GS. Nguyễn Văn Tuấn: Văn hoá Triệt tiêu (cancel culture)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa qua đời thì đã có những ‘lời ra tiếng vào’ với hàm ý tiêu cực (và có khi xuyên tạc), và hành vi này không phù hợp với văn hoá ‘nghĩa tử là nghĩa tận’. Sự việc này làm tôi liên tưởng đến trào lưu Văn hoá Triệt tiêu hay ‘Cancel Culture’ rất đáng ngại hiện nay.

“Hai Phút Căm Ghét”

Nhưng để đặt câu chuyện trong bối cảnh, tôi xin kể các bạn nghe về cái nghi thức có tên là “Two Minutes Hate” trong cuốn tiểu thuyết lừng danh “1984” của văn hào George Orwell mà tôi có dịp điểm qua trước đây.

Theo nghi thức ‘Hai Phút Căm Ghét’, các đảng viên của Đảng Outer thuộc Nhà nước Oceania phải dành ra 2 phút mỗi ngày để xem một cuốn phim mô tả những kẻ thù của Nhà nước. Sau khi xem phim, họ phải lên tiếng xỉ vả, nhục mạ những kẻ thù và đồng minh của chúng. Nên nhớ là 2 phút mỗi ngày.

Mục tiêu của nghi thức này là giúp cho công dân của Nhà nước Oceania trút hết những nỗi đau và lòng căm hận lên những kẻ thù. Qua hành vi đó, công dân của nước Oceania quên đi những nỗi khổ hàng ngày của chính họ và không để ý đến sự đàn áp của đảng Outer. Đảng Outer rất quan tâm đến ‘thought crime’ (tội phạm tư tưởng), nên cái nghi thức Hai Phút Căm Ghét còn có mục tiêu gián tiếp là giảm thiểu tối đa những ý tưởng lật độ chế độ của những kẻ tội phạm tư tưởng.

Trong tác phẩm “1984” văn hào George Orwell viết về nghi thức ‘Hai Phút Căm Ghét’ (Two Minutes Hate), mà theo đó các đảng viên của Đảng Outer thuộc Nhà nước Oceania phải dành ra 2 phút mỗi ngày để xem một cuốn phim mô tả những kẻ thù của Nhà nước. Sau khi xem phim, họ phải lên tiếng xỉ vả, nhục mạ những kẻ thù và đồng minh của chúng.

Tuy không có nghiên cứu gì cụ thể, nhưng tôi thấy có nhiều người dùng truyền thông xã hội như là một phương tiện để thực hành ‘Hai Phút Căm Ghét’ của George Orwell. Mỗi ngày họ cũng trút giận lên người khác một cách vô cớ và phi chuẩn đạo đức xã hội.

Trường hợp Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một ca tiêu biểu về văn hoá triệt tiêu. Người ta cáo buộc rằng ông là người thân cộng sản (thậm chí người cộng sản), là có vợ con, là vu cáo Mĩ đã giết 300,000 người dân ở Bến Tre. Nhưng cả 3 cáo buộc đều hoặc là phiến diện, không đúng, hoặc là xuyên tạc, hoặc là bịa đặt [1].

Hay hãy xem cách mà một doanh nhân ‘livestream’ hết ngày này sang ngày khác chửi bới và nhục mạ hết người này sang người khác. Một số nghệ sĩ, cựu quan chức, nhà báo, người tu hành, v.v. đều là nạn nhân của người này và những youtuber và facebooker ‘môn đồ’ của người này. Nhìn dưới lăng kính văn hoá, thì hành vi này là một đặc điểm của Văn hoá Triệt tiêu.

Văn hoá Triệt tiêu là gì?

Từ điển tiếng Anh thường định nghĩa văn hoá triệt tiêu là hành vi nhằm tước đoạt quyền lợi của người nào đó khỏi cộng đồng. Theo định nghĩa này, văn hóa triệt tiêu là một hình thức ‘khai trừ’ người nào đó khỏi xã hội hay hiệp hội chuyên môn. Có thể hiểu nôm na rằng Văn hoá Triệt tiêu là một cách tẩy chay, nhưng là tẩy chay trực tuyến.

Thật vậy, một đặc điểm quan trọng của văn hoá triệt tiêu là làm nhục trực tuyến (online shaming). Làm nhục trực tuyến là một hình thức dùng các phương tiện như Twitter, Facebook, Youtube hay Email để phơi bày những thông tin cá nhân, thông tin riêng tư (như hình ảnh, tin nhắn riêng, hồ sơ sức khoẻ) trong không gian mạng. Không chỉ dùng thông tin riêng tư và cá nhân, thủ phạm còn quấy nhiễu, nhạo báng, uy hiếp, bắt nạt, đe doạ, v.v. Văn hoá triệt tiêu bùng phát theo sự phát triển của internet và đang lan toả khắp thế giới.

Văn hoá Triệt tiêu là làm nhục trực tuyến (online shaming). Làm nhục trực tuyến là một hình thức dùng các phương tiện như Twitter, Facebook, Youtube hay Email để phơi bày những thông tin cá nhân, thông tin riêng tư (như hình ảnh, tin nhắn riêng, hồ sơ sức khoẻ) trong không gian mạng. Không chỉ dùng thông tin riêng tư và cá nhân, thủ phạm còn quấy nhiễu, nhạo báng, uy hiếp, bắt nạt, đe doạ, v.v.

Trong cuốn sách “So You’ve Been Publicly Shamed” của Ron Ronson, văn hoá triệt tiêu được xem là một vết nhơ trong xã hội hiện đại. Trong bài điểm sách, tác giả Rita Koganzon có một đoạn viết một ý rất hay (tạm dịch):

“Mức độ mà chúng ta muốn giáng nỗi đau cho người khác phản ảnh nỗi xấu hổ và tánh độc ác trong chúng ta. Điều này có nghĩa là khi một người khách hay một đồng nghiệp buông ra một lời bình luận phi chuẩn mực trong một buổi tiệc hay một buổi họp, vài người sẽ phản ứng bằng cách huy động những người khác thành một nhóm, rồi mắng nhiếc người đó nơi công cộng theo nghi thức ‘Hai Phút Căm Ghét’ của Orwell, và sau đó là loại trừ hắn hắn khỏi cộng đồng. Truyền thông xã hội giúp cho hành vi này bớt hung ác vì thủ phạm không nhìn thấy nỗi đau khổ của nạn nhân, và do đó thủ phạm thường dửng dưng như là không có gì.”

Nói cách khác, thay vì ra tay hãm hại nạn nhân ngoài đời, thủ phạm chỉ cần dùng các phương tiện như youtube, fb, Twitter hay Email để triệt tiêu nạn nhân, và vì sự việc xảy ra online nên thủ phạm không thấy nạn nhân bị đau khổ và do đó thủ phạm không cảm được hành vi ác ôn của mình.

Như chúng ta thấy, mỗi ngày có hàng trăm (hay hàng ngàn?) người dùng các phương tiện truyền thông xã hội để tung ra những vu khống, nhục mạ, đe doạ, bịa đặt để nhằm gây tác hại lớn nhứt đến nạn nhân. Nhưng những thủ phạm này không hề tỏ ra hối hận khi bị chỉ ra là sai, có người thậm chí còn tự hào về hành vi triệt tiêu của mình!

Hiểu theo cách hiểu này thì các phương tiện truyền thông xã hội quả thật là ‘evil’ như cách nói của nhiều người nổi tiếng.

Trong thời đại internet, mỗi chủ tài khoản facebook, Tweeter hay Youtube đều có thể là một ‘nhà báo’. Họ chính là những người tạo ra tin tức, nhưng họ cũng có thể là những người bình luận tin tức. Họ có khi là một đài truyền hình, một đài radio nhỏ. Nhiều ‘nhà báo mạng’ thật ra chẳng khác gì nhà báo thật, tức là họ có chọn lọc tin tức, có bình luận chừng mực và tỏ ra cẩn trọng trong cách dùng ngôn từ.

Nhưng bên cạnh những nhà báo mạng đàng hoàng đó, là một đạo quân ăn theo bất chấp tiêu chuẩn đạo đức xã hội. Khác với những nhà báo phải sự chịu sự chi phối của các qui chuẩn đạo đức nghề nghiệp, các nhà báo ăn theo thì chẳng có qui chuẩn đạo đức gì cả. Ở Việt Nam, ngạc nhiên thay, những kẻ phi chuẩn này bao gồm những công chức, luật sư (không biết giả hay thật), và cả du côn. Các “mạ thủ” cũng có thể xem là đạo quân kền kền này.

Những nhà báo mạng ăn theo (có người gọi là ‘kền kền’) ở Việt Nam có vẻ chỉ chịu sự chi phối của câu view và đồng tiền. Từ số lượng view dẫn đến thu nhập. Số view càng nhiều, thu nhập càng nhiều (hàng chục ngàn đôla mỗi tháng). Để câu view, họ chạy những cái tit giật gân (“Kinh hoàng”, “Bất ngờ”, “Tại sao”, “Không thể tin được”, “Rồi sẽ ra sao”, v.v.). Ngữ vựng của họ là chửi thề, là chợ búa, là vô luân, là vô giáo dục. Thật ra, họ không có giáo dục. Họ xuyên tạc nội dung gốc. Họ không ngần ngại bịa đặt ra những dữ liệu và thông tin. Dữ liệu và thông tin càng xúc phạm càng tốt, bởi những người này không quan tâm đến sự thật mà chỉ quan tâm số view và sau cùng là đồng tiền.

Có thể nói rằng đồng tiền đã biến những nhà báo mạng ăn theo thành những diễn viên trong trào lưu văn hoá triệt tiêu và nghi thức Hai Phút Căm Ghét của George Orwell.

Tại sao văn hóa triệt tiêu được xem là nguy hiểm? Tại vì nó triệt tiêu các cá nhân chớ không phải ý tưởng. Những ‘diễn viên’ trong trào lưu văn hoá triệt tiêu phải tiêu ra rất nhiều năng lượng để phanh phui những điểm yếu, những sai sót, hay những vụng về lầm lỡ của người khác, và họ không có dịp tự nhìn lại mình. Họ không hiểu rằng mỗi khi phát sinh ý nghĩa xấu về người khác, họ đã tự tạo ra một nguồn năng lượng độc hại trong người. Thành ra, văn hoá triệt tiêu không chỉ gây tác hại đến nạn nhân mà còn gây tác hại lớn hơn cho chính thủ phạm.

Những xã hội suy thoái về đạo đức và chịu sự quản lí của một thể chế kém minh bạch chính là những môi trường lí tưởng cho văn hoá triệt tiêu. Ở những nơi này, với lằn ranh giữa ‘chánh thống’ và ‘gian tà’ bị lu mờ, các thế lực cầm quyền có thể sử dụng các diễn viên trong nghi thức Hai Phút Căm Ghét để đấu tố những ‘kẻ thù’ được xem là tội phạm tư tưởng, và qua đó che giấu được sự yếu kém của thể chế.

______

[1] “Ba điều đồn đãi về Thiền sư Thích Nhất Hạnh phải kiểm chứng bằng sự thật lịch sử” của Tuấn Khanh: https://www.bodhimedia.org/tuan-khanh-ba-dieu-don-dai-ve-thien-su-thich-nhat-hanh-phai-kiem-chung-bang-su-that-lich-su/

[2] Trường hợp Giáo sư Tim Hunt

Vài năm trước (2015), Giáo sư Tim Hunt, một khôi nguyên Nobel y học, được mời nói chuyện trong một hội nghị về báo chí và khoa học ở Seoul (Nam Hàn). Bài nói chuyện không có soạn trước có đoạn:

Thật là lạ lùng cho một quái vật Chauvin như tôi được mời nói chuyện với các nhà khoa học nữ. Để tôi nói cho các bạn biết vấn đề của tôi đối với nữ giới. Ba điều xảy ra khi họ (nữ giới) có mặt trong labo: bạn yêu họ, họ yêu bạn, và khi bạn phê bình họ hì họ khóc. Có lẽ chúng ta nên có labo cho nữ tách biệt với labo cho nam? Bây giờ, nói nghiêm chỉnh nhé: tôi rất ấn tượng với sự phát triển kinh tế ở Nam Hàn. Và, các nhà khoa học nữ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển đó — và đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Khoa học cần nữ, và bạn nên làm khoa học, cho dù với những rào cản và những tên quái vật như tôi.

Như các bạn thấy, những câu đầu của đoạn nói chuyện là nói đùa. Giới khoa học thích nói đùa. Những câu như “Ba điều xảy ra khi họ (nữ giới) có mặt trong labo: bạn yêu họ, họ yêu bạn, và khi bạn phê bình họ hì họ khóc” là hoàn toàn nói đùa. Và, ông ấy cũng phân định khá rõ ràng, vì câu sau đó ông ấy nói là “bây giờ nói nghiêm chỉnh nhé”. Phần nói nghiêm chỉnh, ông ca ngợi sự đóng góp của nữ giới trong phát triển kinh tế ở Nam Hàn, và khoa học cần nữ giới.

Ấy vậy mà ông ấy bị làm nhục trên mạng. Trong hội nghị dĩ nhiên là có nhiều nhà báo nữ và có cả Ivan Oransky (người rất tích cực đấu tranh cho đạo đức khoa học), và mấy người này thấy câu nói của ông Hunt là ‘highly inappropriate’ (một cách lịch sự để nói rằng ông ấy đã ‘nói bậy’). Mấy người này lên Twitter và tweet rằng ông Hunt là một kẻ kì thị nữ giới, rằng ông ấy đã làm buổi ăn trưa của họ mất ngon. Họ không chấp nhận rằng ông ấy đã nói đùa. (Tuy nhiên, sau này trong một trả lời phỏng vấn cho BBC, ông Hunt nói sự thật là ông ấy từng yêu một cộng sự viên trong labo và cảm thấy sự hiện diện của nữ giới trong labo thường gây ‘bất ổn’).

Giáo sư Tim Hunt, một nạn nhân của Văn hoá Triệt tiêu.

Những gì xảy ra sau đó là một câu chuyện buồn cho ông Hunt. Viện hàn lâm khoa học Anh (Royal Society) xa lánh ông ấy và nhấn mạnh bình đẳng giới tính trong khoa học. Tập san khoa học Nature có bài phê bình ông một cách gay gắt. Ngoài ra, có đến 8 khôi nguyên Nobel và 21 fellows phê bình câu nói của ông Hunt là không thể chấp nhận được trong khoa học. Xuất hiện trên BBC, ông Hunt thành thật xin lỗi vì sai lầm của mình, nhưng ông vẫn duy trì rằng ông nói thật chớ không giấu diếm cảm xúc. Ông quyết định từ chức Giáo sư danh dự của UCL và Hội đồng Nghiên cứu Âu châu (ERC).

Tuy nhiên, ông cũng có nhiều người ủng hộ. Một nhóm gồm 30 nhà khoa học có tiếng, nam và nữ, công bố một Thư Mở bày tỏ bất bình trước sự ứng xử của các tổ chức khoa học và UCL. Họ cung cấp bằng chứng cho thấy ông Hunt thật ra là người ủng hộ nữ giới trong khoa học và đã giúp nhiều nhà khoa học nữ trong labo của ông. Họ cũng nói rằng ông ấy hay nói đùa, nói bỗ bã, nhưng trong thực tế thì rất nhân văn và tình cảm.

Câu chuyện Gs Tim Hunt là một ca tiêu biểu cho trào lưu mà phương Tây gọi là “Cancel culture”, có lẽ dịch là “Văn hoá triệt tiêu”.

Bài ngẫu nhiên

Bài mới