Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the complianz-gdpr domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/hoadamne/bodhimedia.org/wp-includes/functions.php on line 6114
GHPGVNTN: Lời kêu gọi cho dân chủ Việt Nam của GHPGVNTN (2001) • Bodhi Media

GHPGVNTN: Lời kêu gọi cho dân chủ Việt Nam của GHPGVNTN (2001)

nhân chuẩn bị kỷ niệm Quốc tổ Hùng vương lần thứ 4880
và năm Thế giới đón chào thiên niên kỷ thứ III

Đạo Phật ra đời để cứu khổ cho muôn loài. Đây là bước tiến vĩ đại trong tư tưởng cũng như trong hành động tại xã hội Ấn độ nói riêng, và cho loài người nói chung, cách đây 2544 năm. Giải phóng con người khỏi vô minh, khỏi sự sợ hãi và nô lệ thần linh hay các luồng ý thức hệ cuồng tín, giải phóng con người khỏi sự hà khắc và bất công của mọi hệ thống xã hội. Vào thời đức Phật tại thế, giáo lý đạo Phật đánh đổ mọi học phái thần quyền, mọi chủ nghĩa hư vô, duy vật, hoài nghi, định mệnh, đưa CON NGƯỜI vào vị thế trung tâm giữa trời đất để giải thoát tự thân và giải phóng tha nhân. Không hề có những yếu tố phi xã hội trong giáo lý đạo Phật, vì thế người Phật tử luôn tôn trọng và đương đầu bảo vệ con người, chống lại những bất công hay bất bình đẳng xã hội, vốn là nguyên nhân chà đạp quyền sống của lương dân, ngăn cản hạnh nguyện tu học để tiến thủ, ngăn cản sự thực hành Từ, Bi, Trí, Lực, theo chí nguyện Bồ tát cứu đời, ngăn cản sự hiện thực Giác ngộ.

Từ nguyên tắc chỉ đạo cứu khổ ấy, Đạo Phật Việt Nam phát triển thêm nhiều nhân tố tích cực trong cuộc dấn thân bảo vệ nhân dân và đất nước. Lịch sử Phật giáo Việt, lồng trong lịch sử dân tộc trên hai nghìn năm qua, đã bao lần minh chứng rằng HỘ DÂN, HỘ QUỐC và HỘ PHÁP hòa quyện trong nhau làm kim chỉ nam cho nếp sống và hành động của người Phật tử Việt Nam. Một trong những bộ kinh của Phật giáo do vị Cao tăng Việt Nam Khương Tăng Hội phiên dịch rất sớm, là Lục độ tập kinh, xuất hiện vào thế kỷ II Tây lịch, có những câu viết thể hiện tinh thần này: ”Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than”. Đối với những chính quyền hà khắc, áp bức dân, thì Lục độ tập kinh cảnh báo: “Loài lang sói không thể nuôi, người ác không thể làm vua”. Mâu Tử, tác giả sách Lý hoặc luận, hoàn thành tại Giao châu cuối thế kỷ II Tây lịch, đề cao đạo Phật Việt, chống lại các luồng văn hóa nô dịch của phương Bắc, đã khẳng định: “Bản chất đạo Phật là ở nhà có thể đem mà thờ cha mẹ, giúp nước có thể đem mà giáo hóa dân, sống một mình có thể đem mà trị thân”.

Nhận thức trên đây vốn là tư tưởng chỉ đạo các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chống các luồng ý thức hệ ngoại lai, để bảo vệ chủ quyền và văn hóa dân tộc, bảo vệ tự do, no ấm và hạnh phúc cho nhân dân, mà sử sách còn ghi danh Hai Bà Trưng (năm 40 TL.); 9 cuộc kháng chiến của Khu Liên, Chu Đạt, Lương Long, Khổng Chi và Trụ thiên tướng quân (suốt thế kỷ II TL.); anh em bà Triệu Thị Trinh (năm 248 TL.); Lý Nam Đế dựng lên nhà nước độc lập Vạn Xuân (năm 544 TL.), v.v… tạo tiền đề cho sự kiến lập huy hoàng của quốc gia Việt Nam qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê.

Thế mà ngày nay, trong khi các nước trong thế giới ra công phát triển ngày càng cường thịnh, tự do, dân chủ, thì nước ta ngày càng bại liệt, nghèo khốn, nhân dân bị bức bách, chà đạp. Thông điệp Xuân Di Lặc năm nay của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống, đã tổng kết ngắn gọn hiện trạng này trong một câu: “Trải qua 35 năm chiến tranh, rồi 25 năm không có nhân quyền và tự do tôn giáo”! Thế là đã 60 năm tang thương, u ám, bế tắc không lối ra.

Thảm họa ấy cứ kéo dài, nuôi dưỡng bởi ba sự trạng:
1. Một chính quyền tự thị, bất chấp ý kiến của người khác, đưa tới xu thế độc đảng chuyên quyền;

2. Một chính quyền ly khai dân, bất chấp những đòi hỏi thiết tha cho nhân quyền và dân quyền, đưa tới chế độ độc tài ác liệt;

3. Một chính quyền lệ thuộc nước ngoài, từ ý thức hệ đến cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, làm đảo lộn xã hội và nhân văn Việt, mà hậu quả đẩy dân vào tròng ách nô lệ tinh thần và vật chất, làm suy thoái đạo đức và suy liệt quốc gia.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kế thừa truyền thống giáo lý và phương pháp hành động của đạo Phật Việt Nam, một truyền thống trải dài qua hơn hai mươi thế kỷ dựng nước và giữ nước, không thể tụ thủ bàng quan trước thời cuộc nhiễu nhương, khủng hoảng trầm trọng, nhân dân lầm than, mất tự do, mất quyền làm người. Nên tâm thành cất lời kêu gọi chư vị thức giả, đồng bào các giới, không phân biệt chính kiến hay tôn giáo, các cấp Giáo hội và nam nữ Cư sĩ Phật tử vận dụng mọi khả năng hiện có của mình – kết đoàn lại – để thay đổi hiện trạng tối tăm và nguy kịch của đất nước.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhận định rằng:

Để đối trị xu thế độc đảng và chuyên quyền, cần hình thành một liên minh dân tộc bao gồm mọi khuynh hướng chính trị và tôn giáo làm nền tảng cho một chính quyền dân chủ đa nguyên. Cụ thể là bỏ điều 4 trên Hiến pháp hầu xác định vị trí tối thượng của văn hóa và tư tuởng Việt khởi phát từ thời đại các Vua Hùng, đồng lúc tạo cơ sở cho sự hình thành và ra đời của liên minh dân tộc này;

Để đối trị chế độ độc tài toàn trị, cần thực thi toàn vẹn những công ước quốc tế liên hệ đến nhân quyền, đến các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Cụ thể là ban hành tự do lập hội không thông qua Mặt trận Tổ quốc, một công cụ tay sai của đảng Cộng sản; tự do ngôn luận không thông qua lý luận hay tư duy toàn thống Mác – Lê; tự do báo chí do tư nhân điều hành và độc lập với đảng Cộng sản; tự do nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi người lao động. Các tự do căn bản này là nền tảng bảo đảm cho sự phát biểu các ngưỡng vọng và quyền sống của nhân dân;

Để đối trị xu hướng vọng ngoại, từ ý thức hệ đến các cơ cấu tổ chức xã hội, cần phát huy nền văn minh truyền thống Việt Nam, một nền văn minh biết tiếp thu và dung hóa tinh hoa của các luồng văn hóa nhân loại.

Từ ba nhận định và ba phương pháp đối trị trên đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mong cầu, vận động, và hậu thuẫn cho bất cứ cá nhân, đoàn thể nào thực hiện được sách lược 8 điểm cứu nguy đất nước sau đây:

1. Xây dựng một xã hội khoan dung, an lạc, đa nguyên, bình đẳng, không chủ chiến gây thù, điều hành bằng thể chế dân chủ đa đảng;

2. Xóa bỏ mọi cơ chế phản dân chủ như lý lịch, hộ khẩu, công an khu vực. Bầu lại một Quốc hội thực sự đại diện quốc dân, dưới quyền giám sát của Liên Hiệp Quốc, với sự tự do bầu cử của toàn dân, và tham gia ứng cử của mọi cá nhân, đảng phái thuộc mọi khuynh hướng ngoài đảng Cộng sản. Thiết lập một Nhà nuớc tam quyền phân lập, một Nhà nước pháp quyền theo tinh thần bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị;

3. Đóng cửa vĩnh viễn các Trại tập trung cải tạo. Trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tù nhân vì lương thức, bị giam giữ tại miền Bắc sau Hiệp định Genève năm 1954, tại miền Nam sau năm 1975. Thỉnh mời các nhân tài, chuyên viên trong số tù nhân này tham gia kiến quốc. Đồng lúc thỉnh mời giới chuyên gia kỹ thuật, trí thức, học giả, mọi cá nhân, đoàn thể ở hải ngoại, vượt biển ra đi sau năm 1975, đem các kinh nghiệm và học thuật thu thái ở các nước tiên tiến về xây dựng quê hương. Hủy bỏ các đạo luật hay nghị định có tính khủng bố trên lĩnh vực tôn giáo và quản chế hành chính;

4. Bảo đảm quyền tư hữu ; bảo đảm quyền tự do kinh doanh; bảo đảm quyền tự do nghiệp đoàn. Ban hành chính sách khẩn trương giúp đỡ công nghiệp hóa canh tác và nâng cao đời sống nông dân, là tiềm lực của đại khối dân tộc. Chấm dứt nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Vì “nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa” đã lỗi thời và bất lực hình thành một giải pháp cho nhân sinh sau 74 năm thí nghiệm của Nhà nước Liên bang Xô Viết, một nhà nước thù địch với quảng đại nhân dân nên đã bị xóa bỏ đầu thập niên 90. Xây dựng nền kinh tế thị trường phù hợp với xã hội Việt Nam và phát huy theo đường hướng của nền kinh tế tri thức và kinh tế sinh thái. Liên hệ với công cuộc toàn-cầu-hóa theo xu thế văn minh của nhân loại để phát triển kỹ thuật, bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới, chống lại các thách thức nghiêm trọng của khuynh hướng toàn-cầu-hóa nô lệ do giới tài phiệt liên lục địa chủ súy. Tận lực xóa bỏ hố ngăn cách giàu nghèo đang tha hóa con người và phân liệt xã hội nuớc ta;

5. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tách lìa chính trị khỏi quân đội và các cơ quan công an, mật vụ. Giải giới binh sĩ xuống mức quốc phòng bình thường theo tiêu chuẩn các quốc gia ở thời bình, để chia sớt ngân quỹ quốc phòng thái quá cho ngân quỹ giáo dục và ngân quỹ y tế quốc dân. Về giáo dục, cấp tốc đào tạo nhân tài và chuyên gia phục hưng xứ sở, đào luyện một thế hệ trẻ chuyển tiếp đang bị mai một, vì thế hệ lãnh đạo già thì miệt mài chủ chiến, gây thù theo chủ trương vọng ngọai đấu-tranh-giai-cấp làm phân hóa và tê liệt cộng đồng dân tộc, thế hệ đang lên thì bị cuốn hút theo chủ nghĩa kim tiền vì sinh kế bức bách. Về y tế, giải quyết ưu tiên nạn thiếu nhi suy dinh dưỡng và biện pháp phòng bệnh ở nông thôn;

6. Bài trừ văn hóa ngoại lai đồi trụy hoặc các ý thức hệ phi dân tộc làm xáo trộn tình nghĩa và đạo lý Việt Nam. Phát huy nền văn hóa truyền thống Việt trong tinh thần khai phóng, sáng tạo và dung hóa với mọi nền văn minh nhân loại. Đề cao ba giá trị tinh thần Nhân, Trí, Dũng của tổ tiên. Thực hiện công bằng xã hội, nam nữ bình quyền, bình đẳng tôn giáo, tôn trọng quyền tự trị và đặc thù văn hóa của các dân tộc ít người cư ngụ trên lãnh thổ nước ta. Bảo vệ quyền lợi ngoại kiều sinh sống làm ăn ở Việt Nam theo luật định và tinh thần hỗ tương quốc tế. Bảo đảm quyền lợi và nhân phẩm của người Việt sống ở hải ngoại;

7. Tôn trọng lãnh thổ các nước láng giềng. Chủ trương hòa thân, đối thoại và cộng tác bình đẳng với các nước lân bang trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tôn giáo, xã hội. Chung sức bảo vệ hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại các quốc gia Đông Nam Á. Chung sức với các quốc gia trong vùng phát huy tính nhân văn Đông phương, như một Đạo tràng, hầu ngăn chận các Thị trường biến người lao động thành nô công, hàng hóa;

8. Thể hiện tinh thần hòa hiếu truyền thống và sách lược tâm công trong chính sách ngoại giao với mọi quốc gia trên thế giới, để tạo thế đối thoại, cộng tác, tương trợ, đôi bên cùng có lợi nhưng không đánh mất quốc thể và chủ quyền quốc gia. Bằng phương lược này, tạo cơ hội và điều kiện đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp song song với thăng tiến xã hội, hầu kịp bước theo xu thế văn minh, tiên tiến, cường thịnh tại các quốc gia dân chủ, giàu mạnh trong thế giới vào đầu thế kỷ XXI.

Để tạo điều kiện và cơ sở cho ba nhận định, ba phương pháp đối trị, và sách lược tám điểm cứu nguy dân tộc trên đây biến thành thực tại,

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất xin kêu gọi chư vị thức giả, đồng bào các giới, không phân biệt chính kiến hay tôn giáo, đặc biệt chư Tôn giáo phẩm, các cấp Giáo hội trong và ngoài nước, quý nam nữ Cư sĩ Phật tử, hãy kết liên với Giáo hội trong nỗ lực hội thoại và biến tâm tư thành hành động để cho đêm dài khổ ách Việt Nam chấm dứt, rạng đông của kỷ nguyên mới chiếu sáng trên dải đất hình chữ S này.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng thiết tha kêu gọi nhân dân yêu chuộng công lý, dân chủ trên địa cầu, các Chính phủ, các Trung tâm quyền lực quốc tế, các tổ chức Nhân quyền, Dân chủ, các tổ chức Công đoàn khắp năm châu hỗ trợ và hậu thuẫn cho kế hoạch Dân chủ hóa trên đây sớm hiện thực tại Việt Nam.

Thừa lệnh Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nay tuyên cáo.

Phật lịch 2544
Thanh Minh Thiền viện, Saigon ngày 21 tháng 2 năm 2001
Viện trưởng Viện Hóa Đạo,
(ấn ký)
Sa môn THÍCH QUẢNG ĐỘ

Bài ngẫu nhiên

Bài mới