Lời giới thiệu
Nguyễn Xuân Thu và tầm của cái tâm
Nguyễn Hưng Quốc
Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, ở một làng quê nghèo khổ thuộc một địa phương nổi tiếng nghèo khổ nhất nước (Vĩnh Linh, Quảng Trị), lớn lên trong một giai đoạn khó khăn và cùng khổ nhất thời hiện đại: hết Pháp thuộc đến Nhật thuộc với cả triệu người chết đói và, sau đó, chiến tranh Việt Pháp kéo dài và đầy khốc liệt, Nguyễn Xuân Thu rõ ràng không phải là người may mắn. Chưa hết. Mồ côi bố từ năm năm tuổi, mồ côi mẹ từ năm 13 tuổi; không có bà con nội ngoại gì cả, phải bỏ nhà ra đi lang thang kiếm sống bằng vô số các nghề lặt vặt và bần cùng từ năm 14 tuổi, có thể nói Nguyễn Xuân Thu thuộc loại kém may mắn nhất trong những người kém may mắn. Vậy mà, bằng nghị lực, chỉ thuần bằng nghị lực, không có gì khác, Nguyễn Xuân Thu đã học hành đến nơi đến chốn, không những xong trung học và đại học mà còn tốt nghiệp tiến sĩ tại Mỹ, sau đó, trở thành giám đốc Nha Sưu tầm và Nghiên cứu thuộc Bộ giáo dục ở miền Nam và là một trong những người Việt khá hiếm hoi được phong hàm giáo sư thực thụ tại một đại học lớn ở Úc.
Chỉ với riêng cái nghị lực phi thường của ông thôi, đã đáng phục. Nhưng tôi phục Nguyễn Xuân Thu hơn là ở cái tâm của ông. Bình thường, sau khi vượt biên và định cư ở nước ngoài, sau khi đã có một công việc thích hợp và đời sống kinh tế ổn định, sau khi con cái đã thành đạt và có gia đình êm ấm hết, mọi người có thể, nói theo Nguyễn Công Trứ, “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”, an hưởng tuổi già bằng cách dung dăng dung dẻ đi du lịch đây đó, hết nước này sang nước khác, thử hết món ăn lạ này đến món ăn lạ khác. Nhưng Nguyễn Xuân Thu thì không. Dường như lúc nào ông cũng đau đáu muốn làm một cái gì đó cho đất nước. Đang là giáo sư ở một đại học lớn tại Úc (trường RMIT), ông bỗng quyết định từ chức, rút tiền hưu trí ra sớm để trả hết tiền nhà, và mang số còn lại về Việt Nam sống và làm tư vấn không lương cho Bộ giáo dục và nhiều trường đại học ở Hà Nội, nơi ông phải chịu đựng rất nhiều sự nghi ngờ và kỳ thị từ chính quyền. Gia đình ông bất ngờ. Bạn bè ông càng bất ngờ. Cuối cùng, mấy năm sau, người ta nhìn thấy kết quả của những việc ông làm: trường đại học RMIT, một trường đại học quốc tế, với chất lượng và văn bằng quốc tế, đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, trở thành một cơ sở giáo dục có uy tín nhất trong cả nước.
Nhưng, oái oăm thay, ngay sau khi các thủ tục thành lập chi nhánh trường đại học RMIT tại Việt Nam vừa hoàn tất, Nguyễn Xuân Thu lại bị trục xuất khỏi Việt Nam và bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng bốn năm vì bị nghi ngờ là… CIA. Khi cái hạn bốn năm ấy trôi qua, đã đến tuổi về hưu, đáng lẽ nghỉ ngơi, Nguyễn Xuân Thu lại quay về Việt Nam. Không một chút thù hận, ông vẫn nhiệt tình giúp đỡ nhiều trường đại học ở Việt Nam trong việc liên kết với thế giới bên ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam. Với những việc làm như thế, không ít người ở hải ngoại cho là ông… thân Cộng.
Đứng giữa hai làn đạn, bị hiểu lầm từ nhiều phía, Nguyễn Xuân Thu vẫn không nguôi tha thiết làm một cái gì đó cho đất nước và cho người khác. Bây giờ, về già, gần 80 tuổi, vì đã rút hết tiền hưu trí trước khi về làm việc thiện nguyện ở Việt Nam năm 1994, ông chỉ sống bằng tiền trợ cấp ít ỏi dành cho người già. Nghèo, nhưng ông vẫn vui. Mỗi khi có ai cần gì, ông cũng lại nhiệt tình giúp đỡ. Quen thân với ông đã trên 20 năm, nhưng những lúc nhìn ông tận tụy giúp hết người này đến người khác, bày hết dự án này đến dự án khác cho người khác, tôi vẫn cứ ngạc nhiên về tầm của cái tâm của ông.
Ở đời, rất nhiều người có tâm. Nhưng tâm lớn như Nguyễn Xuân Thu có lẽ là hiếm. Tôi viết lời giới thiệu này, cho cuốn hồi ký không-dính-dáng-gì-đến-văn-chương của ông, với tất cả sự ngưỡng mộ trước cái tâm của ông. Một cái tâm rất có tầm.
Nguyễn Hưng Quốc
Chủ nhiệm Ban Việt ngữ và Việt học
Victoria University
Melbourne, Australia