Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the complianz-gdpr domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/hoadamne/bodhimedia.org/wp-includes/functions.php on line 6114
Thích Thanh Thắng: "Phật Giáo" và "Giáo Hội" • Bodhi Media

Thích Thanh Thắng: “Phật Giáo” và “Giáo Hội”

Câu nói trước toà của ông Lê Tùng Vân: “Giáo hội này không xứng đáng để tôi đăng ký” được nhiều người nhắc đến trong mấy ngày nay.

Nhưng tại sao hội đồng xét xử lại hỏi như sau: “Tại sao những người trong Tịnh thất Bồng Lai mặc áo nâu nhưng không đăng ký với giáo hội”.

Câu hỏi này rất kém về chuyên môn nghiệp vụ trước thực tế đời sống tôn giáo tại miền Nam.

Không chỉ mặc áo nâu sòng, cạo đầu, thờ Phật, những người tu tại gia không cần phải đăng ký sinh hoạt với bất cứ giáo hội Phật giáo nào, mà ngay cả những tăng ni theo các giáo hội Phật giáo khác không được nhà nước công nhận, (dù còn nhiều quan điểm tôn giáo khác nhau), họ cũng không dễ dàng chấp nhận vai trò đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tình trạng giả sư khất thực, lừa đảo tại miền Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để, bởi chưa có bộ luật nào quy định cụ thể về việc giả dạng người tu hành (ở hình thức ăn mặc, cạo đầu, dùng họ Thích, lập am cốc, lập chùa thờ Phật…).

Cho nên nếu có vụ việc tiêu cực xảy ra, Giáo hội chỉ có thể lên tiếng bảo vệ hình ảnh của mình mà không có một căn cứ nào để can thiệp, xử lý, nhất là khi sự mạo danh tu hành vẫn chưa được luật hoá. Ngay cả luật tôn giáo gần đây cũng không có quy định cụ thể nào cho việc giả dạng người tu hành để trục lợi.

Chính vì thế khi vụ việc “Thiền am” xảy ra, tôi từng phân tích, Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An chỉ cần xác nhận “Thiền am” không trực thuộc Giáo hội quản lý là đủ. Chỉ cần xác nhận như vậy khi có yêu cầu từ phía cơ quan chức năng, còn mọi việc vi phạm của họ ra sao thì do các cơ quan điều tra kết luận.

Ở đây, Giáo hội, dù là Giáo hội địa phương cũng không phải là một bên liên đới hay tranh chấp pháp lý gì với Thiền am kia. Vì ngay cả khi ông Lê Tùng Vân tự xưng là “Thích Tâm Đức” lập thiền am thờ Phật và thu nhận đệ tử thì ông cũng không phải một tu sĩ Phật giáo.

Vì cần xác định rõ, một tu sĩ được gọi là tu sĩ Phật giáo phải căn cứ trên cơ sở được truyền thụ và giữ gìn giới luật Phật giáo: từ 5 giới, 10 giới đến 250 giới theo đúng luật Phật chế.

Sau này chính bản thân ông Lê Tùng Vân cũng không còn sử dụng tên gọi “Thích Tâm Đức” và chỉ tự nhận mình là người tu hành tại gia. Phần nào ông cũng đã ý thức rõ về tên gọi “Thích Tâm Đức” là không phù hợp, dễ gây ngộ nhận với các tu sĩ Phật giáo.

Không ai đi hỏi một người tu tại gia là tại sao không đăng ký sinh hoạt với giáo hội. Bởi theo hay không theo giáo hội, tôn giáo nào là quyền tự do tôn giáo đã được pháp luật bảo vệ.

Xin đừng nhầm lẫn “Phật giáo Việt Nam” với nhiều biểu hiện tu hành phong phú ngoài kia với một thực thể giáo hội do nhà nước công nhận hay không công nhận.

Phật giáo Hoà Hảo, Tịnh độ Cư sĩ, Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài…, đều ít nhiều có những hình thức Phật giáo khác nhau.

Cho nên câu hỏi của hội đồng xét xử vô hình chung hạ thấp uy tín của chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Còn nhớ trước đây Tịnh độ Cư sĩ (với một hệ thống chùa chiền và phòng khám thuốc Nam trải rộng khắp các tỉnh thành phía Nam) cũng từng muốn gia nhập tổ chức Giáo hội nhưng vì lý do nào đấy không được chấp nhận. Hiện nay Tịnh độ Cư sĩ là một tổ chức tôn giáo hoạt động độc lập với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Câu trả lời trước tòa của ông Lê Tùng Vân có thể khiến một số chức sắc Giáo hội không hài lòng nhưng nó hoàn toàn chính đáng, khi một vài chức sắc Phật giáo “đổ thêm dầu vào lửa” để kết tội ông, dù từ lâu ông đã tự nhận mình là một người tu hành tại gia. Và câu trả lời của ông cũng như một liều thuốc đắng lần đầu tiên thông qua một phiên tòa công khai sòng phẳng với uy tín của một tổ chức tôn giáo là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Giáo hội Phật Giáo Việt Nam vốn dĩ không phải một bên liên đới trong vụ việc Thiền am, nhưng một số chức sắc lại đa sự, muốn chứng tỏ uy quyền của mình trong cái cơ chế “xin-cho” này nên mới có cách hành xử thiếu cân nhắc như vậy.

Các tôn giáo đều có quyền giữ gìn hình ảnh tôn nghiêm của chính mình để không bị lợi dụng, nhưng khi xảy ra tranh chấp pháp lý thì phải căn cứ trên luật cụ thể.

Dưới góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng thầy Thích Nhật Từ đi kiện một người nói mình “ngu như bò” thật tiểu tâm và chẳng đáng. Còn bản án 5 năm tù dành cho một ông cụ ngoài 90 tuổi tu hành tại gia chỉ vì cái gọi là “lợi dụng quyền tự do dân chủ…”, một cái tội mà bất cứ ai cũng có thể bị kết án, thì quả là bất công.

A Di Đà Phật.

Bài ngẫu nhiên

Bài mới