Charles Keith/Phạm Nguyên Trường dịch: Các nhà truyền giáo và Quá trình củng cố chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam

Công Giáo Việt Nam – Từ đế chế đến quốc gia
Charles Keith
dch: Phạm Nguyên Trường
Người Việt Books xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, 2016
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
© Tác giả và Người Việt Books giữ bản quyền.


Năm 1841 giám đốc chủng viện của MEP ở Paris viết thư cho hoàng đế Pháp, Louis Philippe, về hoàn cảnh khó khăn của các nhà truyền giáo Pháp ở vương quốc nhà Nguyễn kể từ khi Minh Mạng ban hành đạo dụ chống các tín đồ Công giáo vào năm 1833. Ông trình bày chi tiết những câu chuyện các nhà truyền giáo bị bóp cổ cho đến chết, bị chém đầu và bị phanh thây. Trong khi kêu gọi nhà vua “quan tâm tới sự phát triển của tôn giáo và văn minh”, ông thúc giục Louis Philippe “áp dụng những biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ họ khỏi những sự phiền toái vô lý đó.”[1] Năm 1843 nhà vua trao quyền cho các đơn vị hải quân Pháp đang có mặt ở châu Á nhằm bảo vệ những quyền lợi kinh tế của Pháp trong cuộc Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất (1839 – 1942), bảo vệ các nhà truyền giáo khỏi những hoạt động bài Công giáo đang lan tràn trong khu vực. Sau đó các sĩ quan hải quân Pháp bắt đầu đưa tự do tôn giáo cho các nhà truyền giáo và giáo dân Việt Nam thành một phần của những đòi hỏi đang ngày càng gia tăng đối với triều đình nhà Nguyễn về việc chấm dứt những hạn chế đối với hoạt động buôn bán của Pháp trong vương quốc. Tháng 3 năm 1847, một con tàu của Pháp dưới quyền chỉ huy của đô đốc Rigault de Genouilly đi vào cảng Đà Nẵng. Nhà Nguyễn đưa tàu chiến ra nghênh địch, những con tàu này bị Pháp đánh đắm. Đây là hành động quân sự trực tiếp đầu tiên của một cường quốc châu Âu ở Việt Nam.

Việc bắn phá Đà Nẵng là lần gặp gỡ đầu tiên trong nhiều mối tương giao giữa hoạt động truyền giáo và mở rộng ảnh hưởng cả về quân sự lẫn chính trị của Pháp từ những năm 1840 đến năm 1884, khi hiệp ước hòa bình chấm dứt cuộc chiến tranh Pháp – Thanh tạo điều kiện cho Pháp đặt quyền kiểm soát trên cả ba miền Việt Nam. Đối với nhiều nhà truyền giáo đến Việt Nam trong giai đoạn này, việc phục hưng Giáo hội Công giáo như là một lực lượng trong xã hội và nền chính trị Pháp là hiện tượng không tách rời khỏi sự phát triển của Pháp như là một cường quốc đế quốc; việc tìm kiếm của truyền giáo nhằm cải đạo dường như đã trở thành một phần của “sứ mệnh khai hóa” (mission civilisatrice), là động lực của sự bành trướng thuộc địa của Pháp. Thế kỷ XIX là giai đoạn khi mà nhiều nhà truyền giáo không những tin rằng Công giáo là tín ngưỡng ưu việt hơn các tôn giáo khác mà còn tin rằng Pháp ưu việt hơn các dân tộc khác. Quan trọng nhất là, nhiều người tin rằng can thiệp bằng chính trị và quân sự vào công việc của các dân tộc khác là phương tiện hợp pháp nhằm đạt được những mục đích về mặt tôn giáo.

Nhưng ngay cả trong những thời khắc khi mà chủ nghĩa dân tộc mang tính sứ mệnh như thế đang ở đỉnh điểm của nó thì sứ mệnh khai hóa của Giáo hội và nhà nước cũng không bao giờ trùng nhau. Khác với phần lớn các nhà thám hiểm, nhà buôn, nhà địa lý học, doanh nhân và chính trị gia, những người truyền giáo hiểu tư tưởng khai hóa văn minh của Pháp là coi tôn giáo cũng quan trọng như chủng tộc. Đối với phần lớn các nhà truyền giáo, sự khác biệt về tôn giáo cũng quan trọng như là sự khác biệt về mặt sinh học mà người ta quan sát được giữa dân châu Âu và các giống người khác trên thế giới. Họ tin rằng bằng cách cải đạo, có thể chuyển hóa được “sự tàn bạo” của những người ngoài châu Âu, và châu Âu, người cầm đuốc soi đường cho việc khai hóa thế giới phải dựa vào việc bảo tồn trung tâm của nền văn minh Công giáo.[2] Và nhất là sau này, trong thế kỷ XIX, đối với nhiều nhà truyền giáo, dường như nền Cộng hòa đệ tam thế tục đang tìm mọi cách nhằm đưa tôn giáo ra khi đời sống công cộng cả ở Pháp lẫn ở nước ngoài. Như vị giám mục ở Sài Gòn viết cho Giáo hoàng vào năm 1885: “Nền văn minh châu Âu đang lan tràn khắp thế giới, và đang làm biến đổi hoặc xóa bỏ đạo đức và phong tục xã hội và tôn giáo của người bản xứ. Công giáo là thuốc chữa độc nhất vô nhị, phương tiện duy nhất có thể cứu những dân tộc này, bảo vệ họ nhằm chống lại sự hủ hóa và suy đồi, nâng họ lên tầm cao hơn về mặt đạo đức và trí tuệ, và tổ chức họ thành xã hội có qui cũ hơn.”[3] Ngôn từ của vị giám mục này đã nắm bắt được ý kiến của nhiều nhà truyền giáo rằng quá trình thực dân hóa của Pháp vừa là mối nguy vừa là cơ hội cho việc truyền đạo.

Nhưng, giai đoạn từ những năm 1830 cho đến khi Pháp chiếm Nam Kỳ, là giai đoạn của những mối liên hệ mật thiết giữa Giáo hội và nhà nước ở Pháp, rõ nhất là trong thời kỳ Quân chủ tháng Bảy (1830 – 1848) và Đệ nhị Đế chế (1852 – 1870). Đấy cũng là giai đoạn khi mà quá trình công nghiệp hóa đang phát triển và sự cạnh tranh với Anh làm cho nhiều doanh nghiệp và giới tinh hoa chính trị tin rằng cần phải mở rộng ảnh hưởng của Pháp ở châu Á. Cuối cùng, đấy cũng là giai đoạn khi mà việc bành trướng công việc truyền giáo và nhu cầu quản lý và ý thức hệ mới của nhà Nguyễn va chạm với nhau và bùng nổ thành xung đột công khai, vì việc tham gia của các tín đồ Công giáo vào những phong trào chống lại nhà Nguyễn đã dẫn đến những đạo dụ và những vụ bạo lực bài Công giáo lan tràn khắp nơi. Gộp chung lại, điều này dẫn đến cái mà Pierre Brocheux và Daniel Hémery mô tả là: “cuộc xung đột không thể nào dập tắt được… giữa cường quốc đế quốc, vương triều và các hội truyền giáo.”[4] Cuộc xung đột kéo dài suốt gần nửa thế kỷ, trong quá trình đó nó đã thay đổi một số biện pháp: như Brocheux và Hémery nhận xét, “không nghi ngờ gì rằng, cần phải tránh đánh đồng một cách cơ học Giáo hội với chủ nghĩa đế quốc thực dân. Các nhà truyền giáo làm việc ở Đại Nam trên thực tế là những người bảo thủ hơn là người ta nghĩ khi nói về sự bành trướng của Pháp sau năm 1870. Nhưng trước đó thì hoàn toàn không phải như thế.”[5] Thực ra, trong những năm 1840 và 1850 các nhà truyền giáo của MEP đã phản ứng trước tình hình ngày càng xấu đi đối với các tín đồ Công giáo ở Việt Nam bằng chiến dịch ủng hộ việc Pháp can thiệp vào Việt Nam và đấy là lực lượng quan trọng đằng sau cuộc xâm lược Nam Kỳ của Pháp.

Cuộc cách mạng Pháp năm 1848 cản trở áp lực đang gia tăng của hải quân Pháp đối với châu Á, và phải mãi đến đầu những năm 1850 thì những lời kêu gọi chấm dứt nạn bạo lực chống lại các tín đồ Công giáo mới tìm được tiếng nói chung với ý tưởng về sự bành trướng thương mại trong tâm trí những người làm chính sách Pháp. Ngay sau khi Đệ nhị Đế chế thân Giáo hội Công giáo được củng cố vào năm 1852, tám vị giám mục người Pháp ở châu Á liền viết thư cho nhà vua mới của Pháp, Napoleon III, yêu cần can thiệp chống lại triều Nguyễn. Năm 1857, sau một cố gắng nữa nhằm giải quyết những vấn đề tôn giáo và thương mại thông qua ngoại giao kết thúc bằng vụ bắn phá Đà Nẵng lần thứ hai, hai vị giám mục của MEP lại đưa ra lời kêu gọi mới và một nhà truyền giáo thuộc dòng Thánh Vinh Sơn (Lazarist) tên là Abbé Huc đã đến gặp Napoleon III để làm chính điều đó. Những lời kêu gọi này đã gây ra những cuộc tranh luận ngay trong nội bộ MEP; Dominique Lefèbvre, giám mục Tây Nam Kỳ (Cochinchine Occidentale) ngay lập tức phủ nhận việc các đồng sự của ông tham gia vào nền chính trị Pháp và một số nhà truyền giáo lo ngại rằng việc can thiệp sẽ làm xấu đi tình cảnh vốn đã khốn khó của các tín đồ địa phương.[6] Napoleon III quan ngại về sự an toàn của các nhà truyền giáo trước hết là vì ông nhận thức được rằng việc ủng hộ về mặt chính trị của Công giáo đối với chế độ của ông ta có tầm quan đến mức nào. Giám mục Bắc Nam Kỳ, cha François Pellerin, đưa ra công khai mối quan hệ này trong cuộc hội kiến Napoleon III cũng như trong chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ, trong đó có bài phát biểu ở Notre Dame và những bài xã luận trên tờ L’Univers – một tờ báo có cảm tình với Công giáo – biên tập viên của tờ báo này đã viết một cuốn sách khẳng định rằng bảo vệ các nhà truyền giáo ở châu Á là quan trọng sống còn đối với quyền lợi dân tộc của Pháp.[7] Những lời khẩn cầu của Pellerin là tác nhân chính trong quyết định của Napoleon III giao cho lực lượng hải quân Pháp can thiệp chống lại nhà Nguyễn, một quyết định trái với ý kiến của một số cố vấn của ngài. Tháng 8 năm 1858, hạm đội Pháp, được một lực lượng nhỏ của Tây Ban Nha và Pellerin đi cùng, đã vào cảng Đà Nẵng một lần nữa.

Bốn năm chiến tranh sau đó, tức là cuộc chiến kết thúc bằng hòa ước nhượng ba tỉnh Nam Kỳ cho Pháp, là ví dụ đầu tiên về sự căng thẳng giữa chương trình nghị sự của chính quyền thuộc địa và truyền giáo. Cuộc tấn công Đà Nẵng thất bại; quân Pháp – Tây Ban Nha không được dân chúng địa phương ủng hộ hay mở được đường tiến vào đất liền. Điều này dẫn đến vụ cãi cọ giữa đô đốc Pháp, ông de Genouilly, và Pellerin, vì ông này đã cam đoan với các sĩ quan Pháp rằng dân chúng địa phương, bị triều Nguyễn áp bức, sẽ chào đón những chiến sĩ giải phóng người Pháp.[8] Về phần mình, Pellerin rất tức giận vì sau cuộc tấn công vào Đà Nẵng, Genouilly quyết định rút về nam chứ không tiến lên phía bắc, khu vực trung tâm của Công giáo ở Bắc Kỳ. Quan hệ giữa nhà truyền giáo này và các sĩ quan hải quân trở thành xấu đến nỗi Pellerin buộc phải rời khỏi cuộc viễn chinh để đi giảng dạy tại chủng việc của MEP ở Penang và chết ở đó vào năm 1862.[9] Cuộc xâm lược Nam Kỳ của liên quân Pháp – Tây Ban Nha thu được thành công hơn hẳn vì lợi thế về mặt công nghệ của người châu Âu, và cuộc bao vây đầy hiệu quả nhằm ngăn chặn việc vận chuyển gạo về miền Trung Việt Nam và cuộc nổi dậy ở Bắc Kỳ làm suy giảm nỗ lực quân sự của nhà Nguyễn.[10] Mặc dù người ta còn tranh cãi về vai trò của giáo dân Việt Nam trong cuộc xâm lược của liên quân Pháp – Tây Ban Nha năm 1862, nhưng rõ ràng là các nhà truyền giáo không có vai trò quyết định trong việc tuyển mộ lực lượng tín đồ Công giáo và điều hợp sự giúp đỡ tại chỗ cho lực lượng Pháp. Thực ra, năm 1858 ở Sài Gòn chỉ có bốn nhà truyền giáo, còn năm 1862 cũng có mười hai người, hầu hết vì lý do an toàn đều đã phải chạy trốn.[11]

Tháng 7 năm 1862, hiệp định hòa bình được kí giữa Pháp, Tây Ban Nha và triều Nguyễn nhượng ba tỉnh Gia Định (Sài Gòn), Định Tường và Biên Hòa cho Pháp, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho giáo dân, tự do đi lại cho các nhà truyền giáo trên khắp vương quốc. Cùng với việc thôn tính ba tỉnh dân cư thưa thớt là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên vào năm 1867, ảnh hưởng của hải quân Pháp ở Nam Kỳ còn vươn xa hơn nữa. Trong giai đoạn nằm dưới “quyền cai trị của các đô đốc”, tức là cho đến khi thành lập chính quyền dân sự ở Nam Kỳ năm 1879, các nhà truyền giáo và các quan chức hải quân có những mối quan hệ sâu sắc hơn bất kỳ thời gian nào dưới quyền chính phủ dân sự của Pháp. Hầu hết các sĩ quan hải quân đều có cảm tình với Công giáo và bộ trưởng thuộc địa, ông Prosper de Chasseloup – Laubat tin rằng Pháp phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá đạo Công giáo ở Nam Kỳ, coi đấy là một chiến lược trong lĩnh vực chính trị.[12] Hơn nữa, hải quân không có các thiết chế giáo dục hay an sinh xã hội và hợp tác với các nhà truyền giáo để làm việc này dường như là hoàn toàn có lí vậy. Trong phần lớn giai đoạn những năm 1860, hải quân Pháp đều trả lương cho các nhà truyền giáo, cho một số linh mục người Việt và những người dạy giáo lý, cho các thầy giáo các xứ đạo; hải quân còn giúp sửa chữa chủng viện Sài Gòn và các nhà thờ trong khu vực, cả những nhà thờ mới lẫn những nhà thờ đã có từ trước; trợ giúp các trại trẻ mồ côi, các bệnh viện, các cơ sở khám và phát thuốc miễn phí và các trại nuôi người bị bệnh phong. Quan trọng nhất đối với chỉ huy hải quân là Collège d’Adran và Institut Taberd, là những trường đào tạo ra các thông ngôn và những quan chức thuộc địa đầu tiên ở Việt Nam.[13]

Thậm chí ngay trong thời khắc hợp tác chặt chẽ giữa truyền giáo và chính quyền thuộc địa này mâu thuẫn cũng phát triển khá nhanh. Hiệp ước năm 1862 làm nhiều nhà truyền giáo rất thất vọng vì nó không cho họ sở hữu đất đai và giảng đạo ở nơi công cộng bên ngoài ba tỉnh của Pháp và không chấm dứt cái mà họ coi là sự theo dõi, thuế và điều tra dân số quá khắt khe trong vương quốc của nhà Nguyễn.[14] Một vị giám mục của MEP thời đó đã viết: “Nếu tôn giáo của chúng ta bị xóa sổ ở đất nước này thì đấy phần nhiều là do sự can thiệp của ngoại quốc hơn là lòng căm thù mang tính tự nhiên của chính phủ bản xứ.”[15] Hải quân Pháp cần nhân viên địa phương là một vấn đề nữa, vì các quan chức Pháp xúi giục nhiều linh mục và những người dạy giáo lý tài ba nhất bỏ cộng đồng Công giáo để đi làm thông ngôn và làm quan. Các nhà truyền giáo còn chỉ trích hạnh kiểm của các quan chức Pháp; một người cảm thấy tiếc “một vị chỉ huy cao cấp là người Tin lành, bỏ đạo và theo hội Tam điểm” từng là cấp trên của ông ta và phàn nàn rằng ngày chủ nhật các sĩ quan Pháp thường đi tìm đàn bà địa phương chứ không đi lễ.[16] Hợp tác về giáo dục cũng nhanh chóng trở thành gay gắt: năm 1872 một nhà truyền giáo tên là Lizé cam đoan rằng trường của Pháp ở Mỹ Tho, một trong những thiết chế đang gia tăng về số lượng ở thuộc địa, là không dạy nội dung Công giáo, còn hiệu trưởng thì sống với nàng hầu mà không cưới xin gì.[17] Còn các quan chức hải quân thì phê phán các trường của hội truyền giáo là không dạy tiếng Pháp, tức là không dạy môn mà nhiều quan chức hải quân ủng hộ. Năm 1881, Hội đồng thuộc địa đình chỉ khoản tài trợ 174.000 francs hàng năm cho các trường của MEP ở giáo phận Sài Gòn. Quyết định này không chấm dứt hẳn việc trợ giúp các trường của hội truyền giáo, nhưng từ đó trở đi các khoản tài trợ được gắn với từng trường và từng hoạt động cụ thể.[18] Và vì sự hiện diện của Pháp ở Nam Kỳ ngày càng gia tăng, ngày càng có nhiều quan chức nhận thức được rằng ưu tiên ưu đãi một cộng đồng thiểu số tôn giáo nhỏ bé sẽ có hại đối với ảnh hưởng của Pháp.

Như Brocheux và Hémery gợi ý, mối quan hệ giữa các nhà truyền giáo và quan chức Pháp trở thành nhập nhằng khi ảnh hưởng của Pháp lan dần ra miền bắc, vào vùng đất trung tâm của Công giáo ở Bắc Kỳ. Năm 1873, một viên đại úy trẻ tên là Francis Garnier đánh chiếm Bắc Kỳ nhằm khuếch trương những quyền lợi kinh tế của Pháp. Cuộc xâm lăng này chủ yếu là sáng kiến của những quan chức Pháp ở Nam Kỳ, mà nổi bật nhất là đô đốc Dupré, người đang tìm cách phản công những lời kêu gọi của triều đình nhà Nguyễn về việc trả lại Nam Kỳ bằng cách mở rộng vùng ảnh hưởng của Pháp đến gần hơn trung tâm thương mại của Trung Quốc; so với cuộc xâm lược Nam Kỳ, trong cuộc xâm lăng của Garnier những vấn đề Công giáo có vai trò khác hẳn. Cuộc xâm lăng này không được dân chúng Pháp ủng hộ – lúc đó họ đang phải xây dựng lại sau thất bại thảm khốc trước Phổ vào năm 1871, và không quan tâm tới những cuộc phiêu lưu ở thuộc địa nữa, báo chí Công giáo ở Pháp cũng không tìm cách nhằm biến nó thành sự nghiệp đáng được mọi người quan tâm. Khác với nhiều quan chức hải quân trong những năm 1850, Garnier và Dupré ít để ý tới tình hình của các nhà truyền giáo và tín đồ Công giáo Việt Nam, mặc dù cả viên đại úy lẫn vị đô đốc đều chờ đợi sự ủng hộ của người Công giáo nhằm thuyết phục các quan chức cấp cao còn hoài nghi ở Paris.[19] Garnier và Dupré cũng sử dụng ý tưởng tự do tôn giáo nhằm thuyết phục các nhà truyền giáo ở Bắc Kỳ để họ ủng hộ cuộc xâm lược. Việc này làm cho nhiều nhà truyền giáo của MEP trở thành đồng minh của họ, nổi bật nhất là Paul – François Puginier, giám mục Hà Nội, người đã thục giục họ xâm lăng và hứa là dân chúng địa phương sẽ ủng hộ.[20] Cho đến tận lúc chết vào năm 1892, Puginier là người tích cực ủng hộ cuộc xâm lăng của Pháp vào Bắc Kỳ, nhất là trong những năm 1870, khi ông còn là nguồn tin chính và là người ủng hộ tại chỗ cho cuộc thám hiểm về mặt kinh tế của người Pháp và cuộc xâm lăng của Garnier, ông cũng là biểu tượng nổi bật nhất của sự hợp tác giữa các quan chức thuộc địa và truyền giáo trong giai đoạn chinh phục. Nhưng, quan trọng là phải hiểu rằng những cố gắng của Puginier nhằm giúp mở rộng ảnh hưởng của Pháp là do mong muốn tạo ra chính quyền thuộc địa mà lúc đó chưa có (ông không sống được đến ngày đó) thì ít mà phần nhiều là do ông coi đấy là biện pháp bảo vệ và mở rộng các cộng đồng Công giáo trong giai đoạn có những cuộc đàn áp và bạo lực chống lại họ.

Cũng như trong những năm 1850, Puginier và những người ủng hộ cuộc xâm lăng của Garnier không đại diện cho ý kiến của tất cả các nhà truyền giáo. Thậm chí ngay trong MEP, một số nhà truyền giáo bình thường cũng thể hiện sự lo lắng rằng hành động của Pháp ở Bắc Kỳ chỉ gây thêm bất hòa giữ triều đình và dân chúng mà thôi.[21] Những người dòng Đa MinhTây Ban Nha, đứng đầu giáo phận đông dân nhất ở Bắc Kỳ, đặc biệt phản đối ý tưởng này và tìm mọi cách ngăn chặn. Các nhà truyền giáo Tây Ban Nha thường không ngả theo khuynh hướng coi chủ nghĩa đế quốc Pháp là mối quan tâm của các cộng đồng Công giáo và dường như coi hành động của Puginier là vượt quá giới hạn ngăn cách giữa hành đạo và làm chính trị. Các nhà truyền giáo Tây Ban Nha còn giải thích việc họ không ủng hộ cuộc xâm lăng bằng lý do khác về tình hình khu vực: trong khi Puginier tập trung vào những vụ bạo lực lan tràn do các quan chức và dân chúng thực hiện nhằm chống lại các tín đồ Công giáo trong giai đoạn từ năm 1858 đến năm 1862 thì các nhà truyền giáo Tây Ban Nha lại tập trung vào những cố gắng của các quan chức triều đình nhà Nguyễn – sau khi kí hòa ước 1862 – nhằm chấm dứt bạo lực và tái khôi phục tạm ước với các đồng Công giáo giáo.[22] Sự chống đối của truyền giáo không gây được tác dụng nào: Garnier tiến hàng cuộc xâm lăng với một lực lượng nhỏ và nhanh chóng giành được quyền kiểm soát nhiều khu vực trong vùng châu thổ sông Hồng, nhưng cuộc xâm lược đã kết thúc ngay sau khi ông ta bị chặt đầu trong một trận đánh ở ngoại thành Hà Nội. Ngày 15 tháng 3 năm 1874 hòa ước được những quan chức Pháp phản đối cuộc xâm lăng ký kết đã chấm dứt vụ đụng độ. Hòa ước này công nhận quyền kiểm soát của Pháp ở Nam Kỳ, mở rộng quyền buôn bán cho người Pháp và Pháp được đặt các đại diện ngoại giao ở Bắc và Trung Kỳ, tái xác nhận quyền tự do tín ngưỡng cho giáo dân và quyền tự do đi lại cho các nhà truyền giáo, cho dù chưa có nhiều biện pháp nhằm thực thi những điều khoản dành cho tín đồ Công giáo. Người ta thấy ngay điều đó vì làm sóng trả thù Công giáo đã giết hàng ngàn tín đồ. Pugnier lại kêu gọi người Pháp giúp đỡ, nhưng không có kết quả. Các nhà truyền giáo và tín đồ Công giáo Việt Nam hình như đã coi Paul Philastre, viên trung úy được đưa tới Bắc Kỳ, tương tự như Phi Lã Tồ hay Pontius Pilate tức là người đã từ chối can thiệp, nhằm chỉnh đốn lại mối quan hệ ngoại giao sau thất bại của Garnier.[23]

Các nhà truyền giáo cũng có vai trò hạn chế tương tự như thế trong việc bùng nổ cuộc chiến tranh Pháp – Thanh, kết thúc bằng việc thiết lập chế độ bảo hộ của Pháp ở Trung và Bắc Kỳ. Nguồn gốc của chiến tranh là do chính sách ở thuộc địa của những người cộng hòa nắm quyền năm 1879, những người này cho rằng bành trướng ở hải ngoại là con đường dẫn tới phục hưng dân tộc sau tai họa của cuộc chiến tranh Pháp – Phổ. Sau năm 1879, các chính phủ kế tiếp nhau ở Pháp đều ép triều đình nhà Nguyễn mở rộng quyền hoạt động kinh tế ở Bắc và Trung Kỳ, còn lực lượng Pháp thì bắt đầu những chiến dịch ở vùng châu thổ sông Hồng nhằm bảo vệ những vụ vận chuyển hàng hóa khỏi bị cướp bóc. Quyết định tấn công thành Hà Nội vào tháng 4 năm 1882 của vị chỉ huy người Pháp, tên là Henri Rivière, đã buộc triều Nguyễn phải tìm sự ủng hộ của triều đình Mãn Thanh ở Trung Quốc, một triều đình đang tìm cách đẩy ảnh hưởng của người châu Âu ra xa đường biên giới của họ. Trước áp lực về mặt quân sự của Pháp, tháng 8 năm 1883 triều đình nhà Nguyễn đồng ý cho Pháp đặt chế độ bảo hộ ở miền Trung và Bắc Kỳ. Nhưng Pháp tiếp tục chiến đấu chống lại quân Mãn Thanh cùng với những người trung thành với nhà Nguyễn và những nhóm khác cho đến tháng 8 năm 1885, đấy là lúc triều đình Mãn Thanh công nhận chế độ bảo hộ của Pháp và lực lượng kháng chiến của Việt Nam phải rút về vùng rừng núi. Tương tự như cuộc xâm lược của Garnier, sự ủng hộ hay phản đối của các nhà truyền giáo là tác nhân không đáng kể trong việc quyết định khởi chiến. Đến những năm 1880, bầu không khí chính trị ở Pháp ngày càng ngả sang phía bài tăng lữ hơn, còn các chính khách và những người lên tiếng đòi leo thang quân sự ít quan tâm tới điều kiện của các nhà truyền giáo và tín đồ Công giáo Việt Nam, những người mà sau khi làn sóng bạo lực sau hòa ước 1874 lắng xuống đã có cuộc sống, ở Trung và Bắc Kỳ, thuận lợi hơn hẳn so với cách đó vài thập kỷ.[24] Hơn nữa, vì cuộc chiến tranh đã làm bật ra những vấn đề có tính quyết định về ngoại giao Pháp – Trung, vai trò của lập pháp trong lĩnh vực quân sự, và thậm chí bản chất của việc bành trướng thuộc địa đang tăng tốc của Pháp, nó trở thành đề tài chính trị nổi bật nhất ở Pháp và chẳng còn mấy chỗ cho cuộc vận động chính trị của truyền giáo.

Vì vậy mà các nhà truyền giáo là tác nhân không quan trọng trong quyết định can thiệp vào Bắc Kỳ của Pháp. Nhưng khi cuộc xâm lược được khởi động, vai trò của họ trở thành quan trọng hơn; họ thường trở thành những người huy động sự giúp đỡ của dân chúng địa phương, nhưng sự giúp đỡ của người Công giáo cũng không có vai trò quyết định đối với kết quả của cuộc xung đột. Sự giúp đỡ của người Công giáo, dù đấy có là cung cấp lương thực thực phẩm và do thám hay làm thông ngôn và binh sĩ, có vai trò quan trọng nhất định đối với thắng lợi của Garnier, đã biến mất rất nhanh, nhưng phần lớn các bản báo cáo thời đó đều cho rằng người Công giáo chỉ là thiểu số trong hàng ngũ những người chiến đấu chống lại nhà Nguyễn bên cạnh quân Pháp (không nhất thiết “vì” nước Pháp) và trong mấy trăm ngàn người Công giáo ở Bắc Kỳ cũng chỉ có mấy ngàn người thực sự cầm vũ khí mà thôi.[25] Hơn nữa, người Pháp đang gặp khó khăn trong việc chuyển hướng những căng thẳng về chính trị và xã hội ở Bắc Kỳ, và họ nhận thức được rằng dựa vào lực lượng địa phương chỉ làm hại cho các mục tiêu chính trị và quân sự của họ.[26] Đấy là lý do vì sao ban đầu Henri Rivière đã từ chối liên kết với lực lượng Công giáo ở châu thổ sông Hồng sau khi chiến tranh Pháp – Thanh vừa kết thúc. Ông ta viết như sau: “Tôi không bao giờ khuyên Ngài Puginier tự làm hại mình vì chúng tôi, thứ nhất, vì sẽ tạo ra nhiều khó khăn; và sau đó là vì quyền lợi của chính Ngài vì Chính phủ nước Cộng hòa chắc chắn sẽ làm Ngài thất vọng… cho nên tốt nhất là họ càng ít làm hại mình vì chúng tôi thì càng tốt.”[27] Về phía các nhà truyền giáo, ký ức về thất bại của Garnier theo lời của Charles Fourniau, có nghĩa là: “Hành động của các tín đồ Công giáo là kém hiệu quả, và Puginier còn thận trọng hơn nhiều” trong suốt cuộc tấn công của Rivière vào châu thổ sông Hồng.[28] Nhưng, sau khi quân nhà Thanh can thiệp thì Pháp lại dựa vào sự ủng hộ của một số cộng đồng giáo dân, nhiều cộng đồng trong số đó đã được động viên nhằm tự bảo vệ khi làn sóng bạo lực lại nổi lên sau vụ đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn vào tháng 8 năm 1883.[29] Cũng như trong cuộc xâm lăng của Garnier, một số tín đồ Công giáo làm việc khuân vác, số khác là thông ngôn, trợ chiến hoặc cung cấp thông tin tình báo.[30] Và, cũng như trong cuộc xâm lăng của Garnier, không chỉ người Công giáo mới giúp Pháp và Pháp đã phải trả giá, trong một số trường hợp họ còn phải dùng lực lượng để đánh tập hậu một số vị trí nhằm bảo vệ các tín đồ Công giáo.[31]

Tóm tại, các nhà truyền giáo có vai trò rất khác nhau trong cuộc chinh phục của Pháp ở Việt Nam và phản ứng của họ trước cuộc xâm lăng này cũng khác nhau một trời một vực. Một số nhà truyền giáo nằm trong số những người ủng hộ nhiệt thành nhất cuộc can thiệp của Pháp vào Việt Nam. Điều này phản ánh sự liên kết đầy sức mạnh của thái độ bành trướng thuộc địa vốn thịnh hành ở châu Âu hồi cuối thế kỷ XIX với những trải nghiệm cá nhân của các nhà truyền giáo trong những năm xảy ra bạo lực của quần chúng. Thực ra, một số nhà truyền giáo còn phê phán Pháp vì can thiệp quá chậm và họ còn phê phán vì Pháp đồng ý với những dàn xếp ngoại giao mà các nhà truyền giáo cảm thấy là để cho các tín đồ Công giáo dễ bị tổn thương vì những vụ đàn áp của các quan chức và bạo lực của dân chúng. Nhưng nhiều nhà truyền giáo lại phê phán sự can thiệp của Pháp vì những lý do khác. Các nhà truyền giáo Tây Ban Nha không bị chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy như nhiều đồng đạo người Pháp làm việc cho MEP, và nhiều người coi sự can thiệp của Pháp là mối đe dọa đối với đời sống Công giáo. Một số người khác, cả Tây Ban Nha lẫn Pháp, những người hiểu rõ tình hình địa phương hơn hẳn và tin rằng sự can thiệp của Pháp sẽ làm cho chính sách của triều đình Huế thái độ cũng như của dân chúng đối với tín đồ trở thành quá khích hơn nữa, và trên thực tế đã xảy ra đúng như thế. Cuối cùng, nhiều nhà truyền giáo quan ngại về việc nền chính trị Pháp ngả sang phía thế tục, và nhiều người bắt đầu hỏi Đệ tam Cộng hòa định mang tới Việt Nam hình thức “khai hóa” nào. Đến những năm 1880, các nhà truyền giáo ở Nam Kỳ đã tự mình cảm nhận được thực tiễn của sứ mệnh khai hóa (mission civilisatrice) và nhiều người không thích những điều mà họ nhìn thấy. Nhiều đồng đạo của họ ở Trung và Bắc Kỳ cũng thể hiện mối lo ngại tương tự như thế khi nền Đệ tam Cộng hòa củng cố chính quyền của họ ở những khu vực này trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ.

Charles Keith
Ph
m Nguyên Trường dch

(Trích “Công giáo Vit Nam – T đế chế đến quc gia – Charles Keith – Phm Nguyên Trường dịch. Người Việt Books xuất bản, 2016 tại Hoa Kỳ)


[1] Toàn văn bức thư trong Georges Taboulet, Le geste française en Indochine (Paris: Adrien Maisonneuve, 1956), 1: 348-49.

[2] Daughton, An Empire Divided, 42-43.

[3] Bức thư gửi từ Giám mục TâyNam Kỳ choGiáo hoàng Leo XIII, ngày 7/9/1895, NS 72, CEP.

[4] Pierre Brocheux và Daniel Hémery, Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858-1954 (Berkeley: University of California Press, 2009), 18.

[5] Tác phẩm đã dẫn.

[6] Ramsay, Mandarins and Martyrs, 145.

[7] Patrick Tuck, French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam, 1857-1914 (Liverpool: Liverpool University Press, 1987), 39. Tác phẩm đang nói tới là Eugène Veuillot, La Cochinchine et le Tonquin (Paris: Amyot, 1859).

[8] Được trích dẫn trong Cao Huy Thuần, Les missionnaires et la politique coloniale française au Vietnam (1857-1914) (New Haven, CT: Yale Council on Southeast Asian Studies Lạc Việt Series, 1990), 30.

[9] Về việc Pellerin không đồng ý với de Genouilly, xin đọc tác phẩm đã dẫn, 54-57.

[10] Mark McLeod, The Vietnamese Response to French Intervention, 1862-1874 (Westport, CT: Praeger, 1991), chương 3.

[11] Ramsay, Mandarins and Martyrs, 166.

[12] Tuck, French Catholic Missionaries, 81.

[13] Tác phẩm đã dẫn, 88-90.

[14] Tác phẩm đã dẫn, 58.

[15] Charles Fourniau, Vietnam: domination coloniale et résistance nationale, 1858-1914 (Paris: Les Indes Savantes, 2002), 124.

[16] Tuck, French Catholic Missionaries, 84.

[17] Tác phẩm đã dẫn, 107-8.

[18] Tác phẩm đã dẫn, 116.

[19] Tác phẩm đã dẫn, 127.

[20] McLeod, The Vietnamese Response to French Intervention, 109-11.

[21] Bùi Đức Sinh, Giáo hi công giáo Vit Nam, tập 2: 590.

[22] McLeod, The Vietnamese Response to French Intervention, 112.

[23] Etienne Võ Đức Hạnh, La place du catholicisme dans les relations entre la France et le Viêt-Nam de 1887 à 1903, tập 1: 95.

[24] Tuck, French Catholic Missionaries, 178.

[25] Mark McLeod bỏ qua những bản báo cáo đương thời này, đa phần là của các nhà truyền giáo, như là không đáng tin, ông khẳng định rằng họ tìm cách bào chữa cho những hành động nổi loạn của các tín đồ Công giáo bằng cách đưa ra giả thuyết về sự chống đối rộng khắp đối với triều đình nhà Nguyễn. Nhưng luận cứ của McLeod, hoàn toàn bỏ qua những người trung thành với nhà Lê và những phong trào chống đối nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ trong thời gian đó, không thuyết phục.

[26] McLeod, The Vietnamese Response to French Intervention, 118-22.

[27] Tuck, French Catholic Missionaries, 203.

[28] Fourniau, Vietnam, 305.

[29] Tuck, French Catholic Missionaries, 201.

[30] Tác phẩm đã dẫn.

[31] Võ Đức Hạnh, La place du catholicisme dans les relations entre la France et le Viêt-Nam de 1887 à 1903, tập 1: 522.

Bài ngẫu nhiên

Bài mới