CHIẾC LƯ HƯƠNG
CỦA ĐỨC THÁNH TRẦN
Chiếc lư hương bị dời đi khỏi tượng đài Đức Thánh Trần từ ngày 17/2/2019. Cũng ngần ấy thời gian, nhiều sóng gió xảy ra với thành phố HCM, khiến người ta càng dồn sự chú ý vào chiếc lư kia. Nhiều chiếc ghế quan trọng bất ngờ bị rời đi như chiếc lư kia vậy.
Ngay từ khi chiếc lư hương bị chuyển đi dân chúng Sài Gòn đã không ngớt phản ứng, dù một số nhà văn hoá, khoa học cố gắng giải thích tượng đài không phải chỗ thờ cúng thắp nhang.
Nhưng khi dân chúng thấy tượng Thánh không chỉ là tượng đài và chiếc lư là vật thiêng, thì đó chính là tâm thức cộng đồng kết nên sự linh thiêng ấy. Hương khói cũng chỉ là hương khói, nhưng một khi nó được thắp lên trước dòng chữ “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”, thì lại là một tâm thức cộng đồng hoàn toàn khác.
Đây cũng gọi là nhất thiết duy tâm tạo. Và vì thế người xưa mới nói “để hòn đất, cất ông Bụt”. Để thì tuỳ tiện, nhưng cất thì tôn kính. Hai hành động của hai tâm thức khác nhau, tuỳ ta chọn cho các ứng xử xã hội vậy.
Rõ ràng, chúng ta sống trong vô vàn tâm thức và cảnh giới khác nhau. Cái anh cho là thiêng thì tôi không thấy thiêng. Và ngược lại. Điều đó là bình thường, nhưng không vì bình thường mà tôi đạp đổ bàn thờ linh thiêng của anh. Cho nên con người mới có tâm thức văn hoá, tâm thức tổ tiên, tâm thức nguồn đạo, tâm thức dân tộc, tâm thức thời đại (có thể thời đại sau sẽ khác)…
Tứ Thánh địa của Phật giáo cũng chỉ là vật chất gỗ đá gạch. Nó có thể tự nhiên biến mất bằng động đất, lũ lụt… Nhưng chính quyền nào thử phá hủy nó xem. Bởi chính hành động phá hủy có thể khởi nguồn cho những tai ương bất ổn xã hội trầm trọng.
Nhìn vào nhân quả là nhìn vào tương quan tâm thức xã hội ấy. Có những thứ giáo lý Phật giáo, Công giáo đi vào vùng văn hoá này phải uyển chuyển dung hoá. Cho nên pháp Phật mới có cao thấp, mới tuỳ xứ, tuỳ thời, tuỳ căn cơ mà thể hiện.
Vì sao thời kỳ đầu tăng đoàn duy trì hình thức truyền y bát. Cái y cái bát kia thì giác ngộ thế nào được cho ai, nếu nó giác ngộ được cho chúng sinh thì chỉ cần cho mỗi người ôm một cái là chứng quả khỏi cần nhọc lòng giảng giải tu tập làm chi. Nhưng nó là y cứ cho giải thoát, vì thế sư tăng mới phải cạo đầu, khoác y… Y bát Phật truyền dù vô tri nhưng là tướng của giải thoát. Và vì thế mới nói y phục xứng kỳ đức.
Xin đừng ban phép màu một cách vội vàng cho chiếc lư hương của Đức Thánh Trần, nhưng chỗ nào đã là bàn thờ thì đừng nên xâm phạm. Nếu dân Việt mỗi người còn có một chỗ linh thiêng cất giữ trong lòng, thì e gì mọi sự không phải linh tại ngã bất linh tại ngã. Tâm chuyển thì cảnh sẽ chuyển theo thôi. Họa hay phúc cũng vậy, đều ở nơi tâm này mà ra cả.
Chúng ta đang sống ở cõi người, lại sống ngay cạnh người hàng xóm bất hảo mà chúng ta còn nơm nớp lo âu, huống gì cõi tam giới này có trời, thần, qủy, Càn thát bà, A tu la, Dạ xoa, Ma hầu la già, phi nhân… cùng cộng nghiệp sinh sống. Cái chúng ta không thấy không có nghĩa nó không có, bởi trời đất con người, núi sông vạn vật đều là Phật tính Pháp tính bao trùm. Thấy Phật là thấy tương quan của vạn pháp không tách rời ấy.
Chiếc lư hương có thiêng không còn xem cách người ta “để” hay “cất” nó thế nào. Nhưng chuyện “vật về chủ cũ”, chẳng phải cũng là chuyện mừng “trời còn để có hôm nay, tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời” hay sao ạ?
CHIẾC LƯ HƯƠNG,
VÔ THẦN VÀ “MÊ TÍN DỊ ĐOAN”…
Hôm nay, đọc bài “vô biểu nghiệp và chiếc lư hương” của Bác Phạm Lưu Vũ, bèn nhìn về một nghiệp thức cộng đồng tồn tại dưới dạng “hồn thiêng sông núi”, “anh linh dân tộc”…
Tức trong cuộc sống, luôn tồn tại các pháp không thuộc tâm không thuộc vật như: linh thiêng, huyền vi, màu nhiệm, không thề nghĩ bàn… Các pháp này không thể chia chẻ, cân đong đo đếm, thêm bớt, không thể nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm…, tức vượt khỏi nhận biết của các giác quan thông thường.
Ta có thể thấy rõ phần nghiệp thức này được Đức Phật trình bày và dẫn dụ rất xa vào trong các tiền kiếp.
Đức Phật không thể đem tiền kiếp về hiện tại, và ngài Mục Kiền Liên cho dù xứng danh đệ nhất thần thông cũng không biết tiền kiếp mình đã gây tạo những nghiệp gì. Nếu Đức Phật nói tiền kiếp cho một người không có niềm tin, ắt hẳn, đó là “mê tín dị đoan”, nhưng năng lực nào để Ngài thuyết phục được đại chúng? Đơn giản họ đã có năng lực của vô biểu nghiệp.
Lấy một ví dụ, khi đứng trước một trường năng lượng tâm linh nào đó, tôi lạnh rùng người trong thoáng chốc. Năng lượng tác động ấy không có gì cân đong đo đếm được, nhưng nó là một pháp thực sự xảy ra với tôi, mà không xảy ra với sư đệ tôi đang đứng bên cạnh.
Nếu tôi nói điều đó ra thì sư đệ có thể tin vì tôi là sư huynh, chứ điều đó sư đệ tôi hoàn toàn không trải nghiệm. Nhưng có phải vì không trải nghiệm nên pháp đó không xảy ra?
Vô biểu là cái không biểu hiện ra ngoài thành các hình dạng để có thể nhận biết, nhưng nó tiềm tàng và có một năng lực nhất định, sẽ phát huy tác dụng khi đủ nhân duyên.
Ví dụ câu nói của Đức Thánh Trần: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”. Nếu câu nói này in sâu trong tiềm thức người dân, khi tình huống xâm lăng xảy ra, thì chính nó sẽ thôi thúc người ta hành động không màng sinh tử.
Khi chiếc lư hương trở thành nguồn giao cảm tâm thức thì trở thành vật thiêng không thể xúc phạm. Đền, chùa, đình, miếu…, càng cổ kính thiêng liêng thì trường năng lượng tâm linh kia càng mạnh. Thế mới có Thăng Long tứ trấn, thế mới có Tứ bất tử, thế mới có Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, thế mới có An Nam tứ khí…
Nhìn kỹ tất cả đều chẳng phải được tạo nên bằng vật chất vô tri hay sao? Nhưng đằng sau tất cả những linh vật kia là tâm thức cộng đồng, là vô biểu nghiệp…
Cho nên một dân tộc yêu thiên nhiên là một dân tộc “đa thần”, càng lập ra nhiều nguyên tắc bất hại thì càng thúc đẩy hành vi không gây hại. Chẳng hạn tôi rất yêu thiên nhiên, nên nếu tôi vừa khởi hành vi vứt rác ra sông suối, lập tức cái vô biểu nghiệp (yêu thiên nhiên) của tôi nó thôi thúc buộc tôi cân nhắc hành vi của mình. Và ngay lúc hành động bất thiện vứt rác khởi lên, thì nhờ vô biểu nghiệp gìn giữ mà không hình thành ác quả.
Cũng vậy, thế giới càng văn minh là thế giới mà các nguyên tắc thiết lập chặt chẽ trên vô biểu nghiệp. Tôi càng linh thiêng hoá vạn vật thì tôi càng ít xâm hại vạn vật. Tôi cảng ít xâm hại vạn vật thì nghiệp thiện càng tăng trưởng. Cho nên nếu một cái lư hương của người khác xâm phạm được thì mọi giá trị văn hoá vật thể hay phi vật thể khác đều có thể xâm phạm được.
Cái tạo ra nghiệp cộng đồng hay cộng nghiệp phản kháng, oán hờn, chính là do những chính sách không hợp lòng dân. Một chính quyền ít đối mặt với tai họa là một chính quyền hợp lòng dân. Đôi khi hợp lòng dân đến từ việc giữ gìn một vật thiêng trong lòng dân chúng. Chiếc lư hương của Đức Thánh Trần ở Sài Gòn chỉ là một ví dụ.
Bởi từ một việc làm không hợp lòng dân mà sinh ra mất niềm tin ở dân, khi dân mất niềm tin thì quyết sách đưa ra sau này họ không tuân thủ. Sự không tuân thủ chẳng phải đã trở thành một cộng nghiệp, đưa đến tai họa hay sao?
Người học Phật không thấu phần tâm linh của vô biểu nghiệp, xem việc xúc phạm kia là bình thường, kết luận sự việc là “mê tín dị đoan”, thì chính họ đã vô thần hoá Phật giáo.
Vì sao người Phật tử phải quy y, vì sao có tượng pháp, hương khói, đèn nhang, giới bổn, tán tụng, hồi hướng, làm dụng cho nghi thức. Vì sau khi tất cả các hình tướng quy y kia qua đi, nó hình thành một dạng năng lực đặc biệt trong vô biểu nghiệp. Và trong tình huống khởi ác niệm, lập tức năng lực kia xuất hiện kịp thời ngăn chặn, ví dụ có tiếng thì thầm trong tai, ủa ta đã quy y thọ giới rồi sao lại sát sinh, trộm cắp…như thế được.
Trong xã hội có vô vàn thứ tín ngưỡng, kiêng kị, cũng là những thứ thiết lập trên định chế của “giới”, tức có chức năng ngăn ngừa (phòng phi, chỉ ác), và vì thế với dân gian họ chỉ cần nói một cách đơn giản “có thờ có thiêng có kiêng có lành” là đủ. Năng lực của vô biểu nghiệp hiện diện khắp nơi không phân biện tôn giáo, tín ngưỡng…
Khi một tiếng sét vô tri giáng xuống, dù là dạng năng lượng gì, tự nó đánh động tâm thức sửa mình, khiến người tiếp cận thức tỉnh thiện tâm, hối lỗi.
Khi một thiên tai dịch họa xảy ra, nó luôn hối thúc bậc minh quân sám hối sửa mình, giảm thuế, tha tù tội, tránh việc gây oan… Nhưng với các ông vua vô thần, thì không khéo nó lại trở thành “mê tín dị đoan”…