Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the complianz-gdpr domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/hoadamne/bodhimedia.org/wp-includes/functions.php on line 6114
HT Thích Trí Chơn dịch: Nhân quyền và trách nhiệm phổ biến toàn cầu • Bodhi Media

HT Thích Trí Chơn dịch: Nhân quyền và trách nhiệm phổ biến toàn cầu

Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: H.T. Thích Trí Chơn

Vào thời điểm thế kỷ 20 sắp kết thúc chúng ta nhận thấy rằng quả đất nơi chúng ta đang sống ngày càng thu nhỏ lại và thế giới loài người đã biến thành gần như một cộng đồng. Những liên minh quân sự lẫn chính trị giữa nhiều quốc gia cũng như sự hình thành các khối thịnh vượng và thị trường chung tại những khu vực trên thế giới đã xóa sạch các hàng rào ngăn cản thời xưa về khoảng cách, ngôn ngữ và chủng tộc v.v…

Chúng ta cũng đang phải đối đầu với những vấn đề khó khăn trầm trọng như nạn nhân mãn, tài nguyên thiên nhiên ngày càng khô cạn và các môi trường sinh sống trên quả đất như không khí, nước uống, cây cối, sông ngòi, núi đồi, cùng biển cả đang bị nhiễm ô.

Tôi tin rằng để vượt qua và khắc phục những thách thức khủng hoảng nói trên của thời đại chúng ta ngày nay, con người cần ý thức trách nhiệm phổ biến toàn cầu của mình. Mỗi chúng ta nên biết hoạt động và phục vụ không chỉ riêng cho lợi ích gia đình, tổ quốc và cá nhân mà còn vì phúc lợi của nhân lọai. Nhận thức trách nhiệm phổ quát là chìa khóa đích thực dẫn đến sự sống còn của loài người. Nó xây dựng vững chắc cho nền hòa bình thế giới, sự sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ tốt môi sinh và hạnh phúc cho những thế hệ tương lai. Bằng cách nào để chúng ta có thể làm tăng trưởng tinh thần trách nhiệm chung và phát triển lòng vị tha, giúp đỡ lẫn nhau? Dưới đây là một vài ý kiến của chúng tôi.

Một Đại Gia Đình Nhân Loại

vì tất cả chúng ta ai cũng muốn có hạnh phúc và không thích khổ đau. Hơn nữa, mỗi chúng ta đều có quyền bình đẳng theo đuổi các mục tiêu lợi ích này.

Thế giới ngày nay đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận tính chất duy nhất của một cộng đồng nhân loại. Thời xưa, các gia đình, đoàn thể và bộ lạc đều sống rời rạc cách xa nhau. Nhưng ngày nay, bất cứ biến cố gì xảy ra tại một quốc gia nào thảy đều ảnh hưởng đến toàn cả thể giới. Cho nên chúng ta cần nhận thức rằng khi ở địa phương gặp phải vấn đề khó khăn thì các nơi khác đều gánh chịu hậu quả chung của nó. Nếu chúng ta sống biệt lập với óc kỳ thị, phân chia về quốc gia, chủng tộc, chủ nghĩa hay tôn giáo thì chúng ta rất khó thành công trong cuộc đời. Chúng ta nên đoàn kết, biết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và luôn luôn xem quyền lợi kẻ khác như của chính mình.

Được vậy, tôi nghĩ đó là nguồn hy vọng và mong ước của con người. Sự hợp tác hỗ tương là điều cần thiết bởi lẽ nó giúp cộng đồng nhân loại vững mạnh. Hơn nữa, thế giới tương lai con người hạnh phúc, không phải tùy thuộc nương nhờ vào các liên minh kinh tế hay quân sự rộng lớn mà do mỗi cá nhân biết thực hành tình thương và lòng từ bi. Ngày mai nhân loại muốn có một cuộc sống tốt đẹp, văn minh và an lạc hơn thì mọi người chúng ta ai cũng nên phát triển tấm lòng chân thực, rộng mở và khoan dung, xem nhau như anh chị em ruột thịt một nhà.

Dù muốn hay không tất cả chúng ta sinh ra trên quả đất này đều được xem như một phần của đại gia đình nhân loại. Giàu hay nghèo, học thức hay ngu dốt, người quốc gia này hay dân tộc kia, theo tôn giáo này hay tín ngưỡng nọ, học thuyết này hay chủ nghĩa kia, cuối cùng mỗi chúng ta như mọi kẻ khác đều chỉ là một con người

Phương Thuốc Của Lòng Từ Bi 

Người ta bảo rằng ở Tây Tạng có nhiều bịnh nhân được chữa lành nhờ thuốc từ bi và tình thương. Các thiện tánh này là nguồn gốc chủ yếu của hạnh phúc con người. Nhưng rất tiếc từ lâu, chúng chỉ được áp dụng giới hạn trong nhà và gia đình chứ không thực hiện rộng rãi cho

mọi người ngoài xã hội. Đây là điều đáng buồn! Theo tôi, sự thể hiện tình thương không phải hành động ảo tưởng mà là con đường tu tập thực tế và kết quả nhất nhằm cứu giúp những kẻ khác cũng như chính mình.

Tâm từ bi như dòng suối mát dập tắt ngọn lửa tham sân si và phiền não nơi lòng người. Nó là hạt giống lành, khi được gieo trồng, sẽ phát sinh các thiện tánh khác như lòng bao dung tha thứ, hỷ xả và độ lượng v.v… Lòng từ bi là thần dược nhiệm mầu có thể cải đổi tâm con người từ ác ra thiện, xấu trở nên tốt, khổ đau thành an lạc. Cho nên chúng ta nên gieo rắc, ban bố tình thương bao la đến các thân hữu và bà con quyến thuộc trong gia đình. Không riêng tu sĩ các tôn giáo, nhân viên y tế và cán sự xã hội mà ngay cả mọi người đủ thành phần trong quốc gia đều nên có tâm từ bi.

Mọi sự tranh chấp và xung đột trong các lãnh vực chính trị, kinh tế cũng như tôn giáo, sự thể hiện tình thương và lòng khoan dung vẫn luôn luôn là phương pháp hữu hiệu nhất để giải quyết tốt đẹp những mâu thuẫn trên. Đôi khi ngay cách thức chúng ta dùng nhằm hóa giải mối bất hòa lại gây thêm nhiều rắc rối khác. Gặp trường hợp như vậy, khi không đạt được được sự phân giải nào, cả hai phía nên kêu gọi đến tình người, hầu mong tạo niềm thông cảm đoàn kết. Điều này sẽ giúp chúng ta tháo gở sự bế tắc, và cuối cùng đạt đến kết quả tốt đẹp. Mặc dù đôi khi cả hai bên đều không hoàn toàn thỏa mãn, nhưng nếu biết nhân nhượng, tình trạng nguy hiểm xung đột đối đầu nhau có thể tránh được. Tất cả đều biết rằng sự dàn xếp như vậy là phương cách hữu hiệu nhất để giải quyết ổn thỏa mọi cuộc tranh chấp, tại sao chúng ta không cố gắng thực hiện?

Trong xã hội, nếu con người sống không biết hợp quần, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau thì chúng ta rất khó tồn tại. Các bạn hãy nhìn tấm gương của đàn ong nhỏ bé. Định luật tự nhiên đã dạy chúng biết đoàn kết, hợp tác và chung nhau làm việc để sống còn. Kết quả là đàn ong theo bản năng, đã ý thức được trách nhiệm tập thể. Chúng không có quốc hội, hiến pháp, luật lệ, cảnh sát, tôn giáo hay lời khuyên đạo đức, nhưng do bản tính tự nhiên, chúng hết lòng cộng tác cùng nhau làm việc. Thỉnh thoảng chúng có thể cắn nhau, nhưng căn bản cả đàn của chúng tồn tại nhờ sức mạnh hợp quần. Trái lại loài người có đầy đủ hiến pháp, lực lượng cảnh sát, công an, tôn giáo và một trái tim biết yêu thương. Mặc dù con người có nhiều lợi điểm đặc biệt như vậy, nhưng trên thực tế, ở vài phương diện, tôi nghĩ chúng ta còn kém thua những con ong bé nhỏ đó. Thật là điều đáng buồn! Chẳng hạn, mặc dù hàng triệu người hiện đang sống  gần gũi chung đụng với nhau tại các thành phố lớn khắp nơi trên thế giới, nhưng có nhiều kẻ vẫn cảm thấy cô đơn. Một vài bạn, ngay cả không có lấy một người thân để chia sẻ nỗi vui buồn khi gặp nghịch cảnh khổ đau. Thật là bi đát! Chúng ta không phải là những con vật có thể sống độc lập mà cần biết đoàn kết, hợp tác, nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau để tồn tại. Nhưng rất tiếc và bất hạnh là chúng ta đã sống thiếu tình người và trách nhiệm đối với đồng loại của mình. Khuyết điểm này phải chăng là do hoàn cảnh xã hội được xây dựng trên nền tảng gia đình và cộng đồng của chúng ta? Hay do ảnh hưởng của đời sống vật chất, khoa học kỹ thuật và máy móc hiện đại bên ngoài? Tôi không nghĩ vậy.

Tôi vẫn tin rằng mặc dù nền văn minh nhân loại của thế kỷ hôm nay đã tiến rất nhanh, nhưng nguyên nhân căn bản gây ra những cuộc khủng hoảng, khó khăn và khổ đau cho con người hiện tại là do bởi chúng ta chỉ nghĩ đến sự phát triển đời sống vật chất không mà thôi. Chúng ta đã say mê theo đuổi nó và không quan tâm đến các nhu cầu cần thiết nhất của mọi người hôm nay là tình thương, lòng vị tha, sự tương trợ và cộng tác giúp đỡ. Nếu chúng ta không nghĩ tưởng đến nỗi khổ đau của cá nhân hay nhiều người khác, như vậy là chúng ta đã quay lưng và bỏ quên họ. Nhưng sự phát triển của xã hội nhân loại hoàn toàn đặt nền tảng trên lòng thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau của con người. Khi trái tim chúng ta khô héo và đánh mất tình người căn bản này thì mục đích cuộc sống của chúng ta phải chăng chỉ còn nhắm đến sự lợi dưỡng và tiến bộ của vật chất?

Theo tôi, rõ ràng là trách nhiệm cứu giúp mọi người khác của chúng ta chỉ có thể thành tựu tốt đẹp khi chúng ta phát triển được lòng từ bi. Tôi đã thuyết giảng nhiều nơi về phương pháp tu tập và thực hành tình thương rộng lớn này. Dưới đây tôi sẽ trình bày cùng quý vị trong hiện tình thế giới với nhiều cuộc khủng hoảng tranh chấp về chính trị, tôn giáo và chủ nghĩa v.v… bằng cách nào chúng ta có thể cải thiện và phát triển tinh thần trách nhiệm phổ quát toàn cầu.

Trách Nhiệm Phổ Biến 

Trước hết, tôi xin bày tỏ rằng tôi không tin tưởng vào các phong trào, chủ nghĩa hay ý thức hệ. Tôi cũng không chủ trương thành lập một tổ chức hay đảng phái để truyền bá một lý thuyết đặc biệt nào, nhằm thu hút chỉ riêng một nhóm ít người chứ không phải đông đảo đa số quần chúng tham gia để thành đạt mục đích nói trên. Trong hoàn cảnh hiện nay, không một cá nhân nào có thể giải quyết các vấn đề khó khăn của chúng ta mà tất cả mọi người đều nên tích cực góp phần hầu chia xẻ trách nhiệm chung phổ quát này. Bằng cách đó, số lượng những cá nhân trách nhiệm sẽ tăng trưởng từ mười, trăm ngàn và cả hàng trăm ngàn; nhờ vậy mà các cuộc khủng hoảng khó khăn chung của thế giới sẽ được cải thiện. Những thay đổi tốt đẹp không thể xảy ra nhanh chóng mà đòi hỏi sự cố gắng tu sửa liên tục của mỗi chúng ta. Với tâm chán nản và thất vọng chúng ta không thể thành đạt bất cứ một kết quả khiêm nhường nào. Trái lại bằng ý chí cương quyết, nỗ lực tinh tấn và cải đổi vươn lên chúng ta sẽ dễ dàng khắc phục, vượt qua những trở ngại khó khăn nhất. Chấp nhận tinh thần trách nhiệm phổ quát là nền tảng căn bản đạo đức của mỗi cá nhân. Thực hành lòng từ bi không phải là điều chúng ta chỉ biết ngồi thảo luận suông mà cần nên ứng dụng nó vào trong đời sống thực tế hằng ngày.

Mặc dù không có một cơ quan chính phủ nào toàn hảo, tuy nhiên sự thực thi dân chủ vẫn là điều tốt đẹp nhất mang lại hạnh phúc cho mọi người. Do đó bất cứ ai muốn chia xẻ hưởng lợi ích này, cần tranh đấu cho con người có quyền thực hiện ước vọng trên. Hơn nữa, dân chủ là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng trên đó ngôi nhà chính trị toàn cầu thế giới. Hoạt động như một đại gia đình chung nhân loại, chúng ta nên kính trọng quyền bảo vệ nền độc lập cùng nếp sống văn hóa đặc thù của mọi dân tộc quốc gia.

Đặc biệt, chúng ta hãy nỗ lực cố gắng thể hiện lòng từ bi trong lãnh vực sinh hoạt của thế giới. Nền kinh tế không đồng đều giữa các quốc gia giàu và nghèo, đã phát triển và kém mở mang là nguồn gốc gây nên nỗi khổ đau lớn nhất cho loài người trên quả đất này. Những nước giàu với nền kinh tế vững mạnh cần chia xẻ giúp đỡ cho các quốc gia nghèo khó, sẽ góp phần tạo sự ổn định cho tình hình chính trị và kinh tế trên toàn thế giới. Chúng ta cũng cần thẩm định lại giá trị của nền khoa học hiện đại trong sự đóng góp cho đời sồng hạnh phúc của con người. Mặc dù mục đích chính của khoa học là nghiên cứu tìm hiểu về thực tại của vạn vật vũ trụ, nhưng mặt khác nó cũng cần giúp làm thăng hoa, mang phúc lạc đến cho con người. Nếu không có sự hướng dẫn của tình thương, các khoa học gia có thể chế tạo những vũ khí giết người như chúng ta đã biết trong nhiều thập niên qua, tạo nên khổ đau cho đồng loại.

Các tôn giáo lớn trên thế giới cũng cần có trách nhiệm phổ quát này. Mục đích của tôn giáo không phải chỉ lo xây cất những ngôi chùa và nhà thờ đồ sộ, nguy nga tráng lệ mà cần hướng dẫn con người tu tập các tánh tốt như từ bi, hỷ xả, khoan dung và tha thứ. Mọi tôn giáo dù triết lý có khác biệt như thế nào, vẫn cùng dạy con người bớt tham lam ích kỷ và cứu giúp nhân loại. Rất tiếc là đôi khi tôn giáo đã gây nên những cuộc xung đột chiến tranh hận thù chứ không mang lại hòa bình an lạc cho mọi người. Tín đồ các tôn giáo cần nhận thức rằng mỗi tín ngưỡng đều có một hệ thống giáo lý và phương pháp tu tập riêng để giúp hành giả đạt đến sự an lạc và hạnh phúc. Mỗi tôn giáo giống như một loại thức ăn không thể nào thỏa mãn tất cả mọi người. Tùy trình độ hiểu biết và khả năng tu hành khác nhau, vài người thích tôn giáo này, kẻ nọ lại chọn tín ngưỡng kia. Các đạo giáo, đôi khi giáo lý có phần mâu thuẫn đối nghịch nhau nhưng cuối cùng tất cả đều hướng dẫn con người làm lành tránh ác, tìm về chân thiện mỹ. Do đó, chúng ta không nên có óc kỳ thị tôn giáo hay đức tin mù quáng mà cần biết kính trọng các tín ngưỡng với tinh thần cởi mở khoan dung.

Chắc chắn môi trường thuận lợi nhất để chúng ta gieo trồng hạt giống từ bi là sự giao hảo liên quan quốc tế. Trong những năm gần đây tình hình chính trị thế giới đã thay đổi khá nhiều. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng cuộc chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường Nga- Mỹ kết thúc kéo theo sự sụp đổ của các nước Đông Âu Cộng Sản và Liên Bang Xô Viết đã mở ra một trang sử mới cho nhân loại. Thế kỷ 20 vừa qua là thời kỳ tang thương nhất trong lịch sử loài người với số lượng vũ khí tàn phá khổng lồ được sản xuất, đã mang lại sự chết chóc và khổ đau cho con người nhiều hơn các thế hệ trước.

Hơn nữa, chúng ta cũng chứng kiến sự tranh chấp gần như vào giai đoạn chót giữa hai ý thức hệ căn bản mà chúng luôn luôn xâu xé cộng đồng nhân loại: đó là chủ thuyết độc tài toàn trị một bên, còn phía kia là nền dân chủ, tự do và nhân quyền. Tôi tin rằng cuộc đọ sức quan trọng giữa hai lực lượng này, giờ đây đã thấy rõ. Mặc dù tư tưởng hòa bình, tự do và dân chủ hiện đang còn phải đối đầu với các thể chế độc tài và tàn bạo, tuy nhiên điều rõ ràng là đa số mọi người khắp nơi trên thế giới đều mong ước tư tưởng dân chủ và tự do sẽ chiến thắng. Sự sụp đổ của chính quyền Cộng Sản tại Liên Bang Xô Viết đã chứng minh điều đó.

Mặc dù chủ nghĩa Cộng Sản vẫn thường tán dương, đề cao lý tưởng tự do, bình đẳng và công bằng xã hội, nhưng thực tế với chính sách độc tài đảng trị, nhà nước đã tước đoạt và ngăn cấm các quyền căn bản của con người như tự do tư tưởng, hội họp, đi lại và tôn giáo v.v… Chủ thuyết cộng sản đã thất bại nặng nề bởi lẽ nó đã được tuyên truyền phổ biến bằng sức mạnh của bạo lực. Hậu quả là chủ nghĩa vô thần này đã gieo rắc và gây nên không biết bao nhiêu khổ đau cho nhân loại.

Tuy nhiên, Cộng Sản chủ nghĩa dù bạo tàn đến đâu vẫn không bao giờ có thể đàn áp dập tắt được khát vọng tự do căn bản của con người. Nhiều cuộc xuống đường, biểu tình rầm rộ của hàng trăm nghìn người tại các thành phố ở những nước Cộng Sản Đông Âu vài thập niên trước đây đã chứng minh cho điều đó. Chúng bày tỏ nhu cầu thiết yếu của con người là dân chủ và tự do. Sự đòi hỏi của họ không có gì mới lạ trong ý tưởng mà giản dị chỉ là tiếng nói xuất phát từ con tim, và mong chia xẻ với mọi người khát vọng về hai chữ “tự do”. Đúng vậy, tự do là nguồn sáng tạo cho cá nhân cũng như tập thể trong xã hội.

Nếu con người sống chỉ biết có thức ăn, đồ mặc và nhà ở không thôi như lý thuyết Cộng Sản chủ trương thì chưa trọn vẹn. Bởi lẽ dù chúng ta có được hưởng đầy đủ các tiện nghi vật chất trên mà thiếu không khí quý báu của tự do thì chúng ta mới sống với một nửa con người, và như loài vật, chúng ta chỉ nghĩ đến sự thỏa mãn các nhu cầu thể xác mà thôi.

Tôi nghĩ rằng phương pháp giải quyết hòa bình các chính biến xảy ra trong khối Liên Bang Xô Viết cũ và những nước Đông Âu Cộng Sản hàng chục năm trước đây đã dạy cho chúng ta nhiều bài học bổ ích. Trước tiên là về giá trị của sự thật. Mọi người dân không muốn bị đàn áp, dối trá hay lường gạt bởi cá nhân hay tập thể. Các hành động lừa đảo trên đã phản lại những quyền lợi căn bản tự do và dân chủ của con người. Cho nên, mặc dù những kẻ âm mưu lừa bịp và chủ trương dùng bạo lực để khống chế quần chúng có thể thành công trong nhất thời, nhưng cuối cùng họ sẽ thất bại bị lật đổ.

Trái lại, mọi người đều ham chuộng, tán dương lẽ thật vì nó là máu huyết nuôi sống chúng ta. Sự thật là người bảo vệ, xây dựng nền tảng vững chắc nhất cho quyền tự do và dân chủ. Bất luận các bạn yếu hay mạnh, mục tiêu có ít hay nhiều người ủng hộ nói sự thật vẫn là điều cần thiết. Rất tiếc trong sinh hoạt chính trị, nhiều nhà lãnh đạo đã không dám nói sự thật. Đặc biệt trong vấn đề bang giao quốc tế, chúng ta lại rất ít quan tâm đến sự thật. Các quốc gia yếu kém thường bị những nước mạnh điều khiển, áp đặt và khống chế, cũng giống như hạng người đói nghèo và cô thế trong xã hội đều chịu nhiều khổ đau dưới bàn tay bóc lột tàn bạo của giai cấp thống trị. Mặc dù trong quá khứ, tinh thần tôn trọng sự thật thường bị các nhà độc tài gạt bỏ đi xem như việc làm không thực tế, nhưng vào những năm gần đây điều ấy chứng tỏ cho thấy rằng nó là một sức mạnh vĩ đại của quần chúng, giúp con người làm nên lịch sử.

Một bài học ý nghĩa thứ hai mà chúng ta rút tỉa được từ các nước Đông Âu Cộng Sản là cuộc cách mạng hòa bình. Thời quá khứ các dân tộc bị nô lệ thường chọn phương thức đấu tranh bạo động để được giải phóng tự do. Nhưng sau này theo gương Thánh Gandhi của Ấn Độ và Mục Sư Martin Luther King tại Hoa Kỳ, những cuộc cách mạng ôn hòa đã đóng góp cho các thế hệ ngày mai tấm gương thành công sáng ngời của quần chúng trong sự nghiệp đấu tranh bất bạo động. Tương lai, nếu xã hội cần đến những cải cách thay đổi, con cháu chúng ta có thể nhìn lui thành quả rực rỡ mà chúng ta đã đạt được hôm nay, như là mẫu mực cho cuộc đấu tranh hòa bình không đổ máu, một thành công rực rỡ chưa từng có trong lịch sử nhân loại với sự tham dự của hơn mười quốc gia, và hàng trăm triệu người trên thế giới. Hơn nữa các biến cố chính trị xảy ra trong những thập niên gần đây chứng tỏ cả hai điều mong ước tự do và hòa bình là niềm khát vọng sâu xa chân chính của con người.

Trước khi tìm hiểu nền trật tự thế giới nào sẽ đóng góp, phục vụ toàn hảo nhất cho nhân loại trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, tôi nghĩ việc cốt yếu là chúng ta cần loại bỏ ý tưởng bạo động trong mọi trường hợp như điều căn bản cần thiết cho nền hòa bình thế giới và là mục tiêu tối hậu của một trật tự ổn định toàn cầu.

Bất Bạo Động Và Trật Tự Thế Giới 

Hằng ngày, qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình và trên mạng lưới (internet), chúng ta đọc nghe và xem thấy nhiều tin tức về khủng bố, tội ác và chiến tranh xâm lược. Những bản báo cáo và thông tin đó đã trở thành đề tài thu hút nhiều ký giả, độc giả cũng như khán thính giả. Tuy nhiên đa số mọi người đều không thích sự tàn phá, giết chóc và rất ít trong số hơn năm tỷ người trên quả đất này ham muốn chiến tranh. Phần đông chúng ta ai cũng ước mong được sống trong hòa bình.

Tất cả mọi người đều mến chuộng sự yên tĩnh, bình an. Chẳng hạn khi mùa xuân đến ngày trở nên dài, trời nắng ấm hơn, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, và cảnh vật trời đất xanh tươi mát mẻ. Chúng ta ai nấy đều ưa thích và cảm thấy hạnh phúc. Trái lại thu về từng chiếc lá vàng rơi rụng, những cánh hoa đẹp úa tàn và nhìn xung quanh cây cối nơi đâu cũng trơ cành trụi lá. Lòng chúng ta cảm thấy buồn bã thê lương. Tại sao vậy? Bởi lẽ tâm chúng ta muốn nhìn thấy cảnh trí xây dựng và phát triển chứ không thích chứng kiến những gì phá hoại, sụp đổ hay chết chóc. Mọi hành động hủy diệt đều chống đối lại nhân tính của con người là luôn luôn muốn bảo vệ, phát triển và xây dựng.

Tôi tin mọi người đều đồng ý rằng chúng ta cần khắc phục, khống chế bạo động, nhưng muốn loại bỏ nó hoàn toàn, trước hết nên tìm hiểu lợi hại thế nào khi chúng ta sử dụng bạo động. Chúng ta nhận thấy rằng trong vài trường hợp sẽ có ích lợi khi chúng ta áp dụng bạo động. Người ta có thể giải quyết vấn đề nhanh chóng bằng bạo lực. Tuy nhiên, cùng lúc chúng ta phải trả giá rất đắt cho kết quả đó, nghĩa là chúng ta đã vi phạm đến nhân quyền và quyền lợi của những kẻ khác. Hơn nữa khi giải quyết được khó khăn này thì chúng ta lại gây ra thêm vấn đề khác.

Trái lại, nếu mục tiêu đấu tranh được hướng dẫn bởi lý trí sáng suốt, con người sẽ không dùng đến bạo động. Chỉ những kẻ đầy tham vọng ích kỷ và không thể thành đạt mục đích của mình bằng lý luận chân chính mới dựa vào sức mạnh. Ngay cả bạn bè và thân nhân trong gia đình khi xảy ra chuyện bất hòa, những người hiểu biết có thể nêu lên từng điểm của vấn đề để thảo luận ôn hòa với nhau, trong khi những kẻ thiếu bình tĩnh sáng suốt sẽ dễ dàng nổi nóng tức giận đưa đến sự đổ vỡ thất bại. Tánh nóng giận này là dấu hiệu của sự yếu hèn chứ không phải sức mạnh.

Có hai loại bạo động và bất bạo động, nhưng chúng ta sẽ không thể phân biệt được chúng, khi quý vị xét đoán chỉ dựa vào các yếu tố bên ngoài mà thôi. Nếu nguyên nhân thúc đẩy là bất thiện và xấu ác thì dù hành động của các bạn ngoài mặt có vẻ như ôn hòa tử tế, nhưng kết quả dẫn đến vẫn là bạo động. Trái lại, nếu chủ đích nhằm đến việc lành và thiện ý, dù cho cách hành xử có gay gắt cứng rắn, việc làm của bạn căn bản vẫn là bất bạo động.

Người Tây Phương có quan niệm bảo rằng cuộc tranh đấu bất bạo động trường kỳ của Thánh Gandhi để giành lại nền độc lập cho Ấn Độ từ chính quyền thực dân Anh trước đây là tiêu cực, không thích hợp với mọi người; nhưng theo tôi, đường lối đấu tranh bất bạo động như thế lại rất phù hợp đối với các dân tộc Đông Phương. Lý do vì người Tây Phương thích năng động trong mọi hoàn cảnh, họ muốn đạt được kết quả liền cho dù phải hy sinh nhiều mạng sống của kẻ khác. Tôi nghĩ hành động như vậy thì chẳng có lợi ích gì, mà còn gây muôn vàn khổ đau cho đồng loại. Tôi tin tưởng rằng nếu mọi người trên thế giới này có tâm từ bi và luôn biết thực hành đức tánh bất bạo động trong cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân, thì chắc chắn thế kỷ tương lai toàn thể nhân loại sẽ sống trong một thế giới hòa bình và an lạc vĩnh cửu.

(Trích từ cuốn sách “The Spirit of Tibet- Vision for Human Liberation”)

Bài ngẫu nhiên

Bài mới