Tháng Tư, tiết lập xuân dường như mới bắt đầu ở châu Âu. Mặt trời le lói ở đâu đó, làm cho thời tiết ấm dần lên. Sau nhà, mận và anh đào trong vườn đã bắt đầu trổ bông. Trước khung cảnh, và cái không khí nhẹ nhàng như vậy, không hiểu sao bất chợt, tôi nhớ đến trời Paris với nỗi buồn mùa Đông, cùng thu vàng lá đổ của Cung Trầm Tưởng.
Cái rung cảm ấy, buộc tôi ngồi vào bàn viết, và đi tìm cái hồn vía của thi sĩ này. Vâng, cái trữ tình mang mang hồn Tây Phương đó đã trộn vào thơ ca Cung Trầm Tưởng. Và ngay từ năm 1957, Cung Trầm Tưởng bỏ Paris trở về Sài Gòn, (như một cơn gió) ông đã thổi hồn vào thơ ca miền Nam lúc đó vậy. Và cái luồng gió ấy mang theo những khát khao mới lạ, Cung Trầm Tưởng đánh đúng vào tâm lý người đọc, người nghe. Nhất là khi những trang thơ đó được Phạm Duy phổ nhạc, có nhiều ca sĩ trình diễn.
Và dường như, Cung Trầm Tưởng là thi sĩ đầu tiên (?) đã đưa cảm xúc từ người tình Tây Phương của mình vào thơ một cách chân thực, và lãng mạn: “Mùa thu nơi đâu?/ Người em mắt nâu/ Tóc vàng sợi nhỏ/ Mong em chín đỏ trái sầu” (Mùa thu Paris). Và cũng chẳng ngoa tẹo nào, nếu nói, Cung Trầm Tưởng là một trong những chiếc cầu nối, hay Âu hóa những nét đặc trưng vào thi ca Việt.
Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thức Cần, sinh năm 1932 tại Hà Nội. Năm 1952 ông thi vào Trường Không Quân Salon de Provence, Pháp quốc. Học xong, về Sài Gòn, ông trở thành một sĩ quan Không quân. Sau 1975 ông bị cải tạo tù đày đúng mười năm.
Đến với thi ca rất sớm, nhưng Cung Trầm Tưởng viết không nhiều. Cho đến nay, ông mới cho xuất bản năm tập thơ: Tình Ca (1959), Lục Bát Cung Trầm Tưởng (1973), Lời Viết Hai Tay (1993), Bài Ca Níu Quan Tài (2001), Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định (2002). Và Cung Trầm Tưởng, một hành trình thơ 1948 – 2018, như một tuyển tập vậy thôi.
Như những nhà thơ cùng thế hệ, thơ ca Cung Trầm Tưởng được gắn với từng giai đoạn nổi trôi của đất nước, và cuộc sống, thân phận của con người. Tuy nhiên, với tôi những bài thơ hay của Cung Trầm Tưởng đều ở giai đoạn khi ông ở Paris, hay thời chiến, hoặc những năm tháng trong tù. Giai đoạn định cư ở nước ngoài, Cung Trầm Tưởng vẫn miệt mài sáng tạo, song dường như bút lực không còn được như trước nữa. Có lẽ, do tuổi tác, trí lực cũng như môi trường sống chăng? Có thể nói, ông là một nhà thơ tài hoa. Và từ chuyện tình lãng mạn đến hồn thơ (thế sự) lưu đày trong cái chất trữ tình đã làm nên hồn vía thi ca Cung Trầm Tưởng.
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau
Tuy làm thơ từ năm 1947, nhưng phải đến thập niên 1950, khi sống và học tập ở Paris thi ca Cung Trầm Tưởng mới hình thành đường nét với cá tính riêng biệt. Và tình yêu cùng khung trời Paris đã là chất liệu làm nên những trang thơ lãng mạn trữ tình ấy. Do vậy, nếu không có cái thuở ban đầu chạm vào mùa thu Paris, và những chiều đông lá đổ chia ly, thì có lẽ thi ca Cung Trầm Tưởng còn luẩn quất ở đâu đó, chứ chưa hẳn ông đã có sự nghiệp, tên tuổi vạm vỡ như hôm nay.
Và Mùa thu Paris là một trong những bài thơ như vậy của Cung Trầm Tưởng. Có thể nói, Mùa thu Paris cùng với Trở lại Paris của Hoàng Anh Tuấn và Paris có gì lạ không em của Nguyên Sa là những bài thơ hay nhất viết về Paris, mà cho đến nay, tôi đã được đọc (có một điều đặc biệt, cả ba thi sĩ này đều sinh năm 1932 tại Hà Nội, và du học cùng thời ở Paris).
Trước mùa lá đổ, ta cảm như Cung Trầm Tưởng đã giam mình trong em, hay đang tự giam mình vào Paris: “Mùa thu! mùa thu/ Mây trời âm u/ Yêu người độ lượng/ Trông em tâm tưởng, giam tù”. Và với Mùa thu Paris, có lẽ Cung Trầm Tưởng đang Việt hóa hồn vía Paris vào thơ chăng? Bởi, dường như ta đã thấy Paris phảng phất đâu đó trong cái hồn Tứ ngôn thơ. Và nếu ta tách rời từng câu, thì lời thơ chỉ là những câu nói (khẩu ngữ) thường nhật mà thôi. Song ghép tổng thể, nó trở nên da diết đến lạ lùng.
Đây là một trong những đặc điểm mang nét đặc trưng thơ Cung Trầm Tưởng vào thời điểm đó. Và câu kết của mỗi khổ thơ, ông bất ngờ đổi từ thể tứ ngôn sang lục ngôn. Với thủ pháp này, không chỉ làm cho câu thơ mới lạ, sinh động, mà còn kéo đổi không gian, tâm trạng từ cảnh sang tình của thi nhân vậy. Tuy nhiên, thủ pháp này, ở cùng thời điểm, ta cũng bắt gặp trong thơ Đinh Hùng với Hương phấn Mê Linh, hay Tìm Bóng Tử Thần… Và Mùa thu Paris được lặp lại nhiều lần song không cho người đọc cảm giác mệt mỏi. Bởi, mỗi lần như vậy, ta thấy xuất hiện những tình tiết, trạng thái, tâm lý khác nhau:
Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
(…)
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt gía từ tâm
(…)
Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì…
Và mùa đông đến, sự chia ly, nỗi buồn của Cung Trầm Tưởng được nhân lên gấp bội. Buồn đến độ, một trăm ngày xa cách mà ông tưởng chừng suốt đời phải chia ly. Và Chưa Bao Giờ Buồn Thế là một bài thơ viết trong hoàn cảnh, tâm trạng ấy của Cung Trầm Tưởng.
Cả bài thơ như một thán từ: “Lên xe tiễn em đi/ chưa bao giờ buồn thế/ trời mùa đông Paris/ suốt đời làm chia ly…”. Để dòng (thơ) chảy theo những cảm xúc tự nhiên, sinh động, Cung Trầm Tưởng vẫn giữ thủ pháp hoán chuyển thể loại, với những câu thơ ngắn, dài. Do vậy, thơ ông giầu nhạc tính. Và mỗi khổ thơ của Mùa Thu Paris, hay Chưa Bao Giờ Buồn Thế như một điệp khúc trải sẵn trên khuôn nhạc cho Phạm Duy sau này vậy. Đi sâu vào đọc, ta có thể thấy Cung Trầm Tưởng thường mượn cảnh vật, thiên nhiên để so sánh, sự việc, hành động hay bộc lộ cảm xúc, diễn biến nội tâm của mình:
“Ga Lyon đèn vàng/ tuyết rơi buồn mênh mang/ cầm tay em muốn khóc/ nói chi cũng muộn màng”. Và không chỉ đưa từ ghép mới (xóm/ học) dân dã vào trong thơ: “Hỡi người yêu xóm học!”, mà Cung Trầm Tưởng còn sử dụng các biện pháp ngắt nhịp, xuống dòng tạo nên tiết tấu bất thường, đồng điệu với tâm trạng: “Đường anh đi tràn ngập/ Lệ em buồn”. Có thể nói, ngay từ những ngày đầu cầm bút, Cung Trầm Tưởng đã không ngừng tìm tòi, tạo một lối đi riêng. Và dường như, ông đã thoát khỏi sự ảnh hưởng thi ca tiền chiến, trừu tượng, đến gần hơn với thuyết hiện sinh:
…Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng chiếc hôn
Không có gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách
(…)
Hỡi người yêu xóm học!
Để sương thấm bờ đêm
Đường anh đi tràn ngập
Lệ em buồn…
(…)
Tàu em đi tuyết phủ
Toa em lạnh, gió đầy
Làm sao em không rét?..”
(Chưa bao giờ buồn thế)
Tuy Mùa Thu Paris và Chưa Bao Giờ Buồn Thế đã làm nên tên tuổi Cung Trầm Tưởng, và đi vào lịch sử thi ca, âm nhạc. Song nó chưa phải là những bài thơ hay nhất của ông. Với tôi, ở giai đoạn đầu này, hai bài thơ hay nhất của Cung Trầm Tưởng thuộc thể Lục bát: Khoác kín và Kiếp sau. Đây cũng là hai bài thơ toàn bích nhất trong sự nghiệp sáng tạo của ông.
Trong kho tàng văn học sử có không ít các nhà thơ, nhà văn đã mượn sân ga và con tàu để bộc lộ tâm trạng của mình. Song có lẽ, trải qua sự sàng lọc của thời gian chỉ còn lại: Những bóng người trên sân ga của Nguyễn Bính, Những ngày nghỉ học của Tế Hanh, và Khoác kín của Cung Trầm Tưởng.
Thật vậy, đọc Khép kín ta thấy được nỗi cô đơn của nhà thơ, đang mùa tuyết đổ ở miền Đông Nam nước Pháp, mà cái u tịch ấy ngỡ như ở quê nhà vậy: “Với mây trên nhợt ánh tà/ Với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu”. Vẫn thủ pháp mượn cảnh vật thiên nhiên miêu tả, bộc lộ diễn biến tâm trạng, hay nói cách khác Cung Trầm Tưởng đã trộn hồn người vào cảnh vật, thiên nhiên, cùng biện pháp tu từ so sánh: “Phường xa nhịp sắt bon bon/ Tàu như dưới tỉnh, núi còn vọng âm.”
Ta có thể thấy, lục bát Cung Trầm Tưởng không sa đà vào kể lể, và dường như đã thoát ra khỏi cái lục bát rề rà truyền thống cũ. Và với phép ẩn dụ, Cung Trầm Tưởng mượn hình ảnh cái rét của chiều đông nói về nỗi buồn cô đơn lạnh lẽo, tự co (cài, đóng) tâm hồn mình lại: “Tôi về bước bước đăm chiêu/ Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm”.
Tôi nghĩ, “Tâm tư khoác kín” một cụm từ mới, rất đắt khi được đặt đúng văn cảnh và tâm trạng. Có một điều đáng tiếc, bài Khoác kín khi phổ thành bản Chiều đông, nhạc sĩ Phạm Duy đã sửa hai câu kết này: “Mình tôi nhịp bước đăm đăm/ Tâm tư khoác kín chiều căm lạnh nhiều.” Như vậy, dường như đã mất đi hình ảnh, tâm trạng mang tính ẩn dụ ấy và hồn vía câu thơ, hoặc bài thơ đi theo chiều hướng khác.
Thật vậy, hơn một lần tôi đã viết: Thơ hay dứt khoát phải có từ mới, hoặc cụm từ mới. Từ hay cụm từ mới không có nghĩa người viết chế, nghĩ ra, mà do cách sử dụng từ ngữ. Nhiều từ, cụm rất cũ, nhưng người viết đặt hoặc ghép trong câu đúng văn cảnh nào đó, gây bất ngờ cho người đọc, nó trở thành câu mới, nghĩa mới. Nhà thơ tài năng, ngoài kiến thức ra, dứt khoát phải là người có trí tưởng tượng và sự liên tưởng phong phú. Vâng! Có thể nói, Cung Trầm Tưởng là nhà thơ tài năng như vậy. Và Khoác kín là một trong những bài thơ điển hình nhất chứng minh tài năng ấy của ông:
…Mình tôi với tuyết non cao,
Với cồn phố tịnh buốt vào xương da
Với mây trên nhợt ánh tà
Với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu.
Tôi về bước bước đăm chiêu,
Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm.
Và người thi sĩ trở về Sài Gòn để lại người tình Paris mang mang sầu vạn kiếp. Bù em là một động từ, hay là cái tứ để cho Cung Trầm Tưởng viết nên: Kiếp sau. Thoảng đọc tưởng chừng như có sự vay trả. Chẳng vậy mà khi phổ nhạc, Phạm Duy đã đổi thành: “Đền em”. Nhưng không phải vậy. Bù em chỉ là cái cớ để nhà thơ đi đến tận cùng tình yêu và cảm xúc mà thôi. Vẫn thể lục bát, Kiếp sau tuy ngôn ngữ mộc mạc, địa điểm, thời gian mang tính cụ thể, song có giọng điệu thiết tha, đầy ắp hình ảnh ẩn dụ làm cho câu thơ sâu sắc, và sinh động: “Bù em một tháng trời gần/ Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi/ Bù em góp núi chung đồi/ Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ”. Và ngoài hình ảnh, phép tu từ, ta còn thấy sự liên tưởng rất phong phú trong thơ Cung Trầm Tưởng: “Thôi em xanh mắt bồ câu/ Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau…”. Vâng, có kiếp sau đâu mà nhà thơ dám thề non hẹn biển như vậy với em (hình ảnh hoán dụ của: Vàng tơ sợi nhỏ).
Có thể nói, cùng với Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, thơ Cung Trầm Tưởng đóng góp không nhỏ cho nền Văn học miền Nam ở giai đoạn cuối thập niên 1950, và những năm đầu thập niên 1960. Sự đóng góp này không hẳn bởi số lượng tác phẩm, mà vì không gian và cái sinh khí, diện mạo mới cho thi ca. Do vậy, tuy là bước khởi đầu, song đây là giai đoạn quan trọng nhất của sự nghiệp sáng tạo Cung Trầm Tưởng.
Chiến tranh- tâm trạng người lính
Dù là một sĩ quan quân đội, nhưng ngay năm đầu Cung Trầm Tưởng đã nhận ra sự băng hoại đạo đức xã hội và con người bởi chiến tranh: “Sống là một thứ đi buôn/ Mang thân bán vốn, còn hồn cho thuê” (Thân phận). Cho nên, thơ ca Cung Trầm Tưởng thường mang tính châm biếm, giễu nhại ở giai đoạn này. Và dưới ngòi bút của ông hình ảnh bọn liên minh ma quỷ, đầu xỏ cường quyền bán mua chiến tranh, bán mua con người hiện lên rất rõ nét. Nhất là vào năm 1968/Mậu thân với xác người cùng máu nhuộm đỏ miền quê, và những thị thành. Việt Nam 1968 là một bài thơ có tính châm biếm như vậy của Cung Trầm Tưởng. Cái sự lừa bịp, xáo trá, hoang tưởng bày phô sặc sỡ ấy, đọc lên ta phải rùng mình và khinh bỉ:
Mũ áo xênh xang chờ xem một thiên đường nhuộm phẩm
Người sống say mềm bằng những sấm ngữ viết hoa
Đến cái chết cũng là dịp để bày phô sặc sỡ
Những màu cờ ảo hoạn
Những áo mị hương hoa
Một liên minh đàn đúm
Sum suê lái xác với buôn hòm
Khi đã nhận ra bản chất cuộc chiến, cùng sự lươn lẹo của giới thượng tầng, thì cái tư tưởng chán ghét chiến tranh bộc lộ rõ trong thơ Cung Trầm Tưởng. Với ông cuộc chiến tương tàn này, dưới góc độ nào cũng đều vô nghĩa. Do vậy, đến với: Chúc thư của một người lính vô danh, ông trực diện chọc thẳng vào cái ung nhọt ấy, thông qua nghệ thuật châm biếm, lối nói mỉa mai. Ở đó, ta không chỉ thấy cái sự khinh bỉ trước bộ mặt giả dối lưu manh của những kẻ say máu, bán mua chiến tranh, mà còn bật lên nỗi đau mất mát của những người dân vô tội. Và đây cũng là bài thơ điển hình nhất cho cái tư tưởng ấy của Cung Trầm Tưởng ở giai đoạn này:
…Nếu vì cuồng vọng một người
Một triệu người phải ngã xuống
Vải tang sô không đủ để quấn đầu
Muộn sầu triệu nàng goá phụ
Vật vờ triệu mụn con côi
Tôi xin các người đừng đến cúi đầu mặc niệm
Tỏ tiếc vong linh người chồng / cha vắn số
Rồi ra về ngồi kí lệnh trưng quân
Lấy thịt đồng bào làm mồi cho súng ngoại
Bởi giết chóc này vô luân và phi lý…
Và khi các văn nghệ sĩ đi sâu vào khai thác sự đổ nát, chết chóc ở nơi chiến trường, thì Cung Trầm Tưởng đi vào những linh hồn ẩm mốc đằng sau cái chết nơi hậu phương. Ông đã mượn nơi nghĩa địa để nói về chia ly, phận người trong cái không gian u buồn. Với thể xác linh hồn đã bị bào mòn bởi thời gian, Có điều đặc biệt, dù trong thơ không hề nhắc đến bom rơi đạn nổ, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy không khí chiến tranh, gửi mùi tử khí ở đó.
Tôi không rõ, Cung Trầm Tưởng viết bài thơ Nghĩa địa này vào năm nào, và ở đâu? Song có thể nói, đây là một trong những bài thơ hay nhất ông viết trong thời chiến. Hình ảnh, từ ngữ sâu lắng, gợi cảm, mang mang hồn cổ thi ấy, một lần nữa cho ta thấy, những bài thơ hay của Cung Trầm Tưởng thường ở thể lục bát. Và dù viết về tình yêu hay thiên nhiên, hiện thực xã hội thì cái chất trữ tình vẫn thấm đẫm trang thơ ông:
… Bãi nhăn nhàu vết lăn xưa
Một xe thổ mộ nằm trơ gỗ gầy
—-
Chiều nhoà về xứ không tên
Thời gian hoá đá chồng lên tuổi đời
Ngồi trông vút bóng chim dơi
Rồi ghê lạnh cả đất trời thâm sâu
Sương – khăn – sô lấy phủ đầu
Che hồn ẩm mốc mối sầu âm dương.
(Năm tháng lưu đày- cùng những vần thơ hiện thực trữ tình)
Với tư tưởng chán ghét, và khinh bỉ bọn người xảo trá mua bán chiến tranh như vậy, không hiểu sao, sau Tháng Tư 1975, Cung Trầm Tưởng lại tin vào cái món hòa giải, hợp nhất. Tuy nhiên, ngay những ngày đầu ở nơi chuồng người miền núi phía Bắc: “Áo tù thẫm máu đôi vai/ Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa”. Cung Trầm Tưởng chợt nhận ra, và vứt bỏ ngay. Rồi đồng đội, và nghị lực sống cho ông sự can đảm đi đến tận cùng: “Bài học rút ra thật dứt khoát/ Nó, tôi chẳng thể đội chung trời/ Nó còn tôi mất, đơn sơ vậy/ Nó mất tôi còn, chỉ thế thôi.” Đói rét, cùm gông chắc chắn người tù cải tạo nào cũng phải trải qua. Và người tù Cung Trầm Tưởng đã trộn lộn cái đói rét, khổ đau ấy làm nguyên liệu sống để viết nên: Nguyện cầu mùa thu. Một bài thơ không chỉ có giá trị hiện thực, mà còn có giá trị lịch sử:
“…Môi cằn má hóp thịt da
Ngô vơi miệng chén canh pha nước bùn
Đêm nằm ruột rỗng vai run
Đầu kề tiếng súng chân đùn bóng đêm”
Gian khổ đắng cay là thế, song tinh thần, khí phách nhà thơ vẫn ngay thẳng như vầu, như tre vậy. Đọc Biểu tượng viết trong những ngày cùng cực đó, Cung Trầm Tưởng làm tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ trong bài Đập đá ở Côn Lôn của cụ Phan Chu Trinh: “Tháng ngày bao quản thân sành sỏi/ Mưa nắng càng bền dạ sắt son.” Vâng! Không có ý so sánh, nhưng những nhà thơ lớn dường như có chung một ý trí và khí phách như vậy chăng?
“Lòng ta đứng vững như vầu
Thân ta lóng thẳng giữa bầu trời xanh
—
Đổi thay lá mới, đậm đà lóng tươi
Vầu đanh như thép sáng ngời
Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay”
(Biểu tượng)
Tôi đã đọc nhiều thơ văn viết ở trong tù cải tạo, song có lẽ chưa ai viết nhiều về những người mẹ, người vợ như Cung Trầm Tưởng. Vẫn thể Lục bát, ở đó không chỉ là lời cảm thương, mà còn như một lời ru của người tù cải tạo gửi đến những người vợ vậy. Cho nên, đọc Đường vào thiên thu của Cung Trầm Tưởng, tôi cứ ngỡ mình đang ngồi ở Thành Nam đọc Thương vợ của cụ Tú Xương. Viết về những người mẹ, người vợ, có lẽ không thể thơ nào cho người đọc nhiều cảm xúc như Lục bát. Một thể thơ sở trường của Cung Trầm Tưởng, và ông luôn tìm tòi làm mới nó:
“Chín mùa thua thiệt đời em
Gian truân chuyện kể nghìn đêm chưa vừa
Đội nghìn nắng, gội nghìn mưa
Gương em tiết phụ thời xưa chờ chồng.”
(Đường vào thiên thu)
Đi sâu vào nghiên cứu ta có thể thấy, Cung Trầm Tưởng viết không chỉ bằng cảm xúc, mà còn bằng cả trí tuệ. Do vậy, thơ ông sinh động, trữ tình và có bố cục khá chặt chẽ. Đọc Vạn vạn lý, dù ở bóng tối tù đày, ta vẫn thấy được cái tâm trạng, hồn khí an nhiên tự tại trong sự suy tưởng đậm tính triết lý của Cung Trầm Tưởng. Thật vậy, trích đoạn với những hình ảnh, lời thơ tuyệt đẹp dưới đây, sẽ cho ta thấy rõ điều đó:
“Ngồi trùm lần bóng tối
Nhìn mây đi lang thang
Mây giăng xám hàng hàng:
Trời vào đông ảm đạm
(…)
Vỗ vỗ rơi tàn thuốc
Phà khói vào hơi sương
Xa xưa… trống lên đường
Tiếng quân hô hào sảng
(…)
Mưa về gióng lê thê
Nai kêu nguồn đâu đó
Xưa nay tù ngục đỏ
Mấy ai đã trở về?”
Sau mười năm cải tạo cả thể xác lẫn tâm hồn, vừa ra tù Cung Trầm Tưởng viết ngay bản tổng kết, bằng Bài Ca Níu Quan Tài.
Có thể nói, đây là một trong những bài thơ thế sự hay nhất mà tôi đã được đọc. Vẫn khuynh hướng sử thi, Cung Trầm Tưởng kéo lùi thời gian, cho người đọc thấy được cái quái đản của một học thuyết hoang tưởng: “Kinh bang sao chép Nga Tàu/ Bình quân là chặt cái đầu cao hơn”. Từ đó, sinh ra một đám kền kền, làm cho ta phải rùng mình khi đọc: “Một bầy táng tận lương tâm/ Ăn hồ, ăn giẻ, ăn vần ngày công/ Ăn tranh trẻ đói lọt lòng/ Ăn lường tiếng khóc khép vòng tử sinh”. Và cái số phận hẩm hưu của người tù cải tạo cho đến những con cháu… hậu nhân: “Ngón đòn lý lịch ly kỳ/ Cha là “ngụy”, phạm trường quy con rồi”. Có thể nói, thơ thế sự, xã hội Cung Trầm Tưởng từ ngữ mộc mạc, song đậm đặc hình ảnh hoán dụ, làm cho giọng điệu, lời thơ nhẹ nhàng, sâu sắc, do vậy đến được với mọi tầng lớp người đọc.
Dường như càng khổ đau, ưu phiền, Cung Trầm Tưởng càng đến gần hơn với tư tưởng, triết lý Phật giáo. Mỗi câu thơ của ông như tự răn mình và răn đời vậy. Sự thay đổi nhận thức đó, giúp cho Cung Trầm Tưởng tĩnh tâm và có cái nhìn khách quan, nhân bản hơn. Âu đó cũng là quãng đường đi từ lãng mạn trữ tình đến với tâm thức chân thực, tính phản kháng, hay bóc trần góc khuất của cuộc sống cũng như thơ văn Cung Trầm Tưởng vậy. Và tôi xin mượn bốn câu thơ trích trong bài Điểm Tâm Xuân Hoàng Liên Sơn (của ông) để kết thúc bài viết này, cũng như làm sáng tỏ thêm chân dung nhà thơ tài hoa, chí khí Cung Trầm Tưởng:
Mai sau thịt thắm da liền,
Cái yêu khác trước, cái nhìn khác xưa,
Cái tin vô cớ xin chừa,
Sống sao cho xứng lũy thừa thương đau.
Leipzig, 2022