Trước khi nói đến chất lượng đầu ra (learning outputs), thiết nghĩ chúng ta cần thảo luận qua hệ thống giáo dục dựa trên đầu vào (learning inputs).
I. Chất lượng của đầu vào
Hệ thống giáo dục cổ điển chú trọng vào chất lượng đầu vào (learning inputs) tức là lúc người học sinh/sinh viên mới vào nhập học. Chất lượng ấy bao gồm thời gian học tập, uy tín của trường học, chương trình học, năng lực học tập của người học sinh/sinh viên, vai trò của các thầy cô giáo và ban giám hiệu nhà trường.
Trong hệ thống học tập này, các thầy cô giáo là chủ đạo còn người học chú trọng các kỹ năng nghe, nhớ và chép lại. Các kỹ năng tiếp thu kiến thức đóng một vai trò quan trọng. Hệ thống giáo dục dựa vào đầu vào này hiện nay phần lớn còn tồn tại trong các trường phổ thông nhưng không phải áp dụng cho tất cả mọi môn học. Còn đối với các bậc học giáo dục cao đẳng và đại học thì hệ thống đánh giá dựa vào chuẩn đầu vào không còn được áp dụng.
II. Chất lượng dựa vào đầu ra
Khác với hệ thống giáo dục cổ điển, sau trên 20 năm nghiên cứu, từ những năm 1980 của thế kỷ trước,hệ thống giáo dục dựa vào đầu ra (learning outcomes)đến nay đã được hầu hết các nước trên thế giới xem như là cơ sở chính xác nhất để công nhận chất lượnghọc tập của học sinh/sinh viên.
Chất lượng học tập ở đầu ra gồm có ba phần: (1) chất lượng về kiến thức (knowledge), (2) chất lượng về kỹ năng (skills) và (3) chất lượng trong việc áp dụng nhuần nhuyễn giữa kiến thức (lý thuyết) và kỹ năng (thực hành) để tạo ra năng lực (Ability) lao động.Năng lực lao động làm ra của cải vật chất phục vụ con người. Chất lượng ấy có thể gói gọn trong công thức: K + S + A = LO
K hay Kiến thức (Knowledge) là gì?
Đó là số sách mà một sinh viên phải đọc trong suốt thời gian theo học một môn học, ngành học ở một cấp độ nào đó. Ví dụ muốn có Văn bằng tốt nghiệp đại học, ngành kinh doanh ở Úc chẳng hạn, kiến thức gồm có số lượng sách giáo khoa (text books) và các sách đọc có liên quan (reading books) mà sinh viên phải đọc. Thông thường có khoảng 24 môn học trong thời gian 3 năm học để có Bằng Tốt nghiệp Đại học (Bachelor Degree) ngành kinh doanh với số sách ít nhất là 120 quyển (trung bình mỗi môn học 5 quyển x 24 môn trong 3 năm) và mỗi quyển trung bình không dưới 500 trang). Ngoài ra còn có báo và các thông tin khác trên mạng mà người sinh viên phải đọc trong suốt thời gian ba năm học, cùng với sự tham dự các hội thảo và các buổi thảo luận nhóm. Có thể có nhiều sinh viên đọc đủ các sách theo quy định, có sinh viên đọc nhiều hơn và cũng có sinh viên đọc số sách ít hơn. Theo quan niệm thông thường, kiến thức tăng lên nếu đọc được nhiều sách hoặc ngược lại. Nếu muốn so sánh chất lượng đầu ra về tiêu chí đọc sách giữa sinh viên Úc và sinh viên Việt Nam thì có thế thấy rằng chất lượng của sinh viên Việt Nam phần lớn không bằng chất lượng của các bạn sinh viên ở Úc.
S hay kỹ năng (Skills) là gì và có bao nhiêu loại?
Có hai loại kỹ năng: kỹ năng chuyên nghiệp (professional skills) hay còn gọi là kỹ năng cứng, và các kỹ năng mềm, còn gọi là kỹ năng sống (people’s skills). Kỹ năng chuyên nghiệp như kỹ năng hàn, kỹ năng làm việc trong công nghiệp điện lạnh, may mặc, làm dày dép, nấu ăn, thiết kế thời trang, thiết kế trang mạng, kỹ năng về màu sắc, kỹ năng phối khí âm nhạc, kỹ năng lái máy bay, tàu biển, kế toán, tiếp thị, thu thập dữ liệu thống kê, nghĩa là có hàng trăm hàngngàn loại nghề nghiệp trên đời. Còn kỹ năng mềm hay kỹ năng sống thì có trên vài ba tá, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp, phong thái ứng xử thích hợp, khả năng ngoại ngữ, trật tự ngăn nắp, làm việc đúng giờ, khuôn mặt tươi tỉnh, diện mạo gọn gàng, luôn là người đáng tin cậy, bình tĩnh, cách ăn nói chừng mực, biết trả lời điện thoại, giúp đỡ đồng nghiệp, trung thực, ngay thẳng, độ lượng, chững chạc, có nhân cách, có trách nhiệm, có đạo đức… Về chất lượng trong các kỹ năng mềm, cũng phải khách quan thừa nhận, sinh viên Việt Nam còn một khoảng cách khá xa phải học tập so với sinh viên tại các nước phát triển phương Tây.
A hay Năng lực (Ability) là kếtquả của việc áp dụng giữa K và S
Trong mỗi doanh nghiệp khi đi vào hoạt động bao giờ cũng có nhiều vấn đề. Khi có vấn đề về kỹ thuật chẳng hạn, người kỹ sư phải tham khảo lại lý thuyết (K) kể cả các quy trình đã học, đồng thời dựa trên tình hình thực tế của doanh nghiệp để giải quyết cấp thời sự cố (S). Kiến thức (K) thu nhận được trong quá trình học tập phối hợp nhuần nhuyễn với các Kỹ năng (S) sẽ là Năng lực(A) có thể giúp giải quyết được nhiều khó khăn và giúp nâng cao giá trị của doanh nghiệp.
Steve Jobs, chưa học qua bậc giáo dục đại học và chỉ là người đưa ra ý tưởng hay lý thuyết (K), và ông đã biết liên kết với các chuyên gia tài năng (S)để cho ra đời những phát minh như iPod, iPhone và iPad được đánh giá là những năng lực (A) phát minhto lớn trong 25 năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Những phát minh ấy tạo ra công việc cho hàng nhiều triệu lao động trên thế giới.
Trong thế giới âm nhạc, bảy ca sĩ người Hàn Quốc hát nhạc Pop đã họp thành nhóm BTS rồi tìm những nhạc sĩ, các chuyên gia phối âm, các nhà thiết kế, những chuyên gia thời trang…Họ làm việc nhịp nhàng với nhau và đã đưa Nhóm BTS trở thành một trong những nhóm hát nhạc Pop cực kỳ nổi tiếng ở Hàn Quốc và cả nhiều nước kháctrên thế giới. Không chỉ riêng nhóm BTS, ở Hàn Quốc còn có rất nhiều nhóm khác như Blackpink, Twice, EXO…cũng có những thành công to lớn.
Các ví dụ trên cho thấy lý thuyết gắn với thực hành có thể tạo ra những năng lực có sức mạnh đột phá và sáng tạo khó có thể tưởng tượng ra. Nếu K = 10, S = 10 và A = 10, thì LO = 30. Tùy mức độ tích lũy của kiến thức và kỹ năng, chất lượng đầu ra LO có thể là 30, có thể là dưới 30 và với mức độ sáng tạo cao, LO có thể là hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu. Trường hợp như đóng góp của nhóm nhạc Pop Hàn Quốc BTS thì LO có thể là hàng triệu, hàng chục triệu. Steve Jobs qua các công trình sáng tạo trong công nghệ của mìnhvà Bill Gate với Microsoft thì chất lượng đầu ra (LO) có thể lên đến con số không thể đếm nổi.
III. Chất lượng đầu ra của đào tạo lao động ở Việt Nam
Hiện nay Việt Nam chưa có những công trình nghiên cứu chính thức để hiểu chất lượng đầu ra của các sinh viên tốt nghiệp ở các bậc giáo dục sau trung học phổ thông (post-secondary education hoặc higher education) gồm giáo dục bậc cao đẳng và giáo dục đại học. Tuy nhiên, nếu quan tâm, mỗi người chỉ cần tìm hiểu, trong quá trình theo học ba hay bốn năm ở đại học, hoặc cao đẳng, ngoài dự lớp ra, trung bình mỗi sinh viên đã đọc được bao nhiêu quyển sách giáo khoa và sách đọc thêm liên quan đến ngành mình học? Ngoài sách, mỗi sinh viên đọc được bao nhiêu bài báo chuyên ngành? Viết được bao nhiêu bài tiểu luận? Tham dự được bao nhiêu khóa hội thảo trong nước hay quốc tế?
Nhiều trường đã chuyển từ chế độ dạy học theo niên chế sang dạy theo tín chỉ theo kiểu phương Tây, có các bài kiểm tra, bài tập, tiểu luận có tính trọng số của môn học trong suốt học kỳ (weighted tests, assignments, essays). Ví dụ Đại họcBách khoa Hà nội thì mới áp dụng vài năm sau này, nhưng Đại học Xây dựng thì đã sử dụng trên mười năm rồi. Số trang sách và tài liệu tham khảo khác phải đọc thì có lẽ vẫn là vấn đề lớn cho dù nhiều trường đã có các thư viện điện tử để thầy trò có thể truy cập vào sách và tạp chí chuyên môn nhưng không phải ai cũng thạo tiếng Anh để có thể đọc hiểu. Ngoài ra các thầy cũng không theo dõi sinh viên có vào mạng thường xuyên không (Mỗi sinh viên tại các đại học ở nước ngoài đều có email do trường cấp và các thầy giáo thường nhắc nhỡ sinh viên tận dụng nguồn tri thức trên mạng và các sinh viên ít vào mạng đều được thầy nhắc nhỡ. Ngoài ra, nguồn tài liệu tiếng Việt nhất là với khối ngành khoa học và kỹ thuật thì quả là ít và không cập nhật kịp thời cho sinh viên tham khảo.
Về thực tập thì vẫn có áp dụng dựa trên quan hệ hữu hảo giữa doanh nghiệp và nhà trường. Sinh viên thường có các đợt thực tập ngắn hạn tại doanh nghiệp, gọi là thực tập nhận thức, sinh viên chỉ quan sát để biết cái gì là cái gì, sau đó viết báo cáo; (ở mức ít hơn thì có loại hình thực tập tốt nghiệp để lấy số liệu viết luận văn tốt nghiệp). Việc thực tập làm việc (nhất là với hệ cao đẳng nghề) thì khó hơn do các kỹ năng đặc thù về an toàn lao động và các quy trình tác nghiệp chuẩn (standard operating procedures) trong nhà máy, trên công trường, doanh nghiệp họ ngại lỡ xảy ra sự cố cho thiết bị hoặc tai nạn cho sinh viên thì thiệt hại có thể rất lớn. Khoảng cách địa lý giữa trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp cũng là một trở ngại liên quan đến chi phí của chương trình thực tập cho sinh viên và giáo viên hướng dẫn đi cùng (đi lại, ăn ở, ai chi trả).
Ngoài ra, chương trình học (curriculum) là một phần quan trọngcủa chất lượng học tập. Thế nhưng, ở Việt Nam các trường/các khoa bỏ mặc cho một nhóm giảng viên soạn thảo chương trình, không có Ủy ban thiết kế soạn thảo chương trình (Curriculum design committee) như tại các trường ở nước ngoài. Thông thường, các vị giáo viên chỉ tải các chương trình của nước ngoài trên Internet xuống, rồi chỉnh sửa lại, nộp trình lên các cấp trên, và có thể có thêm một số tác động khác… thế là có một chương trình học. Bộ phận nhân sự tại một số doanh nghiệp kể rằng chưa bao giờ được trường nào mời tham gia ý kiến cho các chương trình học có liên quan đến doanh nghiệp. Lý do có thể là do thiếu cơ chế, chính sách của chính phủ.
Hậu quả, chất lượng đào tạo thấp, người sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được đòi hỏi về năng lực từ nhà tuyển dụng. Phần khác, công tác tuyển dụng ở một số doanh nghiệpthiếu minh bạch cũng ảnh hưởng đến quá trình học tập của sinh viên. Có nhiều emnghĩ rằng thế nàorồi cũng có cáchkiếm được việc làm.
Trong lĩnh vực công nghiệp, còn một vấn đề nữa là các tiêu chuẩn công nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp đều xoay quanh việc áp dụng thành thạo các tiêu chuẩn về chất lượng quá trình sản xuất / dịch vụ, các quy phạm (codes) và tiêu chuẩn (standards) chuyên ngành dưới dạng các quy trình (procedures) tác nghiệp tại doanh nghiệp. Chương trình học ở bậc cao đẳng hoặc đại học rất ít đề cập tới vấn đề này một cách bài bản và thực dụng, ví dụ tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001 áp dụng vào doanh nghiệp để làm gì và bằng cách nào, tương tự như vậy đối với các tiêu chuẩn như ISO 14001 (về môi trường đối với doanh nghiệp), ISO 45001 (về an toàn và vệ sinh lao động cho sản xuất). Đó là chưa kể đến các ngành cụ thể, ví dụ ngành đóng tàu, việc hiểu cách áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan nêu trong bộ quy phạm của đăng kiểm (National Technical Regulation on the Classification and Construction, Rules for Classification) cũng là điều mà người kỹ sư trong ngành phải biết.
Cuối cùng, sinh viên tốt nghiệp trong nhiều năm lại đây thường gặp bốn kịch bản:
- Một số ít, có công ăn việc làm đúng ngành nghề đào tạo, ổn định, lâu dài (nhờ khả năng thực của người tốt nghiệp).
- Một số lớn kiếm được công ăn việc làm đúng ngành nghề đào tạo(nhờ thiếu minh bạch trong tuyện dụng).
- Một số khác, có việc làm đúng ngành nghề, nhưng thiếu năng lực (ví dụ người tốt nghiệp được nhận vào làm vị trí thợ hàn chẳng hạn, nhưng hàn không đáp ứng yêu cầu, phải bị điều xuống làm công việc thu xếp sắt thép, dọn dẹp công trường trong một thời gian, cuối cùng bị sa thải).
- Tốt nghiệp, kiếm không ra việc làm, phải làm công việc không liên quan đến các ngành nghề đào tạo, ví dụ người tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, kiếm không ra việc làm, cuối cùng đi làm thợ sửa xe đạp, hay chạy xe ôm…
Thí dụ việc giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lực làm việc (khi có biến động về thị trường, về công nghệ hoặc khi phải tuyển nhân viên mới) thông qua huấn luyện / đào tạo đối với nhân viên, có công ty ở Vũng Tàu đã áp dụng quy trình đào tạo cho loại nhân sự đó, thông qua đánh giá năng lực (competence) của họ dựa trên thang điểm về kỹ năng (skills), kiến thức (knowledge) và hành vi tức là các kỹ năng mềm (soft skills hay people skills).
Thay cho lời kết
- Chất lượng học tập của người học dựa vào đầu vào(lúc mới vào học) để đánh giá người lao độnglúc đi kiếm việc (mấy năm sau kể từ lúc nhập học) ngày nay không còn phổ biến vì hệ thống đánh giá ấy không phản ánh được năng lực thực sự của người lao động. Ngày nay các nước trên thế giới đã sử dụng hệ thống chất lượng học tập dựa vào đầu ra, một hệ thống đã được Vương quốc Anh (và tiếp theo sau là Úc, New Zealand và Nam Phi) xây dựng và triển khai từ những năm cuối của thập kỷ 1980.
- Chất lượng học tập tại mỗi nước dựa trên tình hình kinh tế, xã hội có những cấp độ nghề (levels) khác nhau. Ví dụ Anh Quốc và Island có 12 cấp độ (cấp độ 12 tương đương với bằng tiến sĩ), Úc và New Zealand mỗi nước có 10 cấp độ (cấp độ 10 tương đương với bằng tiến sĩ), Cộng đồng châu Âu có 9 cấp độ, Việt Nam có 8 cấp độ v.v.
- Sau trên 20 năm xây dựng và triển khai, ngày nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đã áp dụng khái niệm thừa nhận các kinh nghiệm được tích lũy từ trước (Recognised Prior Learning) như là những tiêu chuẩn được các nhà tuyển dụng rộng rãi thừa nhận, giúp thúc đẩy sự phát triển của lực lượng lao động (bổ sung cho sự khan hiếm nguồn lao động được đào tạo tại các cơ quan đào tạo chính thống). Kinh nghiệp của Úc và các nước công nghiệp trong việc thừa nhận tích lũy kinh nghiệm sẽ rất có lợi cho Việt Nam.
- Khung trình độ quốc gia (National Qualifications Framework) của mỗi nước và sự chứng thực chất lượng học tập (với các cấp độ và ngành nghề khác nhau) từ bất cứ tổ chức chính quy hay phi chính quy đều là những quyển sổ thông hành xuyên quốc gia giúp người lao động có cơ hội làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau và đóng góp không nhỏ vào sự phồn thịnh của thế giới.
- Trong việc luân lưu lao động và kinh doanh giữa các quốc gia, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đóng một vai trò trung gian rất có hiệu quả. Chức năng chính của WTO là đảm bảo thương mại trôi chảy, dễ đoán định và có nhiều tự do lựa chọn. Năm hoạt động chính của WTO mà các cơ sở giáo dục đào tạo và tổ chức lao động trong mỗi nước không thể không quan tâm là:(1) thiết lập và thực thi các quy tắc cho thương mại quốc tế, (2) cung cấp một diễn đàn để đàm phán và giám sát giúp tự do hóa thương mại, (3) giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên, (4) tăng cường tính minh bạch của các quá trình ra quyết định, và (5 ) hợp tác giữa các nền kinh tế quốc tế lớn.
Nguyễn Xuân Thu,
Melbourne, Australia, ngày 15/04/2021
Nguồn:
- American Credentials Framework; https://connectingcredentials.org/
- Australian Quality Framework (AQF); https://www.aqf.edu.au
- Canadian Degree Qualifications Framework; liện hệ với trung tâm CICIC https://www.cicic.ca/1286/pan_canadian_qualifications_frameworks.canada
- European Quality Framework (EQF), revised in 2017; https://europa.eu
- National Qualifications Framework in the United Kingdom, 12 levels.
- Ngô Lê Thông (Tiến sĩ và Kỹ sư Hàn Quốc tế) có đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc cho Phần III của bài này.
- Nguyễn Xuân Thu, “Giáo dục Việt Nam ở đâu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”, trênhttp://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-duc-Viet-Nam-o-dau-trong-cuoc-Cach-mang-Cong-nghiep-lan-thu-tu-post182331.gd, tháng 12/2017.
- Recognised Prior Learning Australia Group – RPL Australia Group: www.rplaustraliagroup.com.au
- Vào cuối thấp kỷ của thế kỷ 20, bà Susan Simosko, người Canada, đã làm cô vấn cho chính phủ Anh Quốc, đưa ra khái niệm Chứng nhận Kinh nghiệm học tập có trước (Recognisition of Prior Learning) như một bước đi quan trọng cho những người đang việc làm và thất nghiệp để có được các kỹ năng và kiến thức chính thức của họ theo các tiêu chuẩn yêu cầu của các nhà tuyển dụng trên khắp Vương quốc Anh.
- Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (Vietnam educational structure), quyết định số 1981/QĐ-TTg, ngày 18/10/2016 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký và cùng ngày, Khung trình độ Quốc gia Việt Nam (Vietnamese Qualifications Framework), Quyết định số 1982/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký.