Lược trích từ “TIỂU LUẬN VỀ ĐẠO PHẬT VÀ MẠCH SỐNG CỦA DÂN TỘC”
Như các bạn đã biết, đạo Phật là con đường làm Phật trên nguyên tắc thực hiện “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý” để “tùy duyên nhi bất biến” vận dụng Từ Bi, Trí Tuệ, Hùng Lực “Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh”.
Thượng cầu Phật đạo có nghĩa là giải quyết vấn đề sanh tử.
Hạ hóa chúng sanh có nghĩa là trực diện với đời sống con người, hoán chuyển nghiệp lực, hóa giải khổ đau, vượt thoát mọi khủng bố mà kiên trì “tâm vô quái ngại”.
Phát tâm cao thượng vừa cầu Phật đạo vừa phụng sự chúng sanh thì gọi là Phát Bồ Đồ Tâm.
“Vong thất Bồ Đề Tâm tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp. Vong thất thượng nhĩ, huống vị phát hồ?” (Phát Bồ Đề Tâm văn). Lỡ để quên, rơi, lạc, đánh mất tâm Bồ Đề đi mà vẫn cứ tu hành các thiện pháp, đó tức là nghiệp lực của Ma. Quên mất còn như thế hà huống chưa khởi phát tâm Bồ Đề?
…
Đạo Phật Việt Nam từ trên 2000 năm lịch sử lúc nào cũng gắn liền với dân tộc, vạch hướng đi cho dân tộc, cùng với quần chúng bị thống trị, bóc lột, áp bức hoặc âm thầm hoặc công khai phản đối, chống đối với những sự việc ngu xuẩn, mê lầm, tham lam, ích kỷ, độc hại, bạo tàn…
Qua sử sách, cực chẳng đã, nếu các vị Thiền Sư phải làm Quốc Sư thì cũng chỉ nỗ lực hướng dẫn các minh quân làm sao và làm thế nào tận dụng đường lối chính trị đạo Phật để đạt hiệu quả trong việc an dân vượng quốc mà không hề vì bản thân hay đạo giáo mình làm nên những chuyện khuynh loát xã hội, độc quyền, độc bá, độc tôn…
Bởi thế đạo Phật, nhất là đạo Phật Việt Nam “đã từng làm cho nhân loại giựt mình mở mắt ra mà nhận rằng ít có ai đã từng quyết liệt nhập thế toàn diện như những bậc thiền sư Việt Nam” (Phạm Công Thiện, Chân Nguyên 15&16, tr. 9), “GHPGVNTN là hậu thân của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam (được thành lập từ 6 tập đoàn Phật Giáo Trung – Nam – Bắc, vào năm 1951), là một tổ chức được tổng hợp bởi các hệ phái, tập đoàn Phật giáo Nam – Bắc tông, Việt – Miên – Hoa tông… trên cơ sở tự nguyện, phát xuất từ ý chí tự tồn sau một cuộc đấu tranh đầy gian khổ, lắm hy sinh trong pháp nạn 1963. Vì thế, sự ra đời của GHPGVNTN, năm 1964, là sự quy tụ của những người con Phật cùng chung một hoàn cảnh, biết tìm về đoàn kết để bảo vệ lẫn nhau sau bao nhiêu kinh nghiệm xương máu, trước những âm mưu chia rẽ, áp bức bởi các thế lực chính trị phi dân tộc, chứ không phải do một chế độ cầm quyền nào dùng áp lực dựng lên.
Do đó, GHPGVNTN có tính chất mang đầy bản sắc Dân Tộc, không những có tầm vóc Quốc gia mà còn có địa vị Quốc tế, không những có vai trò lịch sử trong hiện tại mà còn có cái sứ mệnh vạch hướng cho dân tộc ở tương lai” (Tâm thư của HT. Viện trưởng VHĐ, GHPGVNTN 24-90-2002).
“Dân tộc V.N. ta, trong hơn 20 năm chiến tranh, từng chịu nhiều khổ cực, biết bao nhân lực, sức lực và tài sản đã hủy diệt mà nguyên nhân chính: chỉ vì mỗi phía đã phục vụ cho một ý hệ, chủ thuyết và quyền lợi khác nhau, rồi tự coi đó là phục vụ cho tổ quốc, nhưng kỳ thật chỉ biết quyền lợi riêng tư ích kỷ, cố tình tạo mâu thuẫn để có cớ tàn hại lẫn nhau. Đó là một bị thảm của lịch sử dân tộc thời đại.” (Ý Thức Về Nguồn).
Nội dung bức Thông Điệp Ý Thức Về Nguồn xuân Tân Hợi 1971 của Viện Tăng Thống GHPGVNTN được mở đầu bằng những lời như thế. Những lời xác thật, phơi bày hiện trạng: “bi thảm của lịch sử dân tộc thời đại”; những lời trung thật, phô diễn nguyên nhân làm điêu tàn đất nước: “chỉ vì mỗi phía đã phục vụ cho một ý hệ, chủ thuyết và quyền lợi khác nhau”; những lời trực thật, nói lên sự thật mà không e ngại mất lòng bất cứ thế lực nào đương tại, không e sợ bạo quyền nhắm hướng vào mình: “coi đó là phục vụ cho tổ quốc, nhưng kỳ thật chỉ biết quyền lợi riêng tư, ích kỷ…”
Quả thật, kể từ 1945, ảnh hưởng liên đới của Thế Chiến thứ II kết thúc, cách mạng tháng Tám thành công, đất nước ta lại bắt đầu một trang sử mới. Nhưng, não nề thay, đó không phải là trang sử hòa bình, thịnh vượng và an lạc mà lại là trang sử của “xáo thịt nồi da”, của chiến tranh khốc liệt, của ám ảnh kinh hoàng, của hận thù đổ nát…
Mới vừa tạm có chủ quyền thì dân chúng Việt Nam lại là nạn nhân bi thảm của cuộc nội chiến giữa những ý thức hệ thời thượng man rợ ngoại lai là Vô Thần và Độc Thần, giữa những chủ nghĩa xuẩn động là Duy Vật Cộng Sản và Thực Dân Tư Bản để rồi Hiệp Định Genève phân ranh giới tuyến, mỗi bên đều dựa vào thế lực của ngoại nhân, sử dụng ý hệ ai không theo ta là kẻ thù của ta làm chính nghĩa, lấy bom đạn làm phương tiện, coi quyền lợi riêng tư làm cứu cánh dẫm đạp trên máu thịt dân lành mong bước lên địa vị thống trị độc tàn.
Những tủi nhục ngất trời của lịch sử Việt Nam cứ thế mà diễn tiếp liên lỉ suốt mấy mươi năm chỉ bởi cuồng vọng của những kẻ cai trị bạo ngược cuồng tín, những kẻ chối cội bỏ nguồn, những kẻ tự cho là văn minh tiến bộ nhưng kỳ thật họ chỉ biết và thích học đòi những xấu xa tồi tệ của người mà hủy diệt đi những gì tinh ba tốt đẹp nhất của nền văn hóa hơn 4000 năm lịch sử, những kẻ “rước voi về dày mả tổ” cam tâm làm tay sai cho các thế lực đối lực ngoại bang đua nhau tàn phá quê hương…
“Quả tình chúng ta đã đánh mất niềm tin và tình thương yêu bao bọc lẫn nhau; Quả tình chúng ta đã xa rời nguồn gốc Tổ Tiên; Quả tình đã có những người nghĩ, nói và làm theo những biên kiến, thiên kiến không mấy trong sáng, thậm chí hành xử theo những chỉ thị của ngoại nhân, vô tình đưa dân tộc vào con đường phiêu lưu hủy diệt nhưng lại cố đinh ninh rằng mình đang thi hành sứ mạng cứu dân cứu nước. Hỏi đến bao giờ chúng ta mới thực tỉnh thức?” (Ý Thức Về Nguồn)
Tiếng kêu trầm thống từ đó được cất lên. Không phải tiếng kêu thương ai oán tủi buồn cho số phận mà là tiếng kêu vang vọng của Từ Bi, Trí Tuệ và Hùng Lực; tiếng kêu gọi Tình Người; tiếng chim đầu đàn réo gọi đừng say đắm ngủ mà lạc bước phiêu du; tiếng đại hồng chung Tỉnh Thức đưa nhau trở về nguồn cội:
“Cầu mong tinh thần Tỉnh Thức sẽ bừng sáng nơi tâm hồn mọi người để Ý THỨC VỀ NGUỒN trở về với dân tộc thuần chính, xóa đi những hận thù – những hận thù không bao giờ do chúng ta chủ trương, mà chính ý hệ, chủ thuyết và thế lực vật chất vô minh đã thúc đẩy, chỉ huy.
Chúng ta hãy nhìn nhau với sự cảm thông và tình thương yêu chân thật.
Sự cảm thông và tình thương yêu khi đã được thể hiện nơi mọi người thì công cuộc hóa giải ý hệ, hóa giải hận thù, hóa giải chiến tranh, hóa giải nếp sống sẽ là những ngọn đuốc thắp sáng cho Tổ quốc Việt Nam, mang lại nguồn phác lợi chung cho dân tộc và hòa bình cho xứ sở…
Chúng ta hãy gột rửa mọi ý nguyện vọng ngoại, gột rửa những thiên kiến, biên kiến và luôn luôn Tỉnh Thức, đổi mới tâm hồn. Phải cẩn trọng trong hành động của mình.
Có thiện chí là một điều hay. Nhưng có thiện chí mà kém sáng suốt thì đôi khi lại là một tai họa lớn. Chúng ta hãy đoàn kết lại, tạo thành một khối dân tộc lớn mạnh, duy nhất. Chúng ta hãy tích cực xây dựng một quan niệm sống, một đường lối sống, một khuôn mẫu sống dựa trên tinh chỉ từ bi trí tuệ bình đẳng giải thoát và tự chủ, hợp với rung cảm, suy tư và hành xử của một dân tộc tiến bộ, đi lên, thì đó là chúng ta xây dựng nổi một xã hội lành mạnh, ấm no, bình đẳng theo đúng nghĩa TÌNH NGƯỜI và lòng bao dung độ lượng của một nòi giống văn minh – nòi giống Lạc Hồng. Đó là Ý THỨC VỀ NGUỒN của hết thảy chúng ta, ở bên này cũng như bên kia giới tuyến… (Thông Điệp Ý Thức Về Nguồn).
Bằng vào tất cả Dũng Lực của Từ Bi và Trí Tuệ. Bằng vào tất cả tinh lực của nền văn hóa văn minh nối tiếp truyền thừa của Tổ Tiên với dân tộc tính tự chủ và thương yêu đùm bọc lẫn nhau để vượt thoát mọi cuộc đồng hóa và nô lệ, GHPGVNTN đã cất lên tiếng nói của lẽ phải trước bạo quyền, đã nhắc nhở toàn dân hãy Tỉnh Thức trở về nguồn cội, đã cảnh cáo các nhà hữu trách cầm quyền bính của 2 miền Nam, Bắc đừng vì những tư dục vị kỷ thấp hèn mà đẩy đưa đất nước vào con đường “phiêu lưu hủy diệt”.
Mang tôn chỉ “phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật”, GHPGVNTN từ đó, một lần nữa xác định lại lập trường và đường hướng của Giáo Hội: “GHPGVNTN không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc” (Hiến Chương GHPGVNTN).
Không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt cũng có nghĩa là không chấp nhận mà còn phản đối tất cả những thủ đoạn của bất kỳ thế lực nào vì mục đích “vinh thân phì gia”. Mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc cũng có nghĩa là không những không chấp nhận mà còn phản đối bất cứ hình thức hoặc nội dung các cuộc chiến tranh—từ chiến tranh ý thức hệ cho đến chiến tranh xâm lược và thống trị.
GHPGVNTN từ đó, một lần nữa thẩm định rõ cuộc chiến tranh tàn khốc đương thời là cuộc chiến giữa ý hệ Vô Thần và Độc Thần, giữa những người Cộng Sản xâm lược và những người Tư Bản thống trị độc tài, vì mục đích tư dục và tư hữu…
GHPGVNTN từ đó, một lần nữa minh định “Ý Thức Về Nguồn và sự khởi đi từ Nguồn, nếu được mọi người chấp nhận, đó mới là căn bản chính thức cho sự HÓA GIẢI chiến tranh, hóa giải hận thù, đem lại nguồn thương vui và hòa bình dài lâu cho dân tộc ta” (Ý Thức Về Nguồn).
Ngay đây, các bạn nên để ý đến từ HÓA GIẢI.
Hóa giải chứ không phải là hòa giải.
Hòa giải đôi khi có nghĩa vì quá mệt mỏi, quá kiệt quệ, hoặc phải vâng lời các bậc đàn anh trong một sách lược nào đó đành phải tạm hòa, tạm ngưng chiến, tạm tay bắt mà chân đá!
Hóa giải có nghĩa là, chỉ khi nào thật sự Tỉnh Thức, nhận chân rõ chánh tà, nhận định rõ mình đang lầm đường lạc bước cuồng tín với những ý hệ thời thượng ngoại lai manh động gây hận thù chém giết lẫn nhau đưa đất nước vào con đường phiêu lưu hủy diệt nên chối bỏ nó đi, cùng trở về nguồn cội, trở về với tinh chỉ từ bi trí tuệ bình đẳng giải thoát và tự chủ để cùng cảm thông, thương yêu chân thật và đoàn kết lại mới xây đựng nổi một xã hội lành mạnh, ấm no, bình đẳng theo đúng nghĩa TÌNH NGƯỜI.
Song, sự thật thì thường phải mất lòng, nhất là sự thật ấy lại đụng chạm đến các sách lược chính trị của các thế lực bạo lực. GHPGVNTN thêm một lần nữa như chướng ngại lớn của các chủ nghĩa thống trị độc tài, thêm một lần nữa bị một bên là người Cộng Sản còn một bên thì lại cho là những kẻ chống Cộng phản động gan lì!
Nhưng, cho dầu nát tan hình thức, cho đầu phải hy sinh bản thân mình, GHPGVNTN vẫn cất lên tiếng nói của dân lành, kiên trì đấu tranh cho lẽ phải…
Ngày 22 tháng Giêng năm 1975, ba tháng trước khi Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, Thông Tư số 150 của Viện Hóa Đạo được gởi đến các Ban trực thuộc với nội dung: “Để tránh mọi sự ngộ nhận có thể có đối với lập trường và đường hướng cố hữu của Giáo Hội, Viện Hóa Đạo kính yêu cầu quý vị hãy thận trọng, không nên tham gia bất cứ tổ chức nào ngoài tổ chức của Giáo Hội, nhất là những tổ chức có tính cách chính trị. Trong trường hợp vị nào đã tham gia những tổ chức như thế thì hãy tự nguyện chấp trì nghiêm chỉnh tỉnh thần Thông Tư này”.
Như các bạn đã thấy ở trước, lập trường và đường hướng của Phật giáo là Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành và tự tịnh kỳ ý. Y cứ vào đó, lập trường của đạo Phật Việt Nam là phụng sự con người,vì con người, của con người nói chung và dân tộc V.N nói riêng được tự do, nhân quyền và bình đẳng xã hội mà không hề mang sắc thái bảo vệ hoặc ủng hộ bất cứ một cá nhân hay tổ chức thế quyền bất chánh.
Bởi cuộc chiến tại Việt Nam đương thời là cuộc chiến giữa các thế lực phi nhân và phi dân tộc. Người dân Việt chỉ cần một chút suy tư đều không thể chấp nhận cuộc chiến này. GHPGVNTN với mục đích nuôi dưỡng mạch sống dân tộc, tiếp nối dòng sử mệnh của dân tộc từ thời vinh quang nhất trong lịch sử Việt Nam: Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê nên, giữa giai đoạn chuyển biến quan trọng, trầm trọng và đen tối nhất lịch sử Việt Nam kề cận; giữa tình thế đất nước vô cùng hỗn loạn: người Mỹ chuẩn bị rút lui khỏi VN, quân đội Bắc Việt bắt đầu tấn công ào ạt từ mọi phía… GHPGVNTN vẫn hiên ngang kiên cường bất khuất như cây đa cổ thụ ngàn năm sừng sững đứng đầu làng tỏa bóng mát cho dân với đường hướng thật rõ ràng và dứt khoát: “Không nên tham gia bất cứ tổ chức nào ngoài tổ chức của Giáo Hội, nhất là những tổ chức có tính cách chính trị…”
Tổ chức chính trị ngoại lai thì đang thất thế. Tổ chức chính trị Cộng sản thì đang xâm thực. Ý thức hệ vô luân, thối nát và sắt máu của Mác-Lê đang được trưng dụng để triệt hủy nền độc lập, tự do của Việt Nam. Bảo vệ lập trường và đường hướng tự do, nhân quyền và bình đẳng cố hữu của Phật giáo Việt Nam cũng có nghĩa là GHPGVNTN từ đó mặc nhiên chấp nhận bản án tử hình của bạo quyền Hà Nội. Nhưng ngược lại, cũng có nghĩa là làm tất cả những gì cần làm, đáng làm và phải làm để bảo vệ dân tộc và đạo pháp!
Dân tộc còn thì đạo pháp còn và, như đôi bước song hành, đạo pháp thịnh hưng thì dân tộc phồn vinh!
Trải qua những thăng trầm lịch sử, cho dẫu bạn là một người không tín ngưỡng Phật giáo, bạn vẫn không thể phủ nhận thực trạng này.
Cho dẫu bạn đứng trong bất cứ một tổ chức đảng phái chính trị nào, bạn vẫn không thể phủ nhận Từ Bi, Trí Tuệ và Hùng Lực là tôn chỉ chính trị bền vững nhất và siêu việt nhất.
Dựa vào tôn chỉ đó, tiếp nối những bước đi của tiền nhân, thực hiện tâm nguyện của các Thánh Tử Đạo vị pháp quên mình, ngày 16 tháng 3 năm 1976, Thông Tư số 002 của Viện Hóa Đạo được gởi đến các Ban Đại Diện GHPGVNTN để củng cố nhân sự, kiện toàn lại Ban Đại Điện.
Rồi, như các bạn đã thấy, bởi Phật giáo còn thì không thể nào chấp nhận một chế độ tàn độc phi dân tộc nào tồn tại; bởi kiện toàn nhân sự Ban Thường Vụ tức củng cố Giáo Hội, tức vẫn kiên cường bảo vệ dân tộc và đạo pháp, bảo vệ tự do nhân quyền và bình đẳng xã hội nên, từ đó, đảng Cộng sản Việt Nam đã bằng mọi cách để lũng đoạn, chia rẽ, đàn áp để tiêu diệt GHPGVNTN.
Mở đầu, họ đã bắt giam một số chư vị giáo phẩm của GHPGVNTN trong đó có ngài Hòa thượng Thích Thiện Minh, cố vấn tối cao của Giáo Hội, đã bị tra tấn suốt 2 năm đến chết trong lao tù Cộng sản vào tháng 10 năm 1978; song song theo đó, họ sử dụng bạo lực—cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan— cưỡng chiếm đa phần cơ sở của Giáo hội. Cho đến tháng 11 năm 1981, khi nhào nặn xong một công cụ thừa sai cho họ tại chùa Quán Sứ Hà Nội thì toàn bộ cơ sở của GHPGVNTN đều bị họ ngang nhiên sử dụng và, các Tăng sĩ cũng như Phật tử nào biểu lộ sự trung kiên đối với lập trường và đường hướng của GHPGVNTN đều lần lượt bị vu khống, cô lập, quản thúc, áp bức, đe dọa, khủng bố, tra tấn, tù đày và giết hại trong sách lược tiêu diệt đạo Phật Việt Nam của đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng, làm thế nào họ có thể tiêu diệt đạo Phật Việt Nam, một tôn giáo trong lòng dân tộc: “Gần hai nghìn năm nay, đạo Phật đã hội nhập hầu như trọn vẹn vào với tinh thần truyền thống của dân tộc. Nhục vinh cùng với nhục vinh của đất nước. Đóng góp thật nhiều mà chẳng giành công lao đóng góp.
Hầu hết các giới đồng bào Việt Nam đều hiểu rất rõ lý vô thường và biết sống theo luật Nhân Quả, đã có nhiều người cả đời họ chưa từng đến chùa và chưa một lần đọc kinh sách Phật. Chính vì tính cách đại chúng ấy mà tinh chỉ Từ Bi Giác Ngộ của đạo Phật đã thấm sâu trong tình tự, suy tư và hành xử của người Việt, nên trong thời nước ta bị đô hộ, kẻ đô hộ đã tìm mọi cách để tách rời Phật giáo ra khỏi đại khối dân chúng, họ hiểu rằng: Vào các mùa Tự Chủ của dân tộc, những tín hiệu tập họp dân chúng thường đã được phát ra từ dưới mái chùa cổ đơn sơ, nơi những người Tăng sĩ áo vải hiền lành…” (Thư của HT. Thích Đức Nhuận gởi chư vị HT. Thích Trí Tịnh, Thích Thiện Siêu và Thích Minh Châu, PL. 2537).
Làm thế nào họ có thể tiêu diệt đạo Phật Việt Nam, một tôn giáo mà nếu “không làm được gì cho đất nước phồn vinh tươi đẹp, thì cũng không bao giờ lại làm cho nó xấu xa tồi tệ đi…” (Tuyên bố của HT. Thích Đức Nhuận trước phiên Tòa Phúc Thẩm Sài Gòn ngày 15-11-1988).
Nhưng, cho dẫu có bóp méo vo tròn, có xuyên tạc hay mê tín hóa, có chia rẽ, lũng đoạn và cố sức bằng mọi cách để tiêu diệt thì đạo Phật vẫn là đạo Phật—nơi nào còn khổ đau thì nơi đó vẫn cần thiết đến đạo Phật—và lập trường cố hữu của GHPGVNTN vẫn là bảo vệ tự do nhân quyền bình đẳng xã hội “hợp với rung cảm, suy tư và hành xử của một dân tộc tiến bộ… nòi giống Lạc Hồng “
Cuối năm 1981, lập trường và đường hướng của GHPGVNTN đương thời của Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo GHPGVNTN tuy không được chính thức công bố nhưng đã âm thầm phổ biến trong Tăng đoàn, nuôi dưỡng và khích lệ ý lực bảo vệ lẽ phải của dân tộc Việt Nam: “… Kiện toàn Giáo Hội tức kiện toàn đất nước” (Điều 3) có nghĩa là xác định đạo Phật Việt Nam và dân tộc là một thực thể bất khả phân ly.
“Bởi thế, GHPGVNTN phổ biến tinh thần củng cố Giáo Hội, đương nhiên cương quyết chống đường lối độc tài phi dân chủ và phi Phật Pháp” (Điều 4) có nghĩa là lúc nào Giáo Hội cũng giữ vững lập trường và đường hướng bảo vệ tự do nhân quyền bình đẳng xã hội cố hữu của đạo Phật và dân tộc.
Thế nên, “việc làm của Giáo Hội là việc làm của lẽ phải—d ù có chết cũng chỉ là cái chết cho lẽ phải chứ không là chết hèn, chết nhục” (Điều 10).
Lẽ phải là chân lý—“D ù có chế! cũng chỉ là cái chết của chân lý trước bạo lực chứ không phải chết vì bạo lực này yếu kém bạo lực khác” (Thích Trí Quang, Mùa Pháp Nạn 1963).
Truyền thống bất khuất của dân tộc được un đúc thêm bởi tinh chỉ Từ Bi Trí Tuệ và Hùng Lực của giáo lý Phật Đà đã được thể hiện trọn vẹn ra từ đó, từ “những người Tăng sĩ áo vải thô sơ”, từ những con người Việt Nam âm thầm lặng lẽ tiến hành những điều ích nước lợi dân mà hữu thật vô danh chứ không phải hữu danh vô thật.
Rồi, như một gốc mai già cằn cỗi, trơ xương giữa mùa đông băng giá bỗng trổ hoa, Hòa thượng Thích Huyền Quang nối tiếp tâm nguyện của cố Đại Lão Tăng Thống Thích Đôn Hậu, đã đứng lên giữa ám ảnh kinh hoàng, giữa hận thù đổ nát, giữa băng hoại thê lương, hậu quả của bạo lực ngút ngàn trong suốt 17 năm cưỡng chiếm miền Nam nước Việt của đảng độc tàn Hà Nội. “Ý thức dẫn đạo dân tộc” (Phạm Công Thiện) được cất lên từ chốn lưu đày, khởi dẫn cuộc hồi sinh đất nước.
Ngày 25-6-92, bản Yêu Sách 9 Điểm được gởi đến nhà cầm quyền Việt Nam để không những đòi hỏi họ trả lại công bình cho GHPGVNTN, tôn trọng tự do, nhân quyền mà còn yêu cầu họ phải hủy bỏ ngay đường lối cai trị bá đạo độc tài tàn bạo đã và đang áp đặt trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong suốt 17 năm qua. Do vậy, điều 8 tóm tắt rằng: “GHPGVNTN sẵn sàng góp sức mình trong việc xây dựng đất nước theo truyền thống dân tộc. Nhưng không thể thực hiện việc này dưới sự điều khiển của một chế độ còn xem tôn giáo là kẻ thù và thường xuyên nhúng tay can thiệp, kiểm soát nội bộ tôn giáo.”
Để hiểu rõ hơn điều này, các bạn có thể tham cứu Tuyên Cáo ngày 7-11-92 của GHPGVNTN. Sau khi thẩm định những sự việc sai trái, xuẩn động, phi nhân của đảng Cộng sản Việt Nam đối với tôn giáo và nhất là đạo Phật dân tộc, điều 8 trong Tuyên Cáo viết rằng: “Nếu trong những ngày sắp tới trong cuộc vận động phục hồi sinh hoạt GHPGVNTN bị nhà nước dẹp tan bằng bạo lực, thì coi như GHPGVNTN đã chết và đương nhiên tất cả mọi thứ nhân quyền, dân chủ, tự do trên đất nước này cũng sẽ không còn. Vì GHPGVNTN là một giáo hội có truyền thống, có chính nghĩa, có thành tích nhất định với lịch sử dân tộc mà không còn tồn tại được thì thử hỏi các quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng làm sao có thể có được dưới một chế độ độc đẳng cầm quyền như Nhà Nước Cộng sản Việt Nam”.
Nhận định “GHPGVNTN là một giáo hội có truyền thống, có chính nghĩa, có thành tích nhất định với lịch sử đân tộc” tức xác định GHPGVNTN là kết tinh của đạo Phật Việt Nam, một tôn giáo cội nguồn của dân tộc đã vận dụng tôn chỉ Từ Bi, Trí Tuệ và Hùng Lực hòa nhập vào dân tộc tính Việt Nam, thể hiện lối suy tư sáng suốt, lối rung cảm đùm bọc yêu thương, lối hành xử kiên cường bất khuất đã viết lên những trang sử oai hùng nhất cho nòi giống Lạc Hồng.
Nhận định “Nếu trong những ngày sắp tới trong cuộc vận động phục hồi sinh hoạt GHPGVNTN bị nhà nước dẹp tan bằng bạo lực… mọi thứ nhân quyền, dân chủ, tự do trên đất nước này sẽ không còn… dưới một chế độ độc đảng cầm quyền như Nhà nước Cộng sẵn Việt Nam” tức xác định, muốn đất nước Việt Nam hưng thịnh, phồn vinh thì Nhà nước cần phải tức khắc chấm dứt đường lối cai trị “độc đảng độc tài quân phiệt” (HT. Thích Trí Quang 25-7-93) đương hữu để thay vào đó một đường lối thật sự tự do—từ tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng cho đến tự do tư tưởng.
Khi con người có được tự do tư tưởng mới biết tôn trọng sự tự do của tha nhân, mới có thể không nhiễm độc bởi bất cứ ý thực hệ độc tôn manh động dẫn khởi đấu tranh liên lỉ.
Khi con người có được tự do tín ngưỡng, thoải mái chọn lựa và phụng sự đạo giáo phù hợp với những rung cảm của loài người thì mới biết tôn trọng tín ngưỡng của tha nhân để khỏi nạn chiến tranh tôn giáo.
Khi con người có được tự do ngôn luận thì con người mới có thể “tụ hội trong hòa hợp, bàn luận trong hòa hợp và giải tán trong hòa hợp” (HT. Thích Huyền Quang) để cùng thăng hoa nếp sống, đem lại phồn vinh cho đất nước.
Có được những tự do như thế thì mới có thể có các thứ dân chủ, nhân quyền và bình đẳng xã hội tiếp theo sau.
“Thế nhưng, rõ ràng Nhà nước không bao giờ muốn, phải chăng ý đồ Nhà nước quyết tâm phân hóa sâu hơn nữa để hủy diệt tiềm lực dân tộc và đạo pháp? Nhà nước lúc nào cũng hô hào đoàn kết nhân dân, nhưng thực ra luôn luôn tạo sự mâu thuẫn, chia rẽ trong hàng ngũ nhân dân, và có như thế Nhà nước mới độc quyền lãnh đạo!
… GHPGVNTN mang trong mình trách nhiệm lịch sử dân tộc và đạo pháp trước sau như một, vẫn trung thành với lý tưởng tiền nhân, không vì hoàn cảnh khó khăn mà phản bội.
Và, CHÚNG TÔI SẴN SÀNG HY SINH CHO LÝ TƯỞNG TRUYỀN THỐNG CAO ĐẸP ẤY” (Kháng thư của HT Huyền Quang 15-4-1993).
Những lời tình tự của dân tộc được cất lên từ chốn lưu đày. Những lời cảnh giác một chế độ của chân lý trước bạo quyền được vang vọng từ nơi áp bức…
Khởi đầu bằng Yêu Sách 9 Điểm ngày 25-6-92 rồi đến các Đơn Khiếu Nại, Tâm Thư 24-9-92, Tuyên Cáo 07-11-92, Kháng Thư 15-4-93 vân vân và vân vân, đã cho chúng ta thấy rõ thực trạng Nhà nước CHXHCNVN vẫn ngoan cố gia tăng mực độ áp bức trên con đường thống trị độc tài tàn bạo, đã cho chúng ta thấy rõ lập trường và đường hướng bảo vệ tự do, nhân quyền và bình đẳng của GHPGVNTN trước sau như một. Và vì “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng truyền thống cao đẹp ấy” nên một lần nữa, ngày 20 tháng 11 năm 1993, Tuyên Cáo số II của Viện Hóa Đạo GHPGVNTN ra đời, vừa như một bản phân tích chính trị thời cuộc thật minh xác, vừa như một văn kiện chứng tích lịch sử vô cùng quan trọng, vừa nói lên ý chí sắt đá vững bền như kim cang bất hoại của chân lý trước bạo lực, của GHPGVNTN trong tinh thần Từ Bi và Trí Tuệ để tổng hợp thành một đường hướng thật rõ ràng và dứt khoát trên tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước:
“Xét rằng, công cuộc tái thiết quốc gia Việt Nam, tái hồi đạo đức trong một xã hội vong thân đạo lý và khủng hoảng văn hóa, đưa dân thoát khỏi tình trạng nghèo đói, nô lệ đòi hỏi sự góp công tham gia của mọi tầng lớp dân chúng, mọi gia đình tôn giáo và chính trị nhưng chủ trương độc tài chính trị và độc tôn đ ả ng trị là lực cản con đường tiến thủ của dân tộc một cách hiểm độc. Con đường mà tiền nhân đã đổ biết bao nhiêu xương máu khai phá và gầy dựng.
… Một quốc gia tôn trọng nhân quyền và dân chủ lành mạnh là một quốc gia có đối lập. Đối lập để xây dựng, để ngăn cản các khuynh hướng cực đoan độc tài, tạo sự tham gia bình đẳng và đồng đẳng của toàn dân” (Tuyên Cáo II).
Đối lập để xây dựng tức Tự Do.
Có tự do tức có nhân quyền và bình đẳng xã hội.
Tự do cũng tức là không lệ thuộc, không nô lệ, không chấp trước bất cứ chủ nghĩa hoặc ý thức hệ nào không có lợi cho chính mình và mọi người như đức Phật đã từng dạy trong Tăng Chi Bộ kinh: “Đừng vội tin vào những lời đồn hay truyền thuyết. Đừng vội tin vào những gì dân tộc mình tin hay làm mình tin từ thuở bé. Đừng vội tin vào kinh sách của các tôn giáo được lưu truyền. Không thể tin vào lý luận suy diễn đơn thuần (một chiều) hay nhìn biểu tượng sự vật một cách thiếu sót. Cũng không thể tin ngay cả lời dạy của chính các vị Thầy. Chỉ khi nào, sau khi suy xét và phân tích, các người xác định sự kiện ấy là sai lầm, tà ác, có hại cho mình và cho người thì hấy vứt bỏ nó. Và khi nào, các người xác định được sự kiện ấy là tốt đẹp, chơn chánh, thiện lợi cho mình và mọi người thì hãy tin nó, sống vì nó và giúp cho người khác cùng sống như vậy.”
Người Phật tử đi vào đạo Phật bằng con đường đó và ngược lại, đạo Phật đi vào xã hội loài người bằng con đường đó, đi vào văn hóa, kinh tế, chính trị loài người theo đúng tinh nghĩa của văn minh tiến bộ, khởi điểm của nhân bản, cội nguồn của hòa bình nhân loại cũng bằng con đường đó; con đường của mây trắng thảnh thơi, của mùa xuân hoa nở, của hoạt dụng thường nhiên tự do và tự chủ không nô lệ, không mê tín, cuồng tín, cố chấp, ích kỷ, hẹp hòi, tư dục, tư hữu, xuẩn động và manh động.
Người Phật tử vứt bỏ tất cả những gì không ích lợi gây khổ đau cho chính mình và tha nhân— điều mà đạo Phật gọi là tà ác, tức chư ác mạc tác.
Người Phật tử nỗ lực thực hiện, sống vì và sống cho những gì thiện lợi, ích lợi tạo an lạc cho chính mình và tha nhân tức chúng thiện phụng hành.
Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành tức không vì tư dục, không tạp niệm đoạt vị tranh quyền tức tự tịnh kỳ ý, tức mở ra một hướng đi đích thật cho tự do, tự chủ, nhân quyền mà nhìn theo nhãn quan chính trị thì đó là đường lối chính trị của đạo Phật.
Đường lối ấy, nếu nói theo trình tự tiến hóa của tư tưởng loài người thì những ý niệm về tự do, tự chủ, nhân quyền vân vân được phổ cập trên thế giới chỉ mới đây, kể từ khi Tuyên Ngôn Quốc Tế ra đời nhưng những điều đó đã được đức Phật giảng dạy cặn kẽ từ trên 25 thế kỷ và ít nhất, đã phổ nhập trong dân tộc tính Việt Nam cả 2000 năm vinh nhục để bảo vệ mạng mạch dân tộc, vượt thoát mọi cuộc xâm lăng, nô lệ và đô hộ!
Đích thật là mạch sống của dân tộc, Đạo Phật Việt Nam luôn luôn bảo vệ và phát huy những suy tư, rung cảm và hành xử của dân tộc, của Từ Bi, Trí Tuệ và Hùng Lực để đối diện với tất cả mọi thứ ngu xuẩn và bạo lực, từ ngu xuẩn của ý thức hệ đến bạo lực của chính trị tàn độc mong giữ vững mạng mạch gốc nguồn dân tộc. Lịch sử theo bánh xe thời gian không dừng nghỉ, nhiều triều đại cũng đã gây nên những lầm lỡ, lầm lỗi oan nghiệt đắng cay tủi nhục cho dân tộc nhưng, đạo Phật Việt Nam chưa từng có những gì gọi là xấu xa bỉ ổi, khiếp nhược đê hèn, thối hóa phần tiến bộ đối với dân tộc mà còn ngược lại.
Gần đây nhất, 60 năm nay, vì tư dục và tư hữu, vì chủ nghĩa vô luân và ý hệ độc tài, độc đảng, độc tôn đã có những kẻ quên mất chính mình, quên mất tộc họ mình, quên mất dòng máu luân lưu trong huyết quản mình… Họ cần phải quên mất, quên hết tất cả những gì thuộc về quá khứ…
Họ là ai, sinh trưởng nơi nào?
Họ không cần phải biết. Họ bất cần. Họ bất cần bởi lợi danh mờ mắt nên không thể chấp nhận điều người khác làm là đúng. Họ chỉ và phải cần được hiện diện với đời mà hơn nữa, họ cần được sống chói lọi trong đời—sống trong những bỉ ổi, sống không ngại ô danh!
Họ phá nát gia nghiệp lưu truyền. Họ đâm chém ông bà cha mẹ cháu chắt bạn bè bà con thân thích. Trong gia phả, Họ ngang nhiên gạch bỏ những tên người sống để thay vào đó những tên đô hộ bằng những nét son. Họ dàn dựng những ngôi nhà thờ Họ, rước về những cốt tượng nhân danh nhơn loại, mặc áo nhân dân, trương cờ chính nghĩa: ai không theo ta là kẻ thù của ta. Họ dàn dựng làm chi? Phải chăng để thấy rằng Họ vẫn có nguồn còn cội, để thấy rằng Họ xứng đáng và danh chánh ngôn thuận được sống với đời?!
Họ rất hãnh diện khi Họ được sống với đời.
Họ tự hào rằng mình đã, đang và sẽ hoàn tất một cuộc cách mạng vĩ đại: đốt phá tất cả trong tiến trình lưu xú vạn niên!
Khốn nỗi, dầu khéo léo ngụy trang tối độc cực tàn: đổi lòng mà không đổi dạng, thay họ mà chẳng thay tên, Họ vẫn bị hiện nguyên hình trước tấm gương Chân Lý, trong tòa án Lương Tri!
“Ý Thức Về Nguồn được khỏi đi từ Nguồn” đã báo trước hiểm họa tàn khốc cho dân tộc nếu người Việt xa rời nguồn gốc Tổ Tiên và, thật sự, hiểm họa đó đã và đang liên tục đến với xứ sở chúng ta!
Thế nên, lời Di Chúc thiêng liêng của đức Cố Đại Lão H òa Thượng Tăng Thống Thích Đôn Hậu cũng đã được Tăng Ni và đồng bào Phật tử hải ngoại cung kính tuân hành qua sự thành lập GHPGVNTN Hải Ngoại tại Hoa Kỳ như hệ quả tất yếu của lịch sử, như sự triển chuyển Ý Thức Về Nguồn, như “Truyền đăng tục diệm” lý tưởng, lập trường truyền thống cố hữu của Đạo Phật Việt Nam, sáng suốt nỗ lực phấn đấu nuôi dưỡng dòng sống Mẹ.
Nếu một ngày nào sắp tới, đạo Phật Việt Nam bị tiêu diệt bằng bạo lực thì ở đâu, chúng ta có thể tìm thấy được hồn thiêng sông núi?
Vì “sống mình không thể nói, chết mới được nên lời”, Quách Thị Trang vào hàng Thánh Tử Đạo năm 1963, bất khuất của Chân Lý trước bạo lực.
Trên mảnh đất hình cong chữ S, dân tộc chúng ta kể từ 1975 đều là những kẻ có miệng mà không thể nói, có chết cũng chẳng nên lời!
Mười bảy năm sau, trong địa ngục trần gian đó, dòng sống Mẹ đang bị ém lối chắn đường vây hãm và vùi dập.
Nhưng…
Hòa thượng Thích Huyền Quang “đã oanh liệt chong đèn Bát Nhã để mở ra hướng đi định phận của quê hương… đã thể hiện tất cả hùng lực hừng hực lửa thiêng thoát ra từ trên 2000 năm Pháp lý dân tộc” (Phạm Công Thiện. HT Huyền Quang, Ý Thức Dẫn Đạo Dân Tộc. Chân Nguyên 15 & 16, 1992).
Pháp lý dân tộc là mặc cho các triều đại kế tục đến rồi đi, đạo Phật Việt Nam vẫn miên viễn luân lưu trong dòng sống của dân tộc ít nhất đã 25 thế kỷ, chong lên những ngọn đèn Bát Nhã rực sáng vòm trời văn hóa và văn minh nước Việt.
Thời bình, đạo Phật Việt Nam thu mình trong nếp sống đạm bạc của một tôn giáo truyền thống để trưởng dưỡng đạo đức tâm linh dân tộc và nhân loại nên, ít nhất đã có hơn 10.000 tự viện Phật giáo tại khắp 2 miền Nam Bắc mà sau 1975 chỉ còn sót lại vài trăm.
Lúc biến, đạo Phật Việt Nam vạch rõ hướng đi để mọi người cùng thấy đâu là ý thức nhân bản cội nguồn dân tộc và đâu là những chủ nghĩa ngoại lai thời thượng mà manh động đưa đến những đổ vỡ, khủng hoảng, điêu tàn, băng hoại xã hội nên, hơn một lần, Thông điệp Ý Thức Về Nguồn xuân Tân Hợi 1971 của Viện Tăng Thống GHPGVNTN được công lưu.
Khi chính sự bạo tàn, đạo Phật Việt Nam cùng toàn dân đứng lên tranh đấu cam nhận mọi hy sinh trước hết để đòi lại Tự Do, Nhân Quyền và Bình Đẳng cho dân tộc nên, ít nhất và gần đây nhất, Hòa thượng Thích Huyền Quang như hóa thân của đức Bồ Tát Địa Tạng Vương đã cùng hàng hàng lớp lớp “Tăng sĩ áo vải thô sơ” và đồng bào Phật tử trong nước cũng như ngoài nước kiên trì hạnh nguyện “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật”.
Suốt chiều dài hơn 2000 năm lịch sử, có khi nào các bạn nhìn thấy dầu chỉ một chút ít, đạo Phật làm suy yếu đất nước Việt Nam hay ngược lại? Có khi nào các bạn nhìn thấy Đạo Phật xa rời quần chúng Việt Nam khổ đau hay ngược lại? Và có khi nào các bạn nhìn thấy đạo Phật Việt Nam dã tâm khuynh loát tiếm quyền đoạt thế trong xã hội hay ngược lại?
Bởi “GHPGVNTN không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc” là lập trường của đạo Phật Việt Nam nên, tất cả các thế lực phi nhân và phi dân tộc đều nhìn đạo Phật như một đối lực cần tiêu diệt.
Bởi dân tộc còn thì đạo Phật còn mà đạo Phật mất thì dân tộc mất nên đường hướng của GHPGVNTN quốc nội và hải ngoại tuy có chuyển biến để thích nghi với những biến động lịch sử nhưng vẫn bất biến ở lập trường cố hữu Phụng sự dân tộc và đạo pháp.
Bởi Bi – Trí – Dũng trong mối tương duyên tương quan mật thiết với tự thể và với Tình – Trí – Ý của loài người, tạo nếp sống an bình hạnh phúc cho nhân loại, tỏa sắc thái siêu việt đặc thù tạm gọi là chính trị siêu chính trị nên, đạo Phật Việt Nam tất định phải “mở ra hướng đi định phận của quê hương “.
Hướng đi đó, đích thật là hướng đi truyền thống dân tộc, ý thức trở về nguồn cội, vượt thoát mọi gông cùm nô lệ, đạp đổ tất cả kiến chấp Đoạn – Thường với lập trường phụng sự dân tộc và đạo pháp, với tư lương chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành…
Mục đích chúng ta đã vạch, lập trường chúng ta đã có, tư lương chúng ta đã sẵn. Vậy thì: Hãy tận dụng năng lực vào không gian và thời gian đương tại; Hãy hoạt dụng trí lực vào sự thế đảo điên; Hãy thích dụng Pháp lực vào quê hương đang mù đen trong biển lửa; Hãy sáng suốt, mạnh dạn, kiên trì mà thản nhiên sấn bước với một trái tim thuần chính của nòi giống Lạc Hồng,
Để: “Ngày nào và nơi nào mà Đạo Pháp và Dân Tộc và loài người chúng ta đang bị tù tội trói buộc thì ngày đó, nơi đó chúng ta phải cử hành Lễ Vu Lan, nghĩa là phải tổ chức những buổi lễ mở trừ sự trói buộc” (Thông Bạch Vu Lan, Viện Hóa Đạo GHPGVNTN 4-7-1992).
Nguyên Tường
Thông Điệp “Ý thức về nguồn”
của Đức Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết
công bố vào Xuân Tân Hợi 1971
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính gửi Chư Hòa Thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, cùng toàn thể Phật tử và đồng bào trong, ngoài nước.
Trước anh linh Tổ quốc và khí thiêng sông núi.
Trước bàn thờ Phật, và khởi từ lòng người thanh tịnh trong cảnh đầu xuân, tôi cầu nguyện cho mọi người một năm mới an lành, và hòa bình sớm thực hiện trên đất nước chúng ta.
Dân tộc Việt Nam chúng ta trong hơn hai mươi năm chiến tranh, từng chịu nhiều khổ cực, biết bao nhân mạng, sức lực và tài sản đã bị hủy diệt. Mà nguyên nhân chính chỉ vì mỗi phía đã phục vụ cho một ý hệ chủ thuyết và quyền lợi khác nhau, rồi tự coi đó là phục vụ Tổ quốc, nhưng đích thực chỉ biết có quyền lợi riêng tư ích kỷ, cố tình tạo mâu thuẫn để có cớ tàn hại lẫn nhau. Đó là một bi thảm của lịch sử dân tộc thời đại!
Dân tộc Việt Nam ta vốn hiếu hòa, không bao giờ chấp nhận sự trả thù, trả oán giữa những người cùng một nòi giống.
Quả tình chúng ta đã đánh mất niềm tin và tình thương yêu bao bọc lẫn nhau.
Quả tình chúng ta đã xa nguồn gốc tổ tiên.
Quả tình đã có những người nghĩ, nói và làm theo những biên kiến, thiên kiến không mấy trong sáng, thậm chí hành xử theo chỉ thị của ngoại nhân, vô tình đưa dân tộc vào con đường phiêu lưu hủy diệt, nhưng lại cứ đinh ninh rằng mình đang thi hành sứ mạng cứu dân, cứu nước.
Hỏi đến bao giờ chúng ta mới thật TỈNH THỨC?
Mỗi lần Tết đến là mỗi lần dân tộc ta có những đổi thay. Cảnh vật đổi mới, lòng người đổi mới. Ý thức đổi mới, nhân dịp này, tôi cầu mong tinh thần Tỉnh Thức sẽ bừng sáng nơi tâm hồn mọi người, để ý thức VỀ NGUỒN, trở về với dân tộc thuần chính, xóa đi những hận thù không bao giờ do chúng ta chủ trương, mà chính ýí hệ chủ thuyết và thế lực vật chất vô minh đã thúc đẩy, chỉ huy.
Chúng ta hãy nhìn nhau với sự cảm thông và tình thương yêu chân thật.
Sự cảm thông và tình thương yêu khi đã được thể hiện nơi mọi người, thì công cuộc hóa giải ý hệ, hóa giải hận thù, hóa giải chiến tranh, hóa giải nếp sống sẽ là những ngọn đuốc thắp sáng cho Tổ quốc Việt Nam, mang lại nguồn phúc lợi chung cho dân tộc và hòa bình cho xứ sở.
Trong một năm, thật không có dịp nào tốt đẹp hơn ngày Tết. Chúng ta hãy gọt rửa mọi ý niệm vọng ngoại, gọt rửa những thiên kiến, biên kiến và luôn luôn Tỉnh Thức, đổi mới tâm hồn. Phải cẩn trọng trong mọi hành động của mình. Có thiện chí là một điều hay. Nhưng có thiện chí mà kém sáng suốt thì đôi khi lại là một tai họa lớn. Chúng ta hãy đoàn kết lại, tạo thành một khối dân tộc lớn mạnh, duy nhất. Chúng ta hãy góp phần tích cực xây dựng một quan niệm sống, một đường lối sống, một khuôn mẫu sống dựa trên tính chỉ từ bi trí tuệ bình đẳng giải thoát và tự chủ, hợp với rung cảm, suy tư và tình tự của một dân tộc tiến bộ, đi lên, thì đó là chúng ta xây dựng nổi một xã hội lành mạnh, ấm no, bình đẳng, đúng theo nghĩa “tình người” và lòng bao dung độ lượng của một nòi giống văn minh – nòi giống Lạc Hồng. Đó là Ý thức Về Nguồn của hết thảy chúng ta, ở bên này cũng như ở bên kia giới tuyến. Và, đó cũng chính là điều mà thâm tâm tôi hằng trông đợi.
Với lòng tự tin, với ý chíï kiên nhẫn, với truyền thống bất khuất của dân tộc, càng nhìn vào quá khứ oanh liệt của tiền nhân, tôi càng thêm tin tưởng vào sức quật khởi của chúng ta – Một dân tộc đã tự chủ vượt qua mọi cuộc đồng hóa, đem vinh quang về dâng cho Tổ quốc mến yêu, suốt từ thời tự chủ Đinh – Lê – Lý – Trần, thế kỷ thứ IX XIII, đến các thời đại kế tiếp. Tổ tiên chúng ta khi ấy thực sự đã tạo được thế Hòa giải, đã hoàn thành được sứ mạng lịch sử cứu nước, giữ nòi. Thì, trong hiện tại và tương lai, chúng ta quyết không bao giờ phá vỡ, đi ngược lại truyền thống và đường hướng VỀ NGUỒN và KHỞI ĐI TỪ NGUỒN cao đẹp ấy.
Ý THỨC VỀ NGUỒN, nếu được mọi người chấp nhận, đó mới là căn bản chính thức của sự HÓA GIẢI chiến tranh, HÓA GIẢI hận thù, đem lại nguồn thương vui và hòa bình lâu dài cho dân tộc ta.
Trước thềm năm mới, tôi cầu chức cho mọi người thành đạt nổi ý thức VỀ NGUỒN ấy.
Nam Mô Đại Từ Di Lặc Tôn Phật
Sài Gòn, Xuân Tân Hợi, Phật lịch 2514 – D.L 1971
Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết