Trong Đạo, dục không phải là điều kiêng kỵ: Đạo có Mật tông riêng của nó, năng lượng của dục đã không bị phá hủy hay bị kềm nén, nó không phải là kẻ thù. Cho nên trong Thiền (ở Trung Hoa), cái ý tưởng về vô dục đã bị vứt bỏ. Không có sự khăng khăng về dục, nó là sự lựa chọn của bạn, bởi vì vấn đề là Thiền, nếu bạn có thể thiền và sống cuộc sống của mình theo cách tự nhiên, thì điều đó chấp nhận được với Đạo.
Và thế thì việc biến đổi khác đã xảy ra: Thiền từ Trung quốc đã đạt tới Nhật Bản, nơi Shinto, tôn giáo bản địa, dục đã là rất tự nhiên, tại đó dục trở thành tuyệt đối khẳng định, do đó nó thậm chí còn không được nói tới nữa. Không cần. Bạn đang hỏi “dường như dục đã được một số thiền sư dùng, chẳng hạn Ikkyu, xem như cách biến đổi năng lượng”. Tuy nhiên, cho tới ngày nay, không có sự giải thích nào đưa ra bằng chứng về điều dường như này.
Điều đó không có nghĩa rằng dục là điều kiêng kỵ. Nó tự nhiên đến mức chẳng cần phải thảo luận về nó. Bạn không thảo luận về đi tiểu không có nghĩa là bạn đã dừng việc đi tiểu. Nếu bạn tự nhiên chấp nhận dục và đã sống trong nó, sẽ có một thời điểm khi bạn đã lớn hơn nó, thế thì chẳng có ích gì cứ tiếp diễn nó mãi, chán nản và chán ghét. Trong khi nó đẹp đẽ thì tận hưởng; còn khi nó trở thành hiện tượng chán chường thế thì bỏ nó cho người khác. Nhưng không có lý do gì để kết án nó cả.
Một người tự nhiên đơn giản vượt ra ngoài các giai đoạn mà không kết án, người đó đã sống cuộc sống, người đó đã biết cuộc sống. Bây giờ người đó muốn biết cái gì đó hơn nữa, muốn biết mình là ai trong cốt lõi bên trong nhất của mình. Thực tế bên ngoài đã được thám hiểm mà không có bất kỳ cấm đoán gì, thế thì một ngày nào đó bạn sẽ quay lại bên trong.
Dục được người Hindu chấp nhận, không những chỉ được chấp nhận, còn có cả một hệ thống biến đổi năng lượng dục. Mật tông, đã được các thánh nhân Hindu phát triển. Nhưng rồi, nếu vị thánh mà sung sướng, vui vẻ, yêu cuộc sống và tận hưởng mọi thứ mà sự tồn tại cho phép ông ấy, thì bạn không thể nào nghĩ ông ấy là linh thiêng được. Để linh thiêng, người thánh phải (được nhìn) là khốn khổ. Mật tông trở thành điều kiêng kỵ.
Phật Cồ Đàm được sinh ra trong một gia đình Hindu, từ thời thơ ấu ngài đã được phép có mọi thứ mà ngài muốn. Ngài được bao quanh bởi nhiều thiếu nữ xinh đẹp, ngài đã lấy vợ. Toàn bộ cuộc sống của ngài cho tới tuổi hai mươi chín đều được bao bọc trong khoái lạc, trong nhảy múa, trong âm nhạc, trong phụ nữ, trong rượu… 29 năm xa hoa liên tục trong dục, trong phóng túng, ngài trở nên chán ngán, kiệt quệ, trở nên già cả… Bỗng đến một ngày, sau khi người đánh xe chở ngài đi lễ hội ngoài thành trả lời cho ngài về cái già, cái bệnh, cái chết và người đi truy tìm đạo vì đã trở nên nhận biết cuộc sống này là tạm thời, được làm cùng chất liệu như làm ra giấc mơ, do đó người này đã bắt đầu tìm kiếm điều vĩnh hằng…
“Đưa ta về nhà thôi. Ta đã bị lừa rồi. Trong 29 năm ta đã không được phép biết tới chân lý”. Ngài buồn bã bảo người đánh xe như thế. Đêm đó chính ngài trốn khỏi nhà. Việc trốn thoát này cần một cái tên mới. Nó là “trốn vào”. Người ta đã sống ở ngoài, bây giờ người ta muốn sống ở trong. Phật Gautam về sau thường lặp đi lặp lại mãi: “Người thức tỉnh chuyển bánh xe pháp trong ngọn lửa của đám cháy”.
Năng lượng dục chẳng là gì ngoài chính năng lượng sống của bạn, và nên gọi nó là năng lượng sống, bởi vì đó là thuật ngữ rộng hơn, bao hàm hơn, thấu đáo hơn.
Cuộc sống là để sống. Toàn bộ bầu không khí đều tràn đầy cuộc sống, và nếu bạn hiểu cội nguồn riêng của mình về cuộc sống thì bạn bỗng nhiên sẽ nhận biết rằng chim chóc sống động, cây cối sống động, bãi cỏ sống động —mọi nơi đều sống động! Và bạn có thể nhảy múa với cuộc sống này, bạn có thể bắt đầu có cuộc đối thoại với bầu không khí. Bạn hãy sống một cách sâu sắc và mãnh liệt nhất có thể được.
Tạm Kết.
Chúa Jesus đã phát biểu một câu rất độc đáo: “Chừng nào các ông chưa được sinh ra lần nữa thì các ông sẽ không hiểu chân lý”. Theo Thiền cũng thế, một lần nữa bạn phải trở thành giống hệt như bé thơ. Tuổi thơ ấu lần thứ hai này là cuộc cách mạng vĩ đại nhất có thể có. Tuy nhiên để biến mình thành một con người mới tinh bằng cách đi theo lộ trình của Thiền định lại không phải là việc đơn giản dễ dàng như mình đọc thấy qua ngôn ngữ thiền hay điển hình qua các vị tổ sư chứng đắc. Đó là cả một công trình tu tập, dù tiệm pháp hay đốn pháp, đòi hỏi thiền giả một hành trình đầy cam go và quyết liệt.
Đường lối chung của đạo Thiền là đốn pháp, kiến tánh thành Phật, còn thi vị gọi là “Điểu đạo”, đường chim bay, là ý nói con đường tu tập ngắn nhất, nhanh nhất so với đường quanh co dưới đất là đường đi tiệm tiến, chậm và dài lâu hơn. Nhưng chủ trương của các thiền sư đều khác biệt:
– Có vị lấy KHÔNG làm gốc: như ngài Thạch Đầu nói tất cả các pháp đều không.
– Có vị lấy TRI làm nguồn: Ngài Thần Hội nói “Tri chi nhất tự chúng diệu chi môn” nghĩa là, một chữ biết là cửa muôn hạnh.
– Có vị bảo vắng lặng mới là chơn, đó là đường lối của ngài Thạch Sương Khánh Chư dạy đồ chúng chuyên ngồi thiền cho yên lặng.
– Có vị nói ngồi, đi đều phải: đây là của ngài Mã Tổ Đạo Nhất.
– Có vị nói hiện nay sớm chiều phân biệt tất cả đều là vọng: là do ngài Thạch Đầu Hy Thiên chủ trương “loại ra”. Người huynh đệ của ông là ngài Mã Tổ lại nói ngược lại “phân biệt tất cả đều chơn”, chủ trương “thu vào”. Hai lối nói của hai ngài nghịch nhau mà gặp nhau ở chỗ tâm nhất như: thấy tất cả đều là hư vọng giả dối hoặc ngay như thấy tất cả đều là chơn tâm; cả hai trường hợp cũng không khởi tâm chạy theo cảnh.
Trên đây chỉ là một ít dẫn chứng về đường lối chủ trương tu tập của vài vị tổ Thiền. Xin ghi thêm một giai thoại lý thú sau đây để chúng ta nghiền ngẫm trước khi quyết định bước vào con đường thiền đạo.
Mã Tổ thiền sư được truyền thuyết có vóc hình khôi vũ “Ngó như hổ, đi như trâu, lưỡi thè cao khỏi mũi, chân đạp thành chữ”. Khi còn là môn hạ của Hoài Nhượng, hằng ngày thường ngồi xếp bằng tinh cần tham thiền nhập định. Một hôm Hoài Nhượng thiền sư hỏi Mã Tổ:
– Ngươi làm gì đó?
– Ngồi thiền.
– Sao phải ngồi thiền?
– Vì muốn thành Phật.
Hoài Nhượng thiền sư liền nhặt một thỏi gạch kế bên chân, ngồi xuống cạnh Mã Tổ, cắm cúi mài gạch trên đá.
Trước hành động quái gở của sư phụ, Mã Tổ giật mình hỏi:
– Sư phụ làm gì thế?
– Mài gạch.
– Tại sao mài gạch?
– Vì muốn mài gạch thành gương soi.
– Bạch sư phụ, mài gạch thế nào cũng không thành gương được!
– Ồ! Vậy sao. Nếu ngươi hiểu rõ đạo lý này, sao còn muốn ngồi thiền để thành Phật? Tọa thiền cũng không thể thành Phật đâu!
Mã Tổ không đáp lại được. Một lát sau, lại thỉnh giáo:
– Đệ tử phải làm thế nào?
– Một người đang khiển xe bò, xe bò bất động, theo ngươi nên dùng roi đánh xe hay đánh bò?
Mã Tổ hoát nhiên tức khắc đại ngộ. Sau này, Mã Tổ kế thừa y bát của Hoài Nhượng.
Biểu đạt của Hoài Nhượng là muốn sửa đổi lại kiến giải sai lầm “ngồi thiền tức có thể khai ngộ thành Phật”. Nếu cứ chấp trước vào tham thiền có thể thành Phật, thành Tổ thì không những ngồi thiền đã không thể giải thoát mà trái lại còn bị phương pháp tọa thiền ràng buộc.
Tất cả những gì bạn đọc trên đây đều chỉ là sưu tầm góp nhặt được sắp xếp lại, cung cấp cho độc giả chưa tiếp cận với thế giới thiền có được cái nhìn tương đối và giới hạn. Chúng tôi không giới thiệu bất cứ một hình thức ngồi thiền nào, việc này đúng đắn nhất là có một vị thầy hướng dẫn hoặc đến trường lớp để được chỉ dạy đúng phương pháp, hay quý vị tự học tập theo video hoặc sách nào mà cảm thấy phù hợp với mình. Chẳng qua bài sưu tập này là một ngẩu hứng khi đọc lại một số sách về Thiền trong lúc rảnh rỗi, gồm Bộ Thiền Luận của Daisetz Teitaro Suzuki. Cương Lĩnh Thiền của Osho. Bước Vào Thiền Cảnh của Hirosachiya, Thích Viên Lý dịch. Nguồn Thiền của Khuê Phong Tông Mật, Thích Thanh Từ dịch & giảng. Tiến Thẳng Vào Thiền Tông của Thích Thanh Từ; Và thêm vài quyển nữa về “thiền” để tham khảo.
Để mạch đọc không bị ngắt gián đoạn làm phân tâm, nên chúng tôi không làm chú thích kè theo, nhưng đọc giả có thể kiểm tra nội dung nếu cần, ở 5 quyển nêu trên. Cá nhân chúng tôi chưa trải nghiệm gì về thiền, đành mượn sự luận giảng của các học giả cùng các thiền sư đã trải nghiệm về thiền, thuật lại kinh nghiệm của các vị. Xin nói rõ, bài viết này không chủ trương cổ võ cho một tác giả nào. Mong cách sắp xếp nối kết của chúng tôi được suôn sẻ và mạch lạc cho độc giả thưởng thức.
LÊ GIANG TRẦN