Tin thiền sư Thích Nhất Hạnh thị tịch đêm qua đã được loan đi từ Làng Mai và từ những tờ báo lớn nhất thế giới. “Sứ giả của hòa bình và bất bạo động”, “Người cha của Chánh niệm”, “một Đạt Lai Lạt Ma khác” đã rời bỏ báo thân sau khi kịp để lại cho hậu thế hơn 100 đầu sách về Phật giáo, trong đó có 40 đầu sách viết bằng tiếng Anh, được thế giới tôn vinh là nhân vật Phật giáo thứ hai đương đại có ảnh hưởng lớn nhất, sau đức Đạt Lai Lat Ma, được coi là 1 trong 13 vị có công lớn nhất quảng bá và truyền bá từ khi Phật giáo được khai sinh đến nay.
Với công nghiệp lớn lao ấy, lạ thay, Thích Nhất Hạnh lại không gây nên trong đại chúng một cảm giác của sự xa cách, kỳ đặc hay một sự dị thường, bí hiểm nào. Ông gần gũi như một người thầy giáo giữa đời thường, một thầy giáo đã đi xuyên qua hai thế kỷ với đầy những biến động của nó để gieo mầm chánh niệm trên từng bước chân.
Nỗ lực của Thích Nhất Hạnh, như chúng tôi thấy, không phải là một cuộc chạy tiếp sức cho những cố gắng đẩy tôn giáo vào con đường của “phép màu” thần bí; ngược lại, ông dành toàn bộ cuộc đời mình để đưa Phật giáo trở lại nhân gian, với đời sống – cái đời sống thường nhật của những con người thường nhật. Nỗ lực ấy, cái nỗ lực “bình thường tâm thị đạo”, lại dường như song hành cùng với chủ nghĩa Hiện sinh Tây phương, đưa con người trở về với con người, sau nhiều thế kỷ tìm kiếm chân lý tối hậu trong những đại tự sự siêu hình.
Và lúc này, Phật giáo là Phật học, là triết học và tâm lý học. Còn người phổ biến nó là một nhà giáo dục có tên Thích Nhất Hạnh. Thích Nhất Hạnh không khai sinh ra tư-tưởng-Phật-giáo-mới, ông chỉ là một người thực hành chân thật, sáng suốt, bình dị; nhưng đã làm tất cả những việc ấy với tâm trường viễn, kiên cố trong một niềm tin nhẹ nhàng mà sắt đá. Và ông đã thành công.
“Hiện pháp lạc trú” (sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại), đó là lý tưởng của ông, và trên thực tế, ông đã mang được điều ấy đến cho một phần nhân loại, cái nhân loại đang loay hoay trước nguy cơ đánh mất hạnh phúc trong cơn biến động dữ dội của lịch sử và văn hóa. Phương Tây yêu mến ông, nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã trở thành học trò ông, “mindfulness” (chánh niệm) có mặt khắp nơi.
Người ta bắt đầu quay về với hơi thở và bước chân của mình, tức quay về với hạnh phúc trần thế. Giải thoát, với ông, không phải là mộng về một đời sống sau khi chết; mà là giải thoát khỏi những phiền tạp, những căng thẳng, những khổ nhọc trong nội tâm của mình bằng con đường của thiền tập chánh niệm.
Hơi thở vào, biết hơi thở vào; hơi thở ra biết hơi thở ra. Tất cả gói lại trong một chữ BIẾT này. Biết tức là an trú tâm, hay chính là “chú ý” trong ngôn ngữ của tâm lý học. Con người đau khổ vì lỡ lạc mất Cái Biết nguyên sơ trong lành ấy để tâm trí mãi rong ruổi và bị mắc kẹt trong những nhà giam của ký ức, của sợ hãi, của ham muốn. Một khi tâm đã hoàn toàn đặt trọn vào bông hoa thì làm gì còn buồn vui sướng khổ; lúc này, chỉ còn sự thanh bình, trong lặng, tĩnh sáng.
Thích Nhất Hạnh đã mang cái Thiền ấy tới cho một phương Tây bận rộn. Không cần phải lên núi cao hay vào rừng sâu; không cần “thoát vòng tục lụy”, con người cứ sống giữa đời với áo cơm chồng vợ bời bời nhưng lúc này, tất cả những thứ đó đã được nhìn bằng một ánh mắt khác – ánh mắt của tỉnh thức.
Phật giáo không sinh ra để giúp con người chạy trốn cuộc đời, Phật giáo là giúp con người sống an vui giữa thế sự mang mang. Những ai muốn tìm kiếm sự cao siêu thần bí ắt hẳn sẽ thất vọng với những lời giảng của Sư Ông Làng Mai; vì ông không mang đến một cái gì như thế cả. Ông dạy người ta ăn cơm, uống nước, dạy người ta hít thở và bước đi.
Nếu con người không hạnh phúc trong hiện tại thì làm gì có hạnh phúc nào đón đợi ở tương lai? Pháp của Thích Nhất Hạnh là an trú trong hiện tại, phúc lạc trong hiện tại; vì chỉ khi ấy con người mới đang thực sự kiến thiết tương lại; chỉ khi ấy người ta mới có cơ hội tìm thấy tương lai của mình.
Chính tinh thần duy lý và khoa học này trong cái nhìn và sự thực hành của Thiền sư đã ứng hợp với căn cơ của người Tây phương. Tây phương không tin những gì mà họ không hiểu, và chính ở đây mà Thích Nhất Hạnh đã làm cho họ hiểu và tin. Hoằng dương giáo pháp của đức Phật cần những bàn tay với thiện xảo phương tiện như thế. Đó chính là tinh thần bác ái, là lý tưởng độ tha làm lợi lạc cho chúng sanh của những học trò xuất sắc của đức Phật.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã rời xa cõi thế nhưng những bài học về kiến lập hạnh phúc trần thế, về tinh thần bất bạo động, về trí giả dấn thân, về lý tưởng phụng sự và về phương pháp giáo dục tiến bộ thì sẽ còn ở lại với chúng ta dài lâu.
Thầy Thích Nhất Hạnh lớn không phải vì đã vượt qua con người mà chính ở chỗ đã quay về với con người một cách trọn vẹn. Làm một con người “bình thường”, khó lắm thay.
Xin được đê đầu cảm tạ Thầy!
Thái Hạo
(Bài đăng trên Thể thao & Văn hóa)