Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the complianz-gdpr domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/hoadamne/bodhimedia.org/wp-includes/functions.php on line 6114
Tuấn Khanh: Từ Công Phụng vào tuổi 80: Nghe lại tình khúc Ơn Em • Bodhi Media

Tuấn Khanh: Từ Công Phụng vào tuổi 80: Nghe lại tình khúc Ơn Em

Ngày 27 Tháng Bảy là sinh nhật của nhạc sĩ Từ Công Phụng, ghi dấu ông vào tuổi 80. Người nhạc sĩ theo đuổi những lời mặc khải về tình yêu, ngợi ca những gì đã có và độ lượng với những điều đã mất, vẫn giữ trọn vẹn cho mình dòng giai điệu sang trọng và thảnh thơi giữa kiếp người vội vã.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng là một trong những trường hợp đặc biệt của những trí thức người Chăm thành đạt và công nhận trong một chế độ tự do VNCH chuộng người tài. Ông nổi lên trên lĩnh vực nghệ thuật bên cạnh các trí thức, công chức Chăm khác – như nhà nghiên cứu văn hóa sắc tộc Dohamide, tiến sĩ sử học Po Dharma, Trung Tá Dương Tấn Sở – Quận trưởng Quận An Phước (nay là huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), Lưu Quang Sang – dân biểu nghị viện Sài Gòn…

Cần phải nói thêm là từ khi Vương quốc Champa bị mất nước (1832), Vua Thiệu Trị đã tạo quy ước mới là cho lập quy chế đặc biệt cho dân tộc Chăm ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Và quy chế đặc biệt này tồn tại trong suốt thời kỳ Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại và cho đến thời Việt Nam Cộng Hòa. Quy chế này cho phép cộng đồng người Chăm được quyền gìn giữ và bảo vệ văn hóa, tập tục tín ngưỡng, đồng thời phát triển trí thức của cộng đồng mình mà không có bất kỳ một sự kỳ thị hay kềm hãm nào. Quy chế này chỉ bị hủy bỏ từ sau tháng Tư năm 1975.

Trong âm nhạc, Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ rất đặc biệt, bởi viết bất kỳ ca khúc nào ra, ông cũng thích mình là người trình bày nó, rồi đến sau đó, ai yêu thích và đề nghị xin được hát thì ông mới gửi đi. Cũng chính vì vậy, Từ Công Phụng là nhạc sĩ sáng tác nhưng lại được mời lưu diễn rất nhiều để trình bày những ca khúc của mình như một ca sĩ chính, bên cạnh các ca sĩ khác, dù nổi tiếng nhưng vẫn là phụ họa cho ông.

Nói về bản thân, một thanh niên Chăm lớn lên trên vùng đất bàng bạc nắng và gió, cuộc sống tĩnh lặng với thi thoảng tiếng lục lạc của con dê đầu đàn vang lên, cùng tiếng kèn Saranai văng vẳng, Từ Công Phụng đi học, làm việc và thành đạt ở Sài Gòn, nhưng trong ông, nỗi nhớ da diết về miền quê vẫn vô cùng.

“Bạn hỏi tôi có nhớ mảnh đất cằn cỗi đầy nắng và gió cát ấy không. Vâng, đây là mảnh đất đã để lại trong ký ức tôi đầy ắp một khung trời hanh nắng trên những cánh đồng mùa Đông trơ những gốc rạ, mà tuổi thơ tôi đã rong chơi với những cánh diều lộng gió, đầy ắp những bãi cát trắng ngần bên bờ biển xanh và khung trời trong vắt không gợn một áng mây. Đây là miền đất đã chuyên chở một dòng tuổi thơ tôi cho đến lúc tôi rời khỏi mái trường trung học để phiêu lưu ở miền đất khác trong các trường đại học và từ đó bắt nhận được những rung động nồng nàn của tình yêu trong tuổi thanh xuân”, Từ Công Phụng viết.

Toàn bộ các tác phẩm sáng tác của nhạc sĩ Từ Công Phụng hợp lại như một tổ khúc thính phòng khổng lồ của đời ông: Tất cả xây dựng chung quanh chủ đề tình yêu, nỗi buồn, sự mất mát và suy tư…, còn âm nhạc như mũi kim thêu lặng lẽ, luồn vào các con chữ và tạo nên những hình dáng âm điệu – phóng khoáng và tự do đến mức mỗi bài hát như một khúc tụng ca riêng lẻ, không cùng kết nối được nghe thấy từ một thánh đường không nơi chốn.

Cũng có lẽ vì vậy mà các tác phẩm của nhạc sĩ Từ Công Phụng nổi tiếng hơn cái tên của ông. Tên bài hát thì người ta sẽ nhớ, và thậm chí là thuộc cả bài. Nhưng đôi khi phải nói ra thì công chúng mới biết đó là một tác phẩm của Từ Công Phụng.

10 năm sau khi tỵ nạn ở Mỹ, nhạc sĩ Từ Công Phụng có kể một kỷ niệm thú vị. Năm 1990 ông được mời lưu diễn ở Montreal, Canada. Để quảng bá chương trình, nhà văn Song Thao đã thử đi một vòng để làm cuộc thăm dò về cái tên Từ Công Phụng. Có đến 10 người tuổi cũng trạc thế hệ của nhạc sĩ, được hỏi là là “Có biết Từ Công Phụng là ai không?”

Có chín người lắc đầu là không biết. Nhưng khi hỏi có biết bài Bây Giờ Tháng Mấy không thì 10 người cùng gật gù và tán thưởng “Đây là một bài hát hay, để lại nhiều kỷ niệm trong đời tôi.” Nhà văn Song Thao từng lý giải dí dỏm với Từ Công Phụng: “Anh là một người có phúc vì anh sinh ra một đứa con mà quần chúng biết đến con anh nhiều hơn anh. Con hơn cha là nhà có phúc!”.

Bản tính của Nghệ sĩ Từ Công Phụng là người trầm lắng, và cũng không hay tự nói về mình. Sau năm 1975, ông nhận thấy cuộc đời bước sang một bước chuyển mới, hoàn toàn khác với những gì mà nửa đời trước của ông đã đi qua. Do đó, ông cũng cố gắng tìm kiếm cách để hội nhập với một xã hội cộng sản – tên gọi và ý thức văn hóa hoàn toàn xa lạ với ông – như một cách thử xem ông có thể tồn tại với nó được không.

Ông cũng tìm đến những người bạn sáng tác vào thời điểm đó, hy vọng tìm thấy một nhịp đập mới sau chiến tranh. Thế rồi ông nhận ra một Từ Công Phụng đã được tạo ra chỉ để sống với tự do, chứ không thể sống với tuyên truyền và kiểm duyệt. Nói với bạn bè, nhạc sĩ Từ Công Phụng từng tâm tình “Mỗi buổi sáng thức dậy kiếm được một ít cà phê pha cho mình và suy nghĩ về cuộc đời…, tôi luôn nghĩ đầu tiên là ngày hôm nay tôi có thể làm thế nào kiếm được một ít tiền để cơm nước cho con cái thôi, không có mơ ước gì hơn”. Năm 1980, ông quyết định vượt biển và đến được Mỹ.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng trong một lần gặp mặt nhà thơ Du Tử Lê

Một trong những bài hát, mà khi được hát lên, người ta biết ngay đó là một tuyệt phẩm của Từ Công Phụng, là ca khúc Giữ đời Cho Nhau, cũng được biết với cái tên Ơn em, phổ thơ của Du Tử Lê. Bài hát có lời cô đọng và dễ nhớ – đặc biệt là ca khúc hiếm hoi viết có âm điệu ngũ âm, đủ các luyến láy tinh tế để các giọng ca chọn sự thể hiện riêng. Riêng về ca khúc này, Từ Công Phụng nói đó là sáng tác ông nhiệm ý thơ và viết nhanh bất ngờ trong vòng chưa đến một tiếng đồng hồ. Một kỷ lục của đời ông. Với Ơn em, ông cũng ưng ý nhất sự trình bày của ca sĩ Tuấn Ngọc.

Với bài thơ Ơn em của Du Tử Lê, Từ Công Phụng nói ông bị xúc động tức thì khi đọc qua tứ thơ chỉ có 10 câu này. Nhiều khán giả khi nghe bài hát thì chỉ thấy lời ca ngợi tình yêu, tụng ca tình nhân, nhưng ít ai biết là Từ Công Phụng xúc động với những âm hưởng như gợi lại lời ru của thân mẫu lúc ông còn thơ ấu.

Vì bài thơ ngắn nên thiếu trường canh cần thiết cho một bản nhạc, vì vậy Từ Công Phụng đã thêm vào hai câu cho đủ, đó là: Ơn em tình những mù lòa, như con sâu nhỏ bò qua rất mùi. Hai câu hát đẹp và phù hợp với trọn bài thơ. Nhạc sĩ Từ Công Phụng kể lại sau khi phổ xong, ông mang tặng Du Tử Lê như một kỷ niệm (lúc đó vẫn mang tên Giữ đời cho nhau). Bài hát làm thi sĩ Du Tử Lê hài lòng đến mức đã dùng để đặt tên cho bộ video do trung tâm Diễm Xưa thực hiện riêng cho ông, phát hành tháng Tư năm 2000.

Âm nhạc và cuộc đời của Từ Công Phụng là mất mát, kể cả trong những mối tình, cho đến lúc ông ra đi và để lại hình ảnh quê nhà thương nhớ bao la nắng gió. Nhưng lịch sử sáng tác của Từ Công Phụng không oán thán cho số phận. Như người hát rong truyền đời đi qua sa mạc của hàng ngàn năm trước, ông vẫn miệt mài cất lời tụng ca tình yêu như một di chỉ thầm lặng về cuộc đời Việt – dù ở nơi đâu – cũng cần phải cần phải nhớ giữ lấy di sản cuối cùng, là tình yêu.

Bài ngẫu nhiên

Bài mới