Một ngày xế trưa của Saigon lười biếng và thinh lặng. Ngồi cùng với một đứa học trò nhỏ, sinh vào giữa thập niên 90, khi cả hai đang chăm chú đọc tin tức về chuyện quân Nga tràn vào Ukraine. Bất chợt tôi nghe hỏi: “Thầy ơi, chiến tranh ra sao?”.
Đó là một câu hỏi thành thật. Lặng đi trong một giây lát, tôi chợt hiểu rằng không chỉ đứa học trò này, mà còn có hàng triệu thanh niên khác ở xứ Việt vẫn đang ngơ ngác về chiến tranh. Câu chuyện con người dùng vũ khí tiêu diệt nhau, lâu nay, với nhiều người trẻ, có lẽ vẫn chỉ quen những điều ly kỳ từ Hollywood.
Câu hỏi rơi vào những ngày, mà gần 40 năm trước, chung quanh chỗ tôi ngồi, và xa hơn nữa, là đạn bom vô tình. Câu hỏi nhắc rất nhiều thứ về tiếng súng đã ngừng trên quê hương Việt Nam, được đổi lại bằng các vết thương hoà bình không bao giờ thôi mưng mủ.
Vết thương đau đến mức nó cắt lìa hàng triệu linh hồn và niềm tin ra khỏi nhau. Nó làm dị dạng trái tim con người khi cùng nhau cố tập hát bài ca thống nhất. Trong lời hát mong manh đó, tâm linh cũng trở thành một thứ nghệ thuật xếp đặt: có nơi Phật linh thiêng nhờ tiền giấy nhét vào tượng, còn ở nơi khác thì Phật được cấp giấy cư trú khi chia sẻ chỗ nằm với một lãnh tụ cộng sản.
Thật khó mà giải thích chiến tranh ở xứ sở này là gì với một đứa trẻ lớn lên trong thế kỷ có xã hội được coi là bình yên, có những người cai quản thích miền não phẳng, thích tuân lệnh và thích lịch sử có những đoạn cần phải bị tô đen. Chiến tranh hiện hình bằng tiếng gõ cửa hỏi hộ khẩu, chiến tranh hiện hình là hơi thở dài cam chịu sự khác biệt. Chiến tranh không cần lên đạn báo hiệu, chiến tranh không cần chiến trường.
Đứa học trò im lặng suy nghĩ hồi lâu, lại chợt hỏi “Vậy mình sẽ chọn ai để chống khi chiến tranh xảy ra?”.
À, chiến tranh hôm nay trong mắt đứa học trò của tôi là sự phân vân kẻ thù, người thân. Chiến tranh đến ở đâu, cũng kéo theo sự ngẩn ngơ về chỗ đứng của mình. Không ít người Ukraine bây giờ cũng đang phân vân, trước tiên, là phải nhằm bắn vào kẻ xâm lược hay kẻ phản bội quê hương.
Cảm giác một cuộc chiến tranh thật trên đất nước này cũng rất gần. Chuyện giặc phương Bắc lăm le tràn xuống vẫn là đề tài được bàn tán không ngừng. Đã có người hô lên những điều đó, và cũng đã có người chịu tù đày vì cảnh báo điều đó, dù chỉ là tiếng hát.
Quả thật bi đát nếu có một cuộc xâm lược như vậy từ Trung Quốc, một quốc gia cộng sản từ phía Bắc. Nhưng còn bi đát hơn nữa nếu như có những tên phản bội đang nằm sâu trong lòng dân tộc Việt Nam và giang tay đón kẻ cộng sản xâm lược, không khác gì câu chuyện ở Ukraine.
Tôi chỉ biết gợi ý với chú nhóc học trò rằng, về phần mình nếu phải chọn, tôi sẽ chọn chống kẻ xâm lược trước.
Kẻ thù bên ngoài là mối hoạ lớn nhưng không quá đáng sợ, tổ tiên chúng ta đã dặn. Điều lớn hơn là cuộc chiến tranh trong lòng đất nước và có thể chúng ta có phải sẽ phải giành giật đến chết, đến đời con cháu mới tìm lại được sự tự do trọn vẹn và không còn những vết thương mưng mủ. Lịch sử ngàn năm của đất Việt cũng đã ghi lại nỗi đau nhức này.
Tôi tìm trên internet và nhìn thấy tấm ảnh những người Ukraine tóc đã bạc đang cầm súng, tự biến mình thành dân quân để cản bước quân Nga lẫn những kẻ thân Nga đang bán đứng tổ quốc. Trái tim tôi rúng động: Họ run sợ nhưng không hề muốn lùi bước trước kẻ ác.
Thầy xin lỗi vì đã không thể trả lời con một cách đơn giản, do quê hương chúng mình đầy phức tạp. Thôi thì nếu không may chiến tranh ập đến, chúng ta nên bắt đầu từ việc chống lại kẻ ác.
Và con cũng đừng bao giờ quên, xâm lược một dân tộc hay bán đứng một dân tộc, tất cả đều là kẻ ác.