Nuôi dạy con cái là đề tài ngày càng trở nên cần thiết, nóng bỏng. Đối với những gia đình có nề nếp, nền tảng, giàu có, truyền thống thì đào tạo ra thế hệ kế thừa là cực kỳ cần thiết. Đối với những gia đình chưa thuộc tầng lớp thành công thì con cái là niềm hy vọng duy nhất về một sự TRỞ MÌNH CỦA DÒNG HỌ.
Trong xã hội hiện tại thông tin đến tay người đọc thật dễ dàng, những tấm gương thành công lừng lẫy, những đứa con MANG TIỀN TỶ VỀ CHO MẸ, và đăc biệt trên mạng xã hội, các phụ huynh hãy diện chưng kết quả học tập xuất sắc của con cái, các loại bằng khen, bảng điểm… Và rồi các phụ huynh khác đua nhau gây áp lực lên con cái. Bài viết ngắn này chỉ phân tích lý do tại sao có phong trào gây áp lực cạnh tranh lên con cái khủng khiếp của người Á Châu nói chung, của người Việt Nam nói riêng.
1. Các loại cha mẹ
Chúng ta chia cha mẹ thành 5 nhóm người như sau:
1a. Cha mẹ khai phóng
Đây là gia đình lý tưởng nhất. Cha mẹ là những người có kiến thức, có hiểu biết sâu rộng về các mối tương quan trong cuộc sống, có niềm tin tôn giáo (bất cứ Đạo gì), yêu con, công bằng với con, công bằng với cuộc sống xung quanh, tin rằng cuộc sống của mỗi người đều do nghiệp lực của cá nhân ấy điều chỉnh, do sự quan phòng của Thượng Đế và chỉ một phần do mình có thể “nhào nặn.” Cha mẹ này sẽ coi con như bạn, lắng nghe tâm sự của con, dù bận rộn bao nhiêu cũng giành thời gian cho các con, ở bên cạnh các con, chia sẻ những trải nghiệm của bản thân với các con, cùng các con trả nghiệm. Bảo vệ các con khỏi những điều xấu ác, chỉ các con không làm những điều xấu ác với đời, chỉ đường ngay lẽ phải cho các con, ủng hộ và khuyến khích các con nỗ lực vươn lên, sử dụng khả năng của bản thân để xây dựng cuộc sống an toàn, vững chắc của bản thân. Trở thành người tốt, công dân tốt.
1b. Cha hùm mẹ hổ
Đây là mô hình gia đình có KPIs (các tiêu mục tiêu năng lực) rõ ràng. Tuổi nào, con phải đạt được những mục đích nào. Họ dùng mọi biện pháp để phát triển con cái, song trong đó “áp lực thương yêu” là vũ khí quan trọng. Nếu các con không đạt được thành tích đề ra, chúng sẽ trở thành những kẻ bị ruồng bỏ, là người bị chỉ trích và bị trừng phạt bằng cách bỏ rơi. Phương pháp này cha mẹ thúc đẩy con cái phải nỗ lực tối đa, vượt qua giới hạn của một đứa trẻ để có thể đạt được những thành tích mà người bình thường không thể. Đa số các thần đồng về thể thao, âm nhạc, học đường của người Á châu đều có các cha mẹ loại này. Trẻ con bị dồn ép đến độ căng cuối cùng, có một số thành công, có một số thất bại. Cha mẹ ép con không hẳn vì bản thân cha mẹ, mà vì họ tin rằng con cái họ có khả năng làm điều đó.
1c. Cha lang mẹ sói
“Mày mở mắt nhìn con nhà người ta kia kìa…” đó là câu cực kỳ ám ảnh cho bất cứ đứa trẻ nào. Cha mẹ dùng bạo lực để thúc ép đến cùng, dùng nhục mạ tinh thần để ép con phải làm cho “bố mẹ được nở mặt nở mày với bà con chòm xóm” hoặc là mạng xã hội nghiêng mình kính phục (sic). Phương pháp thúc đẩy này khiến đứa trẻ bị tổn thương tâm lý, cái vết sẹo ấy có thể mưng mủ trở thành những kẻ biến thái trong tương lai.
1d. Cha mẹ ça va
ça va là tiếng Pháp để chỉ trạng thái “sao cũng được, ok la” hoặc kiểu “trời sinh voi sinh cỏ.” Tao sống đời tao, mày sống đời mày, mày ra đời là phụ phẩm của một cuộc vui, tao chi trả một số năm cho những lần trót dại. Những cha mẹ ấy không dạy dỗ, không quan tâm, cũng chẳng kỳ vọng gì nhiều. Gia đình là một nhà tập thể, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, đi càng nhanh càng tốt, nếu về mang cái gì ngon ngon ăn chung thì tốt, còn không thì thôi. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Nước ao không xâm phạm nước giếng. Cả gia đình giống như “xã hội cộng sản nguyên thủy.” Cách “buông lỏng quản lý” này có hai trường hợp, một là có những đứa con được tự do, đời dạy chúng, cha mẹ bắt chúng tự sống sao cho đừng chết mà, nên trở thành những đóa kỳ hoa. Năng lực đến khi gặp nhân duyên tốt, phát triển vượt bực. Kiểu này, chuyện Tàu gọi là “liễu xanh um.” Nhưng đa số thì con cái những gia đình ấy đều “an nhiên như ngọn cỏ hoặc đến rồi đi không để lại dấu tích gì.” Có nghĩa cuộc đời họ trôi qua khi nào cũng chẳng ai biết được.
1e. Cha ma mẹ quỷ
Lợi dụng con cái để kiếm ăn, đổi chác lấy lợi dưỡng, danh dự, tiền bạc. Họ không ngại “bán rẻ các con” để lấy lợi cho mình. Thậm chí có kẻ nỡ tâm dâng con cái cho quỷ dữ để đổi lấy dự án, đổi lấy địa vị. Đối với họ, con cái chỉ là những món hàng, dùng được thì dùng, dùng vào bất cứ việc gì mà mang lại ích lợi cho họ. Những gia đình này là một tổ hợp ác nghiệp hội tụ. Những đứa trẻ sẽ trở thành lệch lạc, cô đơn, không biết phải tin vào cái gì, gọi cha không được, kêu mẹ không xong, Chúa Phật cũng vắng bóng trong tâm tưởng. Thật đáng thương cho những linh hồn phải làm con làm cái những người cha người mẹ như vậy.
2. Làm thế nào để dạy con – yêu con cho đúng?
Trước khi muốn dạy con, hãy dạy chính bản thân mình. Nếu muốn con hiếu học, thì bản thân mình hãy là tấm gương hiếu học. Mình không học nổi đại học bằng tiếng Việt thì đừng bắt con phải tốt nghiệp Oxford, Stanford, MIT, Harvard… Muốn các con chăm chỉ, thì bản thân dừng chây lì thụ động, đừng suốt ngày há miệng chờ sung. Muốn các con là người lương thiện, thì cha mẹ chuyên lừa người này gạt người kia. Muốn các con hiếu thuận, thì bản thân cha mẹ đừng bất hiếu với ông bà. Muốn các con thuận hòa với nhau, thì bản thân mình đừng gây hấn với anh em. Thân giáo là điều quan trọng.
Yêu thương con là đồng hành với chúng, tạo cơ hội cho chúng, chịu khó đầu tư thời gian, tâm huyết để hiểu con và chỉ cho con đường hay lối phải.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không cần phải dùng thành tích của các con để khiến mình nở mày nở mặt. Xin nói nhỏ với các bậc làm cha làm mẹ rằng, các gia tộc lớn trên thế giới, giàu có quyền lực nhiều đời ở châu Âu, châu Á, Mỹ họ chỉ dạy con cái họ mấy điều cơ bản:
– Có tài sản đó, học cách mà giữ đi. Không giỏi, không mạnh sẽ bị cướp mất đấy. Liệu phải biết làm gì..!
– Mục đích của cuộc sống là an vui, hạnh phúc. Tài sản địa vị chỉ là phương tiện. Không có phương tiện thì cũng chẳng có cứu cánh. Ráng cân bằng giữa cứu cánh và phương tiện.
– Làm gì cũng được, nhưng đã làm thì phải là người giỏi nhất. Nếu không giỏi nhất thì đừng mong phát triển, và cũng có thể chẳng giữ được những thứ mà đời trước để lại.
– Mỗi người chịu trách nhiệm chính cho cuộc đời của mình, vậy nên trách nhiệm của ông bố bà mẹ trẻ là có những đứa trẻ khỏe mạnh và hạnh phúc. Khi trẻ trên 18 tuổi chúng sẽ chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Cha mẹ chỉ còn đồng hành.
– “Những gì mình không thích, đừng làm cho người khác” (Khổng Tử). Bằng cách ấy, cha mẹ khuyến khích con cái là điều nên làm, bắt ép chúng đến bệnh hoạn là điều nên tránh.
– Có phúc có phần. Phúc thì phải xây phải tích từ đời này qua đời khác. Đừng bắt trái cây chín ép, vì có chín cũng không ngọt. Phúc nhà mỏng thì không thể sản sinh ra các bậc kỳ tài. Thay vì ép con, hãy ráng mà tu thân trước đã.
Tôi là cha của 6 đứa con, trách nhiệm thật nhiều vì chỉ mong các con bình an hạnh phúc. Ngoài việc làm việc quần quật để có cơm nuôi các con, tôi cũng chỉ mong các con “cố gắng vươn lên, mỗi đời sau hơn đời trước một chút.” Nếu đời bố là công nhân, đời con làm tổ trưởng là được.