Ai mới thật sự là những người cần được “quan tâm” và cần được “cứu”? Những đứa trẻ chọn cái chết vì áp lực học hành? Không phải! Chính phụ huynh của chúng mới là những người cần được “cứu”. Môi trường giáo dục Việt Nam có trách nhiệm không thể phủ nhận trong những vụ việc dẫn đến những trường hợp tự tử đầy đau xót của các em nhưng vai trò phụ huynh mới là điều cần được đánh động.
Cái gọi là “truyền thống hiếu học” của người Việt từ nhiều thế hệ nay luôn song hành như bóng với hình với cái “truyền thống” liêm sỉ và danh dự gia đình. Nó dẫn đến “truyền thống” thúc ép con phải nỗ lực học và đặc biệt phải học những thứ mà chúng không hề muốn. Nếu phải chọn một đặc điểm thâm căn cố đế rất giống nhau giữa nhiều gia đình Việt thì việc ép con mang về một bảng điểm “đáng tự hào” chính là cái “tập quán” ấy, từ thế hệ này sang thế hệ sau.
Nó không có biên giới. Chỗ nào có người Việt chỗ đó có lối suy nghĩ như vậy. Những người Việt ở Nam California hẳn còn nhớ câu chuyện một gia đình người Việt ép đứa con trai học bác sĩ cho bằng được. Ngày kia, cậu con trai mang về nhà bằng tốt nghiệp doctor. Đây, ông bà hài lòng rồi chứ. Nói xong, nó cầm súng nã vào đầu mình. Câu chuyện này, xảy ra đã lâu, nhưng không cá biệt. Ngay thời điểm này, nhiều gia đình người Việt ở Mỹ nói chung vẫn bắt ép con cái họ cày cật lực để có thể có thành tích tốt.
Với một số gia đình Việt ở Mỹ, sức ép phụ huynh đối với con cái thậm chí còn kinh khủng hơn trong nước. Có những nhóm phụ huynh “thân” với nhau chỉ vì có tư tưởng giống nhau: Biến con cái họ thành gà chọi. Họ chỉ nhau cách “train” con mình từ bé, học như robot, để đạt thành tích vượt trội như cách ghi điểm của một bộ não người máy. Mục tiêu tối thượng của họ: Những trường đại học danh tiếng. Tôi có lần ngồi nghe hàng giờ cách phụ huynh Việt “đầu tư” như thế nào cho con mình. Vì tương lai nó hay vì cái gì khác?
Tại sao bây giờ nhiều người vẫn còn kiểu suy nghĩ con cái phải học thật giỏi mới “đáng công nuôi dạy” phụ huynh? Chúng ta sinh con và nuôi con cho điều gì? Để nó sống hạnh phúc hay để chúng ta thỏa mãn sự kiêu hãnh và tự hào cá nhân của chúng ta với những phụ huynh khác và với xã hội bên ngoài? Chúng ta có buồn không nếu con không học giỏi? Chắc chắn là có. Nhưng chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi, đứa trẻ có vui không khi chúng phải thực thi bằng mọi giá mệnh lệnh sắt đá của chúng ta? Ba có bao giờ thử tưởng tượng ba là một đứa bé 10 tuổi để hiểu nó muốn gì và thích gì không? Câu hỏi của đứa con tôi, năm nó 10 tuổi, đã đánh gục tôi một cách tuyệt đối.
Chúng ta muốn con thế này, thế kia, nhưng rất hiếm khi, thậm chí không bao giờ, tự tưởng tượng mình là “một đứa bé 10 tuổi”. Chúng ta muốn chúng sống theo cách nghĩ của một người trưởng thành, với niềm “tự hào” hoặc “xấu hổ” của một người trưởng thành như chúng ta. Chúng ta ném vào mặt chúng những mắng chửi hoặc trách móc nếu chúng không đạt được kỳ vọng mà chúng ta muốn.
Ba có buồn không nếu con học không tốt? Thằng bé con tôi có lần hỏi (cách đây ba năm, khi nó học lớp sáu). Ba không buồn, ba mẹ không trách con, nhưng nếu con học tốt thì dĩ nhiên ba mẹ vui. Tại sao? Vì con là đứa thông minh. Con thừa sức học tốt. Hơn nữa, học tốt sẽ có khả năng có việc làm tốt và như vậy con mới có thể giúp được xã hội. Tôi chỉ nói với con như thế.
Chúng ta sinh con và như vậy chúng ta có quyền quyết định tương lai con hay để nó tự chọn con đường riêng của nó, con đường mà nó sống vui và hạnh phúc với cuộc đời nó? Nó cám ơn hay sẽ trách bố mẹ khi cuộc đời nó không do nó quyết định? Không bố mẹ nào không đi với con đến cuối cuộc đời của mình. Nó cũng sẽ đi theo bố mẹ cho đến cuối cuộc đời của bố mẹ khi bố mẹ tạo cho nó những giá trị căn bản hơn là thúc ép nó phải đi trên những con đường mà bố mẹ nó chưa từng bước qua hoặc đã thất bại khi đi trên con đường đó.
Tình thương dành cho con là không thể diễn tả. Bằng bất cứ ngôn từ đẹp đẽ nào. Tình thương dành cho con không bao giờ vơi, cho dù chúng ta không còn có thể vuốt ve nó, không còn có thể ôm nó hoặc thậm chí không còn có thể hôn nó, khi nó ngày càng lớn dần. Có ai có thể dễ dàng tả được tình thương của mình dành cho con? Điều đó cũng khó khăn như khi ta muốn nói cho đến tận cùng về tình thương của cha mẹ mình dành cho mình. Tuy nhiên, tình thương dành cho con không có nghĩa biến con thành một thứ có thể sở hữu. Chúng ta có thể giúp nó “lập trình” cuộc đời của nó nhưng cá nhân nó tự thân nên luôn được xem là một phiên bản riêng biệt chứ không phải nằm dưới sự quyết định tuyệt đối của bố mẹ.