳ giới cảnh nào, dù bất kỳ mệnh hệ nào!
Nguyên Bảo Trần Quang Phước chấp bút,
HOA ÐÀM, 2000